Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

625. TẢN MẠN KHI DỊCH "NAM QUỐC SƠN HÀ"

  

Lăng Gia Long, Huế

Sau khi đăng bài “CHUYỆN MỘT BÀI THƠ DỊCH”, entry 605, vẫn cảm giác như thiếu một cái gì. Cứ băn khoăn mãi. Cho đến lúc tâm trí vang lên câu hỏi: Sao không dịch lại bài thơ “Thần”? Ban đầu có chút phân vân. Đã có nhiều người dịch rồi. Đã có hai bài dịch thơ của các tác giả tên tuổi và đã đưa vào sách giáo khoa. Những bản dịch ấy đã thực sự sống cùng năm tháng, sống cùng với biết bao thế hệ học sinh. Có nên xem vườn có chủ là vườn hoang mà đem gậy ra múa không! 

       Đắn đo. Cứ dịch. Có muốn hơn kém ai đâu mà lo. Chữ danh ràng buộc đã xếp vào một góc phôi pha của quá khứ rồi. Chỉ còn cái nghiệp hý hoáy văn chương là không thể trả xong. Mình nào phải cô Kiều của cụ Nguyễn Du mà con tạo lần đân buộc nghiệp và giải nghiệp, cứ “gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”. Cuối cùng nhờ vào nước sông Tiền Đường, nhờ vải Giác Duyên mới vứt bỏ nghiệt oan. Mình tự trói mình vào văn chương thì tự tay cởi ra. Nhưng sao lại phải cởi. Văn chương đâu làm hại gì mình. Văn chương là phương thuốc muôn đời bồi bổ tinh thần, bồi đắp những chỗ khuyết thiếu của tâm hồn, trí nghĩ của mình. Văn chương là ngọn đuốc vô hình soi tỏ con đường đi sáng láng tinh thần nhân nghĩa giữa cõi nhân gian, con đường làm người. Nghĩ vậy nên lạm dịch thơ bài thơ thần.

            Lao tâm khổ tứ rồi cũng kết quả. Cố gắng bảo đảm thi luật của nguyên tác. Nguyên tác là bài tuyệt cú, luật trắc vần bằng thì cố cho được như vậy. Xin được chép ra đây bản dịch thơ.

 

BÀI THƠ THẦN

 

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

 

Dịch thơ:

 

Nam đế ở cùng sông núi Nam,

Sách trời ranh giới vạch đàng hoàng.

Cớ sao giặc dữ sang xâm chiếm,

Lập tức bọn bây bị đánh tan.

                                  Hoàng Dục dịch

 

            Như ai đó, dịch xong là thở phào. Nhưng với mình sao không được thế. Rà soát lại bản dịch, tự nhiên lòng thấy buồn buồn. Thấy trong câu thơ loáng thoáng một hình hài Việt Nam không vẹn nguyên khuyết thiếu vài vùng đất Tổ quốc. Bỗng thấy địa-lịch sử hiện về. Năm 1974, thời sinh viên, đã từng đi biểu tình lên án Trung Cộng ăn cướp đảo Hoàng Sa. Sau 1975, từng đến thác Bản Giốc ngắm bức tranh non nước hùng vỹ và hữu tình của Tổ quốc để hụt hẫng vì bức tranh đã chia phân, một phần đen hai phần trắng. Đã từng lặng người trước tin các chiến sỹ được lệnh không nổ súng cứ bình tâm chết cho Trung Cộng chiếm một phần Trường Sa vào năm 1988. Đã thấy cái đường lưỡi bò trơ tráo dã tâm của những kẻ tà ác, nhưng không thấy người ta đã làm gì với nó. Biển Đông dậy sóng, có ai dóng chuông báo động hay chỉ lên tiếng “quan ngại” rồi thôi.

Thấy nay mà trân trọng xưa. Cha ông thuở trước dứt khoát, rõ ràng và quyết liệt bảo vệ chủ quyền đất nước. Tổ tiên ý thức rõ, để một tấc đất rơi vào tay kẻ khác là tội đồ của dân tộc. Còn chúng ta thì sao? Một câu hỏi còn lửng lơ!

Đà Nẵng, 08-09-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét