Truyện ngắn KHUNG CỬA SỔ
Dương Uyển Châu
Tôi trở lại Huế sau hơn hai mươi năm xa. Huế vẫn trầm mặc và ngưng tụ. Sông Hương vẫn dùng dằng, nước vẫn trong xanh nhìn rõ những đám rong dập dềnh vật vờ làm loang lỗ sắc nước đến ma quái. Bên kia, kì đài vẫn lừng lững oai nghiêm và cổ kính. Tôi cảm
giác có một cái gì đó đang niêm phong tâm hồn tôi, trói buộc hồi ức của chính tôi và cũng có một cái gì đó, hình như là kỉ niệm một thời sinh viên đang nhoi nhói trong lòng tôi.
Tôi bâng khuâng thả từng nhịp đi dọc bờ nam sông Hương. Tôi tưởng như mình đang lạc giữa mê cung kí ức của mùa học hành xưa cũ. Những lớp kỉ niệm cứ lần về cuộn đan lẫn lộn, cứ xáo lật tâm tư của tôi. Tôi loay hoay, hồ đồ giữa muôn vàn nỗi nhớ, nỗi thương và nỗi buồn tiếc. Tôi muốn lật từng trang nhớ trang thương một thuở mà nhìn cho rõ mặt, nhưng tất cả cứ dính chặt vào nhau như một cuốn sách sủng nước. Tôi bất lực, buông xuôi, mặc cho trí nhớ múa may mà quay về nhà trọ ở phường Trường An.
Và đêm nay, tôi lại nghe mưa Huế. Phía bên ngoài cửa sổ căn nhà trọ mưa vẫn rắc đều.Tôi ngồi quạnh hiu bên khung cửa mà dày vò trí nhớ của mình. Trí nhớ tôi cũng như mưa Huế lê thê, ướt sủng và buồn. Bên ngoài vẫn đều đều mưa. Bỗng dưng có ánh chớp nhoáng nhoàng làm sáng bừng trong chốc lát khung cửa sổ. Và cũng rất tự dưng, trong tôi bỗng choàng thức một kỉ niệm mà từ lâu tôi cố tình lãng quên. Đó là kỉ niệm về em, với em, cô bạn học một thời Đại học sư phạm của tôi.
Tôi bỗng nhớ về em và khung cửa sổ của em. Ngày xưa, em từng nói rất thích những khung cửa sổ. Em thích, bởi những khung cửa sổ là những khung tranh cuộc đời nhỏ nhắn, xinh xinh; bởi chúng cho em cảm giác, đời không trống trải mà chưng cô lại ấm áp hơn. Những khung cửa sổ, em thích lắm, vì chúng không trưng ra trước mắt một cuộc đời loãng nhạt mà đầy ấn tượng, đầy xúc cảm. Vũ trụ trong khung cửa của em không còn mênh mang nữa. Vũ trụ lúc ấy sẽ là một ngôi nhà ấm cúng và nên thơ hơn. Khi đứng ở khung cửa, em thấy mình đã có được một tấm ảnh ghi lại một khoảnh khắc đời mình... Em nhỏ nhẹ với tôi, chẳng hạn, anh đứng bên cửa sổ gác hai dãy B này mà nhìn sẽ thấy một Huế sẽ rất khác, khi anh nhìn từ cửa sổ dãy A. Anh thử đứng sát hơn và dán mắt vào tấm kính mà nhìn. Đó,... trước mắt anh là một Huế trữ tình qua câu hò mái nhì ngậm ngùi man mác:
Thuyền về Đại Lược,
Duyên ngược Kim Long,
Đến ngang đây là ngã rẽ của đôi lòng,
Gặp nhau còn biết trên sống bến nào !
Tôi như là một kẻ ngoại đạo tin vào lời rao giảng tôn giáo của em. Đúng là có một Huế riêng trước mắt tôi. Tôi đã bao lần đứng ở đây, nhưng chưa hề có một cảm xúc gì. Trong khung cửa sổ là một mảng tranh sông nước Huế thật êm đằm và bàng bạc sắc màu mơ mộng. Mưa lất phất. Gia Hội, Cồn Hến, Vĩ Dạ chìm trong màu mưa sương khói, như đang mơ màng soi bóng xuống những nhánh rẽ của dòng Hương lặng lờ. Tôi cảm thấy lòng mình nao nao và mơ hồ nghe vọng lên từ khung tranh ấy một giọng hò da diết gọi mời:
Thuyền ai trôi trước,
Cho tôi lướt tới cùng,
Chiều đã về, trời đất mông lung,
Phải duyên thì xích lại cho đỡ nùng tiếng thương.
Tôi bỗng nhớ Thanh Tịnh. Nhớ cuộc tình lãng mạn bừng nở từ một câu hò trong truyện ngắn của ông. Phải chăng cái tứ truyện giàu chất thơ ấy cũng lấy cảm hứng từ nơi đây ?... Tôi khe khẽ, thầm thì với chính mình: “Phải duyên thì xích lại cho đỡ nùng tiếng thương”. Thế nào anh ? Tôi giật mình quay lại cười với em và khẽ gật đầu. Em cười lúng liếng: Chưa hết mô, eng ơi ! Chiều ni... anh sẽ thấy...
Tôi không biết chiều nay mình sẽ thấy những gì qua cách nói bí mật của em. Nhưng tôi tin em, tin vào sự hồn nhiên và chân thành của em. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc thân mật với một người con gái. Và em đã không đẩy tôi vào tâm trạng lúng túng mà đã dẫn dụ tôi vào một tình huống giao tiếp thật tự nhiên và rất thú vị. Tôi sẽ đợi chiều nay.
Làm sao tôi có thể quên buổi chiều tan học ấy. Mưa lay bay, tôi cùng em chung đường. Cầu Trường Tiền, em lững thững qua như là đếm nhịp và đã đếm bao lần, nhưng vẫn không nhớ nỗi. Và tôi theo sau em như những giờ tan học khác. Chỉ khác một điều, chiều nay, tôi sau em mà lòng xôn xao. Tôi lớ ngớ hỏi em, anh sẽ thấy những gì chiều nay? Em cười xa xăm. Em bí mật hay em sợ tôi chê con gái Huế gì mà liếng thoắng quá phải không ? Đừng sợ, em nói đi. Tôi thích nghe em nói. Tôi thích cái duyên của người con gái và nhất là cái duyên ăn nói mặn mà. Em không nói thì tôi vậy. Tôi nói về thành phố Đà Nẵng của tôi, nói về câu hò một thời nhưng đã trở thành muôn đời vang vọng trên sóng nước sông Hàn của tôi:
Ở bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hà Thân,
Thấy nước xanh xanh như tàu lá.
Ở bên tê Hàn Thân, ngó qua bên ni Hàn,
Thấy phố xá nghênh ngang,
Kể từ ngày Tây lại đất Hàn,
Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bồng Miêu.
Dặn lòng em ai dỗ đừng xiêu,
Gắng công nuôi phụ mẫu, sớm chiều có qua.Lời nói tôi có lọt vào tai em không hay bay biến vào mưa, tan thấm vào những nhịp cầu sắt giá lạnh. Hình như em cười, tôi không nghe rõ tiếng, nhưng nhìn vai em khẽ rung mà đoán vậy. Em cười vì mình lẩn thẩn với những nhịp cầu hay em cười tôi, tôi dớ dẩn, tôi đi với em mà như chỉ một mình. Tôi nói với em mà vớ vẩn độc thoại nội tâm. Sống giữa thực tại mà tôi như mơ màng trong giấc “hương quan”. Mong em đừng cười. Tôi đến với Huế cũng mang theo khung cửa nhỏ của ước mơ tôi. Tôi mang theo một chút lãng mạn bé tí mà mẹ đã gieo trồng trong tôi. Đó là học để thoát khỏi cái nghèo, cái khó mà mẹ đã một đời khốn đốn. Em bỗng dừng lại, nhìn mặt sông lơ đãng: Em sẽ nói. Anh nhìn thật kỹ cảnh quan hai phía tả, hữu sông Hương đi. Tôi không hiểu ý em thế nào, nhưng cũng nhìn rất kĩ. Anh thấy cơ man nào là cửa sổ. Cứ đứng đây mà ngắm, mới cảm giác mình như đang ở trong một Galéry rộng lớn của cuộc sống. Nếu anh chịu khó nhìn sâu hơn một chút, anh sẽ thấy mỗi khung cửa sổ, nhất là khi phố lên đèn, là một nét đẹp đặc trưng sinh động của Huế và của đời sống. Tôi thấy lí thú thật. Và tôi như bị hút vào trò chơi của em. Tôi cảm thấy xấu hổ với em. Những ngày còn ở thành phố yêu thương của tôi, tôi thường đi về giữa nhà và trường. Tôi giam mình trong hai không gian bé nhỏ ấy. Tôi chưa bao giờ có được cái nhìn và chọn những góc nhìn quê hương rất lạ như em. Em khều tay tôi và nói: Anh nhìn lên phía thượng nguồn đi. Anh cảm thấy thế nào ? Anh cao quá ! Hay là anh chịu khó ngồi xổm vậy. Anh hãy nhìn qua khung cầu cong cong, sẽ thấy cầu Bạch Hổ, bể nước Giã Viên, chùa Thiên Mụ hài hoà lắm. Hai nét hiện đại và cổ điển tưởng chỏi nhau sẽ trở nên hoà thuận mà làm đẹp cho nhau trong khung tranh kỹ hà của anh. Tôi càng ngạc nhiên hơn trước một góc nhìn độc đáo của em. Giá em không gọi, tôi sẽ ngồi mà ngắm chẳng biết đến bao giờ. Thôi, về đi anh. À,...Có bao giờ ngồi sau khung cửa sổ và anh hát dưới làn mưa chưa ? Tôi ngạc nhiên: Chưa. Chưa bao giờ ! Tôi chỉ là một tay đàn lơ mơ và hát cũng chẳng lấy gì là hay. Bây giờ anh có thích nghe không ? Em nhìn tôi dò hỏi. Những hạt mưa đọng trên mi mắt em long lanh. Có, em hát đi. Em cúi mặt và cười. Không, bữa nào kia. Có dịp đến nhà em, em sẽ hát cho anh nghe... Tạm biệt anh... Em đứng bên song buồn nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha... Em cười giòn tan và cùng tiếng hát khuất dần sau hàng chè tàu của ngôi nhà ở đường Võ Tánh. Và tôi tần ngần, rồi thơ thẩn lần về căn phòng trọ tồi tàn của tôi ở cuối đường Nguyễn Du.
Chớp lại nhoáng nhoàng. Tôi bị lôi ra khỏi giấc mơ dĩ vãng của tôi và em. Tôi nuối tiếc không được đắm mình lâu hơn nữa trong kỉ niệm khơi vơi ấy. Nhưng thôi, tôi tự nhủ, ngày mai tôi sẽ tìm em. Ngày mai, tôi sẽ đến thăm em. Ngày mai... Ngoài kia mưa vẫn rắc đều.
*
Theo lời chỉ dẫn của bè bạn, tôi vào nội thành tìm em. Tôi đâu ngờ căn nhà em nằm khuất lấp, nghèo nàn dưới chân cống Tây Lộc như vậy. Và tôi cũng rất sững sờ, xót xa, khi thấy em xanh xao quặt quẹo ốm đau đến thế. Bạn bè cùng khoá chửi tôi là đứa vô tình đến tàn nhẫn là đúng. Em biết không, chúng nó mỗi đứa một câu làm tôi tê điếng. Sao mày chẳng có thư gì cho em. Tao biết mày dạy ở miền núi xa, rồi xin xỏ lắm mới được về Đà Nẵng, nhưng không phải vì thế mà mày có quyền quên em. Với lại, Huế và Đà Nẵng chỉ cách nhau mấy mái đèo. Người xưa rất đa tình mà cũng rất nặng tình, dù cách ngăn đèo dốc chênh vênh:
Trèo đèo hai mái chân vân,
Lòng về Hà Tĩnh, dạ ái ân Quảng Bình
Dân văn chương, mày đâu lạ lùng về câu ca dao đó. Đừng bao biện cho mình. Mày có nhớ những ngày du khảo không ? Lớp chúng mình, khi thì ngược thuyền lên điện Hòn Chén nghiên cứu nguồn gốc một lễ hội dân gian của Huế; lúc thì xuôi về làng Sình tìm hiểu về môn Vật dân tộc; khi thì về cầu ngói Thanh Toàn,... Mày có nhớ em đứng dưới vòm mái ngói mà hát điệu hò khoan:
Ai về cầu ngói Thanh Toàn,
Cho em về với một đoàn cho vui.
Cái dáng điệu tươi trẻ và giọng hò cà rỡn của em làm cho bọn mình cười rung cả cây cầu không? Mày không quên à ? Được lắm. Tao biết là mày khó quên em và kỉ niệm. Tao nghĩ, làm sao mày có thể vứt bỏ khỏi trí nhớ của mày cái đêm liên hoan chia tay khi chúng mình ra trường. Cái đêm ấy, mày vẫn nhớ à. Riêng tao, tao thấy em và mày đứng bên cửa sổ, em đàn mày hát cho bạn bè nghe bài “Hoài cảm”. Tao thèm cái vẻ rất tình và rất ăn ý ấy quá. Mày và em đã để lại trong tao một tấm ảnh phi vật thể nhưng đẹp lắm... và không thể bị ăn mòn bởi thời gian. Mày cố quên, mày cố lãng tránh ư ? Sao thế ? Mày có bao giờ phủ nhận tình cảm của em đâu. Phải không ? Tao nghĩ tốt nhất mày phải thăm em. Mày biệt tăm, còn em vẫn ở lại mảnh đất này. Em vẫn đơn độc đến lớp, chỉ học trò là niềm vui của em. Mãi cho đến năm kia... em mới lấy chồng, nhưng... Em bây giờ goá bụa và bệnh tật hiểm nghèo trông èo uột ghê lắm. Mày nghe tao, hãy đến thăm em đi.
Và bây giờ tôi đang ở bên em. Em cứ ngồi yên đấy. Nhưng hãy cho tôi được nhìn vào mắt em bằng tất cả sự hối lỗi chân thành. Hãy cho tôi được ngắm nhìn em sau khung cửa sổ với nỗi tiếc nuối muộn màng. Bốn năm học với nhau. Bốn năm bên nhau. Bốn năm chung đường. Bốn năm, em vẫn thầm kín trong dáng vẻ hồn nhiên nhưng đa cảm. Tôi đã nhận ở em bao nhiêu trong một nét duyên thầm kín ấy. Làm sao tôi có thể không nhận ra nét đa cảm của em ! Nhưng em biết không ? Tôi khó có thể đáp lại tình em. Tôi không thể trao lời yêu với em. Bởi một lần, tôi đã thấy ánh mắt của ba em xua đuổi tôi, vì tôi là kẻ khó, người ở bên kia mái đèo Hải Vân. Tôi tự ti hay nhỏ nhen, tôi cũng không biết nữa. Và cũng bởi, tôi mãi nuôi một ý nghĩ, phải bằng học lực của mình để về Đà Nẵng. Tôi ước ao về giảng dạy tại ngôi trường mà tôi đã từng gắn bó bảy năm thời trung học, mái trường Phan Châu Trinh yêu thương của tôi. Và tôi sẽ được hôm sớm gần gũi mẹ già của mình... Rồi tôi lại đi xa... Tôi lí trí quá chăng hay tôi là một kẻ hèn nhát trốn chạy. Tôi là kẻ trống rỗng, hời hợt hay phải chăng tôi bạc nhược, giả trá. Em hiểu ư ? Em cười tha thứ cho tôi ư? Không, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình. Tôi đã buộc em tin vào một điều không thực. Tôi đã trêu ngươi với tình cảm của em. Tôi đã đeo mặt nạ mà tâm tình cùng em. Đó là một tội ác, phải không em ?
Em lại cười, một cái cười xộc xệch. Em đứng dậy bước lần đến bên cửa sổ. Em nhìn thoáng ngoài kia, rồi quay lại với tôi. Đến đây với em... Bao năm rồi...Tôi nhìn dáng em liêu xiêu tựa vào song cửa mà nghe lòng buồn tênh, rệu rã. Chúng mình đã ngót nghét năm mươi rồi còn gì! Tôi rưng rưng đến bên em và cùng em trong một khung cửa như đã bao giờ. Bây giờ đang cuối đông phải không anh ? Lá rụng đầy vườn, nhưng bao nhiêu chồi non đang cựa mình thức dậy. Anh nhìn kìa. Cây bạch trang đang kết bao nhiêu là nụ. Và kia, trên những cành mai khẳng khiu trụi trơ lá đang có những bông búp xanh xanh, nho nhỏ đáng yêu quá. Tôi theo giọng em tha thiết, ngắm nhìn cảnh vật ngoài khung cửa sổ. Tôi nghe hồn mình trống vắng, hư hao. Và tôi cảm giác lòng mình loé sáng lên nhưng trống trải như khung cửa sổ, ở căn nhà trọ nơi phường Trường An, trong ánh chớp nhoáng nhoàng đêm nào. Trong tôi bỗng dậy lên một niềm khao khát đau đớn, ước gì tôi được vuốt tóc em và thầm thào ăn năn:
Vâng, những cành mai đang điểm những nụ búp xanh xanh. Một cành mai và em đang hiện hình trong khung cửa sổ của chính em và của riêng em. Và trong tôi, lại có thêm một khung cửa sổ nữa đang mở...
Dương Uyển Châu
11 - 2001
Tôi bâng khuâng thả từng nhịp đi dọc bờ nam sông Hương. Tôi tưởng như mình đang lạc giữa mê cung kí ức của mùa học hành xưa cũ. Những lớp kỉ niệm cứ lần về cuộn đan lẫn lộn, cứ xáo lật tâm tư của tôi. Tôi loay hoay, hồ đồ giữa muôn vàn nỗi nhớ, nỗi thương và nỗi buồn tiếc. Tôi muốn lật từng trang nhớ trang thương một thuở mà nhìn cho rõ mặt, nhưng tất cả cứ dính chặt vào nhau như một cuốn sách sủng nước. Tôi bất lực, buông xuôi, mặc cho trí nhớ múa may mà quay về nhà trọ ở phường Trường An.
Và đêm nay, tôi lại nghe mưa Huế. Phía bên ngoài cửa sổ căn nhà trọ mưa vẫn rắc đều.Tôi ngồi quạnh hiu bên khung cửa mà dày vò trí nhớ của mình. Trí nhớ tôi cũng như mưa Huế lê thê, ướt sủng và buồn. Bên ngoài vẫn đều đều mưa. Bỗng dưng có ánh chớp nhoáng nhoàng làm sáng bừng trong chốc lát khung cửa sổ. Và cũng rất tự dưng, trong tôi bỗng choàng thức một kỉ niệm mà từ lâu tôi cố tình lãng quên. Đó là kỉ niệm về em, với em, cô bạn học một thời Đại học sư phạm của tôi.
Tôi bỗng nhớ về em và khung cửa sổ của em. Ngày xưa, em từng nói rất thích những khung cửa sổ. Em thích, bởi những khung cửa sổ là những khung tranh cuộc đời nhỏ nhắn, xinh xinh; bởi chúng cho em cảm giác, đời không trống trải mà chưng cô lại ấm áp hơn. Những khung cửa sổ, em thích lắm, vì chúng không trưng ra trước mắt một cuộc đời loãng nhạt mà đầy ấn tượng, đầy xúc cảm. Vũ trụ trong khung cửa của em không còn mênh mang nữa. Vũ trụ lúc ấy sẽ là một ngôi nhà ấm cúng và nên thơ hơn. Khi đứng ở khung cửa, em thấy mình đã có được một tấm ảnh ghi lại một khoảnh khắc đời mình... Em nhỏ nhẹ với tôi, chẳng hạn, anh đứng bên cửa sổ gác hai dãy B này mà nhìn sẽ thấy một Huế sẽ rất khác, khi anh nhìn từ cửa sổ dãy A. Anh thử đứng sát hơn và dán mắt vào tấm kính mà nhìn. Đó,... trước mắt anh là một Huế trữ tình qua câu hò mái nhì ngậm ngùi man mác:
Thuyền về Đại Lược,
Duyên ngược Kim Long,
Đến ngang đây là ngã rẽ của đôi lòng,
Gặp nhau còn biết trên sống bến nào !
Tôi như là một kẻ ngoại đạo tin vào lời rao giảng tôn giáo của em. Đúng là có một Huế riêng trước mắt tôi. Tôi đã bao lần đứng ở đây, nhưng chưa hề có một cảm xúc gì. Trong khung cửa sổ là một mảng tranh sông nước Huế thật êm đằm và bàng bạc sắc màu mơ mộng. Mưa lất phất. Gia Hội, Cồn Hến, Vĩ Dạ chìm trong màu mưa sương khói, như đang mơ màng soi bóng xuống những nhánh rẽ của dòng Hương lặng lờ. Tôi cảm thấy lòng mình nao nao và mơ hồ nghe vọng lên từ khung tranh ấy một giọng hò da diết gọi mời:
Thuyền ai trôi trước,
Cho tôi lướt tới cùng,
Chiều đã về, trời đất mông lung,
Phải duyên thì xích lại cho đỡ nùng tiếng thương.
Tôi bỗng nhớ Thanh Tịnh. Nhớ cuộc tình lãng mạn bừng nở từ một câu hò trong truyện ngắn của ông. Phải chăng cái tứ truyện giàu chất thơ ấy cũng lấy cảm hứng từ nơi đây ?... Tôi khe khẽ, thầm thì với chính mình: “Phải duyên thì xích lại cho đỡ nùng tiếng thương”. Thế nào anh ? Tôi giật mình quay lại cười với em và khẽ gật đầu. Em cười lúng liếng: Chưa hết mô, eng ơi ! Chiều ni... anh sẽ thấy...
Tôi không biết chiều nay mình sẽ thấy những gì qua cách nói bí mật của em. Nhưng tôi tin em, tin vào sự hồn nhiên và chân thành của em. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc thân mật với một người con gái. Và em đã không đẩy tôi vào tâm trạng lúng túng mà đã dẫn dụ tôi vào một tình huống giao tiếp thật tự nhiên và rất thú vị. Tôi sẽ đợi chiều nay.
Làm sao tôi có thể quên buổi chiều tan học ấy. Mưa lay bay, tôi cùng em chung đường. Cầu Trường Tiền, em lững thững qua như là đếm nhịp và đã đếm bao lần, nhưng vẫn không nhớ nỗi. Và tôi theo sau em như những giờ tan học khác. Chỉ khác một điều, chiều nay, tôi sau em mà lòng xôn xao. Tôi lớ ngớ hỏi em, anh sẽ thấy những gì chiều nay? Em cười xa xăm. Em bí mật hay em sợ tôi chê con gái Huế gì mà liếng thoắng quá phải không ? Đừng sợ, em nói đi. Tôi thích nghe em nói. Tôi thích cái duyên của người con gái và nhất là cái duyên ăn nói mặn mà. Em không nói thì tôi vậy. Tôi nói về thành phố Đà Nẵng của tôi, nói về câu hò một thời nhưng đã trở thành muôn đời vang vọng trên sóng nước sông Hàn của tôi:
Ở bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hà Thân,
Thấy nước xanh xanh như tàu lá.
Ở bên tê Hàn Thân, ngó qua bên ni Hàn,
Thấy phố xá nghênh ngang,
Kể từ ngày Tây lại đất Hàn,
Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bồng Miêu.
Dặn lòng em ai dỗ đừng xiêu,
Gắng công nuôi phụ mẫu, sớm chiều có qua.Lời nói tôi có lọt vào tai em không hay bay biến vào mưa, tan thấm vào những nhịp cầu sắt giá lạnh. Hình như em cười, tôi không nghe rõ tiếng, nhưng nhìn vai em khẽ rung mà đoán vậy. Em cười vì mình lẩn thẩn với những nhịp cầu hay em cười tôi, tôi dớ dẩn, tôi đi với em mà như chỉ một mình. Tôi nói với em mà vớ vẩn độc thoại nội tâm. Sống giữa thực tại mà tôi như mơ màng trong giấc “hương quan”. Mong em đừng cười. Tôi đến với Huế cũng mang theo khung cửa nhỏ của ước mơ tôi. Tôi mang theo một chút lãng mạn bé tí mà mẹ đã gieo trồng trong tôi. Đó là học để thoát khỏi cái nghèo, cái khó mà mẹ đã một đời khốn đốn. Em bỗng dừng lại, nhìn mặt sông lơ đãng: Em sẽ nói. Anh nhìn thật kỹ cảnh quan hai phía tả, hữu sông Hương đi. Tôi không hiểu ý em thế nào, nhưng cũng nhìn rất kĩ. Anh thấy cơ man nào là cửa sổ. Cứ đứng đây mà ngắm, mới cảm giác mình như đang ở trong một Galéry rộng lớn của cuộc sống. Nếu anh chịu khó nhìn sâu hơn một chút, anh sẽ thấy mỗi khung cửa sổ, nhất là khi phố lên đèn, là một nét đẹp đặc trưng sinh động của Huế và của đời sống. Tôi thấy lí thú thật. Và tôi như bị hút vào trò chơi của em. Tôi cảm thấy xấu hổ với em. Những ngày còn ở thành phố yêu thương của tôi, tôi thường đi về giữa nhà và trường. Tôi giam mình trong hai không gian bé nhỏ ấy. Tôi chưa bao giờ có được cái nhìn và chọn những góc nhìn quê hương rất lạ như em. Em khều tay tôi và nói: Anh nhìn lên phía thượng nguồn đi. Anh cảm thấy thế nào ? Anh cao quá ! Hay là anh chịu khó ngồi xổm vậy. Anh hãy nhìn qua khung cầu cong cong, sẽ thấy cầu Bạch Hổ, bể nước Giã Viên, chùa Thiên Mụ hài hoà lắm. Hai nét hiện đại và cổ điển tưởng chỏi nhau sẽ trở nên hoà thuận mà làm đẹp cho nhau trong khung tranh kỹ hà của anh. Tôi càng ngạc nhiên hơn trước một góc nhìn độc đáo của em. Giá em không gọi, tôi sẽ ngồi mà ngắm chẳng biết đến bao giờ. Thôi, về đi anh. À,...Có bao giờ ngồi sau khung cửa sổ và anh hát dưới làn mưa chưa ? Tôi ngạc nhiên: Chưa. Chưa bao giờ ! Tôi chỉ là một tay đàn lơ mơ và hát cũng chẳng lấy gì là hay. Bây giờ anh có thích nghe không ? Em nhìn tôi dò hỏi. Những hạt mưa đọng trên mi mắt em long lanh. Có, em hát đi. Em cúi mặt và cười. Không, bữa nào kia. Có dịp đến nhà em, em sẽ hát cho anh nghe... Tạm biệt anh... Em đứng bên song buồn nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha... Em cười giòn tan và cùng tiếng hát khuất dần sau hàng chè tàu của ngôi nhà ở đường Võ Tánh. Và tôi tần ngần, rồi thơ thẩn lần về căn phòng trọ tồi tàn của tôi ở cuối đường Nguyễn Du.
Chớp lại nhoáng nhoàng. Tôi bị lôi ra khỏi giấc mơ dĩ vãng của tôi và em. Tôi nuối tiếc không được đắm mình lâu hơn nữa trong kỉ niệm khơi vơi ấy. Nhưng thôi, tôi tự nhủ, ngày mai tôi sẽ tìm em. Ngày mai, tôi sẽ đến thăm em. Ngày mai... Ngoài kia mưa vẫn rắc đều.
*
Theo lời chỉ dẫn của bè bạn, tôi vào nội thành tìm em. Tôi đâu ngờ căn nhà em nằm khuất lấp, nghèo nàn dưới chân cống Tây Lộc như vậy. Và tôi cũng rất sững sờ, xót xa, khi thấy em xanh xao quặt quẹo ốm đau đến thế. Bạn bè cùng khoá chửi tôi là đứa vô tình đến tàn nhẫn là đúng. Em biết không, chúng nó mỗi đứa một câu làm tôi tê điếng. Sao mày chẳng có thư gì cho em. Tao biết mày dạy ở miền núi xa, rồi xin xỏ lắm mới được về Đà Nẵng, nhưng không phải vì thế mà mày có quyền quên em. Với lại, Huế và Đà Nẵng chỉ cách nhau mấy mái đèo. Người xưa rất đa tình mà cũng rất nặng tình, dù cách ngăn đèo dốc chênh vênh:
Trèo đèo hai mái chân vân,
Lòng về Hà Tĩnh, dạ ái ân Quảng Bình
Dân văn chương, mày đâu lạ lùng về câu ca dao đó. Đừng bao biện cho mình. Mày có nhớ những ngày du khảo không ? Lớp chúng mình, khi thì ngược thuyền lên điện Hòn Chén nghiên cứu nguồn gốc một lễ hội dân gian của Huế; lúc thì xuôi về làng Sình tìm hiểu về môn Vật dân tộc; khi thì về cầu ngói Thanh Toàn,... Mày có nhớ em đứng dưới vòm mái ngói mà hát điệu hò khoan:
Ai về cầu ngói Thanh Toàn,
Cho em về với một đoàn cho vui.
Cái dáng điệu tươi trẻ và giọng hò cà rỡn của em làm cho bọn mình cười rung cả cây cầu không? Mày không quên à ? Được lắm. Tao biết là mày khó quên em và kỉ niệm. Tao nghĩ, làm sao mày có thể vứt bỏ khỏi trí nhớ của mày cái đêm liên hoan chia tay khi chúng mình ra trường. Cái đêm ấy, mày vẫn nhớ à. Riêng tao, tao thấy em và mày đứng bên cửa sổ, em đàn mày hát cho bạn bè nghe bài “Hoài cảm”. Tao thèm cái vẻ rất tình và rất ăn ý ấy quá. Mày và em đã để lại trong tao một tấm ảnh phi vật thể nhưng đẹp lắm... và không thể bị ăn mòn bởi thời gian. Mày cố quên, mày cố lãng tránh ư ? Sao thế ? Mày có bao giờ phủ nhận tình cảm của em đâu. Phải không ? Tao nghĩ tốt nhất mày phải thăm em. Mày biệt tăm, còn em vẫn ở lại mảnh đất này. Em vẫn đơn độc đến lớp, chỉ học trò là niềm vui của em. Mãi cho đến năm kia... em mới lấy chồng, nhưng... Em bây giờ goá bụa và bệnh tật hiểm nghèo trông èo uột ghê lắm. Mày nghe tao, hãy đến thăm em đi.
Và bây giờ tôi đang ở bên em. Em cứ ngồi yên đấy. Nhưng hãy cho tôi được nhìn vào mắt em bằng tất cả sự hối lỗi chân thành. Hãy cho tôi được ngắm nhìn em sau khung cửa sổ với nỗi tiếc nuối muộn màng. Bốn năm học với nhau. Bốn năm bên nhau. Bốn năm chung đường. Bốn năm, em vẫn thầm kín trong dáng vẻ hồn nhiên nhưng đa cảm. Tôi đã nhận ở em bao nhiêu trong một nét duyên thầm kín ấy. Làm sao tôi có thể không nhận ra nét đa cảm của em ! Nhưng em biết không ? Tôi khó có thể đáp lại tình em. Tôi không thể trao lời yêu với em. Bởi một lần, tôi đã thấy ánh mắt của ba em xua đuổi tôi, vì tôi là kẻ khó, người ở bên kia mái đèo Hải Vân. Tôi tự ti hay nhỏ nhen, tôi cũng không biết nữa. Và cũng bởi, tôi mãi nuôi một ý nghĩ, phải bằng học lực của mình để về Đà Nẵng. Tôi ước ao về giảng dạy tại ngôi trường mà tôi đã từng gắn bó bảy năm thời trung học, mái trường Phan Châu Trinh yêu thương của tôi. Và tôi sẽ được hôm sớm gần gũi mẹ già của mình... Rồi tôi lại đi xa... Tôi lí trí quá chăng hay tôi là một kẻ hèn nhát trốn chạy. Tôi là kẻ trống rỗng, hời hợt hay phải chăng tôi bạc nhược, giả trá. Em hiểu ư ? Em cười tha thứ cho tôi ư? Không, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình. Tôi đã buộc em tin vào một điều không thực. Tôi đã trêu ngươi với tình cảm của em. Tôi đã đeo mặt nạ mà tâm tình cùng em. Đó là một tội ác, phải không em ?
Em lại cười, một cái cười xộc xệch. Em đứng dậy bước lần đến bên cửa sổ. Em nhìn thoáng ngoài kia, rồi quay lại với tôi. Đến đây với em... Bao năm rồi...Tôi nhìn dáng em liêu xiêu tựa vào song cửa mà nghe lòng buồn tênh, rệu rã. Chúng mình đã ngót nghét năm mươi rồi còn gì! Tôi rưng rưng đến bên em và cùng em trong một khung cửa như đã bao giờ. Bây giờ đang cuối đông phải không anh ? Lá rụng đầy vườn, nhưng bao nhiêu chồi non đang cựa mình thức dậy. Anh nhìn kìa. Cây bạch trang đang kết bao nhiêu là nụ. Và kia, trên những cành mai khẳng khiu trụi trơ lá đang có những bông búp xanh xanh, nho nhỏ đáng yêu quá. Tôi theo giọng em tha thiết, ngắm nhìn cảnh vật ngoài khung cửa sổ. Tôi nghe hồn mình trống vắng, hư hao. Và tôi cảm giác lòng mình loé sáng lên nhưng trống trải như khung cửa sổ, ở căn nhà trọ nơi phường Trường An, trong ánh chớp nhoáng nhoàng đêm nào. Trong tôi bỗng dậy lên một niềm khao khát đau đớn, ước gì tôi được vuốt tóc em và thầm thào ăn năn:
Vâng, những cành mai đang điểm những nụ búp xanh xanh. Một cành mai và em đang hiện hình trong khung cửa sổ của chính em và của riêng em. Và trong tôi, lại có thêm một khung cửa sổ nữa đang mở...
Dương Uyển Châu
11 - 2001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét