Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

605. CHUYỆN MỘT BÀI THƠ DỊCH

Hồ Hoa Trung Đà Nẵng

Một buổi chiều đã xa. Một số em học sinh cũ  ghé thăm. Cũng đã lâu thầy trò mới có dịp bên nhau hỏi han nhau về bản thân và gia đình. Và cũng như các em lớp chuyên Văn khác, dù mỗi em một hướng đời khác nhau, em thì dạy văn, em bên an ninh Cảng, em ở Sở Tư pháp, em làm chủ cửa hàng bán buôn,… nhưng rồi vẫn “ngựa quen đường cũ”, câu chuyện bao giờ bẻ ngoặt về hướng văn chương lúc nào chăng hay!
Trong đó xoáy kỹ vào bài thơ “Thần” hay “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt. Thầy trò trao đổi nhiều. Hôm nay nhớ và ghi lại hai câu hỏi liên quan đến bài thơ  và nội dung trả lời trong  cuộc trao đổi đó.
1. Vừa qua báo chí nói nhiều về tâm lý của phụ  huynh không bằng lòng trước bản dịch thơ bài thơ “Thần” trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, quan niệm của thầy thế nào?
- Thứ nhất, có thể nói thời nay những trang mạng bao giờ cũng ầm ĩ. Nói theo ngôn ngữ của báo chí thời phá sản ngôn ngữ này là “sốc” với bất cứ vấn đề gì! Cho nên, họ ầm ĩ, cứ việc; còn ta sao không bình tĩnh mà nhìn mà suy ngẫm. Thứ hai, cần phải xem cái lý của sự ầm ĩ đó là gì? Tại sao lại ầm ĩ? Trả lời được câu hỏi tại sao, mọi việc sẽ trở nên rõ ràng, lòng trí lúc ấy sẽ chẳng gợn một chút băn khoăn gì nữa.
Nếu ầm ĩ như thế này thì nên quan tâm. Đại để: “Theo nhận định của nhiều phụ huynh, bản dịch sau trúc trắc, khó đọc và không hay như bản cũ.”; còn những cách “sốc” kiểu: “Ôi trời. Tam sao thất bản! “Tuyên ngôn độc lập” mà bị “bôi nhọ” này sao! Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ở đâu…” hay “Cái sự “tan vỡ” hơi bị ép duyên, nhưng cách dịch này không làm sai lệch tinh thần bài thơ. Vấn đề là chúng ta đã quá quen với vần điệu cũ, nên thấy cái này hơi gợn, hơi khó tiếp nhận”,… thì có thể quên được rồi. Bởi chuyện văn chương chẳng có gì mà phải thiêng liêng hóa để rồi gọi là “bôi nhọ” nọ kia! Hay cảm thụ văn chương, đành rằng có sự can dự của tâm lý thưởng ngoạn như sùng cổ, ngại thay đổi, thụ động trước sự định hướng của quan niệm thẩm mĩ tập thể,… nhưng đừng bao giờ để cái tâm lý ấy lấn át, làm mù lòa đi nhận thức về cái lý tồn sinh của văn học, đó là cái đẹp, cái thẩm mỹ, nếu không ta sẽ rơi vào cõi hỗn mang của hồ đồ nghệ thuật!
Nói như thế để thấy, dư luận về bài thơ “Thần” nói riêng và những vấn đề khác diễn ra ở trên mạng có tính chất đa chiều và bao giờ cũng ồn ào, sôi sục. Với chúng ta, để nhận thức đúng cần tạo độ lắng, cần có một màng lọc dư luận, đó là sự tỉnh táo khoa học.
Vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao những người biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 không dùng bản dịch đã được đưa vào nhà trường từ rất lâu và cũng từ rất lâu đã được cộng đồng hoan hỉ đón nhận. Trong khi đó, bản dịch của Lê Thước và Nam Trân chưa hẳn hay hơn bản dịch của Trần Trọng Kim, một bản dịch đã sống trong lòng những ai yêu văn chương, trong lòng người Việt yêu nước, thực sự có tinh thần dân tộc. Người ta đã từng yêu một bản dịch xuôi thuận, chữ dùng sát nghĩa, nội dung rạch ròi:

Sông núi nước Nam vua Nam
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!

thì làm sao có thể rộng lòng với một bản dịch trúc trắc, có những chữ như: “vằng vặc”, “xứ sở”, “giặc dữ”, “tan vỡ”,… làm ý nghĩa nhòe đi:

Sông núi nước Nam vua Nam
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

Lý giải hiện tượng này thế nào?
Chẳng lẽ những người biên soạn và thẩm định sách giáo khoa không hiểu ý nghĩa của câu này: Lời hay ai chẳng ngâm nga/ Trước là thuận miệng sau ra cảm lòng? Chẳng lẽ họ, những người biên soạn sách giáo dục lại không hề nghĩ đến việc bồi bổ thêm tình yêu tiếng ta, tình yêu văn chương, tình yêu dân tộc qua một áng thơ dịch đặc sắc cho thế hệ trẻ? Bài học trong sách giao khoa hay hay dở đều có khả năng tạo màu tích cực hay tiêu cực trong lòng người học! Ấy là chưa nói, văn chương phải là cái đẹp, văn chương luôn dẫn dắt người đọc về phía nhân văn, nhân bản. Chẳng lẽ họ muốn học sinh tiếp cận với cái mới, trong khi đó họ biết rõ không phải cái mới nào cũng tiến bộ, cũng có ích? Chẳng lẽ họ chọn chỉ vì Nam Trân là một nhà thơ mới, một dịch giả của văn học cách mạng; còn Trần Trọng Kim là dịch giả khác hệ như ý kiến cực đoan của Trương Phan Việt Thắng trên trang mạng “Chúng ta” đã băn khoăn?
Những người biên  soạn sách giáo khoa hiểu hết và họ có cái lý của họ. Cái lý đó nằm trong sự trả lời của Tổng chủ biên Nguyễn Khắc Phi mà Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 12-11-2015 đăng. Theo ông, dựa vào hai tiêu chuẩn: tín (nội dung)  và nhã (hình thức) thì bản dịch cũ có những khuyết điểm về gieo vần, về ý nghĩa. Chẳng hạn: chữ “đế” dịch là “vua” là mất đi hơi thơ đầy tự hào, chữ “định phận” không dịch khiến nghĩa mơ hồ, “chữ “nghịch lỗ” dịch là “lũ giặc” không hợp phải là “giặc dữ”, chữ “hành” dịch là “sẽ bị đánh tơi bời” trong khi đó nghĩa phải là “nhất định phải”,… Từ phân tích đó, Nguyễn Khắc Phi khẳng định bản dịch của Lê Thước và Nam Trân ưu điểm hơn, sát với bản chữ Hán về nghệ thuật cũng như nội dung. Do đó, bản dịch này được Hội đồng thẩm định chọn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7.
Dùng tiêu chuẩn “tín” và “nhã” để chọn bản dịch bài thơ Thần của Lê Thước và Nam Trân đưa vào Sách Ngữ Văn lớp 7 là hớp lý. Tuy vậy, cái lý của người biên soạn có chỗ lỏng lẻo, còn lung lay. Chẳng hạn, nói chữ “đế” dịch là “vua” có nghĩa là “vương” nghe chừng áp đặt nghĩa từ vựng một cách gượng gạo. Theo “Từ điển Hán Việt” của Thiều Chửu, “đế” có nghĩa là vua và còn có nghĩa khác là vị thần rất tôn kính như trời gọi là thượng đế. Có người bảo rằng, “Đời Tống, “đế”  “vương” là hoàn toàn khác nhau. Thời đó, “thiên tử - con trời” chỉ có một thôi, chỉ có hoàng đế Trung Hoa mới được coi là “con trời” và được gọi là “đế” thôi, còn “vương”, tức lãnh tụ một vùng ở Trung Quốc, thời đó không ít”. Theo cách hiểu này “vua” có nghĩa là “vương”. Bản của Trần Trọng Kim chuyển nghĩa “đế” là “vua” có nghĩa là “vương” đã là mất cái mạnh của khí văn, mất đi lòng tự hào dân tộc, không quẳng được mặc cảm tự ti dân tộc. Cái gờn gợn của lý lẽ là ở điểm này. Tại sao lấy chữ nghĩa mang tinh thần Đại Hán bất bình đẳng dân tộc mà biến từ “vua” thành “vương”. Trong chữ Hán, chữ “vương” có tự dạng khác từ “đế” kia mà.  Từ điển Hán-Việt cũng phân biệt rõ từ nghĩa của hai từ này. Các tác giả Ngô Gia Văn phái trong “Hoàng Lê nhất thống chí” đánh giá Lê Chiêu Thống: “Nước Nam từ khi có đế, có vương tới nay chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế” cũng minh định rõ điều đó. Tại sao không hiểu theo nghĩa chỉ hoàng đế mà dân tộc ta đã mặc định cho ngữ nghĩa đó. Đem chuyện người bàn chuyện ta, lấy chuyện xa nói chuyện gần cũng có cái lý của nó. Nhưng trong trường hợp này xem ra không ổn. Người Việt mà quên nội dung được biểu đạt của  từ “đế” là “vua” theo quy ước và tinh thần Việt sao. Vậy thì sao cứ hiểu “vua” là “vương” xa rời tinh thần Việt như thế.
Một điều cần nói thêm, bàn về “tín” và “nhã” như vậy nhưng khi đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, người biên soạn đã thay câu đầu trong bản dịch của hai ông Lê Thước và Nam Trân. Nguyên văn: Núi sông Nam Việt vua Nam được thay bằng: Sông núi nước Nam vua Nam.  Biện giải cho điều này, GS Nguyễn Khắc Phi cho rằng “Nguyên tắc biên soạn sách giáo khoa ở nước ta cũng như nước ngoài, cho phép người biên soạn có quyền sửa chữa cho phù hợp nội dung”. Cứ cho là thế đi. Nhưng xem ra không mấy thuyết phục. Đem râu ông Trần Trọng Kim gắn vào cằm ông Lê Thước và Nam Trân rồi bảo đấy là mặt của hai ông này thì bộ dạng cũng khó coi.
2. Theo thầy, nên giảng dạy tác phẩm văn học “văn sử bất phân” này thế nào?
Dạy thế nào ư? Dạy như các em đã dạy. Chứ còn dạy sao nữa! Chỉ có điều cố gắng thể hiện rõ tinh thần đạo đức khoa học và luân lý chức nghiệp.
- Tùy theo tâm lý lứa tuổi, năng lực nhận thức, nền tảng tri thức mà học sinh đã có để lượng tính phương pháp và nội dung kiến thức truyền tải.
- Đối với loại hình tác phẩm “văn sử bất phân” thì cố gắng trữ tình hóa bằng cách khai thác cảm xúc của tác giả ẩn tàng sau câu chữ và sử dụng ngôn ngữ giàu cảm xúc, giàu hình ảnh khi phân tích, bình giá.
- Như giảng dạy tác phẩm dịch khác, người thầy phải làm công tác văn bản. Đối chiếu bản gốc với các dị bản nếu có. Đối chiếu nguyên tác với bản dịch thơ tìm ra sự giống và khác về hình thức và nội dung giữa hai văn ấy. Nếu nguyên tác có nhiều bản dịch, nên giới thiệu để học sinh biết ngoài bản dịch trong sách giáo khoa,… Khi giảng bình cố gắng bám và nguyên tác, thậm chí khuyến khích học sinh nên chú trọng đến nguyên tác trong học tập và trong bài viết.
Trường hợp bài thơ “Thần” này, nên lưu ý về vấn đề tác giả, xin nêu ra đây để tham cứu. Có ý kiến cho rằng, Lý Thường Kiệt không phải là tác giả. Bài thơ có từ trước, ông chỉ vận dụng để đánh đuổi quân Tống vào thời Tiền Lê năm 981. Cũng có ý kiến khác, nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát trong “Lịch sử Phật giáo”, Nxb Viện Nghiên cứu Phật học, SG, 2001, T2, cho rằng tác giả của “Nam quốc sơn hà” là sư Pháp Thuận.  
Về công tác văn bản cần đối chiếu bản hiện hành với bản khắc trong “Mộc bản triều Nguyễn” được cho là thống nhất với văn bản trong “Đại Việt sử Ký toàn thư”:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Hay bản được cho là của sư Pháp Thuận:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên dĩ định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Bên cạnh giảng dạy theo tinh thần đạo đức khoa học và luân lý chức nghiệp đó, nên dạy đúng phong cách và cá tính của các em chứ không phải của ai khác. Lấy sở trường của mình ra mà dạy. Có như vậy mới tạo được sức lan thấm nội dung ý nghĩa, gieo được ấn tượng lâu bền vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm. Có như vậy mới tạo nên sự đồng điệu giữa thầy và trò.
Dạy học vốn khó. Dạy Văn chương càng khó hơn. Dạy học là một nghệ thuật. Dạy Văn chương phải chăng là siêu nghệ thuật. Phải chăng bởi sức hút muôn đời của văn chương là cái đẹp, cái thẩm mỹ.

Đà Nẵng, 31-03-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét