Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

609. VỀ BÀI THƠ "CÁI NGÀY ẤY"


Cổng làng Đại Bình, Nông Sơn, Quảng Nam
          Trong tác phẩm khảo cứu Phong trào Duy Tân(1), Nguyễn Văn Xuân nêu ý kiến, người đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Phong trào Thơ Mới Việt Nam (1932-1945) là Huỳnh thúc Kháng với bài thơ CÁI NGÀY ẤY.

    Cái ngày ấy ai cầm lại đặng?
            Chẳng khác gì sóng lặn ngàn dâu
            Trải qua ngày tháng bao lâu
            Kìa đầu tóc bạc, đổi đầu tóc xanh
            Nay nói với các anh ham học,
            Chữ lợi quyền ngang dọc cả năm châu.
            Này là Úc, này là Á, này là Âu.
            Trong thế giới đâu đâu cũng vậy
            Núi non vậy, hải hà cũng vậy,
            Ráng sức mình vùng vẫy thử coi chơi.
            Một mai thuyền nọ xa vời,
            Đò đưa đến bến, thảnh thơi nhiều ngày.
            Đố ai không học mà hay! (2)
            Kỳ thực mốc ra đời của phong trào thơ này trước đây đã có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng dòng chảy Thơ Mới được khời thông từ bài thơ dịch “Con ve và con kiến” của Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên Trung Bắc Tân văn năm 1928.
            Ve sầu kêu ve ve
            Suốt mùa hè
            Đến kỳ gió bấc thổi
           Nguồn cơn thật bối rối
            (…)
            Bài thơ đã phơi bày sự rạn nứt niêm luật của thơ cũ trong Văn học Việt Nam thời Trung Đại.
            Hoài Thanh Hoài Chân tìm thấy ở một số bài thơ của Tản Đà “ra đời từ hơn hai mươi năm trước đã có một giọng phóng túng riêng”. Với nhưng bài thơ ấy, Tản Đà đã “dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kỳ sắp sửa(3).  Vì vậy, Tản Đà đã được các tác giả đưa lên đầu trong Thi nhân Việt Nam (1941). Hoài Thanh Hoài Chân đã “Cung chiêu anh hồn Tản Đà”, đã mời nhà thơ về  khai hội bằng ít bài thơ”. Đó là hai bài thơ Thề Non Nước (thể lục bát) và Tống biệt (thể Trúc chi từ).
            (…)
            Cái hạc bay lên vút tận trời
            Trời đất từ nay xa cách mãi
            Cửa động
            Đầu non
    Đường lối cũ
    Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi
        Các ý kiến trên không phải không có căn cứ, không phải không có sức thuyết phục.
         Trở lại với Nguyễn Văn Xuân, với bài thơ Cái ngày ấy của Huỳnh Thúc Kháng. Trong tác phẩm Phong trào Duy Tân, tác giả cho rằng Phong trào Duy Tân dùng thơ ca để tranh đấu, để tuyên truyền. Vì vậy nhằm chuyển tải nội dung mới nên cần có hình thức thơ ca mới.
  Bài thơ Cái ngày ấy đã chứa đựng một nội dung mới: “Đố ai không học mà hay”. Đó là tư tưởng Duy Tân của Chí sỹ Phan Châu Trinh: Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh. Muốn duy tân thì phải học.
Nay nói với các anh ham học,
        Chữ lợi quyền ngang dọc cả năm châu.
        Này là Úc, này là Á, này là Âu.
        Trong thế giới đâu đâu cũng vậy
Học là tiếp thu tư tưởng tiến bộ, khoa học hiện đại, hình thái tổ chức xã hội dân sự, nền văn mình phương Tây,… để truyền lại cho nhân dân, giúp họ mở mang trí óc, cùng xốc lại tinh thần dân tộc, cùng chung sức chung lòng xây dựng một nước Việt Nam mới độc lập, dân chủ, văn minh.
Chỉ có học tư tưởng, công nghệ của nền văn minh phương Tây mới có thể:
Ráng sức mình vùng vẫy thử coi chơi.
        Một mai thuyền nọ xa vời,
        Đò đưa đến bến, thảnh thơi nhiều ngày.
       Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, về thể loại, bài thơ Cái ngày ấy là một hợp thể giữa hai thể: Song thất lục bátHát nói. Các thể  song thất lục bát và hát nói thường có một cấu trúc hình thức nhất định. Khi sáng tác các nhà thơ phải tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố hình thức - thi luật - của thể thơ. Những yếu tố hình thức như: số dòng thơ, số tiếng trong một dòng thơ, cách hiệp vần, niêm, luật,…
          Bài thơ Cái ngày ấy cấu trúc gồm ba khổ song thất lục bát và câu cuối sáu tiếng.  Các khổ thơ song thất lục bát số tiếng, hiệp vần có chỗ linh hoạt. Nếu  khổ một bảo đảm thi luật:
    Cái ngày ấy ai cầm lại đặng?
            Chẳng khác gì sóng lặn ngàn dâu
            Trải qua ngày tháng bao lâu
            Kìa đầu tóc bạc, đổi đầu tóc xanh
            thì khổ hai và ba có sự phá vỡ thi luật. Câu 7 có số tiếng là 9: Này là Úc, này là Á, này là Âu. Câu 8 và 9 hiệp vần ở tiếng thứ 7 (c 8), thứ 3, thứ 7 (c 9).
            Trong thế giới đâu đâu cũng vậy
            Núi non vậy, hải hà cũng vậy,
           Nếu cấu trúc một bài hát nói gồm ba khổ: khổ đầu (bốn câu), khổ giữa (bốn câu), khổ xếp (ba câu, câu cuối sáu tiếng), thì Cái ngày ấy cũng vậy, chỉ khác khổ xếp có bốn câu.
           Từ nội dung và hình thức nêu trên, Nguyễn Văn Xuân đi đến kết luận. Huỳnh Thúc Kháng là người thứ nhất gieo mầm thơ mới. Bài thơ Cái ngày ấy chính là bài thơ mới của 1905-1906 của Văn học Việt Nam và là bài thơ mới đang thời kì dò dẫm của Phong trào Duy Tân. Nhà nghiện cứu còn chỉ ra, người thứ hai trong phong trào tiếp nối thể thức thơ ca này là Phan Khôi với bài thơ Tình già (4) (Phụ nữ Tân văn, 1932).
  Ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân không phải không có cơ sở. Nói theo cách nói của ông “chắc cũng không phải quá sai”.
   Thơ Mới nở rộ từ 1932-1945. Đây là thời kỳ thơ Việt Nam đã có một linh hồn và thể xác mới, hòa nhập vào dòng chảy thi ca thế giới. Để có mùa quả chín thi ca ngọt ngào, buổi hòa nhạc tân kỳ ấy, không thể không có những người tiên phong, “người báo tin xuân”. Nhà thơ được xem là “người báo tin xuân” cho phong trào thơ này là Tản Đà với những tập thơ như: Khối tình con I, II, II (lần lượt xuất bản những năm 1916, 1918, 1932); Còn chơi (1921),… Với Huỳnh Thúc Kháng vào khoảng 1905-1906 đã sáng tác Cái ngày ấy có sự đổi mới về nội dung và hình thức, sao không thể xem là người cùng Tản Đà báo tin xuân.
           Như thế, từ Huỳnh Thúc Kháng đến Phan Khôi và Tản Đà đã có sự kế thừa và phát triển, đưa thơ Việt từng bước đi vào quỹ đạo hiện đại hóa. Nói như vậy cũng hợp lẽ vì nằm trong quy luật phát triển của văn học: kế thừa và tiệm tiến.
            Chỉ có điều giữa Huỳnh Thúc Kháng với Phan Khôi và Tản Đà đã có một khoảng cách, khoảng cách  tình tứ và bâng khuâng, khoảng cách mơ màng thi ca.

            Đà Nẵng, 07-04-2020
           
           ___________________

(1) Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng, 2002
(2) Sđd, trang 890.
(3) Hoài Thanh Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam, NXB Hoa Tiên, Sài Gòn, 1967, tr. 5&6.
(4) Phụ lục bài thơ Tình già của Phan Khôi.
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai cái đầu xanh, kề nhau than thở:
- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
Để đến nỗi tình trước phụ sau,
Chi bằng sớm liệu mà buông nhau!
- Hay! Nói mới bạc làm sao chớ!
Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng
Mà tính việc thủy chung?
                               ***
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau:
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét