Truyện ngắn CÓ MỘT VẦNG TRĂNG NHƯ THẾ
Dương Uyển Châu
Chú
Cuội. Đã quá nhiều huyền thoại, nhưng con người vẫn không ngừng đơm
đặt, thêu dệt về chú. Bao năm nín câm, Cuội cảm thấy bị xúc phạm. Chú
tội nghiệp cho con người, họ quá phung phí trí tưởng tượng để rồi bị nó
lừa mị mà không biết. Hai cảm giác đó đã thôi thúc chú lên tiếng. Chú
không thể vô cảm được nữa. Chú phải nói sự thật đời chú.
Thuở
ấy, Cuội sống thật hạnh phúc. Một mái ấm gia đình, một người mẹ nhân
từ, những anh chị khoan dung, chú ao ước gì hơn nữa. Chẳng có gì làm,
chú chỉ ăn đãy ngủ đà và nghịch phá. Việc học chú chẳng màng. Học làm gì
khi đợc mẹ nuông chiều, được các anh chị quyền cao chức trọng bảo bọc
và chở che. Học để vinh thân ích quốc. Vinh thân ! Hạnh phúc chú dư
thừa. Ích quốc ! Đã có các anh chị chú lo. Chú nghĩ thế. Mặc. Chú không
nghĩ khác. Lời mẹ khuyên với chú là cơn gió thoảng. Sự phiền lòng của mẹ
rồi cũng nguôi ngoai. Những giọt nước mắt mẹ có ào ạt như mưa rồi cũng
tạnh ráo. Chú thích là chú sống. Chẳng ai sống khi không thích. Chú thầm
nhủ và càng thích sống ngược đời hơn.
Thời
gian trôi. Chú tròn mười tám. Gia đình trở nên ngột ngạt và tù túng.
Tấm lòng đôn hậu, bao dung của mẹ đâm ra chật chội quá ! Chú thèm khát
giang hồ đến đớn đau. Chú khát khao đến mê cuồng phải làm một việc gì đó
cho trời nghiêng đất ngữa mới thôi. Chú quyết ra đi. Đêm chia tay, hiểu
và yêu con, người mẹ khuyên bằng nước mắt lo sợ và khổ đau. Con hãy
sống là con người có lòng thiện. Cuội lơ đãng nghe, rồi qua quýt hứa. Thế là chú ra đi với đầu óc rỗng hoác và tâm hồn ứ đầy tham vọng.
Chú
đi kháp bốn phương, đi mãi đi miết. Đâu chú cũng thấy buồn chán. Biển.
Có gì đâu ngoài cát, sóng và nước xanh bất tận. Núi. Cũng vách đá nhiều
tầng bậc, cheo leo, rồi cây đan vào cây mà đứng như phỗng. Những di
tích. Chỉ là dấu tích một thời xa cũ đã rêu phong,…Cuội thườn thượt thở
ra. Bỗng mắt chú như ánh sao chớp loé. Đúng rồi. Hay quá. Sao chú không
làm thế nhỉ ? Chú phải đến gõ cửa nhà các ông anh quan chức của chú chứ !
Và chú tìm đến nhà các anh chị của mình như đã nghĩ. Anh Tri huyện, chị
Tuần, anh quan đầu tỉnh,… Chẳng nhà nào vui. Chẳng có gì đáng sống cả.
Cuội thấy sống như thế thật nhạt thếch và mốc ẩm quá ! Đến đâu, chú cũng
gây trò điên đảo tác hại đến mọi người. Mẹ chú gầy gò vì thương nhớ
con, càng sầu não hơn trước hành vi của con nhưng ngậm ngùi bất lực.
Chú
lại đi. Chú lần về kinh đô. Người anh Tể tướng tiếp chú niềm nở và bọc
chú trong nhung gấm lụa là. Không ! Cuội chẳng thích ! Cuội phải làm
điều Cuội thích mà chưa làm được. Thế là chú đến gặp anh cả - vị vua
đang trị vì. Em muốn làm vua, chú nói. Anh cho em làm vua một năm. Người
anh tròn xoe đôi mắt và cảm giác ngộp thở. Khi
hiểu ra, người anh đang ngồi trên ngôi báu kia vội trả lời. Không thể !
Cuội bắt đầu ầm ĩ. Cuội đập đầu vào tường, nhất quyết tự vận nếu không
được làm vua. Ông vua anh phân vân. Em và dân tộc !... Ông khuyên Cuội
hãy yên lòng. Ông cần suy nghĩ. Sau nhiều đêm trằn trọc, thao thức,
người anh tập họp các em đang làm quan khắp nước về bàn bạc. Họ tranh
cãi rất nhiều nhưng rồi cũng đồng ý để Cuội lên làm vua một năm trong sự
giúp đỡ của họ.
Ngày
đầu tiên ngồi lên ngai vàng, Cuối tống ngục tất cả các anh chị của
mình. Ngày thứ hai, chú bắt mẹ lên kinh, phát lệnh lưu đày vì chống lại
chú. Ngày thứ ba, chú ban bố sắc lệnh : Quan lại và dân thành thị phải
về nông thôn làm dân cày. Ngược lại, dân cày lên sống ở thành thị và
được chọn ra làm quan. Đàn ông mặc như đàn bà và ngược lại. Trẻ em phải
làm việc, người lớn ăn không ngồi rồi mà hưởng lạc,… Tóm lại, phải đảo
ngược tất cả. Ai bất tuân sẽ chém đầu.
Từ
đó, đất nước xơ xác tiêu điều ; người dân khốn khổ đói nghèo. Tiếng ta
thán nguyền rũa, dù không thành lời, nhưng cũng làm mờ mịt đất trời.
May
mắn thay ! Ông Táo về trời. Ngọc Hoàng biết chuyện cùng với quần thần
xuống trần gian xem thực hư thế nào. Chứng kiến cảnh trần thế thê thiết,
đau thương; Ngọc Hoàng cũng ngậm ngùi rơi nước mắt. Ông Trời của mọi
ông Trời này ra lệnh bắt giam ông vua Cuội. Rồi, Ngọc Hoàng tái lập
những gì đã bị đảo lộn và thiết triều luận tội chú Cuội. Trước chứng cứ
rành rành, nào là sự nhếch nhác, đói nghèo của nhân dân, nào là biển
nước mắt của những người lương thiện, nào là lời trần tình khúc chiết mà
đanh thép của những hiền tài,… Cuội đã cúi đầu nhận tội. Ngọc Hoàng
trước sự thật ấy đã tuyên án : Cuội phải chịu tội hình : tứ mã phanh
thây. Với những anh, những chị quan chức của Cuội, vì đã đặt tình cảm
gia đình lên trên lợi ích dân tộc, nên đều bị lưu đày biệt xứ.
Ngày
thi hành án, giữa chốn pháp trường uy nghiêm, bỗng cất lên tiếng khóc
dài thống thiết. Ngọc Hoàng và vua mới sửng sờ. Hỏi ra đó là tiếng khóc
của mẹ chú Cuội. Người mẹ ấy đã từ miền lưu đày xa xôi, thân xác khô gầy
đã lặn lội đến pháp trường xin ân xá cho con. Người mẹ gào khóc van nỉ.
Nước mắt ướt đầm mặt đất. Gối quì mòn rách thịt da. Vái lạy đến nỗi
trán tứa máu nhỏ ròng. Ai ai cũng cảm thương. Ngọc Hoàng và vua mới cũng
mềm lòng. Ngọc Hoàng phán bảo : Vì tấm lòng người mẹ, ta tha chết cho
Cuội, với hai điều kiện : Cuội phải phụng dưỡng mẹ chu toàn. Khi người
mẹ qua đời, Cuội cũng lìa trần, linh hồn không được sống ở trần gian và
cũng vĩnh viễn không được đầu thai. Riêng bà mẹ, chết đi sẽ hoá thành
mặt trăng thắp sáng cho đêm dày tăm tối lâu nay.
Sự
nhân đức của Ngọc Hoàng đã trả đứa con về với mẹ. Nhưng chẳng bao lâu
từ nơi lưu đày mờ mịt kia, người mẹ qua đời, chú Cuội cũng ngừng hơi
thở. Người mẹ đã thành mặt trăng dịu sáng trên bầu trời cao vợi. Vì lệnh
Ngọc Hoàng và cũng vì thương con, người mẹ đã đem linh hồn Cuội theo
mình. Cho nên, những đêm trăng ngời, người đời vẫn thấy Cuội nép vào
lòng mẹ nhân từ trên bầu trời xa lắc thăm thẳm kia.
Từ đó, những cơn gió thời gian đã mang vào không gian lời ru dân gian :
Chú Cuội ở trên mặt trăng
Tựa vào lòng mẹ ăn năn đã rồi
Kiếp sau nếu được làm người
Cuội ơi hãy nhớ những lời nghĩa nhân.
Và :
Sông Ngân nước mát và trong
Nước mắt của Cuội một dòng đấy thôi
Cuộc đời bên lở bên bồi
Bắc cầu Ô Thước cho người đoàn viên
Bây giờ Cuội đã già. “Tuổi già hạt lệ như sương”(1),
nhưng kể xong chuyện đời mình, khoé mắt Cuội vẫn còn có hai giọt lệ
trong vắt tứa ra. Còn chúng ta, trăng thật tuyệt vời, nhưng không phải
lúc nào cũng sáng đẹp. Có lúc khuôn mặt mẹ trăng rạng rỡ yêu thương ;
nhưng cũng đôi khi thoáng hiện nét đau buồn trần thế xa xưa.
Dương Uyển Châu
2-1979
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét