Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

621. CÙNG THANH TỊNH LÊNH ĐÊNH ĐẦM PHÁ

       

Một sớm ở phá Cầu Hai
 Nhớ Thanh Tịnh (1911-1988) là nhớ những bài thơ Mòn mỏi, Rồi một hôm, Tơ trời với tơ lòng,.. trong tập thơ HẬN CHIẾN TRƯỜNG (1937) và tập truyện ngắn QUÊ MẸ (1941) của ông. Làm sao không nhớ, khi nhà văn đã cho người đọc cái nao nao đầu đời “Tôi đi học”. Khổng thể nào quên vì ông đã cho ta sống êm đềm giữa làng quê thanh bình-làng Mỹ Lý. Thực ra, làng Mỹ Lý là không gian nghệ thuật không hoàn toàn yên ả trong truyện ngắn của nhà văn. Không gian ấy là không gian nghịch đối. Bên cạnh dòng sông, cánh đồng, con đò, bến nước,… còn có cái ga xép. Những sự vật hiện tượng ấy là không gian lồng trong không gian mang tính biểu tượng sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại, giữa ngưng đọng và dịch chuyển, giữa xưa và nay,… qua đó làm bật lên vẻ đẹp tâm hồn của những con người chân quê nơi chốn quê miền Trung nước Việt.

Sức hấp dẫn của truyện ngắn của Thanh Tịnh, phải chăng một phần nhờ không gian nghệ thuật này. Có lẽ vậy, như Thạch Lam viết: “Thanh Tịnh đã muốn làm người mục đồng dưới bóng tre thổi sáo để ca hát những đám mây và làn gió lướt bay trên cánh đồng, ca hát vẻ đẹp của đời thôn quê (Thạch Lam, Tựa Quê mẹ, Thanh Tịnh văn và đời, NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 479)

Nhưng đúng mà chưa đủ. Bởi “Quê mẹ” cũng hiện hữu một không gian nghệ thuật khác có sức ám ảnh người đọc, đó là không gian đầm phá. Mặc dù, đầm phá chỉ xuất hiện trong ba truyện ngắn: Bến Nứa, LàngTình trong câu hát.

Trước hết, sự độc đáo của không gian đầm phá trong truyện ngắn của Thanh Tịnh là ở chỗ bổ sung tạo tính toàn diện, tạo nên đặc trưng vùng miền, khẳng định nét riêng về địa lý, về hệ sinh thái của Thừa Thiên-Huế. Cánh đồng, dòng sông, con đò, bến nước,… làng quê Việt nào không có. Những cảnh vật ấy làm nên nền văn minh lúa nước Việt Nam có thể tìm thấy trong thơ của Bàng Bá Lân, Anh Thơ,… hoặc trong văn Tự Lực văn đàn, văn Nam Cao,... Cái ga xép ư? Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam cũng đã có. Cái ga ấy đợi đón chuyến xe lửa ở Hà Nội, mang theo sự ồn ào, sự sáng lóa ngang qua trong giây lát rồi khuất sau rặng tre. Phố huyện lại chìm trong bóng đêm cố hữu. Có gì khác biệt về không gian nghệ thuật giữa truyện ngắn của Thanh Tịnh và của Thạch Lam? Có lẽ cũng khó phân biệt nếu không có không gian nghệ thuật đầm phá, trong hệ đầm phá Tam Giang.

Sau cùng, không gian đầm phá ấy tạo nên nếp sống, vẻ đẹp tâm hồn của những con người chọn chiếc thuyền làm số phận của mình. Đó là cô Phương trong “Bến Nứa”, anh Đạt trong “Tình trong câu hát” hay nhân vật Trường Sơn-người kể chuyện-cùng dân làng của anh trong “Làng”.

Cũng như làng Mỹ Lý, đầm phá miền Trung là không gian sinh tụ của con người chọn sông nước để cư trú và để mưu sinh. Phá Tam Giang là nơi Đạt sinh ra và lớn lên. Cuộc đời anh gắn bó với con đò, với đầm phá mênh mang. Với anh cũng như bao gia đình khác trên phá Tam Giang, thuyền đã là gia đình của họ, dòng sông là nơi họ qua về, và muôn bến chỉ là nơi ở tạm. Hay với Phương, từ làng Thiên về làng Viễn Trình qua sông Bồ hoặc sông Hương, vượt Phá Tam Giang  rồi ngược dòng Ô Lâu là những cung đường sông nước, cung đường đưa hay rước khách xuôi bến ngược dòng, nuôi sống gia đình cô. Cũng như vậy, phá Cầu Hai mà xưa kia người Chàm gọi là Trựng Tô là chốn cụ già Trường Sơn cùng 300 ngư dân đã đến quần tụ và lập làng vào thời điểm xây dựng Am Kẻ Chài hay Am Cô Giang: Hoàng Định Nguyên niên, tức là đầu thế kỷ 16 đời vủa Lê Thánh Tông. Trước khi dựng am, phá Cầu Hai thiếu vắng bóng người, hai bên bờ phá không có xóm người ở. Sau đó, chính giữa phá đã có lớp người dựng lên làng mạc hẳn hoi. Quanh năm họ sống về nghề chài lưới. Họ là người của nhiều làng, nhiều nước. Nghe đâu có cả người Trung Quốc và dân Chiêm Thành nữa. Họ gặp nhau trong cảnh làm ăn hay trên đường lưu lạc. Rồi từ quen biết đến thân yêu, họ thành lập một làng sống với nhau trên mặt nước. Làng ấy là một khoảng phá lan dài trên tám dặm nước. Họ toàn là kẻ tha phương ở với nhau lâu ngày, tình liên lạc trở nên đậm đà và bát ngát. Dân làng ngày càng đông. Ban đầu còn ít sau lên tới 200 rồi 300 dân. Và làng đã thực sự có tên, tên là Làng, một cái tên nghe chừng trừu tượng nhưng hễ nhắc đến dân làng ai cũng thấy nao nao nhớ và tự hào.

Không gian đầm phá cũng là không gian văn hóa vừa có nét chung của văn hóa dân tộc Việt vừa có sắc riêng không lẫn vào đâu được của cư dân đầm phá miền Trung.

Ngư dân của Làng giữa phá Cầu Hai cứ vào đầu thu lại tản mác khắp các  dòng sông khác, đầm phá khác để làm ăn. Đời sông nước lênh đênh, may ít rủi nhiều, họ không cam lòng đem bát hương tổ tiên xuôi ngược. Nỡ nào họ lại để hương linh tổ tiên hứng chịu sóng gió bão bùng cùng họ. Sống đã một đời phiêu bạt thì chết phải được yên vị, thanh thản trên mảnh đất làng, dẫu hồn còn nao nao nhớ những chuyến thủy trình. Dân làng bàn bạc với nhau, cùng góp tài lực xây nên Am Kẻ Chài hay Am Cô Giang làm nơi thờ tự tổ tiên của họ. Am Cô Giang là nơi dân Làng đến gửi lư hương nhà trước khi đi làm ăn xa. Người có mặt sẽ cúng thay người vắng mặt. Và hàng năm Làng cử một người đến am cúng bái trong ba ngày tết. Am có kiến trúc kiểu cổ mái vồng và chân mạnh, xây dựng trên một chồng đá xám mọc lên thật cao trơ trọi giữa phá Cầu Hai, cách chân đèo Phước Tượng chừng hai cây số. Mặt am nhìn về phía núi Túy Vân và cách đó ba cây số là cửa biển Tư Hiền. Lưng am chênh chếch xây về dãy Trường Sơn và riêng hòn Bạch Mã trán cao chất ngất, về phía ấy chân núi bò ra tận phá và nhiều khoảng chuồi thẳng mình trong bầu nước rộng mênh mông. Am thờ khoảng 300 bát hương vừa sành vừa gỗ. Mặt am hướng về phá Cầu Hai, hướng về cửa Tư Hiền, phải chăng để tổ tiên vẫn ngắm nhìn Làng yêu thương giữa phá, hay để dõi theo và đón đợi thuyền chài của con cháu ra đi làm ăn xa và trở về.

Am Cô Giang đã trở thành một không gian thiêng, một biểu tượng của văn hóa tâm linh, biểu tượng của văn hóa dân tộc, người chết không mất đi mà sống cùng cháu con, một biểu tưởng cho nét đẹp tâm hồn duy tình của người Việt. Có am thờ phụng, ngư dân yên lòng đi đánh bắt những vùng sông nước xa xôi. Điều đáng trân trọng, như người Việt sống trên đất liền, hằng năm, cứ vào dịp Tết âm lịch, thuyền họ lại quay về làng. Đêm ba mươi tết, dân Làng có tục lệ hội họp chung quanh am. Họ đến am đốt đèn, thắp nhang cáo tổ tiên, mời về thuyền vui xuân cùng con cháu. Thậm chí họ còn nghĩ sâu xa nên cẩn thận cắt cử người trực am cuối năm, bởi họ biết đời nổi nênh trên sông nước, đâu phải khi nào cũng về kịp để hương khói tưởng nhớ tổ tiên, mà nếu như thế làm sao họ làm tròn đạo nghĩa đối với ông bà như vẻ đẹp đạo lý truyền thống của người Việt.

Nếu Làng ở phá Cầu Hai tạo ấn tượng đẹp và độc đáo về ngày Tết của họ, về văn hóa tâm linh người Việt sông nước thì Tình trong câu hát lại gieo vào tâm trí người đọc một ấn tượng đặc sắc về văn hóa nghi lễ cưới gả qua lễ cưới của Đạt và Liên trên phá Tam Giang-một lễ cưới đượm một tình thơ trong sáng. Liên, cô gái lái thuyền làng Vĩnh Trị đã quen Đạt ở bến Nứa làng Vân. Đây là nơi tổ chức lễ cưới của họ. Lễ cưới diễn ra ban đêm trên phá Tam Giang. Họ nhà gái gồm một nhóm thuyền đậu sẵn ở bến Nứa. Ba giờ sau, họ nhà trai đến làm lễ thành hôn. Nhóm thuyền của họ nhà trai, nhóm thuyền của Đạt đến vây đậu xung quanh thuyền của họ nhà gái. Đứng trên cao nhìn xuống, nhóm thuyền họ nhà trai như những cánh hoa ôm lấy nhụy hoa là nhóm thuyền của thân thích, của bạn bè cô dâu. Đó là đóa hoa cưới lớn, đóa hoa hạnh phúc đôi lứa nở giữa đầm phá mênh mông. Kỳ thú hơn nữa, đóa hoa ấy lung linh bao nhiêu là ánh sáng của những ngọn đèn cưới. Đèn thắp sáng nhiều vòng quây tròn và bung sà trên mặt nước. Đèn lấp lóa vươn cao trên những cột buồm. Bởi lúc vào đêm, hai họ đem đèn ra thắp chung quanh boong và treo một ngọn đèn khá lớn lên cột buồm, xa trông như một cụm chiến thuyền của thời xưa cũ. Thường họ thắp đèn thật nhiều, chứ không đốt pháo. Không còn những con thuyền. Không còn mặt nước đầm phá ảo mờ và se lạnh. Chỉ còn những hoa đèn, những hoa cưới lung linh. Đúng hơn một đóa hoa đèn giữa đêm bung nở ấm nóng và sáng láng màu hạnh phúc. Đóa hoa đèn ấy soi sáng lối về hạnh phúc của đôi trai gái trong tình yêu và hôn nhân. Đóa hoa đèn ấy là tình cảm ấm áp của hai họ chúc phúc cho cho Đạt và Liên, những con người đầm phá.

Văn hóa cưới gả của cư dân đầm phá càng độc đáo hơn nữa, có bản sắc riêng đậm đà hơn nữa là ở những khúc hát đối đáp giao tình. Nửa đêm, mọi thuyền nhổ sào rời bến Nứa, rời xa hai chiếc thuyền của Đạt và Liên. Nhìn những con thuyền xa dần xa dần, Đạt tự nhiên vui vẻ cất tiếng hát vọng lên như tiễn biệt. Liên đứng nép bên chồng nhìn đám thuyền trôi tiếp theo mấy câu hò dài nghe não nuột. Bên đám thuyền kia người của hai họ cùng cất tiếng hát vang lên một lần như đáp lại. Tiếng hát của hai bên cứ nhỏ dần, sau cùng nghe mơ màng như tiếng thoảng. Đám đèn xa rồi mờ mãi để lẩn dần trong các cụm sao đỏ phía chân sông.

Trong những truyện ngắn của Thanh Tịnh, không gian nghệ thuật đầm phá còn là không gian folklore, không gian của những làn điệu hò dân gian vùng Thừa Thiên-Huế. Cũng như những con sông quê khác, mỗi dòng nở sinh bát ngát một điệu hò. Mỗi câu hò chuyên chở một nét riêng về địa lý, về sinh hoạt, về thân phận, về tâm tình,… của con người ở vùng đất ấy. Ai từng dọc ngang sông nước ở ba miền nước Việt, hẳn đã từng nghe âm vọng những câu hò: hò sông Mã, hò khoan, hò qua sông hái củi, hò mái ba Gò Công,… Mảnh đất quá nghèo ruộng cày nhưng rất giàu có núi non, đầm phá Quảng Trị, Thừa Thiên cũng sản sinh những làn điệu hò Mái nhì, Mái đẩy tha thiết mà đọng lắng những nỗi niềm riêng của người hát và nỗi niềm chung của những mảnh đời đầm phá.

Không gian đầm phá đã trở thành sân khấu dân gian đặc biệt. Ở đó, những lúc chiều buông, đêm về, khi trăng thanh gió mát, khi mái chèo khoan nhặt, chính là phút giây những câu hò loang ra trên mặt nước, bay lên ngân nga giữa bầu không. Thanh Tịnh đã tái hiện điệu hò quê hương thật đẹp, vừa thể hiện nỗi lòng nhân vật vừa làm bật lên sắc điệu độc đáo của câu hò xứ sở. Đọc Bến Nứa, chỉ cần nghe câu hò của Phương là có thể cảm nhận hồn quê, cảm nhận phận đời của cô lái đò góa bụa. Năm tháng qua, bao đêm dài, cô Phương vừa chăm con vừa thay người chồng quá cố lái thuyền đưa khách mưu sinh. Khách có bến để về, còn Phương và con cứ mãi lênh đênh trên con đò cô lẻ. Hoàn cảnh không thể giết được ước mơ trong cô. Như đêm nay, mưa rắc dày hạt trên đầm phá, khi đám mây đen dày đặc đã nứt ra dần, để lọt một thứ ánh sáng xanh dờn của mảnh trăng cuối thu. Phương vừa chèo vừa cất giọng hò lanh lảnh:

            Đi đâu cho thiếp đi cùng,

           Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp theo.

            Câu hát man mác buồn nhưng gói ghém khát khao hạnh phúc của Phương. Phương khát khao sẽ có một người đàn ông suốt đời bên cạnh cô và thằng Nghển-con cô. Người đàn ông như Thảo vào một đêm mưa khuya khoắc đã xa, xuống thuyền ở bến Nứa. Thảo đã giả đóng vai cha Nghển lấp được phần nào khoảng tâm hồn trống vắng tình cha của cháu. Và cũng theo yêu cầu của Nghển, Thảo đã nắm lấy bàn tay dịu mát của cô. Bàn tay cô trong bàn tay Thảo, lại được hai bàn tay nhỏ nhắn của thằng Nghển úp lên trên khiến cô cảm giác đã có một gia đình. Thảo đã về Viễn Trình và từ đó không xuống thuyền lần nào nữa. Nhưng với Phương, giây phút này âm thầm lan tỏa trong tâm hồn cô dẫu tháng qua năm qua. Để rồi, mỗi lần thuyền ngang qua bến Nứa lúc nửa đêm, Phương với vọng: “- Ai về Viễn Trình thì xuống mà về”. Tất cả im ắng, chỉ có chuông chùa Đồng Tâm ngân dài trên mặt nước như đêm mưa nào.

Sân khấu đầm phá Tam Giang không chỉ là nơi Phương độc xướng, mà còn là nơi Đạt hò đối đáp giao tình cùng cô lái thuyền chạy phía trước thuyền anh. Hai chiếc thuyền lướt đi xa trông như cặp nhạn lướt trên hồ. (…) Mặt phá rộng mênh mông lấp loáng ánh trăng vàng. Ấy là lúc tiếng hò của Đạt cất lên:

Thuyền ai trôi trước,

Cho tôi lướt đến cùng.

Chiều đã về trời đất mông lung,

Phải duyên thì xích lại cho đỡ não nùng tiếng sương.

Câu hò ướm hỏi vút cao rồi từ từ trầm xuống như than vãn như kể lể. Trên lái chiếc thuyền trước, bóng một cô thiếu nữ mặc áo dài nổi bật lên. Cô quay đầu lại và nối lời:

Trời một vùng đêm dài không hạn,

Mượn gió chiều hỏi bạn ngàn sông.

Thân em là gái chưa chồng,

Tơ duyên có chắc như dòng nước không?

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét