Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

602. HẠNH NGỘ


Một buổi sáng tháng ba, một buổi sáng tưởng bình thường như mọi ngày, hóa ra không bình thường, bởi có sự ghé thăm của một học trò xưa, nay là một Ni sư.  
 Một thoáng ngạc nhiên, một chút băn khoăn, một sác-na vui mừng hạnh ngộ. Xưng hô thế nào đây? Thôi thì, trong không gian đời thường, cứ thầy thầy trò trò như ngày xưa và ngày sau cũng vậy. Còn nếu ở không gian Thiền học thì Ni sư và đệ tử cho đúng với lẽ đạo. Vậy nhé.

Thầy trò lại hàn huyên. Những ngày xưa chuyên Lê Quý Đôn lũ lượt chảy về như suối mát. Cái lớp C khóa 12 niên khóa 1997-2000, mặc cho trí nhớ gọi tên. Ai cũng cá tính và đáng yêu. Bây giờ mỗi người mỗi con đường, có thể bằng phẳng, có thể gập ghềnh, nhưng tất cả đều là con người của đời, đang vẫy vùng trong dòng sông trần ai trong đục. Còn trò thì đặc biệt riêng lẻ, đang ướm chân vào “nẻo về của ý” (Nhất Hạnh), tìm đến với Pháp môn Vô Niệm  của Lục Tổ Huệ Năng.
Thầy rất vui vì con đường trò đã chọn, bởi đó là con đường vui. Thầy rất mừng vì con đường sửa mình để “ngoài không còn hình tướng, trong không còn náo loạn” của trò đang bước mà thầy hằng mong nhưng không thể thực hiện được, dù chỉ mảy may. Bởi thầy đã bị những con sóng đời đẩy ngày càng xa bến giác. Biết làm sao được, “cõi người ta” làm hư hao con người, chỉ vì con người khát được sống, sống như là một nhiệm vụ bất di bất dịch, như là một “bản năng gốc”, “libido” hiểu theo nghĩa rộng.
Từ chuyện đời đến chuyện đạo mải mê nào biết đến thời gian. Ngoảnh lại đã gần ngọ. Trò khoan thai xin phép cáo từ. Rồi trân trọng tặng thầy cuốn hồi ký “Hoa trôi trên sóng nước” (*) (nguyên tác là “Michi”) của Ni sư Nhật Bản, Satomi Myodo do Nguyên Phong dịch.
Cám ơn trò nhiều. Thầy sẽ đọc để hiểu cuộc đời, đúng hơn đời sống tinh thần của một phụ nữ trên con đường đi tìm sự giải thoát. Và hơn hết là để hiểu trò, để yêu thêm Phật triết.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Hokkaido, Ni sư Satomi Myodo (tục danh Satomi Matsuno) (1896-1978) đã chọn con đường giải thoát. Đó là giải thoát chính mình ra khỏi quan niệm khắc nghiệt của xã hội về giới. Đó là giải thoát chính mình ra khỏi bể đời khổ nạn. Trải qua bao gian nan, khó khăn, nhưng vẫn chưa được “kiến tánh”. Duyên may, Ni sư đã gặp thiền sư Yasutani. Thiền sư đã chỉ rõ nguồn cơn và dạy bà thực hành công án Vô mà Tổ Huệ Khai đã đặt lên đầu (Tắc 1) trong tác phẩm “Vô môn quan” (**). Thiền sư nói với bà: “Theo tôi, với những người trí thức, thích suy nghĩ lý luận, công án vô là phương pháp tốt nhất”, đúng như Tổ Huệ Khai dạy: “Cố gắng giải Vô bằng lý luận thì có khác gì sờ tay vào một tấm vách bằng thép nung đỏ”.  Thiền sư Yasutani còn bảo:
“Bà cần hiểu ra rằng công án được thiết lập ra để làm bối rối những kẻ trí thức, những kẻ say mê chữ nghĩa, danh từ, lý luận, phân biệt. Mục đích của công án là giải phóng cái tâm ra khỏi trò chơi ngôn ngữ hay cái bẫy của văn tự. (…) Nói một cách khác, công ánh vạch trần sự giới hạn của lý trí, của lý luận nhị nguyên và giúp người ta kinh nghiệm được chân lý không thế nghĩ bàn”.
Bà đã theo đó thiền định. Trải qua bao khó khăn, cuối cùng bà đã chứng đắc. Bà ghi lại khoảng khắc chứng ngộ đó: “ Suốt ngày hôm đó tôi rất mệt mỏi vì phải dụng công nhiều nhưng tôi cương quyết giữ công án trong tâm không ngưng nghỉ. Đến tối, khi đặt mình nằm xuống sàn, tôi vẫn tiếp tục tham công án Vô. Tôi thấy mỗi hơi thở đều là Vô, thở ra là Vô, hít vào cũng là Vô, tất cả đều là Vô… cứ thế tôi hòa nhập vào trong Vô lúc nào không biết. Tôi ý thức rằng mỗi tiếng động cũng là Vô; tiếng chó sủa, tiếng mào kêu cũng là Vô; tiếng gió thổi, tiếng lá cây rụng cũng là Vô; từ cánh cửa đến bức tường đều là Vô, và bất chợt mọi sự trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Cái kinh nghiệm lúc này thật không thể diễn tả vì “chỉ ai uống nước mới biết nước nóng lạnh”. Tôi bật cười sung sướng thốt lên “Ôi cái ông già Triệu Châu này, ông đã làm khổ tôi biết mấy! Thì ra công án Vô chỉ có thế thôi…”.
Bà viết trong lời tựa cuốn sách:
“Giống như kẻ Cùng Tử trong kinh Pháp Hoa, có hạt châu quý trong túi áo mà không biết, cứ cam chịu cuộc sống nghèo hèn, thì tôi cũng thế, cứ mê mải tìm kiếm hết thầy này đến thầy khác, hết lí thuyết này đến lý thuyết nọ. May thay tôi đã gặp được Thiền sư Yasutani và được ngài hướng dẫn, nhờ đó tôi mới ý thức rằng cái khả năng giải thoát mọi sự đau khổ vốn vẫn sẵn có trong tôi mà nào tôi có biết, cứ tìm kiếm mãi tự đâu dâu” .
Đọc xong cuốn sách, mới cảm phục biết bao Ni sư Myodo. Bốn mươi năm gian khổ trên hành trình tìm đạo, Ni sư đã tìm thấy tánh không, thấy rõ phật tánh của mình.
Và đọc xong cuốn sách, thông qua cuộc đời của Ni sư Myodo, mới quý yêu thêm hạnh nguyện tuyệt vời, dấn thân vào con đường đạo pháp của Ni sư Thích Nữ Lạc Diệu Như, phải không học trò của tôi.

          HD, 31-3-2018
_________         

(*) Tác phẩm này “Lưu hành nội bộ”, không ghi nhà xuất bản, năm xuất bản.
(**) “Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
          - Con chó có Phật tánh không?
          - Không !”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét