Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

633, TRIÊNG GIÓNG CỦA MẸ


Cánh đồng Làng Kế Môn mùa mưa
Truyện ngắn

TRIÊNG GIÓNG CỦA MẸ 

          Một chiều mưa lâm thâm. Cây đèn học vốn không sáng bỗng như thêm chút tù mù. Trang sách Toán hình học mở ra uể oải, mặt giấy như sẫm  lại. Tôi nhìn hình vẽ nằm bất động trước mặt. Bất chợt, hình vẽ ấy hồ như cựa quậy, rồi liêu xiêu gượng dậy trông giống một chiếc gióng lẻ loi, mảnh mai và trống rỗng. Một chiếc gióng ai vứt lăn lóc giữa đời. Tôi mơ hồ nghe lòng gờn gợn buồn, một nỗi buồn xa xăm. Đã mấy năm xa quê. Đã mấy năm chưa gặp lại mẹ. Đã mấy năm chỉ nghe mẹ nhắn: Mạ vẫn bình thường. Cố gắng học nghe con. Phải ăn ở với anh chị cho tốt đó. Lời nhắn nào cũng chừng ấy nội dung. Cho dù, hiện thời quê tôi không còn an ninh nữa. Cho dù, mẹ một mình thui thủi ở đất làng. Tôi đâm ra buồn và nhớ. Rồi, không biết việc học bận bịu hay theo tuổi lớn của tôi mà tâm lý ấy lắng dần. Vậy mà,… Không hiểu sao chiều nay lòng tôi lại thế. Tôi bồn chồn, tay chống cằm ngẩn ngơ.

          Tối đến, anh rể tôi nghe tin tức nói:

- Ngoài quê lộn xộn lắm. Dân tản cư về làng Hải Dương cả rồi.

Tôi băn khoăn: Không biết mạ thế nào?

- Chắc cũng tản cư như dân làng mình thôi. Anh nói, rồi tiếp: Em đừng lo để anh dò hỏi xem sao.

Tôi dạ nhưng lòng bất an. Chiến tranh có gì yên lành đâu. Ngay ở thành phố này, đêm đang bị xé toang bởi những tiếng rú, tiếng nổ của đạn pháo kích vào phi trường nhưng không trúng đích. Dân lành lại bị tước đoạt sự sống một cách oan khiên. Dẫu sao thành phố vẫn an ninh. Còn nông thôn hay miền núi chiến tranh luôn gầm thét, cấu xé da thịt xóm làng ruộng nương. Bom đạn không còn là biểu tượng của cái chết mà đã là cái chết tức tưởi và phi lý đối với người dân. Bom đạn đã xua dân tứ xứ tản cư về đây ngày càng đông. Những căn nhà tạm, những lều bạt sơ sài mọc lên ở những vùng đất ngoại ô trông như những chiếc tổ tò vò bám vào mặt đất cát. Khuôn mặt thành phố trông như thiếu máu và đâm ra loang lổ, gồ ghề. Ở thành phố lớn đã vậy huống hồ vùng đất nghèo hẻo lánh như quê tôi. Tôi không rõ mẹ đã tản cư chưa? Hải Dương là làng biển. Lưng dựa vào độn cát, mặt nhìn ra phá Tam Giang, chỉ cần vài sải chân là đến cửa Thuận An. Biển và phá lấn ép khiến thân làng hẹp mỏng như sợi dây, tưởng chừng không có chỗ cho con người đặt chân. Người dân nơi đây làm nghề đánh cá. Sống tạm ở vùng đất như thế mẹ sẽ ra sao! Dẫu có cứu trợ. Tôi đâm ra bồn chồn, nghĩ về đời mẹ, nghĩ về ngày xưa.

Ngày ấy. Khi tôi chân ướt chân ráo vào Đà Nẵng, cũng vào một đêm mưa, tôi nhớ chị Mon - chị đầu - của tôi kể. Ăn Tết xong, khoảng đầu năm 1952, mẹ bồng tôi, dắt theo chị Vui, chị Uyển vào Cầu Hai ở với ba tôi. Hai chị lớn, chị Mon ở quê với ông bác ruột; chị Mừng lên Huế ở đợ với một người làng có tiệm bán buôn ở đường Chi Lăng. Ở vùng đất mới, người chưa bén duyên với đất, đất chưa thấm hơi người thì ba tôi mất. Tang ma ba tôi xong, mẹ chùng chình nửa muốn về làng nửa ở lại. Ở lại thì mẹ góa con côi giữa xứ người biết sẽ ra sao! Về làng, mộ ba tôi ai hương khói. Về làng thì nhà đâu, ruộng đâu, trong khi tôi chỉ mới nửa tuổi, chị Uyển thì hay ốm đau, chị Vui thì chưa kịp lớn và làm gì cũng lóng ngóng. Bao đêm suy nghĩ, mẹ tôi quyết định ở lại. Mẹ đến các nhà trong làng hỏi mua từng trái cây chín đem ra chợ Cầu Hai bán kiếm chút lời. Ban đầu lỏng chỏng vài trái trong rổ, sau lưng thúng. Ban đầu mẹ mua chịu rồi mua trả một nửa, sau cùng không mua chịu nữa. Mẹ rất cố gắng giữ chữ tín trong việc bán buôn. Bà con xã Cao Đôi vừa tin vừa thông cảm cho mẹ nên ai cũng hoan hỉ. Bây giờ, mẹ không chỉ mua trái chín của các nhà trong làng mà còn theo xe đò lên Huế mua hàng về bán. Mỗi bận mẹ đi và về là cả một đôi triêng gióng với hai thúng đầy.

Từ đó, đôi triêng gióng của mẹ vẫn cần mẫn đi về giữa nhà và chợ Cầu Hai, giữa chợ Cầu Hai và chợ Đông Ba. Có lưng lưng vốn, mẹ bán thêm các mặt hàng khác. Nói đến đây, hình như chị Mon ngừng kể và hình như lơ đãng nhìn vào khoảng tối của hiên nhà. Thái độ của chị, tôi không còn nhớ chính xác nữa, nhưng câu chuyện vẫn như in. Có lẽ thế thật. Tôi nghe như chị bảo, mẹ còn mua bắp tươi, bày cho chị Uyển và chị Vui cách nấu, cách nướng, rồi bưng lên ga bán cho khách vãng lai mỗi khi tàu về. Tiền vốn thì đưa mẹ mua thêm hàng, còn tiền lời hai chị giữ làm vốn liếng để sau này lấy chồng. Gia đình tôi gắn bó mãi với căn nhà nhỏ bên đường tàu lửa gần ga, mặc những chuyến tàu đến và đi. Cuộc sống cứ chạy về phía trước như nó vẫn thế.  

Nghe chị kể vậy tôi biết vậy. Bởi cái ngày ấy tôi chỉ là thằng nhỏ lóc chóc. Suốt ngày, loanh quanh khắp làng cùng lũ bạn trong xóm. Suốt ngày mình trần người đen nhẻm. Tối về bị mẹ lôi ra giếng tắm, bị véo tai và được nghe giọng nói rất khẽ: Cái thằng… như mọi con.  Nghĩ về mình ngày ấy, tôi cười thầm. Dòng nhớ tưởng bị chặn ngang, tan nhanh như sương khói. Ngoài kia, trời tối đen. Đêm chỉ còn rả rích những hạt mưa khuya. 

                                                *

                                             *    * 

Tôi chuẩn bị bước vào năm học mới, năm học cuối trung học đệ nhất cấp. Không còn lo về kỳ thi tốt nghiệp vì Bộ Giáo dục đã bỏ mấy năm rồi. Nhưng trong tôi nỗi lo vẫn chưa vơi. Mẹ gởi tiền cho các khoản chi phí của tôi không nhiều, chỉ bảo đảm những chi tiêu cơ bản nhất. Cho nên, đầu năm học mới cũng phải chi li một chút. Đồng phục đến trường. Áo sơ mi trắng thì phải may rồi. Còn quần tây xanh. Lên chợ Cồn mua quần ka ki vàng cũ của lính, đến Đặng Ngọc Anh ở đường Hoàng Diệu nhuộm, thế là êm. Sách giáo khoa, cứ bổn cũ soạn lại. Chỉ mua sách cũ những môn cơ bản. Những môn khác lên nhà sách đọc cọp. Tôi không đủ lanh lợi để nghĩ được như thế. Tôi chỉ là một thằng nhà quê nghèo lên tỉnh. Quýnh quáng như mán ngồi xe. Kế sách này là của thằng bạn chung lớp, “cùng một lứa bên trời lận đận” như tôi, nhưng thâm niên về chuyện quần nhuộm sách cọp. Kế sách này được tôi áp dụng cho các năm trung học đệ nhị cấp, thậm chí lên đại học nữa. Chỉ khác một điều, từ khi lên đệ nhị cấp tôi mua sách với nhiều thể loại hơn, bởi tôi lặm một cách ngọt ngào câu nói gọn lỏn của một người thầy của tôi: “Tài sản của người có học là sách”. Vì vậy, bộ sưu tập áo quần của tôi cũng chỉ nhỉnh hơn một chút nhờ có thêm những chiếc áo ka ki vàng dẫu có học bổng vì học Sư phạm.

Đã gần một tháng. Mẹ vẫn ở vùng tản cư như anh rể tôi nói. Đôi triêng gióng vẫn giúp mẹ gánh hàng họ bán buôn giữa xứ người. Nhưng xem ra, ngày trở lại làng quê còn xa. Chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn. Cuộc sống cứ dập dềnh như những con sóng nổi chìm ở cửa Thuận An. Con sóng tan chìm vào mặt biển chỉ còn những bọt nước lang thang. Tôi càng không yên. Đôi mắt vốn buồn của tôi, đôi mắt của đứa trẻ mồ côi cha khi vừa nửa tuổi, đôi mắt từng bị bạn bè chê: “Con trai gì mà mắt không vui” như pha thêm màu xa xăm. Nhưng đôi mắt ấy hôm nay tươi lên, khi chị tôi về. Vẫn nách rỗ bánh bèo bánh ướt, khuôn mặt có vẻ mệt nhọc, nhưng ánh mắt rạng rỡ:

          - Mạ vô rồi, em…

          - Khi mô? Ở mô? Tôi nháo nhào hỏi.

          - Hồi chập choạng. Đang ở với mấy người làng tản cư. Nghe một người ở Mả Tây nói rứa.

          Tôi đứng phắt dậy hối thúc chị lên gặp mẹ. Chị bảo lo cơm nước cho cả nhà rồi cùng đi. Tôi dạ ỉu xìu, đứng ngồi không yên. Biết làm sao bây giờ.

          Thế rồi tôi và chị cũng gặp mẹ. Hóa ra mẹ không vào một mình. Mẹ vào cùng gia đình chị Uyển - chị thứ hai-của tôi. Cả gia đình tôi mừng tủi trong niềm vui đoàn tụ. Chị đầu của tôi ôm chầm lấy mẹ, ôm lấy chị Uyển, không nói gì chỉ cười thôi. Còn tôi cứ lóng ngóng nhìn mẹ như chưa bao giờ được nhìn. Và tôi lặng lẽ quan sát đôi triêng gióng mà mẹ gánh vào, một đầu là cái rương gỗ cũ của ba, một đầu là cái bao bố hơi phồng lên không biết đựng những gì! Gần mười một giờ đêm. Chị và tôi xin phép mẹ ra về. Trước khi đứng lên, chị Mon cố nài nỉ mẹ về ở với chị và tôi. Mẹ tôi bảo: Để mạ ở đây với em con. Nhà con đông người rồi. Con còn phải lo chồng con, lo cái nách bánh bèo, bánh ướt nuôi sống gia đình nữa. Đêm đổ bánh, rồi nhưn nhị rồi nước mắm,… ngày nách bánh rảo bước từ đường này đến hẻm nọ đã thừa cực nhọc rồi. Mạ không giúp con được thì thôi, đằng này… Mẹ tôi ngừng một lát, nhìn chị tôi bằng ánh mắt dịu dàng, rồi tiếp: Với lại, nhà này mạ hùn với O Thơm đã nhắn tin nhờ cậu Sung thuê, đặt cọc trước rồi. Yên chuyện ăn ở, mai mốt mạ xuống ở chơi với con vài ngày là được.

Tôi và chị ra về. Vài ngày sau mẹ tôi xuống thăm. Mẹ chỉ ở ba ngày nhưng với tôi là một niềm vui lớn. Bởi mẹ con tôi hiếm dịp bên nhau lâu. Khi ở Cầu Hai hay khi về quê cũng vậy. Tinh mơ mẹ đã triêng gióng gánh hàng đến chợ, khi nhà nhà đỏ đèn mẹ mới triêng gióng trở về. Rồi chuyện cơm nước, chuyện lặt vặt trong nhà, chuyện tính toán hàng họ, nợ nần,… thì đêm đã khuya. Rồi tôi, đậu vào đệ thất trường quận. Trường cách nhà hơn bảy cây số. Tinh mơ ra khỏi nhà tối mịt mới về. Ngày thàng qua, mọi việc cứ lặp lại như thế. Cho đến khi, theo lời mẹ, tôi một mình lên xe đò Phi Long vào Đà Nẵng.

Những ngày ở nhà chị, tối đến, mẹ thường bắc ghế ngồi ờ hàng hiên. Nhưng lúc như thế, tôi tranh thủ lấy ghế ngồi bên mẹ. Tôi mong giây phút này từ lâu rồi. Tôi muốn được nghe giọng nói của mẹ, dù đó có là: Cái thằng… như mọi con. Tôi hồi hộp chờ đợi. Mẹ bỗng nói như bâng quơ: Ngồi đây mà nhớ con vàng quá! Tôi hấp tấp: Con vàng còn sống hả mạ. Mẹ tôi ừ, nó còn sống. Khi ở làng hay khi ở vùng tản cư, nó không rời mạ. Con đi rồi, mạ có nó cũng đỡ cô quạnh. Không biết giờ này nó ra sao? Ngày mạ lên tàu thủy vào đây. Người ta không cho đem động vật theo. Mạ chẳng biết làm sao. Mạ lên tàu, nó cứ chạy lòng vòng sủa inh ỏi. Đến chừng tàu rời bến, nó ngồi xuống dõi theo. Mạ không biết nó có chảy nước mắt không, riêng mạ khóe mắt ươn ướt. Nghe mẹ kể, tôi cảm giác buồn lây. Hơn nửa tháng, trước ngày tôi bỏ làng mà đi, mẹ qua nhà cậu xin nó. Mẹ bắt tôi phải bồng về. Tôi phải chăm bẳm nó đến khi nào đi thì thôi. Ngày đi tôi quyến nó lắm. Nó cũng quyến tôi. Cái buồn chia ly của tuổi nhỏ, của tôi và nó, rồi cũng phôi pha. Nhưng với mẹ, với nó, chắc hẳn là dai dẳng. Tôi nghe lòng man mác. Không biết con vàng giờ ra sao? Tôi nhìn mẹ. Bóng tối không nói với tôi điều gì cả. Tôi cầm tay mẹ, xin mẹ kể thêm, kể nhiều chuyện khác khi tôi xa nhà, xa mẹ. Mẹ bảo thôi, chuyện cũ rồi. Rồi mẹ lấy tay kia vỗ vỗ nhẹ vào tay tôi, ân cần:

- Con lo học đi. Đừng buồn vì đã vào đây mà mạ con không được ở cùng. Con cứ ở đây giúp các cháu học. Còn mạ. Mạ đã nhắm chỗ buôn bán tại chợ Cây Me gần nhà rồi. Ở chợ ấy, chưa thấy ai bán cau trầu, mạ định sẽ bán mặt hàng này. Mạ sẽ thu xếp mọi việc, chắc cũng êm xuôi thôi.

- Dạ. Tôi chỉ biết cúi đầu. Mẹ tôi thường không nói nhiều. Việc gì cũng minh bạch, sắp đặt lớp lang nên tôi rất tin tưởng.

- Ngẩng đầu lên con. Khi nào rảnh, chạy lên mạ chớ buồn chi. Mẹ lại vỗ vỗ vào tay tôi và nói.

Tôi dạ và ngẩng đầu lên. Tuổi nhỏ đã xa nhà, tôi cũng làm quen với biết bao điều. Chỉ thương mẹ, một đời dịch chuyển và dở dang. Mẹ đã hai lần dở dang trong hạnh phúc lứa đôi và dở dang nhiều trong việc kiếm sống. Sự khó nhọc hình như chưa chịu buông tha cho mẹ. Trong tôi như có tiếng nói rất khẽ nhưng thấm thía: Mẹ vào đây đâu chỉ vì mẹ mà quan trọng là vì tôi và cho tôi. Mẹ lo cho việc học hành của tôi như mẹ từng rạch ròi ngày nào: Không bám ruộng nương được. Ở cái xứ đất cát này, vun lên trầm xuống, nắm lấy cứ rời ra thì khó khăn lắm. Phải học chữ thôi con. Khổ mấy mạ cũng cho con học. Tôi nhìn mẹ rồi nhìn vuông cửa sổ nhà đối diện đang sáng đèn. Có bóng ai đó học bài đang in mờ trên vách.

Mẹ đã chính thức bán cau trầu ở chợ Cây Me. Đôi triêng gióng lại đi về với mẹ. Cũng như xưa, mẹ con ít gặp nhau. Chỉ khi nào cần chút tiền mua vài thứ cần thiết, tôi khi lên nhà, khi vào chợ cười cầu tài rồi xin mẹ. Những lúc như vậy, mẹ bảo: Ừ, cần thì mạ cho, đừng vay mượn con nghe. Bất cứ thứ nợ gì cũng khó trả. Đã nợ thì vẫn là nợ dẫu có trả xong. Lời dặn của mẹ tôi thuộc nằm lòng.

Đã gần hết học kỳ một, Mẹ bỗng nhắn tôi lên gặp mẹ gấp. Tôi hồi hộp chẳng biết chuyện gì. Hóa ra, bác tôi đã mất ở quê. Mẹ bảo: Bây giờ không ai có thể về quê được. Chị Lai con của bác cũng không thể về chịu tang. Bà con còn ở làng đã an táng cho bác con rồi. Con là con trai, đại diện mạ và các chị, cầm tiền này, mai ra Huế, đến nhà chị Lai. Tối, con thiết bàn lễ, hương đèn trầm trà giữa trời, hướng về quê mà bịt tang cho bác. Rồi vào lo thi học kỳ.

Tôi ra Huế. Chị Lai bồng cháu nhỏ đón tôi bằng những hàng nước mắt ngắn dài. Nhà chỉ có mẹ con chị bởi anh đóng quân ở nơi xa. Tôi chưa kịp thưa chuyện, chị đã một thôi một hồi than kể. Chị là con gái rượu, cha mất mà không nhìn được mặt, không thể lo tang ma làm sao không đau đớn. Tôi ngân ngấn nước mắt, thương chị nhưng không biết cách nào sớt chia nỗi đau. Tôi chỉ lặng lẽ cầm tay chị như san truyền hơi ấm tình thâm. Tối đến tôi làm như lời mẹ dặn. Sáng hôm sau, từ giã mẹ con chị Lai tôi trở lại Đà Nẵng. Ngồi trên xe đò, tôi lơ mơ như người thiếu ngủ. Trong tôi hình ảnh bác tôi, căn nhà của tôi ở làng cứ như hai mặt của tờ giấy, hết lật mặt này lại mặt kia. Trên mỗi trang ghi chi chít bao nhiêu là kỷ niệm. Kỷ niệm về bác tôi, người thay ba tôi bảo bọc, che chở và dạy dỗ tôi nhưng năm tháng ở làng. Kỷ niệm về căn nhà của tôi. Căn nhà đã lưu giữ hình bóng mẹ con tôi, hình bóng những đứa bạn cùng trang lứa với bao trò chơi nghịch ngợm một thời nhỏ dại của tôi. Căn nhà đó không đơn giản chỉ là một chỗ che mưa nắng cho tôi những năm tuổi nhỏ mà còn là tấm lòng, là mồ hôi, là tâm trí của mẹ tôi. Từ gỗ mua ở Cầu Hai chở về, đến đất vườn và các vật liệu khác đều được mua bằng những đồng tiền kiếm được từ đôi triêng gióng của mẹ. Đó là đôi triêng gióng của chợ Cầu Hai, đôi triêng gióng của chợ Điền Môn - quê tôi. Căn nhà đó bây giờ quàng xác bác tôi. Mái nhà hạnh phúc đã thành nhà tang lễ. Chiếc xe, đột ngột dừng lại. Người trên xe nhốn nháo. Hỏi ra phía trước lính đang rà mìn. Ngày hôm qua, chính tại đoạn đường này, một quả mìn đã nổ hất tung một chiếc xe đò đông khách đi Huế. Có ai đó càu nhàu: Mẹ họ mìn với bẫy. Tưởng làm cho dân lành hóa ra khiến cho dân rách. Bất giác tôi cười thầm. Ừ, hay. Mẹ họ chiến tranh. Chiến tranh được nuôi sống bằng nhiều khái niệm, bằng nhiều chức năng. Nhưng dẫu khoác kiểu áo gì, màu áo nào, chiến tranh vẫn là chiếc áo của thần chết. Riêng tôi, chiến tranh đồng nghĩa với sự đánh cắp sự sống, tà ác hơn nó còn phong phú hóa, đa dạng hóa cái chết nữa. Mẹ họ chiến tranh.                                          

                                                 *

                                              *    * 

     Sau khi đỗ Tú tài toàn phần, tôi đỗ vào Đại học Sư phạm Huế. Ngày tôi ra trường cũng là ngày miền Nam nối liền với miền Bắc. Xã hội đã thay đổi. Ước mơ chọn nhiệm sở của tôi không bao giờ thực hiện được. Qua nhiều tháng đợi chờ, lo không biết người ta có bổ dụng không? Cuối cùng, tôi nhận quyết định lên dạy ở Đắc Lắc. Tôi tha thiết mong mẹ lên ở cùng. Bao lần năn nỉ là bấy nhiêu lần mẹ bảo chẳng đi đâu hết, mẹ ở đây để khi nằm xuống về quê cho gần. Cũng thời điểm này, mẹ không còn triêng gióng cau trầu ra ngồi chợ nữa. Chợ búa thời bao cấp bán buôn khó khăn lắm. Mẹ tôi nại cớ lớn tuổi, xin phường phố dọn một tủ nhỏ ở nhà để bán các món lặt vặt cho hàng xóm.

 Hơn tám năm ở miền núi, tôi cũng đã tìm được cách về Đà Nẵng. Tôi báo với mẹ ngày về. Mẹ đón vợ chồng tôi bằng căn nhà gạch mới xây thay cho căn nhà gỗ ọp ẹp và trống hoác. Chả là, chủ nhà cho thuê bắn tin bán căn nhà mẹ đang ở. Mẹ chạy vạy mua cho bằng được và nhờ cậu tôi xây mới. Khi tôi về, mẹ bảo: Vợ con sắp sinh, cũng phải có cái nhà coi được cho mẹ con nó ở. Vả lại, vợ chồng con đều dạy học cả. Ai lại ở căn nhà cũ nát. Đồng nghiệp, học trò đến chơi họ cười cho. Có nhà rồi, mạ con đầm ấm bên nhau, khỏi con một nơi mạ một nẻo nữa. Tôi chị biết dạ và thầm cảm phục mẹ hơn. Mẹ khi nào cũng chu đáo trong mọi việc. Ở tuổi ba mươi - cái tuôi “tam thập nhi lập” mà tôi chưa thoát khỏi chiếc bóng của mẹ. Càng thương quý mẹ tôi càng xót xa cho mình. Tôi vô tích sự hay lịch sử xã hội đã biến tôi thành con rối múa may trên sân khấu nhà trường để chỉ nhận một tiền công ốm đói. Càng tra vấn nội tâm, tôi càng thấy mình thảm hại. Tôi chỉ là kẻ đi hàng hai trong trang lịch sử tân thời.

Năm 1995, mẹ qua đời ở tuổi tám lăm. Tôi đưa mẹ về nằm cạnh ba tôi ở rú quê như sở nguyện lúc còn sống của mẹ. An táng mẹ xong, tôi ở lại trú nhờ nhà người chị họ để lo hương khói và đợi mở cửa mả. Nhất là đợi lúc hoàng hôn phủ bóng xuống rú độn, tôi lên mộ ba mẹ đốt lửa sưởi ấm như tục lệ xưa. Ngày mở cửa mả, vợ tôi về. Sau khi lễ tất, lúc chỉ còn hai vợ chồng, cô bảo có chuyện quan trọng muốn nói với tôi. Cô kề tai tôi nói lí nhí như người có lỗi:

- Đốt đồ dùng cũ của mẹ mà quên đốt đôi triêng gióng.

Tôi ngạc nhiên:

- Đôi triêng gióng nào? Hình như mẹ bỏ đi lâu rồi mà.

- Mẹ có bỏ đâu. Anh đàn ông có ngó ngàng chi chuyện vặt trong nhà. Nó vẫn nằm trên giàn cất giữ đồ cũ đó. Mẹ bảo không còn bán buôn ở chợ nữa thì cất lại lỡ khi cần. Mẹ chỉ giữ lại đôi triêng gióng như những người nhà quê vốn thích giữ đồ dùng cũ vậy thôi. Bây giờ không cần nữa, con đem bỏ đi. Mẹ dặn nhưng lu bu công việc, em quên khuấy mất.

          Tôi nhìn mặt hồ nhỏ bên xóm, có tiếng móng nước của cá dưới lùm nè, rồi nhìn vợ chậm rãi:

          - Em có đem về đó không? 

- Có. Vào nhà thấy nó nằm chỏng chơ trên giàn mới nhớ. Em có đem về đây.

Chạy vội ra một góc vườn, vợ tôi lấy đôi triêng gióng giấu ở bụi tre cán dáo. Tôi hết nhìn đòn gánh tre có dấu hiệu mọt ăn, rồi nhìn đôi gióng mây mòn vẹt, không còn dẽo nữa mà có vẻ hơi dòn và dễ gãy. Tự dưng tôi cảm giác có cái gì đó níu lòng phân vân. Tôi quay sang nói với vợ:

- Để lại chỗ cũ đi. Sớm ngày mai, lên thắp hương chào mẹ để vào nhà, vợ chồng mình xin lỗi mẹ rồi đốt luôn thể.

Còn tinh mơ, vợ chồng tôi đã lên rú nơi ba mẹ yên nghỉ. Con đường cát trắng sáng nhờ nhờ. Cát dưới chân không lạo xạo mà như mềm mượt hẳn đi vì đẫm sương đêm. Như những lần lên rú độn khác, tôi thường đi dép nhựa cho cát tha hồ bám chân để mơ hồ cảm nghe hơi đất quê thấm dần lên và lan tỏa khắp người. Lần này, cảm giác ấy như rõ ràng hơn, thậm chí hai bàn chân  ươn ướt và có vẻ nằng nặng. Có gì đó như là luyến níu.

Đến mộ ba mẹ, tôi đặt đôi triêng gióng xuống bên mộ, vừa thắp hương vừa nói với vợ: Có lẽ… không nên đốt đôi triêng gióng, cứ để bên mộ mẹ cũng được. Cô ấy bảo: Vậy thì van vái cho mẹ biết. Tôi ừ, rồi cầm ba cây hương đứng trước mộ cúi đầu:

- Mẹ ơi! Mẹ tha lỗi cho con. Con không thể đốt đôi triêng gióng. Con không thể đốt kỷ niệm về mẹ, kỷ niệm của chính con. Cứ để triêng gióng ở đây, cứ để cho thời gian làm cái việc mà nó phải làm. Với lại, con không thể đốt triêng gióng của mẹ bởi nếu có tái sinh, con không muốn mẹ lại thêm một đời khó nhọc. Mẹ cứ an lòng thong dong nơi cõi ngàn năm mây trắng bay. Mẹ ơi!...

Tôi cắm ba cây hương vào bát hương. Mắt tôi như nhòe đi. Ngước nhìn những cây trâm bầu xanh ngắt quanh mộ, ánh mắt tôi chạm vào những hạt sương đang đọng lên mặt lá. Không gian như nhấp nhánh ảo huyền. Chỉ có điều, bây giờ những hạt sương ấy không còn sắc bạc lành lạnh nữa mà pha thêm màu vàng sáng ấm của mặt trời đang nhô lên lưng chừng ngọn cây.

Lẩn quất đâu đây, hoa chìu thoảng thoảng đưa hương, một mùi thơm dịu dàng trong gió sớm. 

Dương Uyển Châu 

Đà Nẵng, Mùa Vu Lan,

                06-09-2020        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét