Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

642. LƯƠNG CHÂU TỪ I

      LƯƠNG CHÂU TỪ I

Thiên môn sơn-TQ
        Vương Hàn

Vương Hàn (687-735) tự Tử Vũ, người đất Tấn Dương (nay thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Ông đỗ tiến sĩ vào năm Cảnh Vân nguyên niên (710) đời Đường Duệ tôn. Ông được đề bạt giữ chức Huyện úy Xương Nhạc (nay thuộc thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông). Năm Khai Nguyên thứ 9 (721), ông làm Bí thư Chính tự, trông coi việc thư tịch.

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

641. GIẤC MỘNG TƯƠNG TƯ

Hai bộ phim về nàng Hwang Jin-yi
 TƯƠNG TƯ MỘNG

   Sang trang phây của Đinh Bá Truyền và Người Nước Huệ (Trần Đức Anh Sơn) gặp bài thơ này của Hwang Jin-yi (*), một nữ thi sỹ nổi tiếng và cũng là một Gisaeng lừng danh của Triều Tiên đầu thế kỷ 16. Bài thơ được viết theo thể Cổ phong luật Đường. Hai anh đã dịch bài thơ, nhưng cũng xin mạn phép được thêm một phiên bản khác.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

640. ĐẾN KIM LĂNG THĂM PHỤNG HOÀNG ĐÀI

Phượng hoàng cổ trấn, TQ

ĐĂNG KIM LĂNG PHỤNG HOÀNG ĐÀI

                           Lý Bạch

            Bài thơ này tương truyền Lý Bạch sáng tác sau khi đọc bài thơ của Thôi Hiệu đề ở Hoàng hạc lâu. Có người cho rằng vì ganh tài với họ Thôi mà thi tiên viết bài thơ này, cho nên câu chữ của “Đăng Kim Lăng Phụng hoàng đài” phảng phất màu của “Hoàng hạc lâu”. Thực hư thế nào cũng khó xác định. Có lẽ đây chỉ là giai thoại để cho chuyện thơ thêm đậm đà ý vị mà thôi. Căn bản nội dung tư tưởng của hai bài thơ có sự khác biệt. Nếu căn cứ vào văn bản thơ thì “Hoàng hạc lâu” ẩn chứa tấc lòng hoài nhớ quê hương của Thôi Hiệu, còn “Đăng Kim Lăng Phụng hoàng đài” lại thấm đẫm nỗi sầu trước triều đại đã mất, trước sự vắng bóng của người xưa trong sự biến thiên vũ trụ của Lý Bạch. Hai câu thơ cuối của bài thơ thể hiện rõ nội dung tư tưởng này.

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

639. HAI ĐỨA TRẺ MỘT CÂY CẦU

Cầu Ông Hổ Tuy Hòa
Đọc facebook của một người bạn, thấy đăng bài giới thiệu nhà văn Nguyễn Mạnh Côn và truyện ngắn  HAI ĐỨA TRẺ MỘT CÂY CẦU của ông, bỗng nhớ lại mình ngày xưa, nhớ lại người Việt thời khổ nạn chiến tranh. Dẫu đã đọc truyện ngắn này, nhưng bây giờ đọc lại vẫn không khỏi ngậm ngùi, day dứt cho thân phận con người. Con người sinh ra đã chịu khổ nạn trong vòng vây của sinh-lão-bệnh-tử. Tưởng đã đủ khổ ải rồi, hóa ra bị bồi thêm thiên tai, bồi thêm nhân họa-cái họa của tham-sân-si, khiến con người trở thành vật thế thân cho đồng loại. Bi kịch muôn đời của con người là ở đó.   

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

638. CẢM NGHĨ TRONG ĐÊM THANH TĨNH

Vườn hoa QG, Taiwan
 Lý Bạch (701-762), tên chữ là Thái Bạch, hiệu là Thanh Liên cư sỹ, quê ở Lũng Tây, Cam Túc, Trung Quốc. Ông là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng bậc nhất trong văn học đời Đường và trên thi đàn Trung Quốc. Người đời xưng ông là bật Thi Tiên và thêu dệt, phủ lên đời ông nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền thoại. Bài thơ Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) dưới đây là một bài thơ độc đáo của ông. 

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

637. ĐỀ THƠ Ở ẤP PHÍA NAM ĐÔ THÀNH

           

Phượng Hoàng cổ trấn (TQ)
ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG

        Thôi Hộ là một thi nhân đời Đường, chưa rõ ngày sinh ngày mất, sống vào khoảng niên đại Đường Đức tông (742 - 805).

Ông tự là Ân công, người quận Bác Lăng, nay là Định huyện, tỉnh Trực Lệ, Trung Hoa. Tương truyền ông vốn là người phong nhã nhưng sống khép kín, ít giao du Về đường khoa cử lại rất lận đận, Mãi đến năm796, niên hiệu Trinh Nguyên, Thôi Hộ mới đậu tiến sĩ, làm tiết độ sứ Lĩnh Nam. Ông nổi tiếng nhờ bài thơ “Đề tích sở kiến xứ”.

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

636. NHỚ LẦU HẠC VÀNG

Vườn Quốc Gia Chiang Mai, Thái Lan

 HOÀNG HẠC LÂU

           Thôi Hiệu

 

Thôi Hiệu (704-754) nhà thơ đời Đường, người Biện Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ông đổ Tiến sỹ năm 723, làm quan đến chức Tư Huân ngoại lang. Ông rất nổi tiếng trong làng văn bút đương thời nhưng chỉ để lại khoảng 40 bài thơ, trong đó nổi tiếng hơn cả là Hoàng Hạc lâu. Tương truyền, khi Lý Bạch đến thăm lầu Hoàng Hạc trên núi Xà Sơn, bên sông Dương Tử, thuộc Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Hoa; thấy trên tường có bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, ông vứt bút ngẩng đầu than:

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

635. NGHĨ TRONG THÁNG MƯỜI MỘT

Trường THPT chuyên Lê Quý Đà Nẵng

NGHĨ TRONG THÁNG MƯỜI MỘT

 Tháng 11, đã già hơn nửa. Cũng gần ngày Nhà giáo Việt Nam. Mình cũng đã thêm một tuổi. Tuổi chồng chất tuổi. Những háo hức tháng mười một hình như nhạt dần.  Những suy tư không thể tìm được câu trả lời đang ám vào tâm trí. Người ta thường bảo, tuổi lớn hay cả nghĩ và tuổi lớn người ta cũng rất lẩn thẩn. Mình không  nghĩ như vậy. Tuổi lớn thường bao dung, buông bỏ bởi họ đã có những trải nghiệm sâu sắc trong hoạt động sống của mình.

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

634. CHỮ VIỆT, CHỮ NHO VÀ NGUỒN GỐC NGÔN NGỮ VIỆT

Vào facebook Tuệ Lãng, thấy bài viết hay nên xin phép đăng lại. Đây là một công trình nghiên cứu ngôn ngữ của Đào Mộng Nam và Nguyễn Tiến Văn, môt công trình ngôn ngữ học rất giá trị, là một tư liệu quý báu cho những ai quan tâm, nghiên cứu về tiếng Việt. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết này.

CHỮ VIỆT, CHỮ NHO VÀ NGUỒN GỐC CỦA NGÔN NGỮ VIỆT

 Con người vượt khỏi thế giới loài vật vì truyền thông được tình và ý cho nhau bằng ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ cá nhân có thể sống kinh nghiệm của mọi người. Ngôn ngữ ghi lại thành văn tự. Nhờ văn tự cá nhân có thể sống kinh nghiệm của muôn đời.

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

633, TRIÊNG GIÓNG CỦA MẸ


Cánh đồng Làng Kế Môn mùa mưa
Truyện ngắn

TRIÊNG GIÓNG CỦA MẸ 

          Một chiều mưa lâm thâm. Cây đèn học vốn không sáng bỗng như thêm chút tù mù. Trang sách Toán hình học mở ra uể oải, mặt giấy như sẫm  lại. Tôi nhìn hình vẽ nằm bất động trước mặt. Bất chợt, hình vẽ ấy hồ như cựa quậy, rồi liêu xiêu gượng dậy trông giống một chiếc gióng lẻ loi, mảnh mai và trống rỗng. Một chiếc gióng ai vứt lăn lóc giữa đời. Tôi mơ hồ nghe lòng gờn gợn buồn, một nỗi buồn xa xăm. Đã mấy năm xa quê. Đã mấy năm chưa gặp lại mẹ. Đã mấy năm chỉ nghe mẹ nhắn: Mạ vẫn bình thường. Cố gắng học nghe con. Phải ăn ở với anh chị cho tốt đó. Lời nhắn nào cũng chừng ấy nội dung. Cho dù, hiện thời quê tôi không còn an ninh nữa. Cho dù, mẹ một mình thui thủi ở đất làng. Tôi đâm ra buồn và nhớ. Rồi, không biết việc học bận bịu hay theo tuổi lớn của tôi mà tâm lý ấy lắng dần. Vậy mà,… Không hiểu sao chiều nay lòng tôi lại thế. Tôi bồn chồn, tay chống cằm ngẩn ngơ.

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

631. CẢM ĐỀ ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH


Chùa Diệu Ngộ, Thừa Lưu, TT-Huế
 Khi đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, cảm nhận bi kịch thận phận của một tài nữ, khâm phục tài năng và nỗi đau đời của tác gỉa, Phạm Quý Thích đã viết bài “Tổng vịnh” và một bài thơ “Thính Đoạn trường Tân thanh hữu cảm” (Đề từ Đoạn trường Tân thanh) bằng chữ Hán. Sau đó tự ông dịch bài thơ ra chữ Nôm. Bản dịch của Phạm Quý Thích thật tuyệt vời, bởi không ai hiều thơ mình bằng tác giả. Bản dịch của ông đã chuyên chở trọn vẹn nội dung và nghệ thuật của nguyên tác.

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

630. KIM LĂNG NGŨ ĐỀ

Ngọ môn, Huế
   Lưu Vũ Tích (772-842), tự Mộng Đắc, người Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Đỗ Tiến sỹ năm 21 tuổi, làm quan triều Đường Nhuận Tông. Hoạn lộ của ông lắm thăng trầm, nên cuối đời ông về sống nhàn tản ở quê nhà. Về thơ ca, ông để lại: Lưu Tân khách tập, gồm 40 quyển.

Thơ ông bộc lộ nỗi phẫn uất trong lòng ông, phê phán chính trị thối nát đương thời, thể hiện niềm hoài cổ chứa chan bi thương của ông. Kim Lăng ngũ đề hay còn gọi là Ô Y hạng là bài thơ biểu hiện nội dung tư tưởng đó của ông.

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

629. TRONG MẮT HỌC TRÒ 41

Rú Chá, mùa hoa vàng

Bức thư này em Lê Thị Đức Hạnh, học sinh lớp chuyên Văn, khóa 2008-2011, gởi về từ nước Mỹ cũng đã lâu, khoảng năm 2016. Hôm nay, lật giở các bài viết của các em học trò cũ, tìm thấy những dòng văn quen thuộc của em. Đọc lại nên đăng lên blog để trân trọng tình cảm của học trò cũ, thời Trung học Phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. 

Thầy ơi, em là Đức Hạnh đây. Thầy có khỏe không thầy? Em xin lỗi thầy vì lúc đi ko kịp gặp chào thầy, gần một năm qua lúc nào nghĩ đến thầy em cũng thấy mình thật có lỗi... Rất nhiều lần em muốn nhắn tin cho thầy nhưng cứ ngại ngần ko dám gởi đi, em biết thầy buồn và giận em. Đã có quá nhiều chuyện xảy ra trước khi em đi khiến cho em gần như phải trốn chạy, ngay đến thời gian gặp chào tạm biệt những người mình yêu quý cũng gần như không có.

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

628. HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ

    

Cảnh phim Trạng Trình
 Hạ Tri Chương tự Quý Chân là nhà thơ đời Đường, sinh năm 659 và mất năm 744. Ông là người Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay là hợp Phố, Quảng Đông, Trung Quốc). Ông đỗ Tiến sỹ năm 695, làm quan trên 50 năm, rất được vua quan đương thời trọng nể. Ông thích uống rượu, tính tình phóng khoáng, có tài hùng biện, rất uyên bác và giỏi văn từ. Về thơ, ông chỉ để lại khoảng 20 bài, trong đó nổi tiếng nhất là  hai bài “Hồi hương ngẫu thư”.

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

627. THƠ CUỒNG TẶNG PHỤC TRAI

Nhà vườn làng Thanh Tiên
    Thơ cuồng tặng Phục Trai

 Nguyễn Lộ Trạch

 Trên con đường truyền bá và vận động thực hiện tư tưởng duy tân, Nguyễn Lộ Trạch đã kết giao với nhiều trí thức trong nước như Vũ Phạm Hàm, Chu Mạnh Trinh,   Nguyễn Thượng Hiền, Trương Gia Mô, Nguyễn Thanh Trai,… Bên cạnh đó, ông còn kết giao với những văn sỹ người Trung Hoa như Chương Bính Lân và văn sỹ họ Trình.

Nhân họ Trình sang thăm nước ta, ông đã gặp gỡ văn sỹ Trung Hoa này rồi cùng nhau đàm đạo. Khi xa nhau, họ Trình viết thư trò chuyện với ông, ông phúc đáp “Thư trả lời người bạn Trung Hoa họ Trình” (Phục Hoa hữu Trình mỗ thư). Kết thư, Nguyễn Lộ Trạch viết: Kèm đây vài hàng thơ cuồng tặng ông, vừa là trình cho Phục Trai, ông xem thế nào.

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

626. TRUY ĐIẾU TRÁNG LIỆT BÁ NGUYỄN TRI PHƯƠNG

          

Lăng Gia Long

Sinh thời Nguyễn Lộ Trạch có làm 2 bài thơ truy điếu Danh tướng Nguyễn Tri Phương bằng chữ Hán có nhan đề:

Truy vãn Tráng liệt bá Nguyễn Tướng quốc  (Húy Tri Phương tuẫn tiết Hà Nội)

Nguyễn Tri Phương (1800-1873), tên thật là Nguyễn Văn Chương. Nguyễn Tri Phương là do vua Tự Đức đặt. Ông là người làng Đường Long (Chí Long), huyện  Phong Điền, Thừa Thiên. Ông làm quan từ triều vua Minh Mạng đến triều vua Thiệu Trị. Từng giữ chức Tổng Đốc An Hà và chỉ huy quân đánh Trấn Tây Thành. Đầu đời vua Tự Đức, ông làm Phụ chính đại thần sung kinh lược Nam Kỳ từ năm 1847 đến năm 1858. Khi Pháp đánh Đà Nẵng, ông giữ chức Tổng trấn quân vụ đại thần tại Quảng Nam. Năm 1860, ông giữ chức Thống đốc quân vụ quân thứ Gia Định. Năm 1886, ông được phong Võ hiển điện Đại học sỹ tước Tráng Liệt Bá. Năm 1872, ông ra Bắc làm Khâm mạng Tuyên sát đồng suất đại thần. Pháp tấn công thành Hà Nội, ông bị thương và bị Pháp bắt. Ông cương quyết nhịn đói chịu đau mà chết vào ngày 20-12-1873.

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

625. TẢN MẠN KHI DỊCH "NAM QUỐC SƠN HÀ"

  

Lăng Gia Long, Huế

Sau khi đăng bài “CHUYỆN MỘT BÀI THƠ DỊCH”, entry 605, vẫn cảm giác như thiếu một cái gì. Cứ băn khoăn mãi. Cho đến lúc tâm trí vang lên câu hỏi: Sao không dịch lại bài thơ “Thần”? Ban đầu có chút phân vân. Đã có nhiều người dịch rồi. Đã có hai bài dịch thơ của các tác giả tên tuổi và đã đưa vào sách giáo khoa. Những bản dịch ấy đã thực sự sống cùng năm tháng, sống cùng với biết bao thế hệ học sinh. Có nên xem vườn có chủ là vườn hoang mà đem gậy ra múa không! 

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

624. KHÔNG ĐỔI HÌNH TÓC RÂU

 

Chùa Thiện Khánh, làng Bác Vọng
KHÔNG ĐỔI HÌNH TÓC RÂU (*)

          Chuyện kể rằng, ông Nguyễn Bá Dương, người làng Nguyễn Xá, huyện Thần Khê là một học trò nghèo. Thuở lên Kinh Đô trọ học, ông thích rượu và thường uống rượu chịu của bà hàng ở Kẻ Mơ, tức làng Hoàng Mai, gần Hà Nội. Tiền nợ lên đến chín trăm đồng. Bà hàng đón đường ông đòi nợ. Một người con gái Kẻ Mơ trông thấy liền lấy tiền lưng trả thay ông. Ông tạ ơn, nhưng cô gái đi thẳng không ngoảnh mặt lại. Ông chỉ biết hỏi người đàn bà bán rượu về cô gái, rồi ghi vào lòng.

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

623. MỘT CÂU CHUYỆN LẠ

         

Ảnh sưu tầm

          MỘT CÂU CHUYỆN LẠ

Mùa Vu Lan. Lan man nghĩ về Mẹ. Rồi bâng khuâng cùng với tiếng lòng Đỗ Trung Quân:

Mẹ ta trả nhớ về không

Trả trăm năm lại bụi hồng rồi đi

                   (Mẹ ta trả nhớ về không)

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

622. CÙNG THANH TỊNH LÊNH ĐÊNH ĐẦM PHÁ (TT)

Tiếp theo    

Một góc đầm phá
 Giọng hò của cô gái ra chiều quyến luyến và ý vị. Đêm đã sang canh tư. Vùng trời đầm phá trông rất bảng lảng.  Điệu hò câu hát cứ nối tiếp nhau mà buông bắt. Điệu hò câu hát như quyện bện vào nhau rất tình tứ, có lúc điệu trầm có lúc điệu cao trong như tiếng suối vẳng rừng khuya. Qua làng Thế Chí. Qua làng Kế Môn. Dòng phá từ đây thu hẹp dần hòa vào dòng sông Ô Lâu. Bỗng thuyền trước quay mũi hướng về Kim Long. Đạt cũng vội vã cho thuyền xuôi về Đại Lược. Từ thuyền trước, một câu hò chia biệt vẳng lên:

621. CÙNG THANH TỊNH LÊNH ĐÊNH ĐẦM PHÁ

       

Một sớm ở phá Cầu Hai
 Nhớ Thanh Tịnh (1911-1988) là nhớ những bài thơ Mòn mỏi, Rồi một hôm, Tơ trời với tơ lòng,.. trong tập thơ HẬN CHIẾN TRƯỜNG (1937) và tập truyện ngắn QUÊ MẸ (1941) của ông. Làm sao không nhớ, khi nhà văn đã cho người đọc cái nao nao đầu đời “Tôi đi học”. Khổng thể nào quên vì ông đã cho ta sống êm đềm giữa làng quê thanh bình-làng Mỹ Lý. Thực ra, làng Mỹ Lý là không gian nghệ thuật không hoàn toàn yên ả trong truyện ngắn của nhà văn. Không gian ấy là không gian nghịch đối. Bên cạnh dòng sông, cánh đồng, con đò, bến nước,… còn có cái ga xép. Những sự vật hiện tượng ấy là không gian lồng trong không gian mang tính biểu tượng sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại, giữa ngưng đọng và dịch chuyển, giữa xưa và nay,… qua đó làm bật lên vẻ đẹp tâm hồn của những con người chân quê nơi chốn quê miền Trung nước Việt.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

620. THU HỨNG BÁT THỦ

Cầu Trường Tiến, Huế
   NỖI NHỚ MÙA THU THỨ 8

    Nguyễn Lộ Trạch 

   Bài thơ này in đậm nét hình tượng nhận vật trữ tình. Thơ gợi lên hình ảnh nhà thơ luôn riêng mang tấc lòng yêu nước thiết tha. Dù những bản điều trần không được vua chú ý, ông vẫn như ngựa Hồ, chim Việt, luôn nhớ đến quê hương. Dẫu muốn tìm đến với suối mây vắng lặng để ẩn cư nhưng lòng vẫn không yên. Tâm hồn nhà thơ cũng hiu hiu lạnh như mặt sông mưa lạnh giăng đầy.

619. THU HOÀI BÁT THỦ

           

Nhà thờ Nhì Tây, Thanh Hương
   NỖI NHỚ MÙA THU THỨ 7

     Nguyễn Lộ Trạch

  Bài thơ này là niềm cảm khái của nhà thơ. Cha ông xưa đã để lại nhưng công nghiệp lớn, những chiến tích lẫy lừng. Trận Vạn Kiếp kiếm sắc sáng lòa. Thế nhưng ngày nay, trước họa ngoại xâm, người ta vẫn lặng im trước cột đồng Mã Viện, nỗi đau dân tộc. Người ta chẳng ai còn giữ được phong cách thanh cao. Họ ngụp lặng trong những thú vui phù phiếm. Riêng chỉ có ông già Đỗ Lăng, cũng chính là nhà thơ đang đau buồn mà thôi.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

618. THU HOÀI BÁT THỦ

Chiều hè ở làng Kế Môn
NỖI NHỚ MÙA THU THỨ 6

Nguyễn Lộ Trạch   

      

Đây là bài thơ "Thu hoài bát thủ số 6" tức là "Nỗi nhớ mùa thu số 6" của nhà thơ Nguyễn Lộ Trạch. Bài thơ thể hiện khổ nạn chiến tranh, sự thất bại của triều đình trong quá trình chống Pháp, qua đó, nhà thơ cũng mỉa mai vua quan nhà nguyễn bất lực trước vận mệnh đất nước. óTriều đình chỉ biết nghị hòa, không có quốc sách tích cực lâu dài để chống Pháp, duy tân đất nước. 

617.THU HOÀI BÁT THỦ


Làng Kế Môn
NỖI NHỚ MÙA THU THỨ 5
 Nguyễn Lộ Trạch
Những ngày này, thành phố Đà Nẵng gĩan cách xã hội vì virus Wuhan trở lại. Không đi đâu được, bó gối ở nhà. Ngồi xem lại các bản dịch thơ. Chợt nhớ chưa đăng hết tám bài Thu hứng bát thủ của Nguyễn Lộ Trạch. Hôm nay xin đăng tiếp bài số 5. Bài thơ bộc lộ niềm thương lo đất nước trước họa xâm lăng của thực dân Pháp. Kẻ thù trang bị tối tân, thái độ hung hãn tàn độc. Người tài, người khao khát cứu nước tưởng chừng vắng bóng. Trong hiện tại chăng còn ai bàn sách lược đánh giặc, không ai vì nước mà hy sinh. Có chăng chỉ có ông già canh đài phong hỏa, đốt lửa báo hiệu có giặc xâm lăng. 

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

616. THU HOÀI BÁT THỦ

Làng Kế Môn

         THU HOÀI BÁT THỦ
 (Dụng Đỗ Lăng Thu hứng bát thủ chi vận)
         NỖI NHỚ MÙA THU SỐ 4
                               Nguyễn Lộ Trạch 
        Bài thơ là tấc lòng đau của tác giả trước thế nước. Thực dân Pháp xâm lược. Triều đình chỉ có sách kế nghị hòa là quốc kế cơ bản. Người hiền tài tâu trình đường lối canh tân tự trị thì vua gạt phăng đi. Thế nước đã rơi vào thế cờ tàn không thể cứu vãn nổi.   
      

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

615. NHÌN TÔI NGẬM NGÙI

         
HOA DÂM BỤT
Không biết tôi đã đọc đâu đó câu nói bất hủ của nhà văn Pháp Victor Hugo: Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi. Một câu nói giản dị nhưng dứt khoát rạch ròi về lý tưởng của người cầm bút và về thời gian sống của một tác phẩm văn chương. Riêng với tôi, câu nói ấy như chứa đựng một thứ âm thanh cuồng nộ gây chấn động mạnh tâm hồn tôi; nó luôn tra vấn tôi: Tôi đã dạy thứ văn chương gì?! Và sao cứ rêu rao mãi: Văn chương là máu thịt của tâm hồn tôi!? Nó như là tấm gương soi tâm hồn tôi. Tôi soi vào đó để nhìn tôi ngậm ngùi.

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

614. CÁI TỘI CỦA CHỮ

       
 Trong cuộc đời hay trong văn học cũng thế, người cô đơn là những người đi trước lúc mặt trời mọc hay đi ngược gió. Không cô đơn sao được khi mọi người an giấc với những gì họ có thì anh lại cất bước lên đường với  tư tưởng đánh thức bình minh. Không một mình sao được, khi ai cũng thuận theo chiều gió quan niệm, anh lại ngược sắm vai người phản biện. Với Phùng Quán cũng vậy. Nhà thơ không chấp nhận “cuốn theo chiều gió” hay “để gió cuốn đi” mà quay người lại đối diện rồi rẽ gió mà bước. Hành động rẽ gió mà bước của ông không chỉ có trong đời thực mà có cả trong văn chương. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho hành động đó là bài thơ HOA SEN.

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

613. THU HOÀI BÁT THỦ

            
           
Làng Kế Môn
THU HOÀI BÁT THỦ
(Dụng Đỗ Lăng Thu hứng bát thủ chi vận)
NỖI NHỚ MÙA THU THỨ BA
Nguyễn Lộ Trạch

Bài thơ này bộc lộ thế giới tâm hồn của nhà thơ trước vân nước suy vong. Đau lòng vì chẳng có kế sách nào hơn nữa để cứu nước, ông một mình bên song vắng đọc bài phú Thức Vy. Ông đã dâng vua sách lược chống giặc, canh tân đất nước, nhưng triều đình lấy hòa nghị làm quốc sách. Đó là sai lầm nghiêm trọng. Cho nên có mười vạn tinh binh vẫn nước mất mà thôi.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

612. THU HOÀI BÁT THỦ

               
Làng Kế Môn
  THU HOÀI BÁT THỦ
  (Dụng Đỗ Lăng Thu hứng bát thủ chi vận)
NỖI NHỚ MÙA THU  THỨ HAI của Nguyễn Lộ Trạch

Bài thơ này ghi lại hồi ức về thuở còn thanh niên của nhà thơ lúc ở kinh đô Huế. Một buổi chiều tà, nhà thơ dừng ngựa ở chân núi Ngự Bình, ông bỗng nhớ về thuở còn thanh xuân. Đất nước lúc ấy đang thật sự chìm nổi hủy hoại. Non sông hết tan rồi hợp khác nào chiếc bè trôi nổi vô định giữa bể khơi. Giặc đang tung hoành nơi kinh đô. Lòng ông đau như cắt. Nhìn hoa hải đường ở thượng uyển mà ngỡ hoa đỗ quyên gợi tiếng kêu thương mất nước.

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

611. THU HOÀI BÁT THỦ

Làng Kế Môn
 THU HOÀI BÁT THỦ
(Dụng Đỗ Lăng thu hứng bát thủ chi vận)

             Nguyễn Lộ Trạch

Nguyễn Lộ Trach (1853-1898) hiệu Kỳ Am, người làng Kế Môn, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. Ông thông minh, tài năng nhưng không dự vào khoa cử làm quan như các Nho sỹ khác. Cả cuộc đời ông tìm đọc tân thư, dâng lên vua những bản điều trần như: Thời vụ sách thượng, Thời vụ sách hạ, Thiên hạ đại thế luận, mong triều đình canh tân đất nước. Bên cạnh đó, ông còn đi đây đi đó kết giao với các nhà nho có tư tưởng mới, vận động họ đem tài năng, tâm huyết cải cách nước nhà.

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

610. VUI CHỮ NGHĨA

Sông Thu Bồn, Quảng Nam

VUI CHỮ NGHĨA

Những ngày “giãn cách xã hội” vì dịch Vi-rút Trung Cọng đang hoành hành khắp thế giới, chỉ biết làm bạn với chữ. May sao lại gặp THU BỒN DẠ BẠC của vua Lê Thanh Tông. Bèn đọc và nghiền ngẫm.

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

609. VỀ BÀI THƠ "CÁI NGÀY ẤY"


Cổng làng Đại Bình, Nông Sơn, Quảng Nam
          Trong tác phẩm khảo cứu Phong trào Duy Tân(1), Nguyễn Văn Xuân nêu ý kiến, người đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Phong trào Thơ Mới Việt Nam (1932-1945) là Huỳnh thúc Kháng với bài thơ CÁI NGÀY ẤY.

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

608. LAN MAN TRONG MÙA DỊCH

Đền thờ Phật bốn mặt ở Chiang Rai, Thailand

Thế giới đang trong im lặng của bão - bão virus Trung Cọng. Người người lo âu và hy vọng. Bức tranh cuộc sống của nhân loại nguệch ngoạc hai tông màu nước mắt và nụ cười. Tôi chẳng khác ai, cũng bị hút vào tâm bão. Tôi lo lắng. Tôi buồn bực. Và tôi nghĩ. Tôi lan man nghĩ về những đất nước hạnh phúc, nghĩ về Tứ Diện Phật.

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

607. MŨI TÊN LÀM SỐNG NGƯỜI


Chiếu quán đường. Linh Quy Pháp Ấn. Bảo Lộc
Đọc “Thiền luận” của Suzuki, gặp công án Thiền này, xin ghi ra đây.

Thạch Cung Huệ Tạng trước khi xuất gia là một thợ săn. Sống bằng săn bắn nên ông ta rất ghét các sa môn bởi họ không thích nghề này. Một hôm đi săn, Thạch Cung đuổi một con hươu chạy qua trước am của Thiền sư Mã Tổ (*). Mã Tổ ra đón lại. Thợ săn hỏi:

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

606. MỘT CHÚT TÌNH


Nhớ Trịnh Công Sơn

Đã sang tháng Tư 2020. Tháng Tư chỉ mới đổ bóng xuống già nửa ngày thứ nhất. Vậy mà cứ ngỡ tháng Tư đã xa xưa. Bởi đại dịch Virus Corona đã  tước đi tiếng cười của nhân loại, tiếng cười ngày bình thường và tiếng cười ngày Cá tháng Tư. Chỉ còn thầm lặng buồn, thầm lặng âu lo, thầm lặng nguyện cầu.

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

605. CHUYỆN MỘT BÀI THƠ DỊCH

Hồ Hoa Trung Đà Nẵng

Một buổi chiều đã xa. Một số em học sinh cũ  ghé thăm. Cũng đã lâu thầy trò mới có dịp bên nhau hỏi han nhau về bản thân và gia đình. Và cũng như các em lớp chuyên Văn khác, dù mỗi em một hướng đời khác nhau, em thì dạy văn, em bên an ninh Cảng, em ở Sở Tư pháp, em làm chủ cửa hàng bán buôn,… nhưng rồi vẫn “ngựa quen đường cũ”, câu chuyện bao giờ bẻ ngoặt về hướng văn chương lúc nào chăng hay!