Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

603. NÓI LÁO MÀ VUI

Vooc chà vá chân nâu Sơn Trà
Hôm nay, ngày 1 tháng Tư năm 2018, ngày “Cá tháng Tư” và cũng là ngày mất của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, tự dưng muốn viết một cái gì đó tếu táo về “cặp đôi” này cho đời một chút tươi.
Gọi “Ngày nói láo” với húy nhật Trịnh Công Sơn là một cặp đôi cũng chỉ là cách ghép đôi cho vui vậy thôi, bởi nó chông chênh lắm. Thế nhưng, nghĩ cho cùng cả hai như có điểm gặp gỡ, có chút giao hòa bên trong với nhau.

Trước hết, về “Ngày nói láo”, cả thế giới nghe nói láo mà chẳng phiền lòng, nghe nói đùa mà chẳng mắng mỏ: “Vô duyên thúi! Đồ đùa dai!”. Ngược lại, ai cũng tươi nét mặt, rủ bỏ mọi muộn phiền như phủi bụi làm sạch sáng tấm gương tâm hồn mình. “Cá tháng Tư” là ngày đem đến cho người ta niềm an lạc, sự thanh thản tâm hồn không dễ gì mua được bằng tiền hay bằng nhiều nhiều tiền. “Cá tháng Tư” là ngày đưa con người về với thực tại, đối diện với tâm hồn mình để biết sống vô lượng từ bi. Xem ra, đi tìm sự tự tại cho đời sống tinh thần không khó nếu biết sống thực với giây phút hiện tại, biết buông bỏ không chấp một cái gì. Đó là cái đẹp và cái thiện mà 1 tháng Tư đem đến cho cõi người ta.
Tào lao về “Cá tháng Tư” bỗng nhớ đến ông Bồ Tùng Linh “nói láo nghệ thuật” trong “Liêu Trai chí dị” đúng như Vương Ngư Dương viết trong “Liêu Trai đề từ”:
          Nguyên Văn:
          Cô vọng ngôn chi cô thính chi
          Đậu bằng qua giá vũ như ti
          Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ
          Ái thính thu phần quỷ xướng thi
          Tạm dịch:
          Nói láo mà vui nghe láo vui
          Giàn dưa mưa phất hạt như tơ
          Chuyện đời đã chán không buồn nhắc
          Chỉ thích mùa thu quỷ đọc thơ.
                                           (Hoàng Dục dịch)
          Ông Bồ Tùng Linh kể láo làm bao nhiêu thế hệ người đọc mê vì kể rất nghệ thuật, còn “Cá tháng tư” nói láo mà người ta vui vì nói có duyên mà có duyên là nghệ thuật vậy.
          Sau  cùng, về ngày mất của Trịnh Công Sơn. Mất cũng chỉ là nói láo, cũng chỉ là một trò chơi mang tính quy luật của thượng đế. Mất chỉ là mất cái thân tứ đại nhưng hình tướng và tinh thần của nhạc sĩ thì còn mãi trong tâm tưởng người yêu nhạc mọi thời. Nói như văn hào Trung Hoa Lỗ Tấn: “Con người chỉ thực sự chết khi hình bóng của họ không còn hiện diện trong tâm trí người khác, không còn được người khác nhớ đến nữa.” Và nói theo Trịnh Công Sơn, mất mà không mất, mất chỉ là sự trở về:
          Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
          Để một mai tôi về làm cát bụi
          Ôi cát bụi mệt nhoài
          Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.
                                                (Cát bụi)
           Và Trịnh Công Sơn mất cũng chỉ nói láo mà chơi, mất cũng chỉ là cách nói có giới hạn của ngôn ngữ. Nhạc sĩ mất nhưng di sản âm nhạc, đúng hơn di sản văn hóa của nhạc sĩ mãi song hành cùng thời gian. Di sản âm nhạc của Trịnh sẽ làm rộng thêm biên giới tâm hồn của người nghe nhạc, làm nhạy bén hơn năng lực cảm thụ cái đẹp của con người. Trịnh Công Sơn qua đời, từ giã ngày để đi vào đêm, khép lại ánh ngày để mở ra một thứ ánh sáng khác “Đóa hoa vô thường”:
          Từ đó em là sương
          Rụng mát trong bình minh
          Từ đó ta là đêm
          Nở đóa hoa vô thường.
          Như vậy, ngày mất Trịnh Công Sơn và ngày “Cá tháng Tư” phải chăng là một “cặp đôi”? Đó là một cặp đôi tích thêm nguồn năng lượng sống cho con người. Đó là cặp đôi dẫn dắt tâm hồn con người thoát ra khỏi nỗi sầu thân phận để bước vào cõi an yên tự tại. Đó là cặp đôi đưa con người đến bờ chân thiện mĩ. Và đó là cặp đôi “nói láo mà vui” của muôn đời.

          HD, 1-4-2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét