Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

636. NHỚ LẦU HẠC VÀNG

Vườn Quốc Gia Chiang Mai, Thái Lan

 HOÀNG HẠC LÂU

           Thôi Hiệu

 

Thôi Hiệu (704-754) nhà thơ đời Đường, người Biện Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ông đổ Tiến sỹ năm 723, làm quan đến chức Tư Huân ngoại lang. Ông rất nổi tiếng trong làng văn bút đương thời nhưng chỉ để lại khoảng 40 bài thơ, trong đó nổi tiếng hơn cả là Hoàng Hạc lâu. Tương truyền, khi Lý Bạch đến thăm lầu Hoàng Hạc trên núi Xà Sơn, bên sông Dương Tử, thuộc Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Hoa; thấy trên tường có bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, ông vứt bút ngẩng đầu than:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc

Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.

Tạm dịch:

Cảnh đẹp trước mắt không thể viết

Trên đầu Thôi Hiệu đã đề thơ.

                       Hoàng Dục

Bài thơ “Hoàng hạc lâu” của ông đã được đưa vào sách giáo khoa bậc Trung học phổ thông của Việt Nam. Danh tác này được rất nhiều dịch giả tài hoa chuyển ngữ sang tiếng Việt như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Vũ Hoàng Chương,… Trong đó, bản dịch tuyệt vời nhất là của nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Chỉ tiếc bản dịch này lại sử dụng thể Lục bát, trong khi đó nguyên tác thuộc thể Thất ngôn bát cú theo luật bằng vần bằng. Ở bài này người viết trích đăng một số bản dịch của các dịch giả trên và bản dịch của mình; đồng thời trích đăng lời bình của nhà phê bình đời Thanh Kim Thánh Thán để bạn đọc tham khảo.

Chữ Hán:

          








使

Phiên âm:

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân[1] dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

Phương thảo thê thê Anh Vũ[2] châu.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch nghĩa:

Lầu Hoàng Hạc

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,

Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc

Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại

Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không

Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một

Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi

Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?

Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!

Bản dịch của Tản Đà:

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?

Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.

Hạc vàng bay mất từ xưa,

Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay.

Hán Dương sông tạnh cây bày,

Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.

Quê nhà khuất bóng hoàng hôn,

Trên song khói sóng cho buồn lòng ai?

Bản dịch của Ngô Tất Tố:

Người xưa cưỡi hạc đã lên mây,

Lầu Hạc còn suông với chốn này.

Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn,

Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay.

Vàng gieo bên Hán, ngàn cây hửng,

Xanh ngắt châu Anh lớp cỏ dày.

Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ?

Đầy sông khói song gợi niềm tây.

Bản dịch của Vũ Hoàng Chương:

Xưa hạc vàng bay vút bóng người

Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi

Vàng tung cánh hạc bay đi mãi

Trắng một màu mây vạn vạn đời

Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu

Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi

Gần xa chiếu xuống nào quê quán

Đừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi.

Bản dịch của Hoàng Dục:

Hạc vàng ai đã cưỡi đi đâu,

Hoàng Hạc lầu trơ chốn  bể dâu.

Cánh  hạc vàng bay không trở lại,

Chòm mây trắng lượn giữa trời sâu.

Hán Dương sông sáng hàng cây tỏ,

Anh Vũ bãi thơm cỏ biếc màu

Chiều tối quê nhà đâu đó tá?

Sông vờn khói sóng chạnh lòng đau!

Lược trích lời bình của Kim Thánh Thán:

Trong “Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường”, Trần Trọng San dịch, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 1990, tr.32-34, như các bài thơ thất ngôn bát cú khác, Kim Thánh Thán đã gọi 4 câu đầu của HOÀNG HẠC LÂU là tiền giải (giải 1) và 4 câu sau là hậu giải (giải 2). Ông bình bài thơ như sau:

            Giải 1: Thấy ông (Thôi Hiệu) diệu ở chỗ chỉ có 1 câu tả “lầu”, còn 3 câu kia đều là tả “người xưa”. Ba câu đều tả “người xưa” như thế là một lòng tưởng nghĩ chỉ là tưởng nghĩ “người xưa”, đôi mắt ngóng trông chỉ là trông ngóng “người xưa”, thực ra không còn lòng nào rảnh rỗi mà nghĩ đến lầu này, không có mắt nào rảnh rỗi mà ngó đến lầu này. Thử nghĩ xem ông đầy bụng có tâm kỳ như thế nào, khắp mình có khí khái như thế nào, chớ đâu từng có chuyện thị phi đắc thất, vinh nhục hung tàng làm nhơ bẩn nổi ngọn bút! Câu 1 là tả “người xưa”, câu 3 là nghĩ “người xưa”, câu 4 là ngóng “người xưa”, tuyệt nhiên không từng để mắt đến “lầu”.

            (…)

            Giải 2: Tiền giải tả “người xưa”, hậu giải tả “người nay”, tuyệt nhiên không tả đến “lầu”. Giải này diệu ở chỗ không dính liền gì với đoạn trên, chỉ nhất ý tựa cao trông xa, riêng thổ lộ hoài bão của mình, mặc cho người đọc đời sau muốn hiểu ra sao thì hiểu, thực đúng là quy mô của bậc đại gia vậy.

            Các câu 5-6, chỉ đặt 5 chữ “hương quan hà xứ thị”, nói ở nơi này cây thì “lịch lịch” (in rõ), bãi thì “thê thê” (tươi tốt), riêng có mắt ngóng “hương quan” là không biết “hà xứ” (nơi nào). Ông chỉ đặt ngang hai chữ “nhật mộ” lên câu đó, là khiến cho 28 chữ trong 4 câu tiền giải, chữ nào cũng nhất tề dao động, đó là bút pháp tuyệt kỹ vậy.

 

Đà Nẵng, 11-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét