Một loại hoa ở núi Sơn Trà |
“Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bàn tay trái của
lão mất gần nửa ngón trỏ. Tôi giật mình và cảm thấy nôn nao.
-
Ngón tay bác làm sao thế, Zorba? Tôi kêu lên.
-
Chả sao cả, lão đáp, phật ý thấy tôi không tỏ ra thích thú hơn với đôi cá heo.
-
Có phải bị máy nghiền không? Tôi gặng hỏi.
-
Máy với móc gì! Tự tôi chặt nó đi đấy.
-
Tự bác ư? Tại sao thế?
-
Sếp không thể hiểu được đâu, sếp ạ! Lão nhún vai nói. Tôi đã nói với sếp là tôi
làm đủ mọi nghề mà. Có dạo, tôi làm thợ gốm. Tôi mê nghề này như
điên. Sếp có hiểu nổi ý nghĩa của việc lấy một cục bùn nặn thành bất kỳ cái gì
mình thích, là thế nào không? Chà, anh quay cái bàn xoay và cục bùn đảo tròn
như bị ma làm trong khi anh đang cúi mình trên nó và nói: ta sẽ làm một cái
bình, ta sẽ làm một cái đĩa, ta sẽ làm một cây đèn và những gì những gì nữa có
quỷ biết! Đó là điều mà ta có thể gọi là cái sự làm của một con người: tự do.
Lão đã quên phắt cả biển. Lão không nhai
chanh nữa, mắt lão trở lại trong sáng.
- Thế à? Tôi hỏi. Còn ngón tay bác thì
sao?
- Ồ, nó làm vướng tôi trong khi sử dụng
bàn xoay. Nó luôn ngay đuồn đuỗn giữa lúc đang làm việc và làm đảo lộn các dự
định của tôi. Cho nên một hôm tối vớ lấy cái rìu…
- Bác có đau không?
- Sếp nói gì vậy? Tôi đâu phải gỗ đá,
tôi là một con người. Cố nhiên là đau chứ. Nhưng nó làm tôi vướng víu khi sử
dụng bàn xoay cho nên tôi chặt nó đi.
Mặt trời xuống biển và biển lặng dần,
mây tan, sao hôm lấp lánh. Tôi nhìn biển, nhìn trời và bắt đầu suy nghĩ… Say mê
đến mức ấy, vớ lấy rìu và chặt ngón tay mình, chịu đau… Nhưng tôi không để lộ
cảm xúc của mình.(1)
Ngón tay trỏ chỉ còn một nửa trên bàn
tay trái của Zorba có gì mà ám ảnh đến thế, khi trong tâm trí người đọc đã từng
ngự trị ngón tay ông tiên Lã Đồng Tân, chỉ núi núi thành vàng mười; ngón “nhất
dương chỉ”, ngón tay kiếm sắc của Đoàn Dự trong “Thiên Long bát bộ” của Kim
Dung. Ngón tay cụt của Zorba ám ảnh, phải chăng có chút gì đó na ná như ngón
tay trong Phật thoại:
Dighanakha hỏi sa môn Gotama rằng:
“-
Trong trường hợp mà có người nhận thức giáo pháp của ngài như một chủ thuyết
thì sao?
Bụt
im lặng một lát rồi gật đầu:
- Du sĩ Dighanakha.
Câu hỏi của ông bạn hay lắm. Giáo pháp của tôi không phải là một chủ thuyết do
trí năng tạo dựng (...) Tôi cần nói rõ: giáo pháp của tôi là một phương tiện
để đi vào thực tại chứ không phải là để miêu tả thực tại, cũng như ngón tay chỉ
lên mặt trăng không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải nương vào ngón tay
để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng
thì sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả. Giáo pháp của tôi là để thực
tập chứ không phải là để cất giữ mà thờ phụng và ca ngợi”. (2)
Hay
như ngón tay bị chặt của chú tiểu ở Tắc 3, “Ngón tay của Câu Chi” trong Vô Môn
quan của Thiền sư Vô Môn Huệ Khai:
“Hòa thượng Câu Chi, hễ có ai tham hỏi, chỉ
giơ một ngón tay lên. Có chú tiểu, nhân người ngoài hỏi sư phụ dạy pháp yếu
nào, cũng giơ ngón tay lên. Sư nghe được bèn lấy dao chặt đứt ngón tay chủ
tiểu. Chú ôm ngón tay đau la khóc mà chạy. Sư bèn gọi lại, chú vừa quay đầu thì
sư lại giơ ngón tay lên. Chú tiểu bỗng lĩnh ngộ.” (3)
Lẽ
nào lại như thế chăng? Ngón trỏ trái chỉ còn một nửa của Zorba làm sao có thể
là “phương tiện để đi vào thực tại”, là đạo pháp để đạt được sự tỉnh thức. Và
ngón tay cụt ấy có lẽ nào lại là “cú nổ” giải phóng cái tâm ra khỏi cái bẫy của
ký hiệu ngôn ngữ, giúp cái tâm thoát ra khỏi sự chấp ngã nhị nguyên? Nhưng dù
có lật trở “có lẽ” hay “không có lẽ” thì sự thật vẫn là sự thật.
Thử
bình tâm mà ngẫm lại mối quan hệ giữa ngón tay lão với cái bàn xoay. Ngón trỏ
trái hình như không quan hệ biện chứng với cái bàn xoay như quan hệ giữa ngón
tay chỉ trăng với trăng, giữa phương tiện với mục đích. Ngược lại, ngón trỏ
trái của lão là một vật cản, thậm chí là ngọn núi che khuất hết cả sự thật cuả
hiện tại. Ngón tay ấy khiến lão nhầm lẫn, tưởng phương
tiện là mục đích khiến lão khó kinh nghiệm được chân lí; không thể “an trú
trong hiện tại” để chế tác những sản phẩm bằng gốm mà lão ưa thích.
Sao lại hồ đồ bao biện như thế. Đoạn văn chỉ
nói đến Zorba thích nghề gốm thôi mà. Cho nên, ngón tay chỉ là ngón tay, cái
bàn xoay cũng thế, không là cái gì khác, nó chỉ là một công cụ làm nghề.
Tất nhiên, ai cũng có thể hiểu được
cái lí đó. Chữ nghĩa của nhà văn nằm chình ình ra đó, có nhảy múa, chơi trò
trốn tìm lúc ẩn lúc hiện gì đâu. Đoạn văn chỉ là chuyện nghề, chẳng có gì trắng
đen lẫn lộn ở đây cả.
Không ai chối cãi. Nhưng xin nhớ cho, đây là
đoạn tiểu thuyết hư cấu, một chi tiết nghệ thuật nên đừng bóc tách lớp ẩn dụ ra
khỏi nó, nhìn nó bằng cặp kính màu hiện thực trần trụi. Hơn nữa, nếu đặt chi
tiết này hài hòa với các chi tiết khác trong tác phẩm tạo nên hành động sống
của hình tượng Zorba thì lão là hiện thân của vô niệm, của phá chấp. Nếu hình
tượng ông chủ, con người trí thức, luôn sống với sách vở, sống dưới chiếc bóng
của Đức Phật, thì lão thực sự vứt bỏ tất cả. Hãy nghe lão nói với ông chủ: “Hãy
ném những thứ nhảm nhí đó đi, ông chủ”. Lão đã ném hết mọi thứ thuộc về lí trí,
thứ dễ làm lão rớt vào vòng xoáy nhị nguyên; đóng đinh cái tâm vào sự chấp trước.
Lão là con người thực nghiệm, thực chứng bằng hành động sống và ý thực được
hiện tại của mình. Hình như lão biết đời là vô thường nên lão trân quý từng
khoảnh khắc sự sống. Lão tha thiết với nghề gốm. Cái bàn xoay là thực tại, là
khoảnh khắc hiện tại; ngón tay trỏ trái “cứ ngay đuồn đuỗn” là tinh thần chấp
mạn cần loại bỏ đi. Xem ra Zorba đang thực hành pháp môn vô niệm, tư tưởng nền
tảng của Lục Tổ Huệ Năng về Thiền.
Theo
Lục Tổ, “Vô niệm là ngay nơi niệm mà lìa niệm” (Vô niệm giả, ư niệm nhi vô niệm.”(4) Ngài còn giải thích
thêm khái niêm “Vô niệm”: “Thiện tri thức, đừng để cho tâm bị ô nhiễm khi tiếp
xúc với các cảnh, đó gọi là vô niêm. Ngay nơi niệm của mình, thường lìa các
cảnh, đừng để cho tâm bị lay động khi tiếp xúc trần cảnh”.(5)
Hành
động chặt ngón tay trỏ trái của Zorba chính là lìa niệm để đạt đến vô niệm,
không để cho ngón tay chi phối, làm tâm ô nhiễm không thể “an trú trong hiện tại” là cái bàn xoay.
Từ góc nhìn này, có thể đồng tình với Đào Hiếu trên trang “Lề Trái” bài “Tìm
lại Zorba” gọi “Zorba là một vị bồ tát. Những khoảnh khắc mà Zorba sống và chết
là những khoảnh khắc của NIỆM. Hay chính xác hơn là CHÁNH NIỆM”.
Nhìn
từ góc thiền, Zorba là một Phật tử đã chứng ngộ. Sự bị ám của hình ảnh ngón trỏ
trái bị cụt là vậy. Nhìn từ phía lao động chế tác gốm, hình
ảnh ấy cũng không thôi ám ảnh. Zorba đến với nghề gốm không phải như một người
lao động kiếm sống bình thường. Lão làm nhiều nghề nhưng chỉ mê nghề này như điên. Mê như điên mới
dám chặt ngón tay để sống trọn vẹn với nghề. Đúng như ông chủ của Zorba tâm
tình: “Say mê đến mức ấy, vớ lấy rìu mà chặt ngón tay mình chịu đau…”. Lão mê
chế tác gốm như mê chơi đàn santuri. Khao khát được chơi đàn từ thuở bé, không
có tiền học, cậu bé Zorba sẵn sàng phủ phục dưới chân người dạy đàn Retsep
Effendi, gốc Thổ Nhĩ Kỳ, vì mê cuồng âm
thanh kỳ diệu của cây đàn ấy. Và từ đó, cây santuri đã bên lão như bóng với
hình, theo lão đến cuối cuộc đời.
Liên tưởng một chút để thấy, với cây
santuri, Zorba là nghệ sĩ của âm thanh; với nghề gốm, lão là nghệ sĩ đất nung.
Nói như vậy, không biết quá đáng chăng? Quá đáng gì đâu khi lão đem cả tâm hồn
mình thổi vào điệu đàn, mà thổi vào đất nung để chúng thực sự có tâm hồn. Từ
góc độ này, Zorba là một nghệ nhân hay cũng là một nghệ sĩ sáng tạo hình khối.
Hiểu như thế để thấy, chi tiết chặt ngón tay là hình ảnh ẩn dụ nghệ thuật mở ra
bao nhiêu lớp nghĩa khác về nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật nói chung.
Một yếu tính của sáng tạo là tự do
sáng tạo. Điều mà Zorba gọi là cái sự làm
của một con người: tự do. Không ai có thể nhảy bổ vào tâm trí của nghệ sĩ
bắt phải như thế này như thế kia. Không một tư tưởng nào bên ngoài chàng ràng
trên con đường sáng tạo, định hướng lối vào khung cửa hẹp của đạo đức, của
chính trị, của xã hội dung tục, của sự lừa dối ma mị,… Người nhảy bổ vào tâm
trí nhà văn để thị phạm, tư tưởng định hướng nhà văn đi theo sạn đạo văn nghệ
đó chính là ngón tay luôn ngay đuồn đuỗn
giữa lúc đang làm việc và làm đảo lộn các dự định của tôi. Ngón tay ấy là
tên lính canh, công cụ của tư duy luống cày ngăn cản nghệ sĩ đến với vương quốc
nghệ thuật chân chính. Ngón tay ấy là ngón tay chỉ đạo cách sống và sáng tạo
cho nghệ sĩ. Ngón tay ấy nhất thiết phải bị loại bỏ để con đường sáng tạo được
thênh thang. Nhưng để loại bỏ như Zorba lấy rìu chặt ngón tay thì nghệ sĩ phải
thực sự đam mê; phải có tâm sáng để phân biệt đâu là nghệ thuật chân chính đâu
là không chân chính; có dũng khí sẵn sàng hi sinh vì nghệ thuật, biết từ bỏ
những tiện nghi vật chất, chối bỏ một quan niệm, một tư tưởng văn nghệ lệch
lạc.
Hãy nghe Zorba bộc bạch:
Chà,
anh quay cái bàn xoay và cục bùn đảo tròn như bị ma làm trong khi anh đang cúi
mình trên nó và nói: ta sẽ làm một cái bình, ta sẽ làm một cái đĩa, ta sẽ làm
một cây đèn và những gì những gì nữa có quỷ biết!
Rất thú vị. Đúng là chỉ có quỷ mới
biết những gì sẽ ra đời trên chiếc bàn xoay đang quay và từ cục bùn đảo tròn
như bị mà ám? Nghệ sĩ không cần ngón tay ngay đuồn đuỗn làm vướng mắt hay che
mắt họ khi sáng tạo. Nghệ sĩ chỉ biết, chỉ sống với thế giới nghệ thuật do họ
sáng tạo ra khác nào chiếc bàn xoay giúp lão Zorba sáng tạo ra những gì chỉ có
quỷ mới biết. Không có thế giới nghệ thuật ấy không có tác phẩm. Thế giới nghệ
thuật là thế giới của tự do. Nghệ sĩ là con người tự do.
Chao ơi, ngón trỏ trái bị cụt của
Zorba, nó làm bấn loạn tâm thần quá đỗi. Nghĩ trong bấn loạn và viết cũng trong
sự bấn loạn. Ngón tay ấy là công án thiền? Ngón tay ấy là quan niệm nghệ thuật?
Rối rắm! Người đọc khổ còn Alexis Zorba
lại được tiếng chịu chơi hay hoan lạc gì gì đó. Chịu chơi khí cả gan chặt ngón
tay mình ư? Hoan lạc vì được sống trọn vẹn cùng chiếc bàn xoay đang xoay và cục
bùn đảo tròn ư? Không thể! Một giọt nước làm sao chứa cả bầu trời! Một cách nói
bao biện. Nói như thế không sợ Nikos Kazantzaki cười cho, không sợ lão Zorba
quát lên: “Hãy ném những thứ nhảm nhí đó đi” người ạ!
___________
HD,
5-4-2018
_____________
(1) “Alexis Zorba
Con người hoan lạc” Nikos Kazantzaki, Dương Tường dịch, NXB Trẻ, 1989, tr.
26-27.
(2) Đường xưa mây trắng,
NXB Tôn Giáo, 2005, tr.200.
(3) Thiền tông Vô
Môn quan dịch giải, Lý Việt Dũng, NXB Phương Đông, Sài Gòn, 2006, tr. 57-58
(4)
Kinh Pháp Bảo Đàn, Sa môn Thích Giác
Phổ dịch, PL 2544, tr 46.
(5) Thiền-Pháp môn
vô niệm, luận giải về Pháp Bảo Đàn kinh, D. T. Suzuki, Thích Nhuận Châu
dịch, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2015, tr. 117.
___________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét