Gấp tập thơ lại, nhẹ nhàng đặt xuống bàn viết và ngồi yên. Tôi cần khoảng lặng của tâm trí, độ lắng của cảm xúc và độ lùi của thưởng thức thi ca. Thói quen đọc thơ của tôi là vậy. Nhưng không. Những cái tôi cần ấy chỉ là ý muốn, còn thực tại, hơn bảy mươi bài trong tập thơ của Trần Huyền Thoại như cứ chen lấn để được hiện hình rõ nét hơn trong cảm thức của tôi. Hơn bảy mươi bài thơ ấy hình như nhất loạt đẩy về phía tôi những áng mây màu trăng phai để tôi cùng ai kia “rót mây về cuối phố” mà chiêm nghiệm tâm tình của “một mảnh đời, chao nghiêng”, tâm tình của hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ.
Sáng tạo nghệ thuật là cô đơn sáng tạo. Người nghệ sĩ luôn sống và viết trong cõi miền cô đơn của chính họ. Đó là niềm cô đơn hạnh phúc. Nhưng người cầm bút có một nỗi cô đơn khác, cô đơn khổ đau, nỗi cô đơn giữa đời thường làm tác nhân, làm chất liệu sáng tạo nghệ thuật. Bước đời và bước thơ của Trần Huyền Thoại cũng không chệch ra ngoài cõi miền đó. Khác chăng, cô đơn của Thoại là cô đơn của một “mảnh đời chao nghiêng”. Sống mà cứ nép mình, co mình im lặng trước những va đập của sóng đời. Sống mà cứ như cánh diều phận mỏng tưởng thỏa thuê giữa trời xanh, hóa ra cố lượn chao mong thoát ra khỏi nỗi cô đơn trước vũ trụ bao la, trước cuộc đời vô thường nhưng chẳng được bao giờ. Sự sống như chiếc lá cứ nghiêng chao chầm chậm rơi xuống tận cùng hố thẳm của định mệnh. Cô đơn bởi quá đa tình hóa thành đa đoan, lắm khi lâm nạn trong bể tình như thể Tô Đông Pha: Đa tình khước bị vô tình não. Có lẽ thế chăng? Nếu không tại sao thơ lại trùng trùng hình ảnh cô đơn có khi được diễn tả trưc tiếp có khi biểu hiện qua nghệ thuật tương phản ngầm, có khi là những ẩn dụ,… gợi nhiều liên tưởng.
Con người cô đơn trong thơ khởi sự hình thành từ hình ảnh thân lưu lạc ở những năm bảy mươi của thế kỉ hai mươi: đã tròn dâu bể, thân lưu lạc/ khản giọng gọi nhau, sâu mắt đêm (Ngồi quán cà phê lưu luyến) và đến sau này: thân ta - viễn xứ - thân mây nổi/ đêm cố quận buồn - đêm vẫn trôi (Kim bằng khúc). “Thân lưu lạc”, “thân mây nổi” là buồn, nhưng càng buồn hơn khi sống mà không còn quá khứ để nhớ về, không có tương lai để gửi gắm niềm tin và ước mơ. Sống mà như những oan hồn,/ không màng quá khứ/ chẳng tiếc tương lai lạng quạng xoay tròn khổ nạn/ lạng quạng xoay quanh hoài chiếc bóng cô đơn (Chén tri âm mời rượu). Cô đơn không còn là một tâm trạng mà là một thực thể, một cá thể ám người như mệnh số, thậm chí biến con người thành những oan hồn, những tâm hồn bị đọa đày trong oan khiên bởi người - đời cuồng nộ. Mình tôi ngồi với đơn côi - cũng buồn…(Sao người bỏ lại mình ta). Đấy là một cái nhìn khổ đau không từ phía con người mà từ phía cô đơn. Vì vậy, trong thơ Trần Huyền Thoại thường gặp những từ “oan hồn” (những oan hồn/ mạt vận, lưu thân - Chén tri âm mời rượu), “oan cừu” (ta cúi xuống/ bước đi đời khổ lụy/ trên đôi vai gồng gánh những oan cừu - Vài tâm sự cũ), “oan nghiệt” (rừng lớp lớp, lấp đầy thân oan nghiệt/ lặng lẽ - theo mùa - chia ánh trăng tan - Vài tâm sự cũ),…
Con người bị nhấn sâu hơn vào kiếp lạnh cô đơn khi những người thân yêu lần lượt về miền cát bụi, bỏ lại sau lưng một người cô lẻ. Những người thân yêu ấy là Mẹ, là người thề hẹn trăm năm đầu ấp tay gối. Làm sao tránh khỏi đớn đau:
khi không còn có Mẹ,
chỉ còn buồn mênh mông
màu xanh lá rũ phai màu thắm
và, đất trời kia bỗng lạc loài…
chỉ còn buồn mênh mông
màu xanh lá rũ phai màu thắm
và, đất trời kia bỗng lạc loài…
(Mẹ ơi)
Không còn mẹ, con người nhìn đâu cũng toàn một màu buồn cô quạnh. Nhìn lá, lá đã rũ nhàu và màu đã phai. Nhìn đất trời, đất trời tưởng mãi mãi vô biên và tuyệt đối, bỗng rơi vào tâm thế lạc loài thê thiết. Không còn mẹ rồi không còn người chung đời chung mộng. Cô đơn ngập tràn. Người đi về phía vĩnh hằng đơn côi, người ở lại cõi tạm cũng đơn chiếc sống, sống để một mình cảm nghiệm nỗi một mình trong cõi nhân gian:
cũng vẫn một mình
chẳng thể nguôi ngoai
anh lặng lẽ, đếm tháng ngày còn lại
với trái tim đau, chậm lại
vầng trăng ốm o, gầy guộc
cắt vào đêm, vết đau ứa máu
cắt ngang định mệnh buồn tênh
chẳng thể nguôi ngoai
anh lặng lẽ, đếm tháng ngày còn lại
với trái tim đau, chậm lại
vầng trăng ốm o, gầy guộc
cắt vào đêm, vết đau ứa máu
cắt ngang định mệnh buồn tênh
(Vẫn một mình)
Còn gì đau hơn! Còn gì buồn hơn! Buồn nên cảm thức vầng trăng cũng khác. Trăng không còn là cái đẹp mà đã hao gầy. Trăng không còn là trăng thề vun vén tình yêu và hạnh phúc mà hóa thành kẻ vô tình tàn nhẫn cắt lòng đêm ứa máu, cứa tim người vết đau.
tháng chạp xa người, tháng giêng quạnh quẽ
chút hương thừa - trong nỗi buồn khô
mùa én nhạn, đã mịt mùng - đơn lẻ
chân xuống đời - lạc bước giữa hư vô…
chút hương thừa - trong nỗi buồn khô
mùa én nhạn, đã mịt mùng - đơn lẻ
chân xuống đời - lạc bước giữa hư vô…
(Bây giờ)
Từ đó, người một mình ấy cứ lặng lẽ sống vẫn không nói được - điều không thể/ vẫn lủi thủi đi, lủi thủi về… (Kim bằng khúc) bởi đời chỉ còn thưa thớt tri âm:
biết ai thiên hạ - mà tri kỷ
mà gửi lòng nhau - chút mộng này?
mà gửi lòng nhau - chút mộng này?
(Bến chợ, tiễn người)
Thơ là đem tâm trạng mà gửi vào hình ảnh, đem nhịp điệu tâm hồn mà phổ vào khúc điệu ngữ ngôn. Hiểu như thế mới thấy, con người cô đơn nên vạn vật cũng cô đơn, điệu hồn buồn nên nhịp thơ cũng rời rời đôi khi gãy đứt. Về phương diện hình ảnh, cô đơn đã núp náu trong cánh chim thơ. Cánh chim như mang nỗi buồn cô đơn rãi khắp không gian: từ ta - lạc chợ vong thân/ bao mùa đi - với phong trần bủa vây/ nẻo về, ngõ gió heo may/ bơ vơ - mỏi cánh chim trời bơ vơ (Đợi mùa thu cũ). Bên cạnh chim buồn bơ vơ còn có những cánh chim: có chim cánh vẫy, biệt ngàn (Trầm tích), có cánh chim bỏ đường mây (Sao người bỏ lại mình ta), có cánh thiên di, lạc cuối trời (Rượu giang hồ), hay con chim chết giữa ưu phiền nhân gian (Cõi tịnh)… Nhưng có lẽ xúc động nhất vẫn là hình ảnh chim không cất tiếng ca lãnh lót dâng đời bởi mãi âm thầm nuôi giữ tấc lòng cố hương:
Tiếng chim không hót trong vườn cũ
Rũ cánh, mù sương - vọng cố hương
Rũ cánh, mù sương - vọng cố hương
(Vài tâm sự cũ)
Con người cô đơn nên không gian thiếu vắng sự sống và tình người. Nhiều bài thơ cứ đi về những hình ảnh “hoang vu”, “đời bỏ hoang”, “hoang sơ”, “bên truông”, “bờ trăng cát lạnh”,… khiến người đọc cũng cảm lây “lạnh trăm kiếp lạnh” của tác giả. Ngay cả những dòng sông trong con mắt thơ ấy hình như cũng lặng chìm trong nỗi buồn cô liêu. Trong “Nguyệt Kiều”, ta gặp: một đời sông - vẫn - chảy đời cô liêu… Với “Rồi cũng chia xa” lại là hình ảnh dòng sông chảy giữa đôi bờ lãng quên. Hoài niệm “Quê bạn”, đáng ra thơ phải ấm nồng, cảnh và người phải quyện hòa vào nhau. Thế mà sông nước lại rã rời, không gian dòng sông cũng gợi màu cô lẻ. Sông Thu Bồn đầy thiên lệch, ôm bãi cát bồi, bỏ mặc nước chia hai lối, bỏ mặc bờ Giao Thủy lặng buồn trong nỗi cô đơn:
Có ai về thăm Gò Nổi,
Sông Thu ôm bãi cát bồi,
Nước theo nguồn chia hai lối,
Bỏ bờ Giao Thủy đơn côi.
Sông Thu ôm bãi cát bồi,
Nước theo nguồn chia hai lối,
Bỏ bờ Giao Thủy đơn côi.
Hình tượng con người cô đơn chạy dọc các bài thơ và xuyên suốt tập thơ. Hình tượng ấy phong phú và đa dạng khó có thể nói hết, chỉ có thể điểm xuyến vờn vẽ vài nét tản mạn thế thôi. Bởi tôi chỉ từ một góc nhìn hạn hẹp mà nhấn nhá vài cung thơ phác thảo chân dung tinh thần của hình tượng trữ tình. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tôi, tôi với tấc lòng đồng điệu, cùng Trần Huyền Thoại: rót mây về cuối phố/ một mảnh đời, chao nghiêng (Rượu phai theo màu trăng cố xứ).
Đà Nẵng, 4-3-2016
Hoàng Dục
biết ai thiên hạ - mà tri kỷ
Trả lờiXóamà gửi lòng nhau - chút mộng này?
Đó cũng là nỗi lòng của những người cầm bút. Xin cảm ơn bài bình thơ của Người Kế Môn đã giới thiệu một nhà thơ với nhưng x bài thơ đẹp lung linh như là "những áng mây màu trăng phai "
Cám ơn Hai Lúa nhiều. Chúc khỏe và viết nhiều.
XóaNhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa"rót mây về cuối phố/ một mảnh đời, chao nghiêng" một hình ảnh đẹp đến xao lòng , mà nỗi buồn cùng thật chênh chao . Đôi khi sự cô đơn không phải là kết thúc, đôi khi sự cô đơn là những bắt đầu , như cánh chim vẫn chao nghiêng đợi chờ sa mạc cát, bật nở nụ vàng trên gai góc đang khô :)
Trả lờiXóaCháu xin ảm ơn tác giả cho bài viết thật nhiều xúc cảm ạ.
Cám ơn cháu rất nhiều. Chúc vui khoẻ.
Xóa