Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

390. THIÊN NHIÊN TRONG "TRÀNG GIANG" CỦA HUY CẬN

      Huy Cận bước vào thi đàn bằng tâm hồn đa cảm, đa sầu ; bằng nỗi khắc khoải không gian “hoá thân của thiên đường, của sự hoà đồng nguyên thủy thuở xưa” (Đỗ Lai Thúy). Nhà thơ của “một chiếc linh hồn nhỏ - Mang mang thiên cổ sầu” ấy đã dâng tặng cho đời tập thơ Lửa thiêng (1940) - ngọn lửa của tâm linh thơ, của  “niềm tin vào lương tri con người” (Hà Minh Đức). Ta thoáng thấy trong  bản ngậm ngùi dài ấy bóng dáng xưa của ngọn nguồn dân tộc, nhịp sầu buồn của vũ trụ nhân gian và cả điệu buồn mênh mang của thiên nhiên cảnh sắc. Thiên nhiên trong "Tràng giang" của Huy Cận vì thế, dẫu  rất gợi, rất đẹp nhưng cũng không tránh khỏi nỗi buồn tủi cô đơn nhuốm từ điệu sầu tận đáy hồn thi sĩ.
      Huy Cận là một nhà thơ luôn băn khoăn đi tìm tín hiệu vũ trụ. Không phải ngẫu nhiên, bàn về bài thơ này, Xuân Diệu viết: “ Cảm giác nổi trội nhất của ta là cảm giác không gian”. Không gian ấy được trải ra từ mặt sông lên tận chót vót đỉnh trời, không gian được mở ra từ thẳm sâu vũ trụ vào tận thăm thẳm tâm linh con người. Ấy là một thế giới vừa được nhìn bằng sự chiêm nghiệm cổ điển vừa được cảm nhận bằng tâm thế cô đơn của một cái tôi hiện đại, rất đặc trưng cho thơ Mới. Phải chăng vì thế mà "Tràng giang" hiện ra như một bức tranh tạo vật thiên nhiên mênh mang trời nước vừa hoang sơ, vừa cổ kính, trong đó thi sĩ hiện lên như một người lữ thứ đơn độc, lạc loài?
      "Tràng giang" là bức tranh thiên nhiên trời nước bao la, mênh mang đến rợn ngợp. Ngay cái tên bài thơ đã như một cửa ngõ mở vào cái bao la trời nước ấy. "Tràng giang" gợi ra hình tượng một con sông chảy mênh mang giữa trời và đất. Huy Cận đã rất nghệ thuật khi dùng chữ “ Tràng giang” thay cho chữ “Trường Giang”. Hai âm “ang” đi liền nhau làm tăng them độ rộng, thêm sức dài của dòng sông, tả được sự vô biên vô cùng vô tận của không gian. Và câu đề từ như thêm một lần nữa vén lên bức rèm, bước qua một hành lang mở thông vào vô biên : “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Nhưng dẫu sao những hình ảnh sống động của thế giới ấy chỉ thực sự mở ra với những câu đầu:                
                                Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
                                Con thuyền xuôi mái nước song song

      Có lẽ cái chất thơ của sông nước đã nhập vào những câu thơ thế này để phô bày vẻ đẹp của nó. Thiên nhiên sông nước êm đềm, vắng lặng gợi niềm hoài cổ. Nếu câu thứ nhất gợi được những vòng sóng đang loang ra, lan xa, bất tận, thì câu thứ hai lại vẽ ra những luồng nước cứ song song, rong ruổi mãi về cuối trời, gây ấn tượng về sự ngút ngàn, khuất lấp. Không gian vừa mở ra bề rộng, vừa vươn theo chiều dài . Hai câu thơ thấp thoáng âm hưởng, nhạc điệu và tứ thơ trong bài Đăng cao của Đỗ Phủ :     
                                Vô biện lạc mộc tiêu tiêu hạ
                                Bất tận trường giang cổn cổn lai

mà vẫn rất Huy Cận, rất Việt Nam.
     Phải chăng Huy Cận đã gặp gỡ người thơ xưa Đỗ phủ ? Có lẽ họ gặp gỡ nhưng mỗi nhà thơ đều có nét riêng, bởi :  "Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung” (Lê - ô - nit Lê - ô - nôp). Cùng đặc tả dòng trường giang, nhưng ở Tràng Giang của Huy Cận, đã có sự khéo léo, vận dụng linh hoạt trong đối ý, đối thanh điệu và những từ láy: điệp điệp, song song, làm cho bài thơ uyển chuyển, tạo được dư ba. Lời thơ ngừng nhưng ý thơ cứ trải ra vào miên man vô tận cuả khôn cùng trời đất.
Bức tranh thiên nhiên bao la không chỉ trải ra ở chiều rộng mà còn cả  chiều cao, chiều sâu đến vô cùng của cảnh vật :
                               Nắng xuống, trời lên sâu chót vót,
                               Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

      “Nắng xuống, trời lên”. Hai động từ ngược hướng “lên”, “xuống” đem lại một cảm giác chuyển động rất rõ rệt. Không gian ba chiều của vũ trụ rộng lớn tỏa ra từ chữ “sâu” và “chót vót”. Huy Cận không dùng chữ “cao”, vì “cao” chỉ gợi không gian hai chiều. “Sâu” là thêm chiều sâu cho đất trời, gợi tả được hồn buồn của vũ trụ và của lòng người. Nhà thơ là nghệ sĩ của ngôn từ. Qua bàn tay biến hoá, người thơ biến những con chữ vô tri trở nên sống động và nhảy múa trên trang giấy. Phải chăng vì thế mà câu thơ dù không có một chữ lạ, vẫn đọng lại sức ám gợi sâu sắc trong người đọc ?
      Dòng sông, bến đò, cả bầu trời dường như cũng cao hơn đến chất ngất trong thơ Huy Cận : 
                           Lớp lớp mây cao đùn núi bạc.
                           Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.

      Bầu trời, mặt đất mênh mang, khôn cùng theo ánh nhìn của con người cô độc. Tạo vật giữa không gian vô cùng, vô tận ấy cũng nhỏ nhoi, cụ thể đến tội nghiệp. Đó chỉ  là “con thuyền xuôi mái”, “củi một cành khô”, “cồn nhỏ lơ thơ” giữa lộn xộn, bộn bề :
                           Không cầu gợi chút niềm thân mật       
                           Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
 
Cảnh vật không chỉ nhỏ bé mà còn chia lìa, tan tác:
                           Thuyền về, nước lại, sầu trăm ngả,
                           Củi một cành khô lạc mấy dòng.
   
   Trong cảm thức về không gian, thuyền và nước vốn là hai hình ảnh luôn gắn bó, song hành cùng nhau, vậy mà khi đi vào thơ Huy Cận, tạo vật lại man mác nỗi buồn chia li xa cách. Cành củi khô lạc dòng, không biết dạt về bến bờ nào bởi trăm ngả nước mông lung, vô định. “Lạc mấy dòng” hàm chứa sự tan tác, chia xa. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập, tạo sự tương phản giữa cái hữu hạn với cái vô hạn của thiên nhiên tạo vật. Cái hữu hạn thì vô hướng, nhỏ nhoi, nhạt nhoà. Cái vô hạn thì sừng sững, khôn cùng. Ẩn dấu trong bức tranh thiên nhiên bao la ấy, có bóng dáng của người thi sĩ cô độc, rợn ngợp trong nỗi sầu nhân thế, cũng như bao thi sĩ lãng mạn đương thời.
     Thơ Mới đã mang đến cho người đọc những bức tranh thiên nhiên rạng rỡ, nhiều thanh sắc nhưng vẻ đẹp ấy thường gắn với nỗi buồn. Tràng giang có vẻ đẹp nên thơ của những con sóng “điệp điệp” đuổi nhau trên  mặt nước, của “cồn nhỏ lơ thơ”, của “bờ xanh tiếp bãi vàng” chạy dài tít tắp, nét hung vĩ của “nắng xuống trời lên sâu chót vót”, cảnh “sông dài trời rộng” được chấm phá bởi “mây cao”, “núi bạc”. Song, tất cả vẫn man mác nỗi buồn hiu quạnh, dẫu đẹp mà cô liêu.  “Người đã gọi dậy cái hồn buồn Đông Á, người đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm ngấm ngầm trong cõi đất này. Huy Cận triền miên trong cảnh xưa, trò chuyện với người xưa, luôn đi về trên con đường thời gian vô tận” (Hoài Thanh). Tràng Giang là một hồn thơ buồn, cái buồn trước một hiện thực chèn ép cái tôi cá nhân cá thể của nhà thơ :
                           Tuổi hai mươi ta sầu
                           Xã hội buồn ứa máu
                           Đời đau nên hồn đau
                           Trang thơ nằm ảo não
 
                               (Huy Cận, 1980)
      Hồn buồn nên Huy Cận nhạy cảm trước tạo vật, vũ trụ buồn. Ông lượm lặt những chút buồn rơi vãi trong không gian mà dệt nên những vần thơ sầu muộn của chính mình. Cảnh trong "Tràng giang" vì vậy, đều là cảnh buồn. Con thuyền lặng lẽ xuôi mái chỉ hiện ra trong thoáng chốc rồi sau đó nép mình vào bờ bãi nào đó, mất hút, trả lại không gian cho muôn ngả sông lặng lẽ trôi. Bức tranh tuy có cồn đất, có nắng, có gió, có làng, có chợ, nghĩa là có tiếng con người đấy nhưng sao vẫn không át được cảm giác tàn lụi, hiu hắt. Bởi có gì buồn bằng cảnh chợ chiều tan tác:
                           Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê
                           Lá đã rụng tơi bời quanh quán chợ

                                ( Đoàn Văn Cừ - Chợ Tết)
      Trên nền thiên nhiên bát ngát chỉ điểm lơ thơ mấy cồn nhỏ và thoáng chốc xao động lên vài cơn gió “đìu hiu”. Hai từ láy “lơ thơ” và “đìu hiu” đã gợi nên nét quạnh quẽ, đơn chiếc, bật lên ảo não thành tiếng thở dài u uất. Cảnh không dừng lại ở đấy, sự trống vắng, buồn bã dường như còn nhân lên gấp bội:
                         Mênh mông không một chuyến đò ngang
                         Không cầu gợi chút niềm thân mật

      Chiếc cầu, con đò là phương tiện giao nối đôi bờ, gợi không khí tấp nập, gần gữi nhưng ở đây, “không đò”, “không người”, càng tô đậm thêm sự quạnh vắng. Hai bờ sông cứ chạy dài về phía chân trời như hai thế giới cô đơn, xa lạ không bao giờ gặp gỡ, không có ”chút niềm thân mật” của những tâm hồn đồng điệu. Cái còn lại phủ trùm không gian chỉ là “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” với gam màu lạnh đậm u buồn, quạnh quẽ chất ngất mà thôi.
        “Tràng giang, bài thơ hầu như cổ điển của một nhà thơ hiện đại”(Xuân Diệu). Cả bài thơ "Tràng giang: toát lên một phong vị cổ kính, trang nghiệm, dẫu bao la trời nước hay đẹp buồn, quạnh vắng, đều mang nét đẹp cổ điển mà hiện đại, đậm đà phong vị Việt Nam mà khó bài thơ nào có được.
      Chất cổ điển bàng bạc ở cảm xúc bài thơ. Hình ảnh con người một mình đối diện với vũ trụ để cảm nhận cái vĩnh viễn vô cùng vô tận của không - thời gian, cái hữu hạn của kiếp người dường như hiện diện đâu đó trong Đường thi:
                        Cô phàm viễn ảnh bích không tận
                        Duy kiến Trường giang thiên tế lưu
  
 (Lí Bạch- Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng)
       Là một người thuộc lớp Tây học, nhưng tâm hồn tác giả" Lửa thiêng" lại thấm đẫm phong vị Đường thi, nên không gian "Tràng giang" cứ lãng đãng thơ Đường. Tâm hồn ấy được bộc lộ rõ nét khi thi sĩ để cho một cánh chim chiều xuất hiện đột ngột giữa bức tranh thơ:
                        Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa
      Cánh chim chở hồn chiều, chở linh hồn của vũ trụ rải rắc xuống trần gian. Tạo vật do đó như thấm một màu chiều rất thơ mà cũng rất âm trầm. Đó là cánh chim là là bay, bóng chiều trĩu nặng khiến cánh chao nghiêng, là cánh chim vội vã trốn ánh chiều buông, và phải chăng đó cũng là tứ thơ của Lưu Trường Khanh đời Đường: “Mặt trời xế trên Hán khẩu đỡ cánh chim là là bay”?
      Hai câu thơ cuối vẫn toả ra hơi hướm của thơ Đường, và của thơ ca truyền thống Việt Nam của một hồn thơ Mới :
                       Lòng quê dờn dợn vời con nước
                       Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
 
     Câu thơ Huy Cận gợi nhớ ta về câu thơ của Thôi Hiệu, đời Đường:
                       Nhật mộ yên quang hà xứ thị
                       Yên ba giang thượng sử nhân sầu

                        (Hoàng Hạc Lâu)
       Bài thơ tuy dường như cổ điển, nhưng vẫn có những nét hiện đại. Thôi Hiệu buồn vì cái đẹp đã mất, một đi không trở lại, cánh chim thiêng, người tiên và cõi tiên mờ mịt, ý thức thực tại. Còn Huy Cận ý thức tình người. Huy Cận cảm nhận nỗi cô đơn ngay giữa quê hương, nỗi buồn của cả một thế hệ không tìm được lối ra. Thơ cũ tả cảnh ngụ tình, khơi gợi tâm trạng, tạo vật được cảm nhận theo cái nhìn chủ quan, với thời gian ngưng đọng; thơ mới, thơ của cái tôi nội cảm, không cần mượn ngoại cảnh mà tự biển hiện tâm trạng với những cung bậc cảm xúc thiết tha. Những thi liệu trong "Tràng giang" lại hết sức gần gũi bình dị. Đó không phải là tùng, cúc, trúc, mai, mà chỉ là cành củi khô, là cồn nhỏ đìu hiu, vài cánh bèo trôi dạt…
      "Tràng giang" có hồn điệu thơ Đường thấm sâu trong cảm xúc nhà thơ, nhưng cũng là cảm xúc trước thiên nhiên đất nước Việt Nam, sông Hồng và những dòng sông quê hương của một nhà thơ mới. “Bài thơ không chỉ do sông Hồng gợi cảm hứng mà còn cảm xúc chung về những dòng sông khác của quên hương” (Huy Cận).
        Bài thơ đã tạo dựng một bức tranh thiên nhiên cổ kính, hoang sơ với chiều kích mênh mang vô biên, đậm chất Đường thi trong một hệ thống ước lệ hình ảnh: tràng giang, thuyền về, nước lại, sông dài, trời rộng, khói hoàng hôn….Nhưng bức tranh ấy vẫn có nét quen thuộc gần gũi, phảng phất bóng nét cảnh vật sông nước trên khắp đất nước Việt Nam : một dòng sông mênh mang, một con thuyền xuôi dong, một cành củi khô, một cánh bèo trôi dạt… Trong "Tràng giang", mỗi khổ thơ đều là một nét vẽ, một mảng màu sông quê hương, tạo thành bức tranh thiên nhiên đất nước đẹp mà buồn.
    Tình yêu thiên nhiên thấm đượm lòng yêu nước thầm kín. Trong văn chương Trần Quang Khải, Nguyễn Tuân, Tản Đà,…. đã bày tỏ long yêu nước xa xôi, bóng gió. Ở "Tràng giang", “nỗi buồn sông núi” đã hòa vào nỗi bơ vơ trước tạo vật thiên nhiên hoang vắng và niềm thiết tha với thiên nhiên tạo vật ở đây cũng là niềm thiết tha với quê hương đất nước. Phải chăng như Xuân Diệu nhận xét: “ Tràng Giang là một bài thơ ca ngợi non sông đất nước, do đó dọn đường cho tình yêu giang sơn 

Người thực hiện :
Mai Thị Diệu Hoà
Nguyễn thị Minh Chi
Lê Thị Hà Tiên
Phan Nguyễn Diễm Phương
(12C LQĐ, 2011)
  ______________________________
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét