Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

572. LAN MAN TRƯỚC MÀN HÌNH TV

    
Yểu điệu thục nữ (Kỷ niệm PHCT)

Kể từ ngày bỏ lại đằng sau phấn trắng bảng xanh, bỏ lại những nụ cười của tuổi trẻ, mình đâm ra nghiện TV vào khoảng 20 đến 22 giờ. Mà đã nghiện TV thì nghiện luôn cả phim truyền hình Hàn Quốc, Nhật Bản chiếu chật cả thời gian, nêm cứng cả khoảng trống giải trí của mình. Không những thế, mình cũng được no mắt đầy tai tiếng nhạc, tiếng hát, điệu nhảy của những “Việt Nam Idol”, “Thử thách bước nhảy”, “Hành trình kết nối những trái tim”,… Nói chung, những gì thuộc về tài năng, về cái gọi là cá tính, về tình cảm yêu đương của tuổi trẻ Việt, mình được xem tất.

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

571. VỚI BÓNG TRI ÂM

Phượng Hoàng cổ trấn (Trung Hoa) về đêm
Vắng "nhà" cũng đã lâu, vì bận bịu nhiều việc, nay trở lại lòng có chút bâng khuâng. Điều thú vị nhất là được tin anh bạn thân thuở nào đang lập facebook và mình là người đứng đầu danh sách kết bạn. Đó là Facebook của anh Nguyễn Đức Bạtngàn. Đặc biệt, bạn đã tag một bài thơ trên fb của mình. Bài VỚI BÓNG. Mình đăng lên blog với niềm cảm xúc cố cựu vừa giới thiệu với những bạn bè yêu thơ và vừa để bạn mình không một mình với bóng mà cảm hoài: Nay chút tình cố cựu/ cũng giong buồm xa khơi.

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

570. TRỞ LẠI CHỐN XƯA

Trái qua: Chị Ngọc, bà xã và anh Hô
     Cũng đã bảy năm mới trở lại Buôn Hồ, nơi tôi ướm nét phấn đầu tiên lên bảng đen, nơi tôi chính thức tạo nghiệp “trồng người” lắm gian nan mà thích thản, cái nghề đã hình thành số phận của mình. Trở lại lần này, tôi không một mình như năm 2007, “Kỉ niệm 30 năm thành lập trường”. Bên tôi có bà xã, người khởi sự gieo hạt giống tâm hồn cũng tại nơi này, dưới mái trường THPT Krông Buk nên mang màu sắc khác, không ồn ào, trầm lắng hơn nhưng ý nghĩa hơn.

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

569. HỌC VĂN GÌ?


    Ở đời, con người ta nhiều khi rơi vào tình trạng bé cái nhầm đến khóc hổ ngươi cười ra nước mắt. Có những điều tưởng đã thấu tỏ ngọn nguồn hóa ra u u minh minh. Có những việc nghĩ dễ như bỡn, chỉ là chuyện vặt hóa ra quá to tát, càng cố gỡ càng rối như canh hẹ. Có những khái niệm ngỡ đã thuộc nằm lòng, có thể trả lời vanh vách nhưng rồi lại ngắc ngứ à uôm…

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

568. VỀ MỘT BÀI THƠ "TÁ VĂN" (TT)

NGÔN HOÀI VÀ DƯỢC SƠN CA TẶNG DUY NGHIỄM DƯỚI CÁI NHÌN SO SÁNH
Trong nền thi ca dân tộc, những bài thơ cổ xưa nhất vẫn còn được nhắc tới như những tác phẩm tinh anh nhất đúc kết giá trị không chỉ của một thời đại mà là với muôn người, muôn đời đó chính là thơ Thiền. Sinh ra và phát triển trong lòng vương triều Lí -Trần, mang nặng âm hưởng thời đại song những bài thơ ấy vẫn có một sức sống bất diệt bởi chất triết lí, những quan niệm về nhân sinh, về mối quan hệ giữa con người và thế giới, hướng con người tới chính đạo, chính tâm. Không dễ gì để có thể hiểu một bài thơ Thiền và có những bài thơ đem đến những cách nhìn thật khác nhau, có lẽ đó chính là một trong những sức hấp dẫn của dòng thơ này. “Ngôn hoài” của Không Lộ  thiền sư chính là một trong những bài thơ như thế.

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

567. VỀ MỘT BÀI THƠ "TÁ VĂN"

NKM: Tá văn hay "tập cổ" là một hiện tượng phổ biến trong văn học phương Đông. Hiện tượng này không bị xem là đạo văn, ngược lại được cho là vay mượn để làm mới như là cách thức tiếp biến văn hóa. Trong văn học Việt Nam trung đại, vay mượn có sáng tạo đã xẩy ra. Ngôn hoài của Thiền sư Không Lộ đã thể hiện rõ điều đó. Bài thơ vay mượn cả phần xác lẫn phần hồn bài thơ Dược Sơn ca tặng Duy Nghiễm của Thứ sử Lý Cao (772- 841) đời Đường tặng Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm (750-834), nhưng đúng là mới, thể hiện tinh hoa thơ thiền đời Lý trong văn học Việt Nam.

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

566. CÁI NẮNG QUÊ NHÀ

vàng nắng
Mặc dầu đang chuẩn bị lập đông vậy mà cái nắng vẫn tung hoành, không khí vẫn hầm hập, nắng vẫn rát bỏng da người. Bốn ngày ở quê là bốn ngày sống chung với cái nắng ẩm rít ráp, nhưng xem chừng không có nó như thiếu một người thân. Bởi đó là cái nắng của thuở thiếu thời, cái nắng của rong chơi thời gian giữa chốn quê nhà, cái nắng tạo nên nét riêng của địa văn hóa vùng miền.

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

565. TÔI VIẾT SÁCH GIÁO KHOA

     Vui vì được tự hào là người Việt Nam chưa dứt, tôi lại được bồi bổ thêm bằng niềm vui Bộ GD& ĐT hạ giá thành đổi mới SGK và chủ trương một chương trình nhiều bộ sách. Cuộc sống cứ mãi là niềm vui nối tiếp niềm vui như thế này thì đáng yêu biết bao. Và tôi đâu cần ước ao như Chí Phèo: “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ” khi gần gũi với Thị Nở.

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

564. TỰ HÀO NHƯ NHỮNG LỜI RU

      Đọc một số bài viết, thấy có hiện tượng, hình như là phong trào “chấn hưng” lòng yêu nước của người Việt mang tên: “Tôi tự hào là người Việt Nam”. Phong trào này thể hiện qua hai sự kiện. Một là phát hành cuốn sách cùng tên gồm 33 bài viết của 33 tác giả do Thái Hà Book ấn hành. Nghe đâu mới phát hành đã bán 10.000 bản trong một chớp nhoáng. Hai là cuộc hội thảo chủ đề trên diễn ra ở Hà Nội và Sài Gòn. Dù sách chưa thấy chưa đọc; hội thảo không dự không nghe; dù chẳng hiểu mô tê gì, nhưng cũng cảm thấy sướng rân vì tôi là người Việt.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

563. HÀ GIANG GHI CHÉP (TT)

Phố cổ Đồng Văn
3. Theo triền cao nguyên đá
      Theo quốc lộ 2C, quốc lộ 37, chúng tôi mượn Tuyên Quang để ngược Hà Giang. Càng đi, hai bên đường càng thưa thớt dân cư. Chỉ có núi non và nắng. Tháng 6, vùng núi xứ Bắc vẫn chói chang nắng. Nắng lung linh trên các chỏm ngọn cây. Nắng lênh láng khắp cả đồi chè. Nắng chùng chiềng nơi lũng thấp dưới kia. Nắng nung nóng cửa kính phía tôi ngồi. Nắng… Chao ôi, có lãng mạn đến mấy, tôi vẫn cảm nhận những đồi cọ trên cao kia, dù xòe ô hết cỡ cũng khó lòng che được nắng cho những lữ khách qua đây.

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

562. HÀ GIANG GHI CHÉP (TT)

  2. Tam Đảo, phía mặt trời lên
Cửa vòm Nhà thờ đá Tam Đảo
      Tôi mở toang cửa sổ. Phía xa xa da trời còn mờ trắng. Sương như vờ vịt tản mác đó đây. Những núi đồi và những ngôi nhà còn lấp ló sau bức màn sương nhạt. Chỉ có những giàn su su thấp màu xanh bợt lồ lộ trước mặt. Tất cả yên ả trong cái se lạnh của một rạng sáng chốn núi non.

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

561. VỀ MIỀN THƠM NGÁT MÙA HOA YÊU THƯƠNG

HD: Sau khi đăng, "Trần Đình Quân và Khúc tình ca xứ Huế" của thầy Trần Đại Tăng, Nguyễn Hữu Viện-bạn B2 ngày ấy của một thời Trung học Phan Châu Trinh- gửi bài viết của thầy Trần Gia Phụng "Về miền thơm ngát mùa hoa yêu thương" khi nghe tin thầy Trần Đình Quân mất. Mình xin đăng lên đây với mục đích duy nhất vừa làm tư liệu vừa để các bạn PCT xưa đọc cho thêm tràn đầy tình thầy, tình trường xưa.
Nhạc sĩ Trần Đình Quân qua nét vẽ Danh học Tạ Tỵ
Sửa soạn vào bữa cơm tối với gia đình, tôi nghe chuông điện thoại reo. Điện thoại đường dài, vì cắt khoảng nhiều lần. Đầu dây bên kia, Nguyễn Tuấn nói hơi chậm so với thường ngày: Phụng ơi, thầy Quân mất rồi mi ơi!. Tuy biết anh Quân bị đau và nằm liệt giường đã lâu, nhưng tôi vẫn cảm thấy chấn động, lành lạnh, và lặng đi. Tuấn cho biết vừa mới đi làm về thì nghe cháu gái kể lại cô Hương gọi điện thoại báo tin buồn là thầy Quân ra đi lúc khoảng 2g15' giờ Cali. Tuấn chưa biết gì cụ thể vì chưa liên lạc được với chị Hương.

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

560. THỨ BA HỌC TRÒ



      Khi nói về học trò, nhất là sự nghịch ngợm của chúng, người ta thường dùng câu nói cửa miệng: “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Tất nhiên, tùy theo hoàn cảnh giao tiếp, giọng điệu mà câu nói đó có sắc thái biểu cảm, có hàm ý khác nhau, nhưng phần lớn vẫn nghiêng về chê trách.

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

559. TRẦN ĐÌNH QUÂN VÀ KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ

HD: Nhân ngày giỗ lần thứ 11 của thầy Trần Đình Quân, thầy Trần Đại Tăng gửi tặng mình bài viết này.Và được phép của thầy, mình đăng lên đây để tưởng niệm một người thầy tài hoa của trung học Phan Châu Trinh ngày ấy. 
TRẦN ĐÌNH QUÂN và KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ 
Trần Hoan Trinh 
Kỷ niệm 11 năm ngày mất
của TRẦN ĐÌNH QUÂN (22.9.2003-22.9.2014 ) 
Mến tặng chị NGUYỄN THỊ HƯƠNG
và 2 cháu TRẦN ĐÌNH DUY, TRẦN THỊ NAM PHƯƠNG 
                                             Mùa hè 1964.
Thầy Trần Đình Quân
Chiếc xe đò Phi Long sơn hai màu vàng đỏ chạy đường Đà Nẵng-Qui Nhơn rời bến  tại ngả năm Phan Châu Trinh–Hoàng Diệu đúng 5 giờ sáng một ngày thứ bảy. Trần đình Quân, Nguyễn Thanh Trầm và tôi được điều động vào chấm thi Tú Tài I tại Hội đồng thi Qui Nhơn. Mặc dầu được Phòng Tài vụ Toà thị chính Đà Nẵng cấp phương tiện di chuyển bằng máy bay, nhưng  máy bay Đà Nẵng-Qui Nhơn tuần chỉ có 2 chuyến, thứ Hai và thứ Năm. Đi vào ngày thứ Hai thì quá trễ, ngày thứ Năm thì quá sớm. Chúng tôi rủ nhau đi bằng xe hơi cho vui.

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

558. MỪNG TUỔI LÊN HAI



      Câu lạc bộ Trẻ làng Kế Môn tại Đà Nẵng tròn hai tuổi. Cái tuổi non trẻ nhưng biểu hiện sự lớn lên của những con người, của một tập thể đang gắn kết với nhau bởi ý thức cộng đồng, ý thức về văn hóa làng xã. Hai tuổi, cái tuổi rất nhỏ nhưng niềm vui lại rất lớn, rất đong đầy. Với niềm vui ấy, Câu lạc bộ đã tổ chức họp mặt Kỉ niệm sinh nhật và Sơ kết 6 tháng, lần thứ tư trong nhiệm kì của Ban điều hành vào lúc 17 giờ, ngày 9-9-2014 tại Nhà khách Cục Hậu cần, 458 Nguyễn Tri Phương Đà Nẵng.

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

557. KHUYẾN HỌC CỦA QUÊ TÔI



      Mỗi lần trò chuyện với bạn bè thì y như rằng cố hương vẫn là một đề tài muôn thở. Cố hương luôn hiện rõ mồn một như chẳng có sự khuất che của lớp sương khói thời gian. Mới hay, nỗi nhớ quê xưa âm thầm mà mãnh liệt, mãi luân lưu trong lòng những ai xa quê. Tôi không hiểu tại sao, nhưng có lẽ quê cũ là nơi ta sống trong những ngày thơ bé. Quê hương và tuổi nhỏ, làm sao mà quên được.

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

556. GIỚI THIỆU SÁCH "GIÓ TỪ BÀN TAY MỞ"

HD: Đây là bài viết của Du Tử Lê, giới thiệu tác phẩm của Lê Đình Đại, một người em thân thương. 
 
Lê Đình Đại, “Gió Từ Bàn Tay Mở” Hay, Những Tình Khúc Từ Một Trái Tim Nhân Ái, Lớn

Và, Nguyễn Lương Việt.
Nếu không kể những tác phẩm văn xuôi nhàn nhạt thì, cõi giới văn xuôi của những người trẻ trong nước cũng như hải ngoại, gần đây, có xu hướng nghiêng nặng về những nỗ lực trưng diễn ám ảnh và, phản ứng hóc hiểm, rồ, dại về dục tính!

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

555. BÀI VIẾT HAY NHÂN NGÀY VU LAN

NKM: Tuấn Khanh viết bài này thật hay. Xin trích đăng lại từ blog của ông.

Vu Lan không có hoa hồng

Từ ý tưởng của người Nhật, thiền sư Thích Nhất Hạnh mang về Việt Nam một tập tục dịu dàng cho các đứa con vào mùa Vu Lan: một bông hồng đỏ cho mẹ còn trên cõi đời, một bông hồng trắng cho mẹ đã thành mây bay khắp cõi. Ngẫm nghĩ về những điều này, có lúc, tôi tự hỏi, với những người mẹ vẫn còn sống nhưng con thì đã mất, mùa Vu Lan sẽ phải biểu hiện ra sao?

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

554. CÁI NẾT KHÔNG CHỪA!



      Người ta thường nói “bệnh nghề nghiệp”, “thói quen nghề nghiệp”, “méo mó nghề nghiệp”, “táy máy nghề nghiệp”… để chỉ một ai đó thường can dự vào việc làm của người khác nếu người đó bàn bạc hay làm đúng nghề của mình. Xưa nay, tôi cho rằng những cụm từ ấy cũng chỉ là lời nói bình thường, nếu có phê phán cũng nhẹ nhàng thôi. Tôi không nghĩ đó là một căn bệnh tự phụ, tâm lí đề cao cái tôi của con người. Mà đã đề cao cái tôi thì thường kéo theo những trạng thái tâm lí (tư tưởng) như cố chấp, bảo thủ, cảm cựu,… Bây giờ, ngồi ngẫm lại, tôi thấy đúng, đó là bệnh. Và tôi là một người đang mắc phải căn bệnh đó.

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

553. TRUYỆN NGẮN CỦA A. MUNRO (Nobel 2013)



TÀU HỎA
Truyện ngắn, nguyên tác Anh ngữ: “Train”
Tác giả : nữ văn sĩ Alice Munro (Canada)
Giải Nobel 2013 (gồm 14 tập truyện ngắn)
Nguyễn Anh Thư  biên dịch
Phùng Hoài Ngọc hiệu đính

 Dẫu sao đây cũng là tàu chậm, và nó còn chạy chậm hơn tại khúc quành. Jackson là hành khách duy nhất rời khỏi tàu. Khoảng hai mươi dặm nữa là đến ga tiếp theo. Sau đó là các ga Ripley, rồi Kincardine và hồ. Anh đang có cơ hội để nhảy xuống và không thể bỏ lỡ nó được. Anh đã rút vé ra khỏi máy dập vé ở phía trên đầu rồi.

552. DUYÊN VĂN



     
Cùng Tâm Nhiên ở nhà Mai Xuân Anh
Gặp Tâm Nhiên ở nhà Mai Xuân Anh. Trò chuyện về chữ nghĩa thân tình như đã bao giờ. Ra về càng nghiệm và hiểu thêm cái đẹp của chữ duyên, cái chữ duyên văn chương.
      Tối thứ ba (29-7-2014), lại được mời đến nhà Quang Hưng ở đường Phạm Phú Tiết. Lại được gặp gỡ những anh em đam mê viết lách, làm thơ. Bên cạnh những khuôn mặt quen thuộc như Lê Đình Bích, Mai Xuân Anh, Tâm Nhiên; còn có những khuôn mặt biết qua thơ chứ chưa diện kiến, đó là Dạ Tịnh, Quang Hưng, Vô Biên, Lê Công Đĩnh,…

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

551. NGHĨ RỜI TỪ MỘT BÀI VIẾT



     Những ngày giữa tháng 7, người ta nhắc nhiều đến Hiệp định Geneve với những cái nhìn khác nhau. Những cái nhìn trái chiều trước cùng một sự kiện lịch sử đã làm nẩy nở trong tôi bao nghĩ suy, những nghĩ suy rời rạc, lăn tăn. Nghĩ và suy rốt cục chẳng đi đến đâu, nhưng không mất đi, chỉ lặn nấp đâu đó, bắt trí tưởng tôi không được sống bình yên.

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

550. ĐÊM NGHĨA TÌNH PHAN CHÂU TRINH 64-71



      Cách đây không lâu, Nguyễn Tường Bách viết trên facebook, các bạn ở Sài Gòn, Đà Lạt sẽ về Đà Nẵng, ai tim mạch thì tránh đi, vì sẽ nhậu tưng bừng. Đọc chỉ cười, nghĩ bạn nói vui, ai ngờ lại thật.  Đó là sự thật về cuộc họp mặt đầy bất ngờ mà thú vị của bằng hữu Phan Châu Trinh 1964-1971 vào đêm nay, đêm 22-7-2014.

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

549. CHỮ NHÀN CỦA NHÀ VĂN



      Đã nhiều Chủ nhật chưa ghé bờ hồ Thạc Gián đàn đúm cùng bằng hữu. Sáng nay, ngày cuối tuần, quyết định lên đấy. Và cũng quyết định đi bằng đôi chân của chính mình để được loanh quanh, để được “ngó” một tí cái xóm Bàu Hạc, cái xóm từng qua lại nhưng xem ra chưa biết chút gì.

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

548. TẢN VĂN NGUYỄN NGỌC TƯ



       Đọc tản văn “Mấy cụm khói rời” (*) của Nguyễn Ngọc Tư thấy xót xa cho những con chim không có bầu trời, những con người bị bứng khỏi bản quán, nhốt giữa phố thị, bị đánh cắp văn hóa truyền thống của cộng đồng.
      Mấy cụm khói rời (*)
      Tản văn
      Nguyễn Ngọc Tư

      Sáng nào xóm hẻm cũng ướt. Nước triều từ ngoài sông tràn vào con lộ nhỏ, nước nhiểu tong tong trên những bộ quần áo phơi rợp dãy rào xiêu, nước giặt rửa từ trong nhà hắt ra đầy váng xà bông, rau cải úng. Nước mắt nước mũi trẻ con đòi tiền quà bánh, bên cạnh mấy bà mẹ im lìm ngồi hong mớ tóc vừa gội xong. Những làn da tối màu làm thành một khối im sẫm trong con hẻm thấp tối.

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

547. NGƯƠI LỚN KHÔN THẬT



Học trò đến chơi. Sau những nụ cười, những lời thăm hỏi, là rôm rả chuyện trò. Bắt đầu từ chuyện mình và chuyện người, chuyện xưa và chuyện nay, chuyện đã xẩy ra và sẽ xẩy ra; nhưng luôn quay về với chuyện văn chương. Chả là, thầy và trò đều “mê văn nên mới khổ” như nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao tâm sự.

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

546. LOANH QUANH CHỐN CŨ


    Có chút việc, lại về với trường chuyên Lê Quý Đôn. Bụng bảo dạ, cuộc hẹn đúng 9 giờ 30 sáng, sao không đến trường lúc 8 giờ. Sớm hơn một tiếng đồng hồ để loanh quanh chốn cũ cũng thú vị. Ai có thể về nơi từng hơn hai mươi năm gắn bó chỉ thoáng chốc, hời hợt như gió thoảng thế!
    Nghĩ là làm. Không phải việc cần làm ngay của ai kĩa ai kia từ năm não năm nào đâu. Việc này là chuyện tấm lòng, chuyện tình nghĩa, chứ không phải chuyện chính chị chính em gì ráo! Hơn nữa, nói và làm ngay là nói đi đôi với làm, làm ngay là làm tức khắc, tức thì, làm thật, xắn tay áo lên mà làm; chứ không phải nói suông, nói một đằng làm một nẻo, nói làm ngay nhưng cứ đứng ngay đơ, đứng đực mặt ra không làm.

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

545. PHẬT GIÁO, GIÁ TRỊ Á ĐÔNG VÀ DÂN CHỦ

Bài viết của Đức Đạt Lai Lạt Ma 
 Trong khi khát vọng dân chủ có thể biểu hiện qua nhiều cách, một số nguyên tắc phổ quát sau vốn là cốt lõi của bất cứ xã hội dân chủ nào: chính quyền đại diện (được hình thành qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng), pháp trị và trách nhiệm (được thi hành bởi một ngành tư pháp độc lập), và tự do ngôn luận (điển hình như báo chí không bị kiểm duyệt). Tuy nhiên, dân chủ còn có ý nghĩa vượt lên trên các định chế chính thức này; nó còn là tự do đích thực và sức mạnh cho mỗi cá nhân. Tôi không là một chuyên gia về chính trị học cũng chẳng phải là một người có thẩm quyền về dân chủ và pháp trị. Đúng hơn, tôi chỉ đơn thuần là một tu sĩ Phật giáo, được tu học theo phương cách cổ truyền của chúng tôi. Tuy vậy, một đời tu học Phật pháp và việc tham gia vào cuộc đấu tranh bất bạo động cho tự do của nhân dân Tây Tạng đã cho tôi một số tri kiến mà tôi muốn được bàn luận nơi đây. 

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

544. HÀ GIANG GHI CHÉP


1. Nghĩ dọc miền Trung
Nghe hỏi, đi Hà Giang không? Có chút ngẩn người rồi gật đầu, sao lại không. Một năm vài ba chuyến ngang dọc đất nước, khi nơi này lúc chỗ khác, để hiểu thêm văn hóa vùng miền là sở nguyện của mình. Đã từng với một bạn thân mong mỏi làm một chuyến đi xuyên Việt dài ngày nhưng chưa thực hiện được. Cho nên, hễ có dịp là  làm thân du tử.

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

543. ĂN MỒNG 5 Ở QUÊ



      Một trăm ngày mất của ông anh con bác, lại về quê. Được về quê là cái thú, nhưng ở lâu lại không mấy vui, bởi bà con đi làm đồng, còn mình thì quanh quẩn mãi trong nhà, nếu có tản bộ cũng chỉ xuôi ngược đường ngang hay lên xuống xóm. Kể ra, được hít thở không khí trong lành cũng thú, được ngắm ruộng vườn xanh tươi cũng thích, nhưng chỉ một mình nên có phần trống trải quá! Cũng may, lần này về đúng dịp Tết Đoan Ngọ. Bà chị níu kéo, ăn mồng 5 đã rồi vào! Nghĩ cũng hay nên  nán lại vài ngày.

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

542. CỨU NƯỚC BẰNG... BÚT



     
Cày đồng
 
Mấy ngày này, thiên hạ hối thúc nhau tham gia kí vào Bản kiến nghị Mĩ trừng phạt Trung Quốc. Nghe khiến máu tò mò nổi lên, bèn lội vào các trang mạng, để rồi ngạc nhiên, sững sờ.

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

541. NHỮNG NGỌN LỬA TRAI TIM


      Tự thiêu, những ngọn lửa thiêng ấy đã cháy lên ở miền Nam trước năm 1975.  Đấy là những ngọn lửa Việt Nam đòi tự do, dân chủ cho con người và đòi hòa bình cho dân tộc.

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

540. VIẾT GÌ VÀO LÚC NÀY


      Hơn nửa tháng chỉ đọc sách, chẳng viết gì. Có gì uể oải đang thành hình và diễn biến trong tâm trạng của mình. Tâm trạng ấy phải chăng có nguyên cớ từ những trang sách hay từ những gì diễn ra xung quanh. Mình chẳng biết. Chỉ biết, hình như càng đọc càng thấy mình bé mọn quá! Tâm hẹp, trí cạn, gan núng, chí mòn… Để rồi trăn trở, viết gì vào lúc này?

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

539. BUỔI CHIỀU VỚI NHỮNG MẢNH GHÉP KÍ ỨC



với Nguyễn Hữu Kiềm và bằng hữu

      Quanh co một chút, chúng tôi cũng đến đúng con đường vào nhà thầy Lê Long Viên. Đang rẽ vào ngả ba, thấy ai dáng quen quen đang ngả lưng trên yên xe máy, sát bờ tường dưới tán cây. Áo rằn ri của lính, mái tóc bạc, nước da đen. Hình như là Mỹ, dân A1 Phan Châu Trinh đây. Vừa nói với Thông, ngoảnh lại đã thấy người quen quen nhảy xuống. Đúng là Mỹ rồi. Bắt tay chào hỏi, Mỹ bảo: Vào nhà thầy Viên hả. Số 44. Chúng tôi gật đầu, cười rồi chia tay.

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

538. BẠN VÀ TÔI


Họp mặt thường niên 2013
      Nguyễn Văn Sơn từ Mỹ về. Bằng hữu một thời Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng khóa 1964-1971 lại quây quần bên nhau. Lần này, quán nào chúng ta thường ngồi không phải là Faifo nữa mà là Sóng Xanh 2. Quán có nghĩa gì đâu! Ý nghĩa là ta ngồi với ai? Xin đừng bắt bẻ. Vậy thì trái với đạo lí của nhân dân qua câu: Tình thương quán cũng như nhà/ Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói cao (Ca dao). Tôi có nói gì đâu. Nào ai dám đao to búa lớn bàn chuyện to tát ở đây. Tôi đang nói trong hoàn cảnh bằng hữu chi giao của một thời đã sống và đáng sống dưới mái trường xưa.

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

537. LẠI LÒNG VÒNG VĂN CHƯƠNG



      Vừa viết xong “Lòng vòng văn chương”, định xếp tủ cái chuyện lòng vòng này. Nào ngờ cái lí “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng” cứ áng ngữ trước mặt một cách trêu ngươi  khi gặp “Dạy và học văn đầy nghịch lí” của Chi Mai trên Vietnamnet, 16-4-2014. Bệnh nghề nghiệp trỗi dậy. Vậy là ngồi vào máy tính và gõ.

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

536. MARQUEZ BÀN VỀ SÁNG TÁC

     Nhà văn Columbia Gabriel Garcia Marquez, người đoạt giải Nobel Văn học đầu tiên của châu Mỹ La Tinh Gabriel Garcia Marquez qua đời chiều ngày 17/04/2014, thọ 87 tuổi. Để tưởng nhớ ông, mình mượn bài dịch của Hoàng Hưng "Viết văn đến từ đâu? Câu trả lời của Gabriel Garcia Marquez" của Gérard de Cortanze đăng trên Quê Choa ngày 19-4-2014. 
Gabriel José García Márquez (1927 –  2014)
Sự viết đến từ đâu? Mỗi nhà văn trả lời câu hỏi này theo lối riêng của mình. Gabriel Garcia Marquez thích nhắc đi nhắc lại rằng thiên hướng văn chương của mình chắc là có từ người cha, một người đọc sách nghiến ngấu, tay chơi violon cừ khôi, làm thơ tay ngang và nhân viên điện báo của làng Aracataca, một ngôi làng bé xíu ở cái vùng nóng thiêu ven biển Atlantique nước Colombia.

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

535. LÒNG VÒNG VĂN CHƯƠNG



Tranh Khuê Văn Các, Hà Nội.

      Với mình, bây giờ không còn có khái niệm học trò cũ hay học trò mới. Các em từng ngồi trong lớp học cùng mình đều là học trò cả. Với mình, bây giờ chỉ còn có niềm vui gặp lại học trò của mình. Gặp lại học trò là niềm hạnh phúc hội ngộ, thậm chí còn là một cái thú tao nhã nữa. Bởi học trò đến thăm đâu phải là chuyện đạo lí mà là chuyện đời, chuyện văn chương sau những lời thăm hỏi. Nhất là đối với những người thầy gợi dẫn cái hay cái đẹp của trang văn trang thơ cho các em. Bao giờ cũng thế, văn chương cũng là đề tài trung tâm của cuộc gặp gỡ. Các em chủ động trao đổi về những tác phẩm văn học mà các em đọc. Và thầy là người hạnh phúc được lắng nghe và chia sẻ.

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

534. HẠNH PHÚC ĐƯỢC MƠ TƯỞNG


Mô hình cầu đi bộ hình con sò
      Không gì sướng hơn được sống trong một môi trường văn minh, nhìn đâu cũng thấy nhà cao tầng, nhìn đâu cũng thấy xe hơi xịn, nhìn đâu cũng thấy người người sạch sẽ, bóng lộn và nước hoa thơm phức. Nói chung là một môi trường có hình thức hoành tráng, siêu đẳng, siêu hiện đại, không giống ai. Tuy nhiên, nói đến chuyện sướng của con người thì có lẽ không gì sướng hơn được mơ tưởng về tương lai.

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

533. TRỰC GIÁC VỀ ĐẠO

      Một anh bạn vong niên ghé nhà. Anh em ngồi chuyện trò về sách vở. Cũng chẳng có gì to tát. Chỉ là những chuyện loanh quanh thị trường sách hiện nay. Anh than thở, sách bây giờ mắc mỏ quá! Về nghỉ rồi, túi tiền càng lép như trấu nên ra nhà sách chỉ để… ngắm. Cái thú đọc sách bây giờ trở thành cái thói đam mê mang màu hệ lụy. Thành ra, người lớn tuổi vốn hoài cổ, nên chỉ biết lấy cái cổ ra mà hoài niệm. 

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

532. CÓ MỘT TRIẾT LÍ GIÁO DỤC

            Đọc bài này thấy nhớ ngày cũ, cái nôi học đường của mình, không thể không xin phép đăng lại ở đây.  
Giáo dục Việt Nam: cố sửa hay trở về gốc? 
Nguyễn Quang Duy
Sĩ tử vào Văn miếu lễ bái, xoa đầu rùa cầu may trong thi cử!

Trước tình trạng khủng hoảng giáo dục, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN, ông Nguyễn Phú Trọng từng hỏi “Chúng ta đã ba lần cải cách giáo dục, vì sao lần này không đặt vấn đề cải cách mà là đổi mới căn bản, toàn diện?

      Rồi ông Trọng đặt câu hỏi tại Bộ Giáo dục và Đào tạo từ hồi tháng 8/2012: “Việt Nam đã có triết lý về giáo dục chưa, hay là người học ở Anh về bảo phải như thế này, người học ở Mỹ bảo thế kia".

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

531. NHỚ TRỊNH CÔNG SƠN

       Mới đó… Thế mà Trịnh Công Sơn đã đi xa 13 năm (1/4/2001-1/4/2014).
      Trước ngày 1 tháng 4, như mọi năm bạn bè tôi thường nhắc nhau về Trịnh Công Sơn. Năm nay cũng vậy. Bạn bè tôi lại gửi cho nhau những bài viết hay về người người nhạc sĩ tài hoa. Hay cùng cho nhau nghe lại những tác phẩm âm nhạc của họ Trịnh để cảm nhận cái chất triết lí-thơ trong ca từ của ông.

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

530. XUẤT KHẨU THÓI XẤU-NỖI NHỤC KHÓ PHAI

Xuất khẩu thói xấu – nỗi nhục khó phai!
Tống Thiên
Vẫn chưa thể xác định được danh tính người nhận hối lộ  80 triệu yen tại dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 Hà Nội Ảnh: TUẤN NGUYỄNQuảng bá, xuất khẩu ra toàn cầu thói hư, tật xấu, lợi nhuận mang về cho đất nước ngàn năm văn hiến sẽ là nỗi nhục khó phai và sự khỉnh rẻ, kỳ thị của bạn bè quốc tế.
Câu chuyện một cô gái tự xưng là du học sinh Nhật Bản ở Việt Nam 4 năm “kể xấu” người Việt bằng bức tâm thư đang gây xôn xao dư luận. Theo tôi, chuyện này không có gì mới.

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

529. NHỮNG TẤM PANO SỈ NHỤC



Ở Hồng Kông
     Định không viết bài về những tấm Pano không vui này, nhưng không thể. Chúng nó như những bản mặt cơng cơng cười nhạo những người làm chủ thứ ngôn ngữ ghi trên mặt chúng. Chúng nó như những cái gai nhọn và sắc đâm vào đạo lí, văn hóa của người Việt. Đúng hơn, với những ai còn biết tự trọng và có tình tự dân tộc. Cũng có thể chỉ những người nhạy cảm mới cúi mặt khổ đau trước những tấm pano này. Còn những ai vô cảm thì không.

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

528. MÀU CỦA NGÀY HẠNH PHÚC



Ốc sên cõng bọ ngựa qua vũng nước
    Hôm qua, trong lúc đi bộ thể dục buổi sáng, bà xã bỗng hỏi: Báo đăng Việt Nam tổ chức Ngày hạnh phúc, ngày 20 tháng 3 năm 2014. Anh có biết không? Mình ngớ ra vì dạo này ít để mắt đến báo giấy, báo mạng nên thú thật với bà xã là chẳng biết gì. Bà xã cũng trớt hướt, em cũng không biết, chỉ thấy báo chí đề cập thế thôi.

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

527. CHUYỆN KHÓ HÌNH DUNG



Cô giáo Tòng Thị Minh với học sinh
     Trong đời, nhiều sự việc tưởng khó xẩy ra lại xẩy ra, nhiều chuyện tưởng là chuyện của “những người thích đùa”, nhưng chẳng đùa tí nào cả. Đó là cảm giác của mình khi đọc báo Tuổi Trẻ, ngày 17-3-2014, với bài: “Chui vào túi nilong để… qua suối” của Lê Đức Dục và Đà Trang và bài: “Cô giáo chui túi nilong qua suối: Giám đốc Sở GD-ĐT nói gì” đăng trên Soha.vn.

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

526. THÊM VỊ NGẬM NGÙI


Núi Phú Sĩ
      Có chút việc nên sang trường trung học Hoàng Hoa Thám. Gặp anh bạn cũ, không ngờ anh vừa mới ở Nhật về. Bắt tay chào hỏi, chúc mừng anh vừa trải nghiệm được “một sàng khôn” ở xứ sở con của Thái Dương Thần Nữ.

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

525. CÂU LẠC BỘ TRẺ VÀ TÔI



    Đã từ lâu tôi cố tập buông xả như các bậc thiền giả. Xuôi ngược giữa dòng đời, có những khoảnh khắc tôi để tâm hồn mình rỗng rang, cứ mở tất cả các phên dậu cho ngôi nhà tâm hồn trống rỗng mặc gió đi về. Nhưng dù cố đến mấy, tôi vẫn bị níu lòng từ nhiều phía, trí nghĩ tôi có lúc giăng mắc suy tư. Chẳng hạn, tối nay, 9 tháng 3, đi dự cuộc gặp mặt đầu năm và sơ kết hoạt động 6 tháng lần thứ III của Câu lạc bộ TRẺ làng Kế Môn tại Đà Nẵng về, niềm vui cứ mơn man tâm hồn tôi, nhưng nhoi nhói đâu đó sau niềm vui ấy là chút bận lòng.

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

524. MỠ VÀ NẠC



       Vẫn buổi sáng Chủ nhật bên bờ hồ Thạc Gián. Vẫn những ông giáo không còn ngồi sau trang giáo án đang mở mà trước li cà phê lắm màu. Vẫn những chuyện đủ đề tài nhưng bao giờ cũng quay về với giáo dục. Đúng là dù có “bỏ trường mà đi” thì tâm tư vẫn mãi đi về trên nẻo đường “ngày xưa Hoàng thị”. Chuyện giáo dục nổi cộm nhất, nổ như vang hơn bỏng ngô, làm sóng sánh những li cà phê là chuyện đổi mới thi cử của Bộ Giáo-Đào.

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

523. NHẦM


  Đọc tập truyện CON VOI của nhà văn Ba Lan Slawomir Mrozek do Lê Bá Thự dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, ấn hành năm 2013, càng cảm thấy cái bi hài của một xã hội chạy theo hình thức, con người hám danh, sống giả hình. Một xã hội càng vênh váo đề cao các giá trị cuả mình chừng nào thì càng trống rỗng chừng đó, sự chân thật càng mất hút nhường chỗ chỗ sự giả dối lên ngôi.
      Mình trích đăng ở đây truyện NHẦM (*) để các bạn cùng cười và suy ngẫm.

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

522. CHUYỆN QUÊ

Vạn Phước Tự
      Lần này về quê, tôi ở lại khá lâu, nên nghe được nhiều chuyện. Chuyện gần có, chuyện xa có. Chuyện vui xen lẫn chuyện buồn. Chuyện chưa tốt kề cạnh với chuyện tốt. Chuyện xưa có chuyện nay có. Chuyện trên trời chuyện dưới đất không thiếu chuyện gì, khiến trí nhớ chật như nêm. Định ghi hết tất cả vào đây nhưng sợ bị chê là nhiều chuyện, đành chép việc tiêu biểu làm tin.

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

521. LAN MAN CHUYỆN GIAO TIẾP


      Tôi tin trong giao tiếp bằng lời, chúng ta có đôi lần không muốn trả lời câu hỏi của ai đó. Bởi các câu hỏi có những mục đích khác nhau, người hỏi có quan hệ thân sơ không ai giống ai. Và không phải khi nào chúng ta cũng nhất thiết đon đả cởi mở: Lưng tôi đây mời bạn ghé vào coi.

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

520. SAU VỊ ĐẮNG CÀ PHÊ

      Buổi sáng, ngồi uống cà phê với nhóm “Rong chơi ngày tháng”. Kể cũng đã lâu, từ dạo Đà Lạt trở về, mình chưa gặp các “hưu nhân” thân ái. Hôm mồng 7 Tết, hẹn đi Sơn Trà Tịnh Viên với nhóm nhưng đành phải cáo lỗi vì bận một chút việc. Nay bên li cà phê tạm gọi là đầu xuân bởi dù hết mồng nhưng vẫn còn Giêng, với mình là một niềm vui gặp gỡ.