Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

635. NGHĨ TRONG THÁNG MƯỜI MỘT

Trường THPT chuyên Lê Quý Đà Nẵng

NGHĨ TRONG THÁNG MƯỜI MỘT

 Tháng 11, đã già hơn nửa. Cũng gần ngày Nhà giáo Việt Nam. Mình cũng đã thêm một tuổi. Tuổi chồng chất tuổi. Những háo hức tháng mười một hình như nhạt dần.  Những suy tư không thể tìm được câu trả lời đang ám vào tâm trí. Người ta thường bảo, tuổi lớn hay cả nghĩ và tuổi lớn người ta cũng rất lẩn thẩn. Mình không  nghĩ như vậy. Tuổi lớn thường bao dung, buông bỏ bởi họ đã có những trải nghiệm sâu sắc trong hoạt động sống của mình.

Nghĩ là nghĩ vậy. Và cũng đã cố gắng sống như nghĩ. Nhưng không hiểu sao trong tháng mười một năm nay lại hay suy tư. Có lẽ do có cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chăng? Có lẽ do đại dịch Virus china chăng? Dù nguyên nhân nào, vẫn thấy ngán ngẩm cho sức mạnh của đồng tiền. Đồng tiền ngày càng dồi dào năng lượng, càng trở thành siêu năng lượng. Đồng tiền có sức công phá mọi thành trì từ lương tri con người đến mọi giá trị xã hội. Những kẻ có tiền đang cố sắp xếp lại trật tự xã hội theo lối nghĩ của họ. Chân lý bị xếp cuối cùng trong thang bậc của văn minh công nghệ truyền thông, của cái gọi là dân chủ giả hình. Chân lý bị rượt đuổi như một kẻ cắp vặt tưởng chừng không chốn dung thân. Những kẻ có tiền được trang bị tư tưởng gọi là “cấp tiến”, họ đã, đang và sẽ đốt cháy ngôi đền văn hóa truyền thống của mọi dân tộc như Herostratus đốt đền Artemis. Cái đẹp, cái tốt và cái thiện đang bị cái xấu, cái ác lấn lướt, nhưng chúng đang đấu tranh để giành lại ngôi vị chân chính của mình.

Rồi, nghĩ về ngành Giáo dục nước nhà. Có cái gì đó bất ổn như chuyện những thầy bói mù sờ voi. Những phán quyết có tính hiện tượng kéo theo những thay đổi không đáng có. Giáo dục con người gần như không có chiến lược theo một nguyên lý giáo dục nhất định. Nhìn vào sách giáo khoa, cách dạy của thầy giáo sẽ thấy tính chất thời vụ của giáo dục. Nhìn vào việc học và học thêm của học sinh từ cấp thấp đến cấp cao sẽ hiểu được giáo dục như một cổ máy cũ luôn bị hỏng hóc, càng sửa chữa càng hỏng hóc.

Rồi, lại nghĩ về mình, có một thời “cày bừa trên luống chữ” như nhà thơ Cao Thoại Châu. Và cũng đã trở trăn như nhà thơ: Và tôi, có lúc đã làm thầy/ Cầm viên phấn mà như cầm cục than cháy đỏ/ Nói thế nào để lòng không xấu hổ/ Giảng bài không bán chữ buôn văn

Mạn phép nhà thơ chép thi phẩm ra đây:

 

VÀ TÔI

VẪN CÀY BỪA TRÊN LUỐNG CHỮ

 

Tôi vẫn đi trên đất nước này

Đất nước, tuyệt nhiên không thể là đất khác

Cạnh những bàn chân nông phu chất phác

Bàn chân không nói dối bao giờ

 

Và tộ cơm ăn tại đầu bờ

Mồ hôi thơm hơn cao lương mỹ vị

Chân lấm tay bùn đời nông dân là thế

Không cần hoa, diễn văn buổi lễ dài dòng

 

Cũng không cần nam-bắc-tây-đông

Chỉ là phía mặt trời lên và lặn

Ước mơ cũng vô cùng đơn giản

Con cháu nên người theo đạo nghĩa cha ông

 

Giữa họ, nông dân và tôi có một điểm chung

Cây lúa không bao giờ mọc ngược

Mây đen về báo sắp có mưa

Oằn mình ra sống chung với lũ

 

Mỗi rạng đông tôi vẫn ra đường

Kêu một ly cà phê mua một vài tờ báo

Ngồi nhâm nhi những trang quảng cáo

Thấy những dòng nói láo chẳng thua ai

 

Và tôi, có lúc đã làm thầy

Cầm viên phấn mà như cầm cục than cháy đỏ

Nói thế nào để lòng không xấu hổ

Giảng bài không bán chữ buôn văn

 

Và bây giờ không khác những nông dân

Mùa bão lũ rồi đến mùa hạn hán

Đất chỏ che cho tôi niềm hy vọng

Mà thật tình không biêt những điều chi!

Cao Thoại Châu

12-7-2019 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét