Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

596. TÔNG MÀU MỘT TÌNH YÊU



                                                                   Tản văn

 

1. Khi tôi còn gần gũi với phấn trắng bảng đen, một người bạn ở xa về, đến trường thăm tôi. Ngồi ở căn-tin, chúng tôi tâm tình đủ chuyện. Bạn hỏi tôi nhiều điều. Và tôi nhớ không nhầm, bạn ấy cũng đã hỏi một câu trái khoáy: Ông có yêu ngôi trường này không? Ngôi trường chuyên của ông ấy. Tôi lướt ánh mắt vòng cung theo đường nét của những dãy phòng học, rồi nhìn bạn nhẹ nhàng: Có, rất nhiều. Chừng như chưa thỏa mãn, bạn lại nhấn thêm: Tất cả hay chỉ một vài nguyên nhân? Tôi bảo: Ông đúng là dân kĩ thuật, cái gì cũng đào bới tận gốc. Có cần thiết phải thế không ở lĩnh vực tình cảm? Ông không nghe nhà thơ xứ Huế, Nguyễn Đình Thư cự nự à: Tôi yêu là bởi tôi yêu/ Cầm tay cô hỏi ít nhiều làm chi. Mà thôi. Ông hỏi thì mình cũng chẳng giấu giếm làm gì, nhưng đừng chê dài dòng nghe. Mình yêu… tất cả trong một. Mình yêu mái trường này vì con người, những thế hệ học sinh của mình.

       Ngày xưa, mình chọn nghề dạy học vì kính yêu phẩm cách của một người thầy. Ngày nay, mình yêu nghề, càng gắn bó với khung cửa lớp hơn bởi những thế hệ học sinh, những con người trẻ tuổi phong phú, sống động và đầy dự phóng. Mình từng trải qua nhiều ngồi trường, ở Đaklak rồi ở Quảng Nam-Đà Nẵng, tất cả đều là tình yêu và nỗi nhớ của mình. Cái gốc sâu bền của tình cảm đó vẫn là học trò. Học trò trong quá khứ hay học trò thực tại luôn có một chỗ đứng xứng đáng ngang nhau trong tình cảm của mình. Các em ở THPT Krông Buk, Ama Trang Lơng hay Ông Ích Khiêm, Hoàng Hoa Thám, Chuyên Lê Quý Đôn, tất cả không vênh lệch, tất cả vững bền trên mặt phẳng tình yêu của mình. Dù cách ngăn không-thời gian, tất cả đều hồi tụ rõ ràng trong một tấm hình tâm tư với nhiệt độ màu ấm của mình. Vì những học trò ấy nên mình đã yêu những ngôi trường từng sống gắn bó cũng như yêu trường chuyên bây giờ.

      Bạn cười nhẹ và chậm rãi nhấp một ngụm cà phê. Còn tôi, ủ tách cà phê trong lòng bàn tay mà nghe lòng gợn lên những con sóng bâng khuâng.



2. Trong một dịp khác, hình như là tiễn một người bạn về nghỉ. Câu hỏi “Anh có yêu ngôi trường anh đang dạy không?” lại trở về trong một bàn tiệc. Lần này không phải từ bạn tôi mà từ phụ huynh. Tôi ngạc nhiên, nhưng cũng trả lời như trước kia: Có, rất nhiều. Tôi yêu trường chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng vì có những thế hệ như con trai của chị từng và đang ngày ngày đi về. Và… yêu những con người này, tôi chỉ anh bạn về hưu ngồi đối diện, mặt phơn phớt đỏ không hiểu vì bia hay vì chất men vui buồn của khoảng khắc chia tay này! Chính những con người này, những thầy giáo đồng nghiệp của tôi đã vun đắp thêm tình yêu một mái trường trong tôi.  

     Thực ra, xin chị hiểu và đừng bắt bẻ, đồng nghiệp là cách gọi gòn gọn… cho dễ hiểu thôi. Với tôi, đồng nghiệp không đơn giản chỉ là những người cùng một nghề, cùng làm một chỗ. Đồng nghiệp còn là những người để lại trong tôi những ấn tượng, những cảm xúc đẹp. Lí lẽ quá phải không chị? Thôi thì thế này. Chẳng hạn ở trường chuyên mình, tôi yêu quý họ không chỉ vì họ chung một mái trường mà còn vì họ là thầy, là sư huynh, là bạn vong niên của tôi. Xin chị đừng hỏi cụ thể tên của họ. Trong tôi, họ chỉ có một cái tên: Người Thầy. Những năm tháng ở ngôi trường cũ đường Lê Lợi, mặc sự chật chội rệu rã của mái trường, mặc những gieo neo của cuộc sống, mặc phần thưởng bé mọn chỉ vài cái lốp xe đạp chia nhau,… những người thầy ấy vẫn tận tụy với học sinh, vẫn chú tâm rèn tính hạnh, đạo đức khoa học cho các em. Họ gần gũi với học sinh nhưng vẫn chuẩn mực, họ sống như một con người bình thường nhưng không hề rời bỏ luân lí chức nghiệp-cái chuyên đề họ được học ở Đại học sư phạm. Những con người như thế làm sao tôi không yêu họ. Và thử hỏi, làm sao tôi không yêu trường chuyên này hở chị khi trường được vận hành bởi những con người như thế!

    À!... Thôi… Mình nâng li chị ơi. Mọi người đang chạm li kia kìa!



3. Tôi về nghỉ cũng đã hơn bốn năm. Một lần dã ngoại Suối Mơ ở Lăng Cô cùng mấy người bạn dạy ở các trường khác trong thành phố đã “giã từ vũ khí”, ngâm mình trong làn nước mát, họ cười đùa với nhau, gợi nhắc những kỉ niệm thời dạy học. Còn tôi cùng một anh bạn lặng lẽ ngồi xem người ta câu cá. Bỗng một tiếng nói cất lên: “Ơ hai ông kia, không có kỉ niệm gì với trường cũ cả hay sao mà nín thinh vậy? Các ông quên nơi một thời đã sống rồi à?”. Tôi ngoái nhìn cô bạn vừa nói: “Ô hay, sao phá quyền im lặng của người ta thế! Đâu phải nói ra là nhớ, không nói ra là quên. Lo tắm đi, cứ vui đi. Đây xem người ta câu cái đã…”

      Nói là xem câu cá nhưng từ giây phút này tôi chẳng còn chú tâm vào đấy. Những mẩu kỉ niệm một thời dạy học của các cô bạn kia đã mở cánh cửa vào kho kỉ niệm một thời trường lớp của tôi. Làm sao tôi quên được những gì làm nên sự sống, giá trị của tôi từ những bục giảng, từ những mái trường. Tôi đã có những trải nghiệm tâm lí nhất định khi bỏ lại sau lưng cái vạt nắng sân trường. Mấy tháng đầu “qui khứ lai từ”, những gì thuộc về trường chuyên cứ bám lấy, cựa quậy trong tâm trí tôi. Nhưng rồi theo thời gian, tất cả tự nguyện lẳng lặng xếp lớp và năm im trong ngăn kéo hồi ức. Thi thoảng gặp lại học trò cũ, đồng nghiệp xưa, cái vùng sáng mát của sân trường ngày đó mới hiện về lung linh. Có khi đọc báo, những thông tin về thay đổi của trường trong thực tại, về giải Học sinh giỏi năm ngoái hay năm nay,… tôi cũng chỉ thầm lặng vui. Tôi mừng cho thế hệ học sinh sau này, mừng cho những thế hệ thầy giáo sau chúng tôi. Ngôi trường ấy bây giờ là của họ. Giá trị của ngôi trường là trung bình cọng giá trị của họ. Còn tôi, ngôi trường ấy chỉ còn là những hồi ức đẹp. Và cũng từ hồi ức đó, tôi vẫn dõi về học trò của tôi đang sống thế nào, các đồng nghiệp của tôi vui khỏe ra sao.

      Với tôi bây giờ, trường chuyên mãi là nỗi nhớ. Những gì mang màu sắc thời gian chảy về phía xa xôi đều xa xôi. Những gì lắm màu lắm sắc đều xa lạ, chỉ có hai màu đen trắng mới là gần gũi thương quen. Chỉ có những gì đã ngưng đọng tiềm sinh trong kí ức mới đáng nâng niu. Mà cái ngưng đọng với tông màu sáng ấm đó có gì khác hơn con người, những thế hệ học trò cũ, những đồng nghiệp của tôi dưới mái trường chuyên ngày ấy. (*)



24-7-2016

Hoàng Dục 
__________
(*) Bài đăng ở K yếu 30 năm thành lập trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng. 

2 nhận xét:


  1. @ Thân thăm Bạn HOÀNG DỤC và toàn gia đình !


    Hình như lâu lắm Bạn không còn viết nữa !!! Mình đâm lo ???

    Nhưng VUI mới lạ !!! Khi Tâm sự chôn vào lòng mới SÂU LẮNG

    Tình cờ lọt vào trang TRƯƠNG VĂN THÔNG nhớ ngày đánh BÓNG RỔ THÔNG thật bé con ...
    Gởi DỤC vài dòng riêng tư và chép lại trên trang THÔNG

    XIN NGUYỆN CẦU và cùng dấn thấn bên nhau khiến QUÊ HƯƠNG chung của tất cả chúng ta MỘT THỜI PHAN CHÂU TRINH 1964-71 càng xinh đẹp

    Nghe tin KỲ mất mình buồn lắm !!!

    Thân mến !

    NHV


    Thân thăm TRƯƠNG THÔNG cùng toàn gia đình

    http://hanoiparis.com/construct.php?page=paysagetxt&idfam=11&idpays=10581

    Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng - đã đọc : 51 lần

    http://hanoiparis.com/construct.php?page=paysage2&idfam=11

    ”Thưa Thầy Còn Nhớ Con Không?” - Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng (tiếp theo) - đã đọc : 47 lần

    Trả lờiXóa
  2. Bận quá nên ít viết blog. Lê Phú Kỳ ra đi rất buồn. Mình luôn nhơ Viện, nhớ một thời Phan Châu Trinh.

    Trả lờiXóa