Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

637. ĐỀ THƠ Ở ẤP PHÍA NAM ĐÔ THÀNH

           

Phượng Hoàng cổ trấn (TQ)
ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG

        Thôi Hộ là một thi nhân đời Đường, chưa rõ ngày sinh ngày mất, sống vào khoảng niên đại Đường Đức tông (742 - 805).

Ông tự là Ân công, người quận Bác Lăng, nay là Định huyện, tỉnh Trực Lệ, Trung Hoa. Tương truyền ông vốn là người phong nhã nhưng sống khép kín, ít giao du Về đường khoa cử lại rất lận đận, Mãi đến năm796, niên hiệu Trinh Nguyên, Thôi Hộ mới đậu tiến sĩ, làm tiết độ sứ Lĩnh Nam. Ông nổi tiếng nhờ bài thơ “Đề tích sở kiến xứ”.

        Nguyên tác:

  




Phiên âm:

ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG  [Đề tích sở kiến xứ]

Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Dịch nghĩa:

THƠ ĐỀ Ở ẤP PHÍA NAM ĐÔ THÀNH

Năm trước ngày này ngay cửa này,
Mặt người, hoa đào ánh hồng lẫn nhau.
Mặt người chẳng biết đã đi đâu,
Vẫn hoa đào năm ngoái đang cười giỡn với gió xuân.

Chú thích: Theo Tình sử của Phùng Mộng Long, Thôi Hộ nhân tiết thanh minh một mình đi chơi về phía nam đô thành, thấy một ấp trại chung quanh đầy hoa đào. Thôi Hộ gõ cửa xin nước uống, một người con gái mở cổng, hỏi tên họ rồi bưng nước đến, người con gái sắc đẹp đậm đà, duyên dáng, tình ý, dịu dàng kín đáo. Năm sau, cũng vào tiết thanh minh, Thôi Hộ lại đến tìm người cũ thì cửa đóng then cài, nhân đó mới đề lên cánh cửa bên trái bài thơ này. Người con gái xem thơ, nhớ thương rồi ốm chết. Chợt Thôi Hộ đến, nghe tiếng khóc bèn chạy vào ôm thây mà khóc. Người con gái bỗng hồi tỉnh rồi sống lại. Ông bố bèn đem cô gái gả cho Thôi Hộ. Cũng từ điển này, người ta thường ví mặt người con gái đẹp với hoa đào.

Bản dịch của Tản Đà:

Năm xưa cửa ấy ngày này,
Hoa đào đua nở cho ai thêm hồng.
Nay đào đã quyến gió đông,
Mà sao người đẹp bềnh bồng nơi nao.

Bản dich của Nam Trân:

Cửa đây năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá,
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.

             (Nguồn: Thơ Đường (tập 1), NXB Văn Học, Hà Nội, 1987, trang 249)

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Hôm nay năm ngoái, cửa cài,
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.
Mặt người chẳng biết đâu rồi,
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.

              (Nguồn: Trần Trọng Kim, Đường thi, NXB Văn hoá thông tin, 1995)

Bản dịch của Ngô Văn Phú:

Cổng này, năm ngoái cũng hôm nay
Đào ánh mặt người má đỏ hây
Người đẹp giờ đâu? Trời mới biết!
Hoa đào còn ghẹo gió đông bay

Trong Truyện Kiều, miêu tả tâm trạng Kim Trọng trở lại vườn Thúy nhưng Thúy Kiều đã vắng bóng, Đại thi hào Nguyễn Du đã chuyển dịch rất tuyệt vời hai câu thơ sau của Thôi Hộ:

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,

Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời.

Trước sau nào thấy bóng người,

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

                        (Truyện Kiều, câu 2745-2748)

 

Hoàng Dục dịch:

Ngày này năm ngoái cửa này đây,

Mặt ngọc, hoa đào cùng đỏ hây.

Mặt ngọc giờ đây sao vắng bóng,

Hoa đào cười với gió xuân nay.

 

Đà Nẵng, 11-2020

_____________

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét