Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

641. GIẤC MỘNG TƯƠNG TƯ

Hai bộ phim về nàng Hwang Jin-yi
 TƯƠNG TƯ MỘNG

   Sang trang phây của Đinh Bá Truyền và Người Nước Huệ (Trần Đức Anh Sơn) gặp bài thơ này của Hwang Jin-yi (*), một nữ thi sỹ nổi tiếng và cũng là một Gisaeng lừng danh của Triều Tiên đầu thế kỷ 16. Bài thơ được viết theo thể Cổ phong luật Đường. Hai anh đã dịch bài thơ, nhưng cũng xin mạn phép được thêm một phiên bản khác.

Nguyên tác bằng chữ Hangul:

상사몽
상사상견지빙몽
농방환시환방농
원사요요타야몽
일시동작로중봉
Phiên âm chữ Hán
:

相思夢

相思相見只憑夢

儂訪歡時歡訪儂

願使遙遙他夜夢

一時同作路中逢

Phiên âm tiếng Việt:

TƯƠNG TƯ MỘNG

Tương tư tương kiến chỉ bằng mộng

Nùng phóng hoan thời hoan phóng nùng (**)

Nguyện sử diêu diêu tha dạ mộng

Nhất thời đồng tác lộ trung phùng

Bản dịch thơ của Đinh Bá Truyền:

MỘNG TƯƠNG TƯ

Tương tư chỉ gặp trong mơ

Em tìm chàng đến chàng chờ tìm em

Ước chi giấc mộng dài thêm

Chúng mình được thỏa một đêm trùng phùng

Bản dịch thơ của Trần Đức Anh Sơn:

MỘNG TƯƠNG TƯ
Tương tư ta gặp người trong mộng
Ta tìm chàng, chàng cũng tìm ta
Mong giấc mộng kia dài thêm mãi
Chàng với ta nên cuộc trùng phùng

Bản dịch thơ của Hoàng Dục:

GIẤC  MỘNG TƯƠNG TƯ

Nhớ nhau chỉ gặp nhau bằng mộng

Chàng đến tìm ta, ta đến chàng

Mong ước đêm sao dài giấc mộng

Một lần cùng thỏa chuyện trùng phùng

Đà Nẵng, 26-12-2020

 Chú thích:

 (*) Hwang Jin-yi (âm Hán - Việt là Hoàng Chân Y) là một nữ thi sĩ sống dưới thời vua Trung Tông triều Joseon (1392 - 1910), đồng thời cũng là một trong những gisaeng nổi tiếng nhất của triều đại này. Biệt danh của bà là Chân Nương (真娘), kỹ danh là Minh Nguyệt (明月).

           Bà nổi tiếng với vẻ đẹp đặc biệt, duyên dáng, trí tuệ phi thường, cá tính độc lập và quyết đoán. Bà được xếp vào một trong “Tùng đô tam tuyệt” của Triều Tiên. Hiện nay, người ta chỉ sưu tầm được một ít các bài sijo (thời điệu) và geomungo (huyền cầm) do Hwang Jin-yi sáng tác, nhưng cũng đủ thấy được sự kết hợp tài tình giữa kỹ năng vận dụng từ ngữ và tính nhạc trong thơ của bà.

Chủ đề chính trong các bài thơ của Hwang Jin-yi là ca ngợi vẻ đẹp và cảnh sắc vùng Gaeseong, ví dụ như Manwoldae (Mãn nguyệt đài) và thác Pakyon, hoặc thổ lộ tâm trạng của bà khi tuyệt vọng vì tình, hoặc xướng họa những tác phẩm thi ca Trung Hoa. Hwang Jin-yi đã trở thành một nhân vật gần như huyền thoại, truyền cảm hứng cho nhiều tiểu thuyết, nhạc kịch, phim điện ảnh và phim truyền hình ở cả Hàn Quốc và Triều Tiên hiện nay.

Năm 2002, một nhà văn Triều Tiên tên là Hong Sok-jung đã viết một cuốn tiểu thuyết viết về cuộc đời của Hwang Jin-yi, và đã giành được một giải thưởng văn chương danh giá ở Hàn Quốc. Năm 2004, một nhà văn người Hàn Quốc tên là Jeon Gyeong-rin cũng viết một cuốn sách về Hwang Jin-yi và trở thành cuốn sách bán chạy nhất năm 2004 ở Hàn Quốc. Cuối năm 2006, kênh truyền hình KBS của Hàn Quốc đã phát sóng một bộ phim truyền hình Hwang Jin-yi (24 tập), do minh tinh Ha Ji-won thủ vai Hwang Jin-yi, trở thành bộ phim truyền hình ăn khách nhất năm của KBS.

Mùa hè năm 2007, một phim điện ảnh khác về Hwang Jin-yi do Chang Yoon-hyun đạo diễn, minh tinh Song Hye-kyo thủ vai Hwang Jin-yi được trình chiếu ở Hàn Quốc, trở thành bộ phim ăn khách nhất mùa hè năm đó, với doanh thu từ phòng vé nội địa là 8,511 triệu USD. Song Hye-kyo được đề cử giải thưởng Blue Dragon cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất nhờ vai diễn Hwang Jin-yi, còn bộ phim thì đoạt giải Grand Bell Award dành cho phục trang.
Điều thú vị là bài thơ Tương tư mộng của Hwang Jin-yi đều được dẫn lại trong cả hai bộ phim trên.

(**) “Nùng” là cách đọc khác của chữ “Nông”: nghĩa là ta hay ta đây, trong bài nay dịch là thiếp. “Hoan”: trong tình yêu nghĩa là trai, còn gọi là chàng.

 ________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét