Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

606. MỘT CHÚT TÌNH


Nhớ Trịnh Công Sơn

Đã sang tháng Tư 2020. Tháng Tư chỉ mới đổ bóng xuống già nửa ngày thứ nhất. Vậy mà cứ ngỡ tháng Tư đã xa xưa. Bởi đại dịch Virus Corona đã  tước đi tiếng cười của nhân loại, tiếng cười ngày bình thường và tiếng cười ngày Cá tháng Tư. Chỉ còn thầm lặng buồn, thầm lặng âu lo, thầm lặng nguyện cầu.

Ngồi một mình. Trong đầu bỗng ngân nga câu hát:
Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng
Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng
Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh.
                        (Tôi ơi đừng tuyệt vọng)
            Rồi. Giật mình nhớ ra. Hôm nay là ngày mất của Trịnh Công Sơn. Âm nhạc của ông ùa về nghe như có tiếng thở than, có tiếng tuyệt vọng, có tiếng vỗ về, có tiếng reo giòn sáng  như nắng thủy tinh. Dù nhiều giọng điệu nhưng vẫn quyện hòa làm nên suối mát thi ca. Từ nhạc thơ gợi nhớ đến những vần thơ rời của Trịnh. Đó là vài vần thơ ít ỏi nở trên xứ tuyết Montreal năm 1992. Một vài vần thôi nhưng cũng nao lòng người đọc. Một trong số đó là bài thơ sau:
Chỗ em ngồi ngày xưa còn ấm lắm
Anh gối lên và ngủ một giấc dài
Em có hiểu đời cho em là mộng
Để anh về cứ tưởng một là hai
Bài thơ chẳng có tiêu đề. Cũng hay. Tình yêu đâu cần gọi tên. Tình yêu tự nó đã là tên. Tình yêu là dòng sông ngọt ngào bất tận, chảy từ vô thủy đến vô chung. Con người cần tình yêu. Tình yêu khẳng định phẩm chất và giá trị của con người. Hai câu đầu của bài thơ đã biểu hiện điều đó. Hai câu đầu là tình xa. Người xa còn ta ở lại. Xa nên ta mới tìm về hơi hướm cũ. Xa hiện ra trong hình ảnh vừa gợi không gian và thời gian “chỗ em ngồi ngày xưa”.  Tình xa nhưng không phải là:
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi, nhưng dòng sông nhỏ
Lời hẹn thề là những cơn mưa.
                        (Tình Xa)
Người xa những trong ta tình vẫn ấm nồng như thuở ban đầu. Đấy là ấm nồng của nhiệt độ tình yêu sâu bền. Tình xa nhưng vẫn nồng nàn màu sắc thủy chung thật thà. Không như thế thơ không có giọng thật thà:
Anh gối lên và ngủ một giấc dài
Tình yêu thật kỳ diệu. Chỉ là chỗ ngồi xưa của người tình, một không gian đã bị thời gian phủ lên sắc ảo mờ cũ càng mà như gối êm đưa người thơ vào giấc ngủ dài. Chỗ ngồi xưa còn đượm hơi ấm ấy hẳn là nơi chốn hẹn hò tình tự mới có sức mạnh xua tan bao toan lo giữa đời để đi vào giấc ngủ không mộng mỵ, chỉ toàn là giấc mơ tình ái đẹp.
Hai câu đầu bài thơ như là một giấc mơ ái tình. Hình ảnh thơ chỉ  hiện ra trong nhớ nhưng tình yêu không là ảo ảnh. Hai câu thơ là tình nhớ. Nỗi nhớ tình yêu bắt người ta sống cùng với hình bóng người tình. Cảm nhận sâu sắc, người tình đúng hơn là tình yêu là có sức mạnh cứu rỗi nỗi đau phận người.
Nếu hai câu đầu hình ảnh thơ tĩnh thì hai câu sau động. Nếu hai câu đầu là tình nhớ thì hai câu sau là tình bâng khuâng:
Em có hiểu đời cho em là mộng
Để anh về cứ tưởng một là hai
Câu thơ đầu vừa ca ngợi vẻ đẹp của người tình, vừa thể hiện cảm giác hạnh phúc được yêu, vừa bộc lộ tâm lý sợ đánh mất tình yêu. Câu cuối nhuốm sắc màu tâm trạng của nhà thơ. Sống giữa đời thực mà tưởng như sống trong giấc mơ. Người tình bằng xương bằng thịt sống thực như thế mà cứ ngỡ một ảo mộng. Người được yêu nào không như thế. Tâm trạng họ cứ đi về giữa thực và mộng, bâng khuâng đứng giưa đôi bờ hư thực.
Bài thơ ngắn nhưng thật đẹp. Bài thơ có sức nén tâm trạng, nói được nét riêng nhưng có sức phổ quát muôn đời của con người trong tình yêu. Tình yêu là nỗi nhớ. Tình yêu thăng hoa tâm hồn con người. “Tình yêu cứu chuộc thân phận” như họ Trịnh nói.
Vẻ đẹp của tình yêu là như thế. Nhưng xin nhớ, tình yêu đẹp vĩnh cửu khi nó có tên gọi là thủy chung.
Tự dưng, muốn cất lời:
Tình ngỡ đã phôi pha
Nhưng tình vẫn còn đầy
(…)
Tình ngỡ sóng xa đưa
Nhưng còn quá bao la
              (Tình nhớ)

Đà Nẵng, 01-04-2020


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét