Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

626. TRUY ĐIẾU TRÁNG LIỆT BÁ NGUYỄN TRI PHƯƠNG

          

Lăng Gia Long

Sinh thời Nguyễn Lộ Trạch có làm 2 bài thơ truy điếu Danh tướng Nguyễn Tri Phương bằng chữ Hán có nhan đề:

Truy vãn Tráng liệt bá Nguyễn Tướng quốc  (Húy Tri Phương tuẫn tiết Hà Nội)

Nguyễn Tri Phương (1800-1873), tên thật là Nguyễn Văn Chương. Nguyễn Tri Phương là do vua Tự Đức đặt. Ông là người làng Đường Long (Chí Long), huyện  Phong Điền, Thừa Thiên. Ông làm quan từ triều vua Minh Mạng đến triều vua Thiệu Trị. Từng giữ chức Tổng Đốc An Hà và chỉ huy quân đánh Trấn Tây Thành. Đầu đời vua Tự Đức, ông làm Phụ chính đại thần sung kinh lược Nam Kỳ từ năm 1847 đến năm 1858. Khi Pháp đánh Đà Nẵng, ông giữ chức Tổng trấn quân vụ đại thần tại Quảng Nam. Năm 1860, ông giữ chức Thống đốc quân vụ quân thứ Gia Định. Năm 1886, ông được phong Võ hiển điện Đại học sỹ tước Tráng Liệt Bá. Năm 1872, ông ra Bắc làm Khâm mạng Tuyên sát đồng suất đại thần. Pháp tấn công thành Hà Nội, ông bị thương và bị Pháp bắt. Ông cương quyết nhịn đói chịu đau mà chết vào ngày 20-12-1873.

Hai bài thơ của Nguyễn Lộ Trạch đã tái hiện một cách khái quát mà đầy đủ, cụ thể và sinh động về hành trạng của vị danh tướng triều Nguyễn thời ký đầu đánh xâm lược này.

Bài thơ thứ nhất tái hiện sinh động hình tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương. Trước vận nước lâm nguy, tuy đã cao tuổi, nhưng ông vẫn cương quyết đánh giặc cứu nước, không chấp nhận hòa nghị. Điều đó thể hiện qua việc ông đốt bức thư gia đình gửi và qua quyết tâm trấn giữ thành Hà Nội. Khi bị thương bị giặc Pháp bắt, ông không thèm ăn cơm giặc. Qua hình tượng trữ tình, Nguyễn Lộ Trạch ca ngợi tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm, nhân cách sáng trong và khí tiết cứng cõi của Nguyễn Tri Phương. Đồng thời, nhà thơ cũng thể hiện nỗi đau xót trước tình trạng quân đội triều Nguyễn quá lạc hậu. Thất bại của Nguyễn Tri Phương chính là ở trang bị vũ khí lạc hậu, ở chỗ triều Nguyễn không chịu cải cách, duy tân theo hướng hiện đại mà Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ đã điều trần. Riêng với Nguyễn Lộ Trạch, với những bản điều trần tâm huyết và sáng suốt từ “Thời vụ sách thượng” đến “Thời vụ sách hạ” rồi “Thiên hạ đại thế luận” đều bị cho rằng “Nói sao cao quá” như lời phê của vua Tự Đức.

Bài thơ thứ hai là hình tượng Nguyễn Tri Phương anh hùng trấn giữ hai vùng đất hiểm yếu của Tổ quốc. Đó là vùng đất Sài Gòn Gia Định mà sông Bến Nghé là một biểu tượng (1847-1858 và 1860- 1961). Đó là vùng đất ngàn năm vật vật Hà Nội mà sông Bạch Hạc, tức sông Hồng là một biểu tượng (1872-1973). Ở hai vùng đất, những ruột thịt của ông đã hy sinh, đó là em ông: Tán lý quân thứ Định Tường-Biên Hòa Nguyễn Duy, tử trận tại đồn Chí Hòa. Đó là con ông: Phò mã Nguyễn Lâm, tử trận ở thành Hà Nội. Qua hình tượng thơ, Nguyễn Lộ Trạch vừa ca ngợi Danh tướng Nguyễn Tri Phương, vừa thể hiện nỗi buồn thế nước. Đất nước từ nay vắng bóng anh hùng. Nhân dân hai miền biết trông cậy ai ngăn sóng giữ, làn sóng xâm lược của giặc Pháp. Đất nước rơi vào tay giặc không còn lâu nữa.

 

Dưới đây là hai bài thơ:                                  

 

                                Bài I

 

            Phiên âm:

 

Thái tức biên trù dĩ hội thư,

Bạch đầu do thả kiến chinh dư.

Cô trung mạc náo bài hòa nghị,

Thỉnh chiến dung trì lũ quyết dư.

Khảng khái Dương quân bi tuyệt lạp,

Gian lao Trịnh Quốc kí phần thư.

Khả liên cừu quốc không hoàng khâu,

Di thốc tiêu trầm Lãng Bạc lô.

 

Dịch nghĩa:

 

Than thở việc biên cương như ung nhọt đã vỡ rồi,

Bạc đầu ông vẫn giương cờ lệnh đánh giặc.

Lòng cô trung, không bị lay chuyển bởi lời bàn hòa nghị,

Lời xin đánh, há có thể làm chậm thế thua trận có thừa.

        Khẳng khái như Dương Quân, thương thay ông không thèm ăn cơm giặc,

       Gian lao như Trịnh Quốc, nhớ mãi việc ông đốt thư nhà.

       Khá thương thay, trả thù nước mà chỉ có lẫy nỏ rỗng,

       Chỉ còn lại những mũi tên chìm trong lau sậy bên hồ Lãng Bạc.

 

Dịch thơ:

 

Than thở biên cương việc vỡ rồi,       

Bạc đầu đánh giặc vẫn giương oai.

Lòng trung khó chuyển không hòa nghị,

Quyết chiến dù thua cũng cứu nòi.

Khảng khái Dương Quân thà chết đói,

Bền gan Trịnh Quốc đốt thư thôi.

Trả thù đất nước bằng cung rỗng,

Lãng Bạc lách lau tên nỏ rơi.

                        (Hoàng Dục dịch)

 

                            Bài II

 

            Phiên âm:

 

Hắc quang hạp dã tuệ quang phù,

Đại địa âm trầm chính khí thu.

Lão mấn bán linh Ngưu chử vụ,

Trung hồn chân chướng Hạc giang lưu.

Nhất môn tử đệ đồng cừu nhật,

Lưỡng địa thương lê chú vọng thu.

Thử hậu cuồng lan vô để trụ,

Phong ba tận nhật hám cô chu.

 

Dịch nghĩa:

 

Bóng đen phủ đầy đồng, ánh sáng sao chổi lại vụt hiện lên,

Trên mặt đất khí âm chìm xuống, chính khí thu lại.

Tóc mai bạc đã rụng một nửa dưới trời sương Bến Nghé,

Hồn trung trinh thực sự đã ngăn dòng Hạc Giang.

Ngày con và em một nhà cùng chung mối thù giặc,

Là lúc nhân dân hai miền chăm chú trông mong.

Từ nay về sau không còn cột đá ngăn luồng sóng dữ,

Sóng gió suốt ngày mặc sức đánh vào chiếc thuyền lẻ loi.

 

Dịch thơ:

 

Đêm đen sao chổi vút ngang trời,

Chính khí liền thâu âm khí rơi.

Bến Nghé tóc sương rời rụng nửa,

Sông Hồng khí uất nghẹn dòng trôi.

Con em một thuở cùng căm giặc,

Dân chúng hai miền ngóng đợi ai.

Sóng dữ từ đây ai chặn giữ,

Suốt ngày gió giật chiếc thuyền côi.

                  (Hoàng Dục dịch)

 

___________

Hoàng Dục

Đà Nẵng, 21-09-2020

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét