Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

623. MỘT CÂU CHUYỆN LẠ

         

Ảnh sưu tầm

          MỘT CÂU CHUYỆN LẠ

Mùa Vu Lan. Lan man nghĩ về Mẹ. Rồi bâng khuâng cùng với tiếng lòng Đỗ Trung Quân:

Mẹ ta trả nhớ về không

Trả trăm năm lại bụi hồng rồi đi

                   (Mẹ ta trả nhớ về không)

Tâm trí cứ trôi theo bóng Mẹ ngày xưa xa. Lòng hình như rưng rưng. Hốt nhiên, một câu chuyện không bình thường chen ngang dòng nhớ tưởng. Tất cả ngưng đọng, chỉ còn câu chuyện đảo quay. Bởi nó lạ, nghịch phách, chệch ra ngoài quỹ đạo tư tưởng và đạo lý của con người. Không thể ngồi im, xin chép ra đây:

 

CHUYỆN BÀ MẸ VÀ CHIẾC RĂNG

 

Ngày xưa có anh chàng  sắp hành hương xứ Phật. Anh có người mẹ rất sùng đạo Phật. Trước khi chia tay, mẹ anh dặn đừng quên đem về cho bà một viên xá lợi, hay một vật nào đó của đức Phật để bà thờ.

Chuyến đi vất vả khiến anh không thể rảnh rang kiếm được tặng phẩm như mẹ mong muốn. Ngày cuối, chuẩn bị trở về nhà, anh bứt rứt trong lòng, không biết làm thế nào để mẹ khỏi thất vọng. Bỗng nhiên, anh nhìn thấy xác chết của một con chó bên đường. Đầu anh lóe lên một tia sáng. Anh nhặt một chiếc răng chó, rửa sạch sẽ và đặt nó vào một chiếc hộp rất đẹp. Anh đem về tặng mẹ như một chiếc răng còn lại của đức Phật.

Bà mẹ rất vui mừng khi nhận tặng vật của con trai. Bà kính cẩn đặt hộp đựng chiếc răng Phật lên bàn thờ. Hằng ngày, bà thành tâm tụng niệm và chiêm bái. Sau một thời gian, chiếc răng ngày một sáng lên. Không những thế, nó còn tỏa ra ánh hào quang rất lạ kỳ trong bóng tối… (*)

 

1. Nghe xong câu chuyện, ai người không phẫn nộ? Sao lại có câu chuyện báng bổ đức Phật, báng bổ tôn giáo như thế!? Trên đời này, sao lại có người con trai lừa dối mẹ tệ hại đến vậy?! Bà mẹ sẽ đớn đau xiết bao khi biết con trai mình đã hành động tội lỗi?

Nói chung, không ai không trút lên đầu chàng trai ấy tất cả mọi trách móc, mọi phiền giận, mọi lời rao giảng đạo đức. Bởi trong đời, ai cũng đi trên con đường đạo lý làm người, ai cũng mong muốn sống trọn đạo hiếu đối với đấng sinh thành giữa đời thường. Và ai cũng có một tín ngưỡng hầu nuôi dưỡng và đắp bồi từ tâm.

Xưa nay, từ con người bình thường đến các bậc đế vương, không ai không hiếu thảo với Mẹ.

 Trong kinh truyện nhà Phật, Bồ tát Mục Kiền Liên là gương sáng đại hiếu không ai không biết và noi theo. Thời cổ đại, vua Thuấn một mực ăn ở thơm thảo với mẹ kế của ông nên đời ca tụng. Triều Nguyễn của nước ta, vua Tự Đức là tấm gương thờ mẹ là Hoàng Thái hậu Từ Dụ rất mực. Câu chuyện khi có lỗi, vua đến cung Diên Thọ dâng roi mây lên mẹ, nằm xuống chịu đánh đòn là một minh chứng. Hay chuyện vua mải ngự ở Thuận An mà bỏ một buổi thiết triều, bà Từ Dụ giận phạt không cho vào xin lỗi, chỉ nhắn một câu: “Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính”. Vâng lời mẹ, vua Tự Đức hết sức lo cho dân suốt năm tháng trị vì.

            Rồi một Nguyễn Đình Chiểu trên đường từ Huế về chịu tang mẹ đã khóc mù hai mắt. Hay nàng dâu Thoại Khanh trong truyện thơ Nôm “Thoại Khanh-Châu Tuấn”. Khi mẹ chồng đói lả, kiệt sức trên đường đi tìm Châu Tuấn, nàng đã lóc thịt mình nấu cho mẹ chồng ăn mà vượt qua cái chết.

            Biết bao câu chuyện hiếu thảo với mẹ cha, kim cổ đông tây làm sao kể hết. Những câu chuyện ấy đã soi sáng hành trình thực hiện đạo làm người của chúng ta. Vậy mà… sao lại xuất hiện câu chuyện này, nó khác nào rào gai cản lối, xua ta về với bóng tối của đời hoang dã, quỳ phục dưới chân qủy dữ Satan!

            2. Phê phán là chuyện phải làm. Nhưng sao không thử nhìn câu chuyện từ một điểm nhìn khác. Chẳng hạn điểm nhìn tâm lý. Với góc nhìn tâm lý, việc làm của chàng trai xem ra có thể nới lòng. Đời cau mặt lên án sống giả, lời dối. Nhưng đời có khi mỉm cười cảm thông. Thì các bác sỹ đó. Có những lúc họ đâu nói thật với bệnh nhân về tình trạng bệnh lý của họ. Lời nói dối ấy có mục đích xoa dịu nỗi đau hay đem niềm vui đến cho người bệnh. Làm cho ai đó cảm giác được sẻ chia, thấu hiểu là đáng chê sao? Giúp ai đó quẳng bớt nỗi sợ, thêm phần lạc quan yêu sống là đáng trách sao? Và đem niềm hạnh phúc, dẫu không lớn lao gì, trong phút giây hiện tại cho người khác là có tội ư?

            Ở đây cũng vậy. Ai cũng mong anh con trai kia sống thật, sống thơm thảo, nhất là với mẹ anh. Nhưng ai hiểu mẹ anh hơn anh. Mẹ anh vốn rất sùng đạo. Đức tin tôn giáo đã trở thành sự sống của bà. Nếu anh về tay không chắc gì mẹ anh không hụt hẫng, không buồn lòng. Cho nên, anh đã cho cách làm ngược đời, cách làm mà người thường khó chấp nhận; nhưng lại đem đến hạnh phúc cho mẹ anh. Những đứa con là hạnh phúc của người mẹ. Con hiếu chính làm cho mẹ hạnh phúc, nhất là hạnh phúc hiện tiền, hiện thế. Hạnh phúc chính là khát vọng nhân văn, là lý do cao cả nhất, cắt nghĩa tại sao con người sinh ra và sống ở đời.

            3. Một cách nhìn khác theo lăng kính Thiền. Một khi chấp nhận vứt dao xuống sẽ thành Phật hay gặp Phật giết Phật tại sao không chấp nhận câu chuyện này. Khi Hòa thượng Triệu Châu trả lời tăng nhân này: chó có Phật tánh, còn đáp lời tăng nhân khác: chó không có Phật tánh. Chẳng lẽ, Thiền sư Triệu Châu báng bổ đức Phật, báng bổ tôn giáo của mình? Hãy đọc truyện ngắn sau và tự trả lời:

            Vào một đêm đông lạnh giá, Thiền sư Lin Chi vào trú tạm tại một ngôi đền. Không chịu nỗi cái rét cắt da, Thiền sư chẻ tượng Phật lớn bằng gỗ đốt lửa sưởi. Tu sỹ trông đền chạy đến trách ông sao đốt Phật Gautam. Thiền sư im lặng, lấy thiền trượng khều tro. Tu sỹ hỏi ông làm gì?. Thiền sư chậm rãi: Đốt Phật Gautam thì tìm Xá Lợi chứ còn gì nữa. Tu sỹ trông đền hét lớn: Điên. Ngài ơi, đây chỉ là tượng gỗ.     

            Trở lại chuyện cái răng. Vậy thì cái răng chó hay cái răng Phật cũng chỉ là hình tướng, chỉ là cái thấy, nó đâu phải là Phật, nó chỉ là biểu tượng. Hơn nữa, tách một sự vật hiện tượng riêng lẻ ra khỏi tổng thể tồn sinh của nó thì sẽ không thấy bản chất của cái toàn vẹn. Trong câu chuyện kia, cái răng không là vấn đề chính. Quan trọng là tâm của người mẹ. Phật tại tâm. Tâm là Phật. Bà mẹ không thấy Phật ở cái răng kia mà thấy Phật trong tâm bà, trong chánh niệm của bà.

            4. Như vậy, có thể nói rằng, mỗi sự vật hiện tượng luôn luôn có hai mặt, thậm chí nhiều mặt nữa. Cho nên, không thể lấy cái nhìn có sẵn mà đánh giá, không nên đứng ở một điểm nhìn để khen chê mà phải nhìn nhiều chiều nhiều hướng.  Mùa Vu lan, ai cũng nhìn “Bông hồng cài áo” là đẹp đã thể hiện được tinh thần của Phật giáo. Liệu có ai tự vấn: Tại sao phải là hoa hồng hồng, hoa hồng trắng mà không là những màu sắc khác? “Bông hồng cài áo”, ở phương diện này là niềm vui, ở phương diện khác nó là biểu tượng của nỗi buồn?

 Nhân mùa Vu Lan người viết xin đưa ra một câu chuyện lạ và chỉ phiếm bàn thế thôi. Mong được chỉ giáo. Và nhất là xin lấy sự buông bỏ mà lượng thứ cho.

Hoàng Dục, 01-09-2020

 

______________  

(*) Lược trích trong “Đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu”, Trịnh Nguyên Phước, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2016, tr. 35-36)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét