Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

591. TIỄN VÕ PHIẾN CỦA BÙI VĨNH PHÚC

Thêm chú thíchVõ Phiến qua nét vẽ Khánh Trường

PHÁT BIỂU TRONG BUỔI TƯỞNG NIỆM

LỄ TANG NHÀ VĂN VÕ PHIẾN



Bùi Vĩnh Phúc 
Kính thưa quý vị,
Hôm nay chúng ta tụ tập tại đây để đưa tiễn nhà văn Võ Phiến, một khuôn mặt lớn, một tác giả cột trụ của văn học Việt Nam thế kỷ XX.  Tôi gọi ông là một nhà văn lớn, một tác giả cột trụ, vì trong suốt 90 năm sống như một con người Việt, và với khoảng 70 năm cầm bút, từ trong nước ra đến hải ngoại, ông đã làm giàu có, làm phong phú thêm cho nền văn học Việt Nam biết bao.  Bằng chữ viết, cũng như bằng tư tưởng của mình.

Trong văn học, Võ Phiến đã tung hoành trên nhiều lĩnh vực, và gần như trong lĩnh vực nào ông cũng ghi được những dấu ấn đậm nét.  Ông là một con người của quê hương đất nước, và, để nói về đất nước quê hương, có lẽ tuỳ bút là thể văn sở trường nhất của ông (mặc dù, như đã nói, Võ Phiến cũng đã thành công trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật khác trong cuộc đời sáng tạo của mình) để ông phô diễn những tình cảm, ý tưởng và thiết tha của ông cho người và cho đất.  Cái nhìn của Võ Phiến tinh sắc, thông minh.  Chữ nghĩa của ông duyên dáng, sống động, hóm hỉnh.  Và kiến thức rộng rãi của ông bao gồm nhiều mặt, kể cả các mặt về ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, xã hội, dân tộc học, và văn học.  Với vốn liếng như thế, vậy thì để nói về những tình cảm, ý tưởng và thiết tha của mình cho người và cho đất, ông đã viết về những điều gì?
Có thể nói, để diễn tả cái tình yêu, sự thiết tha ấy, Võ Phiến có thể viết về bất cứ điều gì có liên quan đến khung cảnh, con người và đất nước Việt.  Chẳng hạn về những đám khói, những đám khói ở chân trời miền đồng quê Kiến Tường, một miền đồng không mông quạnh, “vài đám khói ùn lên, chậm chạp, toả cao và rộng. (…) Những đám khói kể lể nỗi niềm bao la cuối một chân trời mênh mông”, rồi “những đám khói ấy lại đùn lên trong giấc mơ. Và trong giấc mơ, không gian mênh mông càng vắng lặng, khói toả càng chậm, càng bát ngát”.  Và ông viết về một xóm quê của ông, về làng ông, về Bình Định quê nhà ông, về một quán ăn ở Cần Thơ, về một không gian ở Gia Nghĩa, tiếng gió trong không gian quê hương, tiếng ve kêu rỉ rả thâm trầm, tiếng gà gáy e é “vọng từ ngọn đồi này sang ngọn đồi kia”, tiếng lá rụng. 
Ông viết về hình ảnh, về phong thái những đám mây, về những con chim én bay liệng giữa trời không, cũng ở Gia Nghĩa (Ôi, những con chim én của Võ Phiến, “vào những tháng xuân tháng hạ, buổi sáng chúng bay thấp tua tủa như ong; trưa xế, chúng lên thật cao, tản mạn, tơi tả, tan tác đầy trời; đến chiều, chúng lại hạ thấp như một niềm vui rộn ràng quấn quít trên nóc chợ…”).  Và một lũ én khác, trong một đêm ở Phan Thiết: “Tiếng kêu rối rít, điệu bay rối rít làm bấn loạn cả ruột gan. (…) Bên ngoài, én vẫn ríu rít trong tiếng mưa đêm”.  Rồi, ở một chỗ khác, một lúc khác, ông viết về tiếng cây gãy trong khung cảnh u tịch của rừng núi, và lại tiếp tục có những đụn khói, những lằn khói đốt rẫy lờ đờ, “uể oải, như đang mải miết trầm ngâm hồi tưởng về trăm nghìn câu chuyện huyền hoặc của cuộc sống núi rừng”.  
Ông viết về những hạt bọt trà (“dịch thể ngạnh ngọc bào”), về những giọt mưa, về một đêm trăng, mùi thơm hoa lá, về mấy cái gò đất ở gần nhà tuổi ấu thơ, một con te te lỏng khỏng, về đám chuối sau vườn, tiếng con cu cườm, rồi tiếng con tu hú tràn đầy sinh lực, tiếng con chim khách kêu lảnh lót, về mấy mớ cỏ may khô xác khô xơ… Trong một bài, ông viết về những câu hát tuồng cổ/hát bộ(i), “Quan hầu nhập yết, nhập yết, ãi ãi… Tâm như hoả liệt hoả liệt! Nhĩ tợ lôi oanh lôi oanh!”; và trong một bài khác, về chuyện xem hát bội ngay trong làng ông, về đào kép, về tiếng trống chầu bay theo gió trong đêm.  Ông cũng viết về bài chòi, về chuyện hô/hát bài chòi,
“Hoa phi đào phi cúc
Sắc phi lục phi hồng
Trơ như đá vững như đồng
Ai xô không ngã, ngọn gió lồng không xao
Mỉa mai cụm liễu cửa đào
Ong qua muốn đậu, bướm vào muốn bu
Bốn mùa đông hạ xuân thu
Khi búp, khi nở, khi xù, khi tươi (…)
Tử tôn do thử nhi sanh
Bạch Huê mỹ hiệu xin phành ra coi.”
 Võ Phiến còn “đế” thêm, “Trước khi lá Bạch Huê được “phành ra coi”, ai nấy tha hồ hồi hộp, suy đoán lung tung…”
 Rồi ông viết về chiếc áo dài: “Nhìn vào một người nữ mặc áo dài, sau khi bị khích động vì cái phần trên, mắt lần dò nhìn xuống, thì ở phần dưới lại chỉ thấy… gió!”  Rồi ông viết về cua, về mắm, về cá, về chim, về rắn, về rùa (“Muốn gắn có gắn, muốn gùa có gùa”).  Thậm chí về cả thịt cầy, ông dẫn Nguyễn Du,
 “(…) Nhân sinh vô bách tải
Hành lạc đương cập kỳ
Vô vi thử bần tiện
Cùng niên bất khai mi (…)
Hữu khuyển thả tu sát
Hữu tửu thả tu khuynh
Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận
Hà sự mang mang thân hậu danh”
Tóm lại, ông viết về bất cứ thứ gì có liên quan đến đất nước, quê hương, mà ông có dịp cảm nhận, nghĩ về, hoặc trông thấy, nghe thấy.  Và điều quan trọng, làm nên cái chất Võ Phiến, khiến ông trở thành một người phát ngôn lôi cuốn, một cây bút tài tình của Việt Nam, chính là ở những gì ông chọn để nói, cũng như ở chính cách nói của ông. 
Publius Terentius Afer, được quen biết hơn dưới tên gọi Terence, một kịch tác gia của cổ La-Mã, sinh ở Hy-Lạp, sống ở thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, có nói một câu (được Marx nhắc lại nên nhiều người lầm tưởng là của Marx) như thế này: “Tôi là con người; không có gì thuộc về con người mà lại xa lạ với tôi” (Homo sum, humani nihil a me alienum puto.)  Tôi nghĩ Võ Phiến cũng có thể nói một câu như thế; nhưng nếu cần sửa đổi lại đôi chút cho thật thích đáng với con người của ông, ta có thể viết lại thành:  “Tôi là con người của quê hương, đất nước; không có gì thuộc về đất nước, quê hương mà lại xa lạ với tôi”.
Tôi nghĩ, để sống và nói được một điều như thế, nói trong những sáng tác của mình, và nói với một ngôn ngữ văn chương, văn học, làm mọi người thích thú và hạnh phúc, và yêu mến tác giả, không phải là chuyện dễ.  Võ Phiến là một nhà văn lớn.  Và qua những gì ông để lại, ta có thể nói rằng, nếu muốn, ông có quyền nói được một câu như vậy.
Tôi xin được chấm dứt những lời ly biệt với Võ Phiến ở đây.
Mong ông lên đường thanh thản.
Bùi Vĩnh Phúc
(Buổi tưởng niệm/lễ tang Võ Phiến,
2 giờ chiều ngày mồng 3 tháng X, 2015

Westminster, California)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét