Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

624. KHÔNG ĐỔI HÌNH TÓC RÂU

 

Chùa Thiện Khánh, làng Bác Vọng
KHÔNG ĐỔI HÌNH TÓC RÂU (*)

          Chuyện kể rằng, ông Nguyễn Bá Dương, người làng Nguyễn Xá, huyện Thần Khê là một học trò nghèo. Thuở lên Kinh Đô trọ học, ông thích rượu và thường uống rượu chịu của bà hàng ở Kẻ Mơ, tức làng Hoàng Mai, gần Hà Nội. Tiền nợ lên đến chín trăm đồng. Bà hàng đón đường ông đòi nợ. Một người con gái Kẻ Mơ trông thấy liền lấy tiền lưng trả thay ông. Ông tạ ơn, nhưng cô gái đi thẳng không ngoảnh mặt lại. Ông chỉ biết hỏi người đàn bà bán rượu về cô gái, rồi ghi vào lòng.

         Khi chưa đỗ, ông gặp Bình Trung Công, người Diên Hưng. Công chỉ bức bình phong đắp bức tranh những cây thông và đá, bảo ông làm thơ vịnh. Ông liền đề ngay bài tứ tuyệt:

Thạch thượng thanh tùng bách xích trường,

Phi hoa mãn động thủy sinh hương.

Đinh ninh tiều tử hưu khinh phạt,

Lưu thủ tha niên tác đống lương.

Nữ sỹ Hồng Thiên, Trợ bút Văn Hóa Nguyệt san, Sài Gòn dịch như sau:

Trên đá thông xanh trăm thước trường,

Hoa bay đầy động nước đưa hương.

Dặn dò tiều tử khoan tay chặt,

Dành để năm sau nối cột rường.

Bình Trung Công xem thơ khen là người tài.

Đến kỳ thi Hương, năm 1765, ông đỗ Hương tiến. Năm sau, 1766, đời Cảnh Hưng, ông đỗ Tiến sỹ, cùng khoa với Hoàng Giáp Ngô Thời Sỹ. Có bà phu nhân nghe tin ông đỗ đem cháu gái gả cho ông. Ông nhất mực chỉ cưới người con gái Kẻ Mơ, người ân của mình ngày nào.

Ông là một vị quan triều đình được tiếng thẳng tính. Khi giữ chức hình án ở Ái Châu (Thanh Hóa), có viên Án trấn Mỗ, cậy thế chính cung Đặng Phi (Đặng Thị Huệ), ăn hối lộ bốn trăm lượng vàng. Ông bắt giam ngục, buộc phải trả lại vàng. Sau đó ông đem số vàng ấy dâng nộp ngân khố. Người khắp Châu Ái không ai không ngợi khen ông.

                                             *

                                          *   *

Đọc truyện Nguyễn Bá Dương mà xúc động. Con người ấy trước sau như một. Thuở nhỏ, hàm ơn cô gái Kẻ Mơ, khi đỗ đạt làm quan không quên ơn ấy. Từ nợ rượu đã chuyển thành món nợ tình. Nguyễn Bá Dương cưới cô gái đâu chỉ vì hàm ơn mà vì cảm phục sự rộng rãi, vị tha, và nhất là sự tinh tế trong hành động: không để người có học phải xấu hổ trước mọi người. Từ cảm phục đến tình yêu và hôn nhân xem ra không có khoảng cách.

Đọc truyện Nguyễn Bá Dương, không nén nổi lòng yêu. Từ một học trò nghèo có chí, có tài đã cố gắng học tập để ra làm quan giúp nước cứu đời. Một đời tính cách, phẩm chất không đổi. Đức tính thẳng thắn, công minh đã hun đúc từ nhỏ cho đến khi làm quan. Câu chuyện ghi tạc ơn của cô gái Kẻ Mơ, chuyện xử án quan huyện Mỗ là những minh chứng hùng hồn.

Nghe chuyện đời và đọc thơ của Nguyễn Bá Dương cứ cảm thấy bồi hồi. Ông là cây thông xanh trăm thước trượng được ươm trồng từ khi sinh ra, lớn lên và học tập. Khi làm đỗ đạt làm quan, ông - cây thông ấy - thực sự nối cột rường của ngôi nhà đất nước. Văn và người như thế là có sự thống nhất đến đồng nhất. Đến đây mới thấy câu nói “Văn là người” của Buffon (nhà văn Pháp) có chỗ tin được.

Nhưng... đọc và hiểu chuyện người xưa mà rầu cho người nay. Học trò ngày nay xem đạo lý chỉ là một thứ phù phiếm. Quan ở xã hội hôm nay sao lắm ông chỉ là nhiễu lại, họ đều là viên Án trấn Mỗ mà thôi. Người cầm bút thời đại này, cũng lắm kẻ hình như muốn chứng minh ý kiến của Buffon là sai. Họ sống giả hình trong tác phẩm của mình. Tác phẩm lắm lúc chỉ là hay phải là chiếc mặt nạ thế thôi.

Nghe và nghĩ như thế. Có điều gì băn khoăn! Cũng chỉ là “Ôn cố tri tân”?

 

Hoàng Dục, 29-08-2020

 

_____________

(*) Mượn ý thơ của Nguyễn Đình Chiểu:

Dù đui mà đặng trọn mình,

Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu.

(Ngư Tiều vấn đáp ý thuật)

(**) Lược kể theo bài XI, Nguyễn Bá Dương trong “Tang Thương ngẫu lục”, Phạm Đình Hổ-Nguyễn Án, q. Thượng, Nxb Bộ Giáo Dục VNCH, In lần thứ nhì, Sài Gòn, 1970, tr. 48-52.

1 nhận xét: