Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

392. NÉT ĐẸP LỆ LÀNG

      Xưa nay, trong cái nhìn của những người được gọi là hiện đại, lệ làng là một cổ tục, thậm chí là hủ tục, mang màu sắc tư tưởng nông dân lạc hậu. Nó cũng tù túng như chốn “ao tù nước đọng” nơi sản sinh ra nó. Thực ra, cũng như tất cả những sự vật hiện tượng khác, lệ làng vẫn có “hai mặt trong một vấn đề” của nó. Bên cạnh cái gọi là hủ tục,
lệ làng vẫn lấp lánh vẻ đẹp của đạo lí, của tinh thần nhân văn, nhân đạo của con người Việt Nam sau lũy tre xanh. Một trong những vẻ đẹp đó của lệ làng xưa đó là “Quỹ Nghĩa thương”.
      Quỹ nghĩa thương” là quỹ bằng thóc do làng gây dựng nhằm mục đích cứu tế, tương trợ cho dân làng gặp lúc thiên tai, dịch họa, hạn hán mất mùa. Đặt biệt, quỹ còn hỗ trợ cho những người nghèo trong cộng đồng vay để sản xuất thoát đói nghèo, tạo dựng hạnh phúc đời thường cho gia đình họ.
Quỹ theo tinh thần này có mục đích cao đẹp, rất giàu tình người. Những “Quỹ nghĩa thương” ra đời từ bao giờ, hiện nay vẫn chưa được minh định cụ thể, chính xác. Có tư liệu ghi, có lẽ quỹ ra đời vào năm 1460, khi vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cho các nhà giàu các làng xã nộp thóc vào quỹ công và ban tước cho họ, tước cao thấp tùy số lượng thóc nộp được. Đến đời Nguyễn, nghĩa thương là loại quỹ bằng hiện vật, chủ yếu là thóc, đặt dưới sự quản lí của làng nhằm chẩn cấp lúc mất mùa, đói kém.
      Ghi chép của văn bản sử kí là thế. Nhưng nhìn sâu hơn vào dòng chảy văn hóa của dân tộc, của một làng quê, hẳn sẽ có thêm lời giải đáp mới cho nguồn gốc của “Quỹ nghĩa thương”. Làng quê là nơi sinh tụ, làm ăn của người nông dân Việt Nam, đồng thời cũng là một đơn vị hành chính cơ sở của nhà nước phong kiến. Làng quê, vì vậy ngoài những nghĩa vụ đối với nhà nước, còn phải có nghĩa vụ đối với chính mình. Làng phải tổ chức thờ tự, hội lễ, tế tự, lo liệu cả vấn đề cứu tế, tương trợ lẫn nhau của dân làng. Hơn nữa, nước Việt có nền văn hóa lúa nước lâu đời. Chính nền văn hóa nông nghiệp với lối sống cộng cư đã hình thành tình và nghĩa trong đạo lí sống của con người Việt Nam ở chốn hương thôn. Đời sống kinh tế nông nghiệp lạc hậu lấy sức người và con trâu cái cày làm công cụ chủ yếu, nên luôn luôn phải “Trông trời, trông đất, trông mây - Trông mưa, trông nắng trông ngày trông đêm” (Ca dao). Thế nhưng trời nhiều khi quá “vô cảm”, không chìu lòng người, đã chặt đôi cánh ước mơ của con người. Bởi Việt Nam là xứ sở có khí hậu nhiệt đới gió mùa với bao yếu tố thiên nhiên khắc nghiệt thất thường. Cho dù, người nông dân đã chọn cách “sống chung” với yếu tố địa lí đặc thù đó, nhưng họ không hề được sống dễ chịu, thoải mái một chút nào. Họ phải đối mất với mất mùa thường xuyên, đói kém thường xuyên. Trong hoàn cảnh ấy, biện pháp hữu hiệu nhất là “tự cứu”, phải tương trợ lẫn nhau “lá lành đùm lá rách”, nhưng không thể tự phát được mà phải có tổ chức, có sách lược lâu dài. Phải chăng đó là nguyên nhân sâu xa của sự ra đời “Quỹ nghĩa thương”.
      “Quỹ nghĩa thương” được xây dựng bằng nhiều phương thức khác nhau. Có làng trích một phần ruộng công để cả làng cùng cày cấy, thu hoạch, lúa cất giữ vào kho chung. Có làng trích một phần “lúa sương túc”, tức là lúa dành cho phiên tuần thu theo đầu sào, mỗi sào hai lượm lúa. Có làng lại “phụ thu” thuế ruộng, mỗi sào nộp thêm một số thóc nhất định. Có làng do nhà giàu công đức để nhận một vị trí ngôi thứ trong làng tương hợp với số thóc bỏ ra. Nhưng cũng có làng mạnh tay hơn, gặp mất mùa, đói kém thì thu thóc của những nhà giàu để phát chẩn, nhưng kèm theo đó là trả cho những nhà giài bị thu thóc kia một số quyền lợi về tinh thần.
      Có quỹ rồi vấn đề quản lí thế nào đó là điều đáng quan tâm. Làng chịu trách nhiệm gây quỹ, phát chẩn, nhưng một người có nhân cách đạo đức trong làng được cộng đồng tin cẩn chịu trách nhiệm quản lí. Hàng năm, dân làng sẽ kiểm tra việc chi, thu một cách gắt gao. Nếu người quản lí nào thâm lạm sẽ bị phạt rất nặng. Đây là một cách làm rất dân chủ, trọng người có tài năng đạo đức của làng quê, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân của người xưa. Đây cũng là việc làm thiết thực mang màu sắc nhân đạo Việt Nam, vì con người, tất cả cho con người của người xưa.  Vì vậy, năm 1860, vua Tự Đức đã chuẩn sắc các làng trên cả nước phải thành lập “Quỹ nghĩa thương” cũng là một điều dễ hiểu.
      Nói tóm lại, “Quỹ nghĩa thương” là một việc làm không những có ý nghĩa nhân đạo, mang màu sắc dân chủ mà còn tô đậm vẻ đẹp tình nghĩa của con người Việt Nam. Phải chăng bên cạnh những hủ tục, những lệ làng cổ hủ như mua nhiêu, mua xã,… phải khao đến nỗi vác bị gậy ra đường ăn xin mà Ngô Tất Tố ghi chép trong “Việc làng”, vẫn có những lệ làng thật cao đẹp, đã khẳng rõ thêm ý nghĩa của : “Bà con xa xóm giềng gần”, “Tình làng nghĩa xóm” tối lửa tắt đèn có nhau.
      “Quỹ nghĩa thương”, đẹp biết bao lệ làng, một bài học cho mọi thời, mọi người.

                         Hoàng Dục, 25-1-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét