Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

622. CÙNG THANH TỊNH LÊNH ĐÊNH ĐẦM PHÁ (TT)

Tiếp theo    

Một góc đầm phá
 Giọng hò của cô gái ra chiều quyến luyến và ý vị. Đêm đã sang canh tư. Vùng trời đầm phá trông rất bảng lảng.  Điệu hò câu hát cứ nối tiếp nhau mà buông bắt. Điệu hò câu hát như quyện bện vào nhau rất tình tứ, có lúc điệu trầm có lúc điệu cao trong như tiếng suối vẳng rừng khuya. Qua làng Thế Chí. Qua làng Kế Môn. Dòng phá từ đây thu hẹp dần hòa vào dòng sông Ô Lâu. Bỗng thuyền trước quay mũi hướng về Kim Long. Đạt cũng vội vã cho thuyền xuôi về Đại Lược. Từ thuyền trước, một câu hò chia biệt vẳng lên:

Tình về Đại Lược,

Duyên ngược Kim Long.

Đến đây là chỗ rẽ của lòng,

Gặp nhau còn biết trên sông bến nào?

Muốn hát đáp nhưng Đạt bỗng thấy nghẹn ngào. Hai con thuyền lẳng lặng rời xa và nhạt dần trong đám sương mờ óng ả ánh trăng.

Những câu hò trên có gì khác so với những điệu hò cất lên trên cánh đồng làng vào mùa gặt hay đêm trăng tát nước, khác gì giọng hò tình tứ của Mẫn trong truyện ngắn Quê bạn.

Rồi mùa tót rạ rơm khô,

Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm.

Đấy là giọng hò mà Thanh Tịnh đã cảm âm và miêu tả với sắc thái riêng: Mỗi lần giọng hò của Mẫn ngân lên không, như tiếng chuông rền, hay tản mác ra xa như dòng hương cuộn. Có lẽ, không ai có thể phủ nhận có sự khác nhau giữa các điệu hò. Tuy mỗi điệu hò có một bản khai sinh riêng, chánh quán riêng nhưng hồn cốt và hình hài lại biến tấu tùy vào trú quán. Một cách khác, linh hồn và hòa âm của những câu hò đổi thay tùy vào địa văn hóa, không-thời gian và chủ thể diễn xướng cụ thể. Riêng ở bình diện không gian văn hóa dân gian, không gian của những điệu hò đầm phá này, mỗi câu hò đò đều có nét riêng. Nhà văn Thanh Tịnh đã rất tinh tế nắm bắt và diễn tả những nét riêng độc đáo về sự khác biệt tưởng chừng mơ hồ của giọng và điệu những tiếng hò đầm phá này.

Theo Thanh Tịnh, trong vùng đầm phá Tam Giang, mỗi làng có một cách hò riêng không lẫn chìm vào nhau. Ở đầm phá, giọng hò rộng và lan dài. Ở mặt sông, câu điệu nghe mùi chứ không thanh thoát. Ngay ở phá cũng có sự khác nhau giữa các điệu hò. Làng nào ở khúc phá hẹp là giọng hò làng ấy ngắn và trong. Còn những khoảng phá rộng lại hun đúc được giọng hò nghe trầm và mạnh. Ví như giọng hò của làng Vĩnh Trị-quê của Liên. Ở đây phá rộng nên giọng hò trong trẻo và hơi dài, câu dứt gọn và đưa xinh như sương tỏa. Đạt đã yêu Liên qua giọng hò đó. Và chiều và đêm nay, anh cũng đã xao xuyến trước giọng hò của thiếu nữ lái thuyền phía trước, tiếng hò mang âm sắc Vĩnh Trị khiến anh tưởng như tiếng hò của Liên ngày trước.

Qua không gian đầm phá trong truyện ngắn của Thanh Tịnh, người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của những câu hò mà con cảm nhận được tính cách, tâm hồn của những cư dân đầm phá. Đó là, lối sống giản dị, khoáng đạt, dễ hội nhập của dân Làng trên phá Cầu Hai. Người chài lưới đã quen sống lênh đênh nên không biết ngại ngùng trên những dòng nước lạ. Họ cắm thuyền bất cứ đâu. Đời họ đã quen với phá rộng, với sông dài. Cách giao tiếp dễ dàng như con với mẹ. Đó là tâm hồn lãng mạn, là âm nhịp tình yêu khe khẽ mơ hồ nhưng rất thực, mang hơi thở đầm phá của Đạt, của Phương qua những câu hò, qua duyên may gặp gỡ. Gặp gỡ giữa đêm mưa rớt hạt ở bến Nứa của Thảo và Phương. Gặp gỡ dưới đêm trăng rắc vàng  xuống mặt phá của Đạt và thiếu nữ lái thuyền phía trước. Đầm phá mở rộng biên độ tâm hồn của họ. Đầm phá tạo nên cái sóng sánh trữ tình trong cảm xúc của họ tựa như tơ trời, hồ như tơ lòng, hư thực khó phân biệt được.

            Tơ trời lơ lững vươn mình uốn 

Đến nối duyên mình với… cõi không . 

                                    (Thanh Tịnh-Tơ trời với tơ lòng)

            Một nét độc đáo của không gian đầm phá trong truyện ngắn Thanh Tịnh nữa, đó là sự dịch chuyển không gian. Trong truyện ngắn Làng, không gian thực hóa thành không gian siêu thực, không gian của cõi ngoài, cõi trên. Làng, lúc còn sống là nơi quần tụ, khi chết là nơi quyến luyến tìm về. Đêm trừ tịch năm Thìn, Trường Sơn-người trực am-từ xa kịp về lo hương đăng ở Am Cô Giang. Ông nhìn mặt phá và nghĩ, trời nước mênh mông, sương xuống dày, giăng mắc tỏa hơi lạnh có lẽ đã che khuất thuyền làng. Vào thời khắc giao thừa, ánh đèn của chùa Linh Sơn trên núi Bạch Mã sáng lên, ông cũng thắp đèn trong am. Kỳ lạ thay. Đèn vừa sáng lên, một cảnh đẹp phơi bày trước mắt ông. Lẩn trong sương mù, mấy trăm chiếc thuyền Làng đều lên đèn một lượt. Ngọn đèn xao động trông hơi mờ và xanh nhạt. Thuyền Làng trôi từ từ nên ánh đèn cứ thay đổi chỗ mãi. Tiếng chuông chùa Linh Sơn lại ngân dài. Cũng chính là lúc thuyền làng chèo quanh am. Ban đầu ánh đèn còn đi chậm, sau đi nhanh, sau cùng đi nhanh hơn. Đèn thuyền Làng quay quá nhanh khiến Trường Sơn chóng mặt đứng không vững, phải tìm thuyền nằm xuống. Ông đã ngủ quên lúc nào không biết. Sáng hôm sau tỉnh giấc, trời trong, nước xanh như ai nhuộm, nhưng trên mặt phá chẳng có chiếc thuyền Làng nào cả. Hỏi quanh quất mới biết, “Trận bão dữ dội ngày mồng hai tháng tám năm Thìn, thuyền và dân làng đã chìm và chết hết”.

            Một câu chuyện huyền hoặc nhưng lại là một bi kịch thân phận đớn đau của cư dân sông nước. Một bức tranh đêm trừ tịch đẹp trên đầm phá pha sắc màu huyền thoại nhưng thể hiện tình yêu làng tha thiết của ngư dân. Vũ điệu ánh sáng đèn thuyền trên mặt phá ấy phải chẳng biểu tả chủ đề: Những người chết vẫn luôn luôn nuối về làng. Thân xác họ vùi sâu đâu đó dưới đầm phá, dưới sông biển nhưng linh hồn vẫn gắn chặt với Làng trên mặt nước phá Cầu Hai.

            Như vậy, qua những gì đã trình bày trên, có thể khẳng định rằng nét riêng, sức hấp dẫn của truyện ngắn Thanh Tịnh gồm nhiều phương diện nghệ thuật khác nhau, nhưng trong đó có sự góp mặt của không gian nghệ thuật đầm phá. Từ phá Tam Giang, phá Cầu Hai trong đời thực, nhà văn đã nghệ thuật hóa thành không gian văn hóa vùng miền, văn hóa dân tộc. Đó là nét văn hóa có tính phong tục như lễ Tết, cưới gả. Đó là văn hóa mang màu sắc diễn xướng dân gian, điệu hò đầm phá. Và cũng từ không gian nghệ thuật ấy tạo nên vẻ đẹp tính cách, tâm hồn rộng rãi, chân tình, nhạy cảm và lãng mạn của cư dân trên mặt nước mênh mang, trong hệ đầm phá Tam Giang chạy dọc mảnh đất nghèo nắng gió miền Trung.

            Cảm nhận cái đẹp của không gian nghệ thuật đầm phá trong truyện ngắn của Thanh Tịnh bỗng khao khát tìm về chốn ấy để hít thở cái không khí mằn mặn của muối, cảm nhận sự sống của cá tôm qua mùi tanh tanh rất nhẹ luồn trong gió và cũng để nhận ra một điều rất thật: Văn chương chân thật bao giờ cũng thấm đậm chất đời, một chất đời chưa chắt lọc nhưng lóng lánh muôn vàn ước mơ về những giá trị thực của con người và của cộng đồng. Và cũng có lẽ, thú vị hơn hết là vào một đêm trăng nào đó, được trôi thuyền trên phá Tam Giang thả hồn theo những câu hò xứ sở vọng vang trên mặt nước để thấu cảm vẻ đẹp của những câu hò đò và tấc lòng của những con người đầm phá. Có điều mong sẽ không gặp những câu hò ủ dột lòng mình và làm đau lòng người, trên mặt phá mang mang chỉ còn vọng lên những câu hát tha thiết thơm ngát tình đời như ý thơ Tô Thùy Yên.  

Phá Tam Giang, Phá Tam Giang

Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ

Chiều dòn tan, nắng đọng nứt ran ran

Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ

Thơm cả thiết tha đời.

                       (Chiều trên phá Tam Giang)

 

Hoàng Dục, 27-08-2020

________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét