Đền thờ Phật bốn mặt ở Chiang Rai, Thailand |
Thế giới đang trong im lặng của
bão - bão virus Trung Cọng. Người người lo âu và hy vọng. Bức tranh cuộc sống của
nhân loại nguệch ngoạc hai tông màu nước mắt và nụ cười. Tôi chẳng khác ai, cũng
bị hút vào tâm bão. Tôi lo lắng. Tôi buồn bực. Và tôi nghĩ. Tôi lan man nghĩ về
những đất nước hạnh phúc, nghĩ về Tứ Diện Phật.
Có bao nhiêu quốc gia thực sự hạnh
phúc trên mặt đất cuộc sống này. Có bao nhiêu quốc gia hạnh phúc nhất. Phải
chăng chỉ có Thụy Sỹ và Bhutan.
Thụy Sỹ là quốc gia có nền dân chủ trực tiếp. Công dân bình thường có thể đề nghị thay đổi hiến
pháp hoặc có thể được yêu cầu trưng cầu dân ý về luật pháp mới. Quốc
gia Trung Âu này rất hiện đại và giàu có. Bình quân GDP đầu người của Thụy Sỹ khoảng 58.000 USD một người một năm.
Thụy Sỹ nổi tiếng với hệ thống chăm sóc sức khỏe
tốt nhất thế giới. Người lao động chỉ làm việc 30,84 giờ một tuần. Gần đây
chính phủ Thụy Sỹ, còn đề xuất trả lương 2.400 USD một tháng cho mỗi cho mỗi
công dân nữa.
Bhutan là quốc gia duy nhất trên
thế giới đo mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên chỉ số GNH (Gross National Happiness - Tổng hạnh phúc quốc gia), chứ
không phải bằng chỉ số GNP (Tổng sản lượng quốc dân) hay GDP (Gross Domestic
Product - Tổng sản phẩm quốc nội) như
các nước khác. Quốc gia Nam Á này vẫn giữ được những giá trị cổ xưa. Đây là một
lãnh thổ không khói thuốc lá, không tệ nạn xã hội. Tất cả trẻ em đều được đến
trường không đóng học phí. Người dân và du khách được chăm sóc sức khỏe miễn
phí hoàn toàn. Người dân của đất nước Phật
giáo này sống trong môi trường an lành, hiền hòa và thân thiện. Nhịp sống của họ không gấp gáp như xã hội hiện đại, ngược
lại chậm rãi và bình yên.
Điều băn khoăn là trên trái đất
này có 204 quốc gia và vùng lãnh thổ sao chỉ có hai nước được đánh giá là hạnh
phúc nhất. Hơn 200 quốc gia còn lại có thể chưa có hạnh phúc hoặc hạnh phúc
chưa cao. Dẫu đánh giá, xếp loại có tính tương đối nhưng không phải không xác
thực. Dẫu khái niệm hạnh phúc chưa hẳn trùng khít nhưng hiện thực đã khẳng định,
người dân của hai đất nước này luôn sống với nụ cười, sống trong yêu thương và
hạnh phúc.
Vậy thì,… Tại sao quá nhiều quốc
gia chỉ số hạnh phúc chưa cao. Thể chế chính trị chăng? Nhiều lãnh đạo quốc gia đang giương cao ngọn
cờ chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan chăng? Nhiều nước nuôi tham vọng
hiện thực hóa giấc mộng cường quốc bất chấp mọi thủ đoạn lưu manh và tàn ác? Hay
có thể do người dân nhiều nước chưa nhận
thức vị thế chính trị của mình. Hay vì mâu thuẫn tôn giáo, mâu thuẫn lợi ích của
những kẻ đầu cơ chính, của những con buôn vũ khí?...
Có lẽ như vậy. Một khi tình
thương, tự do và bình đẳng còn là lý thuyết thì quốc dân, nhân loại làm sao thực
sự hạnh phúc! Một khi người ta sung sướng bán linh hồn cho quỷ dữ, cho sự man
trá,… con người khó tìm thấy hạnh phúc đích thực trong cuộc đời.
Nghĩ về hạnh phúc quốc gia, hạnh
phúc con người; nghĩ về yêu thương và buông bỏ, tôi liên tưởng đến Tứ Diện Phật,
một vị Phật đã tạo ấn tượng sâu sắc trọng tôi khi đến Chiang Mai, Thailand. Và tôi chợt hỏi. Thế giới không bình yên, đại
đa số con người chưa tìm thấy hạnh phúc đích thực phải chăng vì trong tâm họ
không có hình ảnh Tứ Diện Phật theo nghĩa biểu tượng?
Tứ Diện Phật (San Phra Prom) gọi
nôm na là Phật Bốn Mặt tức là thần Brahma
của Ấn Độ giáo và Phật giáo nguyên thủy. Theo truyền thuyết Phật giáo Nguyên Thủy,
Phật bốn mặt tức là một Đại Thiên thần hộ trì chánh pháp có bốn Đức lớn, đó là
Từ bi, Nhân ái, Bác ái và Công chính.
Nói một cách cụ thể và chính xác
hơn, Phật có bốn mặt và tám tay. Mỗi mặt thể hiện một cái tâm trong “Tứ vô lượng tâm”. Bốn cái tâm đó được thể hiện
theo chiều quay kim đồng hồ. Mặt chính (trước) là TÂM TỪ, mặt bên trái là TÂM
BI, mặt sau là TÂM HỶ, mặt bên phải là TÂM XẢ.
Tâm Từ là tình thương chúng sinh hữu hình và vô
hình. Vì tình thương mà đem niềm vui đến cho muôn loài.
Tâm Bi là lòng xót thương rộng lớn, mang ánh sáng trí
tuệ trước nỗi khổ đau của chúng sinh. Từ đó quyết tâm diệt trừ nỗi khổ đau này
của họ.
Tâm Hỷ là vui vẻ, hoan hỷ, lạc quan theo niềm vui của
chúng sanh khi chúng sanh làm điều thiện, việc tốt.
Tâm Xả là buông bỏ, không còn chấp nê nữa.
Tám tay của Phật, mỗi tay cầm một
Pháp khí có ý nghĩa biểu tượng riêng. Lệnh kỳ biểu tượng cho “Vạn năng pháp lực”.
Kinh Phật biểu tượng cho Trí tuệ. Pháp loa biểu tượng cho Sự ban phúc. “Bánh xe
ánh sáng” tượng trưng cho thiêu rụi phiền não. Quyền trượng biểu tượng cho
Thành tựu tối thượng. Bình nước biểu tượng cho cầu tất ứng. Niệm châu biểu tượng
cho làm chủ Luân hồi. Và Tay bắt ấn trước ngực biểu tượng cho sự che chở.
Trong văn hóa tín ngưỡng, Phật Bốn Mặt được sùng kính và chiêm bái ở
các nước có tín đồ theo Phật giáo nguyên thủy như Đài Loan, Campuchia, Thái
Lan,… Để cầu tài lộc, công danh, may mắn, hạnh phúc người ta dâng lễ vật rồi lễ
bái cầu nguyện lần lượt trước bốn mặt của Phật.
Chính văn hóa tín ngưỡng đó đã để lại những tuyệt tác nghệ thuật Phật
giáo. Một trong những tuyệt tác đó là Di sản văn hóa thế giới, quần thể đền
Angkok ở Campuchia, có tháp Bayon với tượng Phật bốn mặt với nụ cười bí ẩn. Nhà
thơ Chế Lan Viên từng đến đây, trước tháp Bayon xúc cảm mà gieo vần:
Anh
là tháp Bay-on bốn mặt
Giấu
đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ
mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm
đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình
Chế Lan Viên
(Tháp Bay-on bốn mặt, Hoa
trên đá II, 1988)
Giọng điệu thơ Chế Lan Viên như
giọng cật vấn tâm hồn, giọng suy lý nhưng xa xót. Đấy là
giọng của những ai chỉ sống với khuôn mặt xã hội mà không sống với khuôn mặt
con người chân chính, con người tự nhiên.
Chỉ sống với khuôn mặt xã hội làm
sao tâm hồn có hình ảnh biểu tượng Phật bốn mặt? Chỉ sống với khuôn mặt xã hội
làm sao tìm được hạnh phúc đích thực khi không có “Tứ vô lượng tâm”.
Đà Nẵng, 06-04-2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét