HOA DÂM BỤT |
Năm 1971, tôi đã chọn văn chương làm
sự sống của tôi khi vào giảng đường Đại học Văn khoa tìm một chỗ ngồi cho mình.
Đúng hơn hạt mầm văn chương đã khởi sự gieo vào đời sống của tôi từ trước đó,
khoảng năm 1968 khi tôi đoạt Giải Nhất kỳ thi sáng tác truyện ngắn của hai
trường Trung học phổ thông Phan Châu Trinh và Nữ Trung học Hồng Đức Đà Nẵng với
tác phẩm Giọt nắng cuối cùng. Niềm
tin văn chương, tin vào bản thân hình thành từ đó. Và từ đó, tôi học… để rồi đứng
trên bục giảng trao truyền văn chương cho thế hệ trẻ đến ngày bẻ phấn.
Thực ra, cái mà tôi gọi là văn chương
ấy đã có sự biến hình trước ngã rẽ, trước khúc ngoặt lịch sử của dân tộc và của
đời tôi. Lịch sử đã cuốn quay văn chương vào vòng xoáy của nó. Lịch sử đã làm
đổi thay khái niệm văn chương. Từ văn chương là vẻ sáng vẻ đẹp, văn chương thờ
phượng cái thẩm mỹ; chuyển sang màu đạo đức chính trị, bị nhuộm màu hiện thực
trần trụi hay giả hình, hiện thực không có con người.
Thở và làm việc với loại văn chương
này đã khiến tôi âm thầm cấu xé tâm hồn mình. Tôi tự dày vò mình chỉ với một
câu hỏi như đã nêu trên, câu hỏi được lặp lại theo nhịp độ chảy trôi của thời
gian. Tôi đã đem những tác phẩm đã giảng dạy ra đặt một dấu chấm hỏi lên nội
dung của nó. Lần lượt từng tác phẩm như những những kẻ xa lạ ngang qua trước
mắt tôi. Những tác phẩm văn chương đây ư? Xem nào: Ngói mới của Xuân Diệu, Con
cá chột nưa của Tố Hữu, Cái sân gạch
của Đào Vũ, Tầm nhìn xa của Nguyễn
Khải, Người mẹ cầm súng của Nguyễn
Thi, Sống như anh Trần Đình Vân, Bất khuất Nguyễn Đức Thuận, Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy
Cận,… Và còn biết bao nhiêu tác phẩm nữa. Đây là những tác phẩm hiện thực ư? Những
tác phẩm này chỉ là những kí họa ở phương diện này hay phương diện khác chân
dung thời đại. Quan hệ giữa cái được phản ánh với cái phản ánh trong tác phẩm
theo phép 1 đối 1. Bức tranh cuộc sống và con người trong tác phẩm đang nằm
trên một mặt phẳng thiếu chiều sâu, chiều tương lai. Bởi hình tượng trong tác
phẩm chỉ là một mẫu người nhất định, kết cấu tác phẩm rập khuôn xưa - nay hay
ta tốt địch thua,… Nói chung, các tác phẩm đều có cùng một thi pháp sáng tác theo quan điểm chính trị:
Văn hóa văn nghệ là một mặt trận, mặt trận không tiếng súng.
Nhắc đến Kép Tư Bền mới nhớ cuộc bút chiến giữa hai trào lưu văn nghệ Nghệ thuật vị nghệ thuật với Nghệ thuật vị nhân sinh trong lịch sử
văn học Việt Nam .
Kép Tư Bền là một minh họa cho trường
phái Nghệ thuật vị nhân sinh. Như tên
gọi của nó: bản chất bút chiến bao giờ cũng cực đoan và ồn ào. Cho nên, liệu có
sự tách bạch đen trắng giữa hai trường phái không? Hiện thực được phản ánh thế
nào mới thực sự là hiện thực văn chương? Hiện thực được phản là hiện thực có
chiều sâu là triết học về con người, con người với tất cả vĩa tầng giá trị của
nó. Lãng mạn, phải chăng là xương sống của tác phẩm và của văn chương muôn đời.
Hay: Chủ nghĩa lãng mạn là trường phái
nghệ thuật hướng tới nhận thức. Nó không giải quyết vấn đề vụn vặt hằng ngày
của đời sống mà hướng tới những vấn đề
và có giá trị vĩnh hằng, cơ bản, chung nhất của đời sống con người. (Ayn
Rand, Suối Nguồn, Nxb Trẻ, 2019,
tr.5),
Một thời gian dài tôi đã giảng dạy
những tác phẩm hiện thực như thế, với quan điểm nghệ thuật như thế. Tôi dạy một
cách trơn tru, có cảm giác hạnh phúc được dạy. Để rồi có những lúc một mình mới
tự hỏi: Mình đã làm gì với học sinh rồi!? Mình đã đánh đồng văn chương muôn đời
với văn chương một thời ư? Mình có đáng mặt làm thầy dạy văn không?...
Cũng may. Những tác phẩm kiểu trên đã
bị loại ra khỏi sách giáo khoa. Những tác phẩm có chất văn hơn, đậm màu nhân
bản hơn được đưa vào hay đưa trở lại chương trình ngữ văn. Tôi như được cứu rỗi.
Niềm vui thời trước đã tìm về dù chưa thật mạnh mẽ, dồi dào. Nhưng ít ra, tôi
cũng được sống với văn chương cùng học sinh của mình trong khuôn khổ lớp học.
Từ đó tôi hiểu. Sự thay đổi chương
trình văn học bậc tiểu học và trung học hiện hành hình như do tác động tích cực
của chủ nghĩa lãng mạn trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Đó là thứ chủ nghĩa
lãng mạn hướng tới những vấn đề và có giá trị vĩnh hằng, cơ bản, chung nhất
của đời sống con người.
Đà Nẵng, 24-04-2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét