Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

614. CÁI TỘI CỦA CHỮ

       
 Trong cuộc đời hay trong văn học cũng thế, người cô đơn là những người đi trước lúc mặt trời mọc hay đi ngược gió. Không cô đơn sao được khi mọi người an giấc với những gì họ có thì anh lại cất bước lên đường với  tư tưởng đánh thức bình minh. Không một mình sao được, khi ai cũng thuận theo chiều gió quan niệm, anh lại ngược sắm vai người phản biện. Với Phùng Quán cũng vậy. Nhà thơ không chấp nhận “cuốn theo chiều gió” hay “để gió cuốn đi” mà quay người lại đối diện rồi rẽ gió mà bước. Hành động rẽ gió mà bước của ông không chỉ có trong đời thực mà có cả trong văn chương. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho hành động đó là bài thơ HOA SEN.

          Bài thơ mở đầu bằng bài ca dao quen thuộc:
          “Trong đầm gì đẹp bằng sen
          Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
          Nhị vàng bông trắng lá xanh
          Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
          Mượn tác phẩm văn chương dân gian quen thuộc không phải để hòa điệu, hòa thanh, để thơ có tính dân tộc mà chỉ lấy làm điểm tựa cho tứ thơ  của mình sinh sôi nẩy nở. Mượn cũng chỉ để tạo cách lập ý đối lập giữa tiếp nhận tập thể, có tính chất truyền thống với quan niệm của một cá nhân về mối quan hệ nhân quả giữa con người với môi trường sống, giữa cá nhân với cộng đồng.
Hãy nghe Phùng Quán tỏ bày:
          Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền
          Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen
          Nhưng tôi không thể nào tin được
          Câu ca này gốc gác tự nhân dân
          Bởi câu ca sặc mùi phản trắc
          Của những phường bội nghĩa vong ân!
          Đây là những câu thơ biểu lộ cái nhìn khác, cách tiếp nhận khác trái chiều với truyền thống về nội dung tư tưởng của bài ca dao. Câu ca dao “được cả nước lưu truyền” và “đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen”. Xưa nay ai cũng hiểu chủ đề tư tưởng bài thơ như thế. Hoa sen sống gần bùn mà không tanh mùi bùn. Ngược lại, hoa vẫn mang sắc màu sáng trong, vẫn tỏa hương dịu dàng thanh khiết. Hoa ví như người quân tử, sống giữa đời ô trọc, nhớp nháp vẫn  giữ phẩm cách thanh cao, khí tiết cứng cỏi. Hoa giống như những người biết sống đúng đạo lý làm người: không quỳ gối cúi đầu trước sức mạnh quyền bính, không mê hoặc bởi giàu sang, không thay đổi vì nghèo khó.
          Nhà thơ có “tuổi thơ dữ dội” lại khác. Ông tin bài thơ không do nhân dân sáng tác. Bởi bài ca dao toát lên mùi phản trắc “của những phường bội nghĩa vong ân”, đây là sản phẩm của những kẻ vong tình, những kẻ giả hình trong cuộc sống. Nhà thơ như người “điều tra” cái án từ ngữ, phát hiện ra chữ “tội phạm” là từ “GẦN” ở câu cuối bài ca dân gian:
          Tất cả là trong cái chữ “gần”
          Chỉ một chữ mà ta thắt gan thấu ruột
          Những manh tâm bội nghĩa vong ân.
          Chữ “gần” sao lại là tội phạm. Không tội phạm ư? Thì đây. Hãy nhìn vào hiện thực đời sống của sen. Sen sống trong bùn chứ không phải gần bùn, Bùn với sen có quan hệ biện chứng với nhau. Bùn là gốc gác, nguồn sống của sen đúng như nhà thơ viết:
          Bùn với sen đâu phải chuyện gần
          Chính là sen mọc lên từ đó
          Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
          Nhị vàng, bông trắng, lá xanh…
          Tất cả, tất cả, tất cả!...
          Là do bùn hôi nuôi dưỡng
          Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
          Cũng là xương thịt của bùn tanh.
          Từ “gần” như thế là tội phạm, nếu không cũng là đồng lõa với sen, kẻ vong ân bội nghĩa với bùn. Từ “gần” đã giúp sen từ chối gốc gác một cách hợp pháp. Đúng hơn từ “gần” đã định hướng cái nhìn của mọi người về sen quá tinh vi. Từ “gần” khéo che góc khuất tâm hồn, phẩm cách của sen để người đọc chỉ thấy sự thanh cao của thảo mộc này. Như thế, từ “gần” chỉ là từ chiêu tuyết cho hoa sen mà thôi.
          “Điều luật” mà thơ làm cơ sở buộc tội từ “gần” là vai trò, vị trí lớn lao của nhân dân đối với dân tộc và văn hóa, cụ thể hơn là mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, con người với nhân dân, với dân tộc. Trong quan niệm của Phùng Quán, bùn là một ẩn dụ nghệ thuật tượng trưng cho nhân dân; sen là một cá thể sống trong nhân dân. Chính nhân dân chứ không ai khác đã sản sinh những anh hùng, những người tài:
          Như nhân dân
          Gian truân, thầm lặng, vô danh
          Đã sinh ra vỹ nhân, anh hùng, nghệ sỹ…
          Không có nhân dân không có đất nước, không có văn hóa,… cũng như không có bùn hẳn không có sen.  Vậy mà sen không hiểu chân lý này. Vậy mà có người không nhìn thấy sự thật này. Ngược lại còn phủi ơn như phủi tay.
          Những kẻ vong ân bội nghĩa với nhân dân, dân tộc ấy là ai? Đó là:
          Vốn con cái của giai cấp cùng khổ
          Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực giàu sang
          Nghĩ đến cha mẹ chúng xấu hổ
          Chúng mưu toan giấu che từ bỏ
          Nói xa gần chúng mượn chuyện sen
          Cũng may những kẻ sống trong lòng nhân dân mà bảo sống “gần” ấy không nhiều. Sống giữa nhân dân, thừa hưởng rất nhiều giá trị vậy mà những kẻ ấy lẹo lưỡi bảo rằng không  thụ hưởng gì chỉ là thiểu số. Ít vì chỉ là “chúng”, “con cái của giai cấp cùng khổ” vừa “chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son”. Mới “chòi lên” nên chỉ biết mùi tiền và màu tiền. Mới “chòi lên” nên phá nát đạo lý làm người và văn hóa dân tộc. Mới “chòi lên” nên hãnh tiến bội ơn: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Ví thế, người đọc hiểu tại sao Phùng quán nổi giận gằn giọng khiến những câu thơ kết săn chắc lại chối bỏ câu ca dao, chối bỏ chữ “gần:
          Nhân danh bùn
          Nhân danh sen
          Tôi đề nghị:
          Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!
          Có người đọc bài thơ Hoa sen rồi bảo rằng, Phùng Quán cực đoan, vơ đũa cả nắm. Không hiểu nhưng người ấy đã đọc bài thơ như thế nào? Nhà thơ đâu đòi đuổi cà bài, ông chỉ đuổi một câu ca dao. Mà nếu có thì nhà thơ chỉ muốn đuổi từ “gần”, bắt tội từ ấy vì nó làm hỏng cả bài thơ dân gian.
          Vấn đề là, liệu chữ “gần” nói riêng và chữ nghĩa nói chung thật sự có tội không? Hay cái tội ấy do người dùng đổ vạ lên đầu chúng!

          Đà Nẵng, 19-04-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét