Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

310. HUY CẬN VÀ MƯA

Chiều nay, tìm tài liệu, tình cờ mình thấy bài viết của học sinh cũ. Đó là bài của em Nguyễn Lê Kim Ánh, giải BA văn Quốc gia. Bài viết có nhan đề : "TÂM HỒN HUY CẬN QUA HAI BÀI THƠ MƯA : BUỒN ĐÊM MƯA VÀ MƯA XUÂN TRÊN BIỂN", mình đăng lên đây để nhớ một thời thầy trò cùng tập huấn đội tuyển Học sinh giỏi Ngữ văn Quốc gia.
     Một chút nắng vương mình qua ngõ. Một mùi hương xao động không gian. Một làn gió thoảng qua dịu mát… Tất cả, tất cả cứ chợt đến rồi chợt đi chỉ để lại trong thi nhân một nỗi niềm hoài vọng. Nhưng tấc hồn hoài vọng ấy đâu chỉ dành riêng cho những gì gọi là sinh sắc. Đã rất nhiều nhà thơ tìm thấy cảm hứng của mình trong những cơn mưa. Thả hồn mình vương theo hạt mưa ấy, Huy Cận đã đưa vào thơ Việt Nam hình ảnh những cơn mưa thật đẹp. Cũng gởi hồn mình vào mưa, nhưng ở Buồn đêm mưa (Lửa thiêng) và Mưa xuân trên biển (Đất nở hoa), thi nhân đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khác nhau.
    Nhà văn Xec – Môm đã từng suy ngẫm đến tận cùng trí nghĩ về con người và đặc biệt là tâm hồn của họ. Con người là một thực thể bí mật, không ai dám chắc mình đã hiểu hết tâm hồn con người. Chỉ có thể dám chắc rằng tâm hồn ấy sẽ không thôi dành cho ta một sự bất ngờ. Tâm hồn là một chuỗi nghĩ suy, lo lắng, hay là sự phân vân kéo dài của những buồn, vui, hờn, giận. Không ai có thể đi hết chiều sâu hồn người. Và đặc biệt là với thi nhân, tâm hồn họ lại càng khó đoán biết hơn. Giữa những ranh giới chênh vênh của cảm xúc thơ, người đọc như những nghệ sĩ xiếc vụng về, chỉ dám bước từng bước nhỏ mong sao chạm được vào thế giới tâm tư của người thơ. Bước theo con chữ mà Huy Cận dệt nên, ta có thể cảm nhận được nỗi buồn sâu lắng, thiết tha. Không hoàn toàn là nỗi buồn tĩnh tại, tâm hồn Huy Cận cũng như những con sóng. Nếu trước 1945, con sóng buồn trào dâng mạnh mẽ, dữ dội; thì sau 1945, điệu buồn ấy có phần được giải toả hơn. Buồn đêm mưaMưa xuân trên biển dường như đứng trên hai thái cực của những con sóng lòng Huy Cận. Nếu Buồn đêm mưa đã được sóng đưa đến tận ngọn nguồn của mình thì Mưa xuân trên biển lại nhẹ nhàng ẩn dưới những lớp chân sóng. Nơi đó, nỗi buồn đã toả lan đi và sinh sắc cuộc đời đã dần hiện lên sau làn mưa xuân. Ngay cả với một sự vật, sự việc cũ nhưng Huy Cận đã có những cách nhìn, cách khám phá và thể hiện khác nhau. Có được điều ấy phải chăng là nhờ tâm hồn Huy Cận đã có sự vận động chuyển dịch mạnh mẽ ? Những tình cảm mới đã giúp nhà thơ tìm thấy những điều mới lạ ngay trong những gì tưởng chừng đã cũ.
    Đỗ Lai Thuý đã từng đề từ cho bài viết của mình về Huy Cận bằng thơ Hàn Mặc Tử:
                    Van lạy không gian xoá những ngày
    Hồn thơ Huy Cận, theo ông, là một hồn thơ của không gian, của những nỗi khắc khoải không gian bất tận. Tìm đâu trong thơ Huy Cận cũng tràn ngập những không gian. Không gian thêm sầu, thêm buồn, thêm nhớ cho thi sĩ. Không gian đẩy đưa những ý nghĩ, những niềm thổn thổn thức, suy tư. Và trong Buồn đêm mưa hay Mưa xuân trên biển ta cũng phải thoáng băn khoăn, ám ảnh vì không gian đó. Ngay trong câu đầu tiến của Buồn đêm mưa đã bộc lộ những gì rất Huy Cận, những nỗi niềm rất riêng của ông:
                    Đêm mưa làm nhớ không gian
                    Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
    Lạ quá ! Trong văn chương từ cổ chí kim, ta chỉ gặp nỗi nhớ người, nhớ cảnh, nhớ về những kỉ niệm đã xa. Nay trong những dòng thơ Huy Cận, ta lại giật mình vì nỗi nhớ không gian. Một không gian mơ hồ, khó xác định. Không phải là những thôn Đoài, thôn Đông trong thơ Nguyễn Bính. Lại chẳng phải là vườn tược thôn Vĩ khuất lấp trong thơ Hàn. Đó là không gian nào đây ? Thực hay mộng ? Ngoại giới hay tâm giới ? Dìu dặt theo những điệu nhạc thơ, ta không còn cảm giác nghe được tiếng mưa, chỉ cảm được tiếng hồn buồn của tác giả đang từng "giọt rơi tàn theo lệ ngân" (Xuân Diệu). Ta như quên đi những cơn mưa thật mà bị ngập hồn trong cơn mưa lòng của tác giả. Không gian tâm tưởng ấy lại càng gợi thêm sầu, thêm buồn như chính cái nhan đề của bài thơ vậy. Buồn đêm mưa, tự cái nhan đề đã lây lan đến người đọc một cảm xúc buồn bã xa xăm. Khác với Mưa xuân trên biển, một nhan đề đã gieo vào lòng người đọc một xúc cảm nhẹ nhàng, không gợi buồn man mác. Và chính tiêu đề ấy đã gợi ra không gian cho cả bài thơ: một không gian rộng lớn của biển, của trời. Cả hai không gian ấy đều là không gian vũ trụ, "không thể lấy kích tấc thường mà đo đếm được" (Hoài Thanh). Một đằng là không gian của vũ trụ tâm hồn và một đằng là vũ trụ thực của đất trời sông biển và của cuộc đời. Không gian của vũ trụ thực ấy dễ đem lại cho ta một cảm giác đơn côi. Nhưng những hoạt động của sự sống đã kéo con thuyền sầu của Huy Cận đến một bến bờ khác hơn, một bến bờ của những niềm vui và hạnh phúc.
    Không gian nghệ thuật nếu chỉ đứng riêng rẽ một mình thì khó có thể làm tròn bổn phận của nó. Đặt trong tương quan với thời gian, không gian sẽ làm bật lên được nhiều điều. Thời gian mà Buồn đêm mưa gợi lên rất dễ thấy, đó là thời gian của một đêm khuya, u hoài và tịch mịch. Thời gian cuả những cơn Mưa xuân trên biển lại không hề thấp thoáng chút gì của ánh tịch dương, gợi những khoảng sâu thời gian của một đêm tối. Huy Cận như tô đậm hơn cái buồn, cái áo não đến thê thiết của lòng mình. Bóng tối chính là cái gợi được trong lòng ta nhiều nỗi u ẩn nhất. Đặt tâm hồn mình trên trục thời gian ấy, làm sao người thơ không khỏi cảm thấy buồn khi chính ông cũng là người thu hút cả cái mạch sầu ngàn năm ? Cơn sóng của nỗi buồn kia đã được nhà thơ trải rộng ra và dần dần mất hút ở Mưa xuân trên biển. Ta chỉ còn gặp ở đây một cuộc sống thanh bình, một phiên chợ mai. Phiên chợ mai kia, phải chăng là hình ảnh gợi nhắc một ấn tượng thời gian rõ ràng, thời gian của mặt trời, của những ánh nắng ban mai, của sự sống ngồn ngộn tươi non. Chỉ có ban ngày, người thơ mới có thể nhìn thấy mọi vật ngồn ngộn sức sống như thế. Không gian ngoại cảnh đã giúp người đọc hiểu hơn về thời gian của những hạt Mưa xuân trên biển này.
    Những ấn tượng chung, cảm nhận chung của người đọc về khoảng thời gian của hai tác phẩm này cũng chỉ có thể giúp người đọc bắt mạch được hồn Huy Cận ở một chừng mực nào đó, rất khiêm nhường thôi. Viết về mưa, nhưng Huy Cận lại xây dựng những hình tượng mưa rất khác nhau. Ở Buồn đêm mưa, mưa như hiện lên một cách rõ rệt hơn, cụ thể hơn và gần gũi hơn. Bởi điệu mưa cũng chính là điệu lòng mang mang thiên cổ sầu của nhà thơ. Tiếng mưa rơi hay cũng chính là tiếng lòng vang vọng ? Ngỡ như ta cảm nhận được cả sắc diện và nhịp điệu của mưa mà cũng là của cả đất trời:
                       Tai nương nước giọt mái nhà
                       Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn
    Tiếng mưa rơi trên mái sao nghe như tiếng của cả vũ trụ. Điệu hồn lục bát vốn dĩ đã đủ khiến ta ngậm ngùi, Huy Cận còn khơi gợi thêm trong điệu buồn cố hữu ấy bằng những từ láy, những vần, những điệu nghe đến xa xót não lòng ! Chỉ là những từ láy như nặng nặng, buồn buồn mà dư âm cứ lan toả, vang ngân mãi. Vần lưng, vần chân được Huy Cận dồn trong hai câu thơ như diễn tả sự nối tiếp nhau, liên tiếp nhau của những hạt mưa rơi. Không những thế, tác giả còn chú ý đến những bước chuyển, điệu nhịp của mưa:
                    Rơi rơi… dìu dịu… rơi rơi…
    Bạch Cư Dị đã từng miêu tả tiếng đàn của người ca kĩ bến Tầm Dương một cách huyền diệu đến mức người đọc phải ngỡ ngàng. Khi nàng dừng mà âm điệu, tiếng đàn vẫn còn vang vọng mãi:
                    Hữu thời vô thanh tắng hữu thanh
    Phải chăng Huy Cận cũng dùng lí thuyết "vô thắng hữu" ấy cho thơ nình ? Những dấu ba chấm lặng lẽ, vô hồn, tưởng như chỉ là chút điểm xuyến của câu thơ lại gợi lên nhiều điều. Mưa cứ rơi nhẹ nhàng, dịu dàng, từng giọt một. Không hiểu sao ta lại liên tưởng đến câu văn "hoa bàng rụng xuống vai Liên, khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một" (Hai đứa trẻ - Thạch Lam). Một bên là văn một bên là thơ, nhưng có cái gì đó rất tĩnh, rất duy cảm. Động đấy mà tĩnh đấy. Phải chăng đó là cái tĩnh lặng trong hồn thi sĩ ? Cái nỗi buồn tự ngàn đời của thi nhân ? Cảm nghe trong tiếng mưa rơi là cả những lời vu vơ mà tác giả đang cảm nhận. Tiếng mưa càng làm không gian thêm quạnh vắng và nỗi lòng nhà thơ thêm đơn côi. Không chỉ tiếng mưa mà cảnh cứ hiu hắt, cứ buồn man mác một nỗi niềm u uẩn trong tâm hồn thi sĩ.
                    Gió về lòng rộng không che
                    Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư
    Gió góp thêm một nhịp tâm hồn cho mưa để diễn tả nỗi lòng nhà thơ. Ta chợt nhớ những vần thơ của Nguyễn Đình Thi:
                    Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
                    Những phố dài xa xác hơi may
                                    (Đất nước)
    Nguyễn Đình Thi cũng dùng hình ảnh hơi may ấy nhưng lại kèm theo tiếng thơ xao xác. Tiếng lá uốn mình trên con đường nhỏ dưới nhịp đi của hơi may thôi mà đã gợi được cả cái xa xác của hồn phố đầu thu. Âm điệu thơ Nguyễn Đình Thi cũng buồn vậy. Buồn như chính nỗi buồn của Huy Cận. Nhưng Huy Cận không chỉ tả lá rơi mà còn tả lòng mình theo cái hơi may ấy. Chỉ là hơi may tức đã là gợn nhẹ lắm, thế mà Huy Cận lại cho nó chỉ hiu hắt thôi. Bốn bế tâm tư Huy Cận chở gió sao mà quạnh quẽ thê thiết đến vậy. Hồn buồn nghìn xưa, vạn cổ như chất chứa đầy thêm.
    Hình tượng thiên nhiên trong Buồn đêm mưa đã thể hiện sâu sắc nỗi buồn của Huy Cận. Những giọt mưa trong Mưa xuân trên biển rải đều ra trên mỗi khổ thơ chứ không xuất hiện đứt nối và cách quãng như trong Buồn đêm mưa. Tâm trạng chủ thể trữ tình không quá lộ rõ, không chỉ gởi gắm vào mưa mà còn trải rộng ra ở nhiều hoạt động khác. Mở đầu bài thơ là làn mưa xuân nhẹ nhàng rơi trong một khung cảnh ấm áp, thanh bình:
                    Mưa xuân trên biển thuyền yên chỗ
    Không gian như tràn ngập những giọt mưa yên bình, thanh nhẹ. Ta cảm nhận được trong hình ảnh mưa là cả một sự giao hoà, gắn kết với cảnh vật chung quanh, của cuộc sống thường nhật. Không còn trĩu nặng tâm tư, chứa chất những buồn sầu, cô đơn, mưa giờ đây một ý nghĩ tươi mát, trong trẻo hơn, thậm chí:
                    Lưa thưa mưa biển ấm chân trời
    Chân trời xa đã được bao phủ bởi một tia nhìn ấm áp. Nếu mưa ở Buồn đêm mưa làm tâm hồn nhà thơ lạnh lùng, xao xác:
                    Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
thì giờ đây lại là một hình ảnh khác hẳn. Những u buồn sầu não như đã tan loãng đi, nhường chỗ cho một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống mới. Không chỉ làm ấm những chân trời xa, giờ đây còn:
                    Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm
    Hình ảnh thơ có nét gì rất lạ nhưng lại rất gợi tả và gợi cảm. Mưa xuân làm con thuyền trở nên tươi tốt hơn. Tính từ chứng nhận hình ảnh cây buồm đã được động từ hoa nên càng thể hiện rõ nét những đặc tính mới của mưa. Mưa giờ đây không chỉ là hình ảnh biểu trưng, để nhà thơ thể hiện tấm lòng mà đã góp thêm một cách nhìn mới mẻ hơn về cây buồm, về sự sống, sự vươn tới tương lai căng phồng hạnh phúc. Tâm hồn nhà thơ căng nở hơn để hòa vào cuộc sống mới đang được xây dựng hay nói như Chế Lan Viên thi Huy Cận đã “phá cô đơn ta hòa hợp với người”. Niềm vui mới ấy còn thể hiện qua rất nhiều cảnh vật khác:
                    Tôm cá chắc đầy phiên chợ mai
                    Sắm tết thuyền về dăm bến đỗ
    Những cảnh sinh hoạt bình thường của người dân chài, những hình ảnh một mẻ lưới tốt tươi đã được Huy Cận miêu tả sống động. Ánh mắt của nhà thơ mới chỉ mong cầu một sự giao hòa, vượt thoát khỏi những giam hãm của thân thể nay đã đổi khác. Nhà thơ hướng con mắt yêu thương của mình đến cả những:
                    Em bé thuyền ai ra giỡn nước
và những hình ảnh rất đẹp, rất thơm:
                    Cơm giữa ngày mưa gạo trắng thơm
    Nhưng không phải Huy Cận đã hoàn toàn quên lãng, quay mặt đi với cái hồn buồn Đông Á của mình. Điểm xuyến cho bài thơ vẫn là những hình ảnh hư ảo, mông lung. Tưởng như người thơ đang để tâm hồn mình bảng lảng giao hòa với đất trời mênh mông. Xen lẫn với hình ảnh tươi vui là hình ảnh một chiếc đảo đơn côi nhưng đẹp lạ lùng:
                    Đảo xa thăm thẳm vệt mưa dài
    Tâm linh thơ Phương Đông như đã gợi cho Huy Cận một chiều khác của cuộc đời. Thăm thẳm là tính từ chỉ chiều sâu, nhưng dường như nó còn gợi ra cả một tâm hồn thi sĩ. Vệt mưa dài cũng đơn độc, đơn côi như chiếc đảo xa vậy. Tuy bề ngoài, nhà thơ đã trải lòng ra với đời; nhưng trong những góc khuất của tâm hồn, vẫn còn đó một Huy Cận triền miên đi về với người xưa, với những mạch sầu thiên cổ. Đây mới đúng là Huy Cận, mới thực là Huy Cận, một “ngọn lửa vẫn còn thiêng”.
    Những hình tượng mưa, những không gian, thời gian mưa, dù luôn được đặt trên trục ngôn ngữ để cảm nhận, nhưng ngôn ngữ cũng đã có ý nghĩa riêng. Valéry đã từng nói: Thơ là sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa. Những từ láy mà Huy Cận sử dụng cũng như có sự phân vân kéo dài giữa điệu hồn tác giả và điệu mưa rơi Buồn đêm mưa, có lẽ và có thể đã đạt đến một mức độ khá cao về nghệ thuật sử dụng ngôn từ của nhà thơ. Những nặng nặng, buồn buồn gợi trong ta những cảm nhận, suy tư đang trĩu nặng lòng nhà thơ. Những từ láy đứng giữa câu như đẩy tâm tư nhà thơ đến biên độ xa hơn, sâu hơn. Người đọc cũng cảm nhận được những rời rạc, lẻ loi trong lòng tác giả. Phụ âm "r" đứng liền kề nhau như làm tăng hơn sự rung động của chữ nghĩa, tỏa lan đến người đọc bao cảm xúc sâu xa. Những vu vơ, những hững hờ không chỉ gợi cảm giác mà còn đặc tả được cả những sắc thái tâm hồn thi sĩ. Đưa một lượng từ láy khá lớn như vậy vào thơ, Huy Cận hẳn như muốn bày tỏ lòng mình sâu sắc và tha thiết nhất. Mưa xuân trên biển không phải là không có từ láy nhưng mật độ không dày đặc như Buồn đêm mưa. Mượn ngoại cảnh để diễn tả tâm hồn khác với tự bộc lộ tâm trạng phải chăng là ở chỗ đó ? Điểm nhìn của chủ thẻ trữ tình khác nhau nên hai bài thơ có nhiều nét khác biệt cũng phải thôi.
    Có ai đó nói rằng: Thơ là tập hợp của những khoảng không lời. Ta bay giữa những khoảng không lời đó. Mỗi khổ thơ của Buồn đêm mưa chỉ có hai dòng lục bát. Dư âm cứ lan tỏa mãi quanh hai dòng lục bát đó. Những “vị buồn”, những “sắc buồn” như thấm sâu hơn vào lòng người đọc phải chăng là ở cả những khoảng trống ấy. Âm hưởng của vần, của điệu và của những thanh bằng như cộng hưởng với nhau để rồi vượt thoát khỏi vần chữ lan tỏa ánh sáng đến cho người đọc. Mưa xuân trên biển với thể thơ thất ngôn đã giúp nhà thơ diễn tả những cảm giác, những tâm tình mới. Tâm hồn thi sĩ như say theo những hoạt động tươi vui, căng tràn sức sống của người dân biển trong cuộc sống mới.
    Hai bài thơ, hai dòng cảm xúc về mưa đã gợi được những nét đặc sắc của hồn thơ Huy Cận ở hai giai đoạn sáng tác trước và sau năm 1945. Những suy nghĩ, trăn trở, những tình cảm trong ông đã được bộc lộ qua không gian, thời gian, hình tượng và những hình thức nghệ thuật độc đáo. Lạc vào thế giới thơ ấy, người đọc càng cảm nhận sâu sắc hơn những miền sâu thẳm nơi tâm hồn Huy Cận.
    Huy Cận tìm thấy những điều mới, những tình cảm mới trong những sự vật đã cũ. Nhưng ông không quay lưng lại hoàn toàn với cái cũ. Ẩn hiện trong cái mới là một hồn buồn cổ xưa. Huy Cận đã đưa người đọc đến những miền miên viễn của tâm hồn trong cả lúc buồn bã, âu sầu hay trong cả những niềm vui giữa cuộc sống. Và phải chăng đó là điều làm cho thơ Huy Cận sống mãi.

                                Nguyễn Lê Kim Ánh
                            Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – Đà Nẵng
PHỤ LỤC

Buồn đêm mưa                        Mưa xuân trên biển

Đêm mưa làm nhớ không gian,                            Mưa xuân trên biển, thuyền yên chỗ
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la…                     Tôm cá chắc đầy phiên chợ mai
                                                                         Sắm tết thuyền về dăm khóm đỗ;
Tai nương nước giọt mái nhà                               Đảo xa thâm thẩm vệt mưa dài.
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.
                                                                         Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mui,
Nghe đi rời rạc trong hồn                                     Lưa thưa mưa biển ấm chân trời.
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…                  Chiếc tàu chở đá về bến Cảng
                                                                         Khói lẩn màu mây tưởng đảo khơi.
Rơi rơi… dìu dịu… rơi rơi…
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ…                      Em bé thuyền ai ra giỡn nước,
                                                                         Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm.
Tương tư hướng lạc, phương mờ …                   Biển bằng không có dòng xuôi ngược,
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe           Cơm giữa ngày mưa gạo trắng thơm
                           
Gió về, lòng rộng không che,                                        (Đất nở hoa – 1960)
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư…
     
            (Lửa thiêng – 1940)
________________________________________

1 nhận xét:

  1. Đây là bai viết được đánh giá rất cao, khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của Kim Ánh.

    Trả lờiXóa