TUỆ SĨ, ĐIỆP KHÚC DƯƠNG TRẦN
Đặng
Tiến
Tuệ
Sĩ còn là nhà thơ, nhiều người biết danh, nhưng ít người được đọc, vì thơ ông
ít được phổ biến. Mới đây, trong nước, nhà xuất bản Phương Đông đã ấn hành tập
thơ Những điệp khúc cho dương cầm, Sách gồm 23 bài thơ ngắn,
Tuệ
Sĩ không phải là người tìm danh vọng, nhất là bằng thi ca. Ông không tìm độc
giả, tìm tri kỷ, tri âm. Ông thừa nội lực để sống an nhiên trong tịch lặng giữa
cõi ta bà. Nhưng thơ ông xuất hiện như vầng trăng ra khỏi đám mây, như mùi
hương bông sứ chợt thoảng vào vườn khuya, là một niềm vui chung, và cho người
lữ khách ngồi lại bên đường, buổi chiều, «cười với nắng một ngày sao chóng thế…
đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan», câu thơ ngày xưa của ông mà Bùi Giáng hết
lời ca ngợi.
Thơ,
thơ gì đi nữa, thì trước tiên phải là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của ai đi nữa thì cũng
mang sử tính. Thơ thiền sư làm bằng ngôn ngữ hàng ngày vẫn vang âm xã hội và
lịch sử.
Ví dụ bài cuối:
Mưa chiều hoen ngấn lệ
Bóng điêu tàn
Huyền sử đứng trơ vơ
Sương thấm lạnh
Làn vai hờn nguyệt quế
Ôm tượng đài
Yêu suốt cõi hoang sơ.
Ý
nghĩa chính xác của bài thơ là gì ta không nên giải thích chân phương. Nhưng từ
ngữ thì rõ ràng là trầm tích đau thương của con người trong lịch sử.
Trầm tích lịch sử còn dư vang rõ hơn
trong bài này;
Ngoài biên cương
Cây cao chói đỏ
Chiến binh già cổ mộ
Nắng tắt chiến trường
Giọt máu quạnh hơi sương
A la frontière
Le grand arbre rougeoie
Le soldat
vieillit sur la tombe antique
Le soleil éteint la bataille
Le sang se condense en rosée.
Thơ
gì, thơ ai, thơ nước nào, trong ngôn ngữ vẫn là một thứ ngoại ngữ; người đọc
một bài thơ trong tiếng mẹ đẻ là đã dịch bài thơ ấy ra ngôn ngữ của riêng mình.
Gọi là tiếng lòng.
Gặp
những bài thơ Tuệ Sĩ việc giảng luận có phần trắc trở. Ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ
chung là tiếng Việt, nhưng tương quan giữa người nói và lời nói thì khác nhau.
Khi Tuệ Sĩ viết đâu đó «Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang» thì ông
không chỉ nói về màu áo, cũng không nói về ngọn đồi, mà phản ánh tâm linh trong
một thế giới khác. Đưa lời thơ Tuệ Sĩ vào ngôn ngữ thế tục e dễ thành dung tục.
Thơ
bao giờ cũng phản ánh ba tính cách : môi trường xã hội trong lịch sử ; ngôn ngữ
trong những biến chuyển với thời đại ; và tác giả, qua đời sống hàng ngày ;
nhưng ở Tuệ Sĩ đời sống hằng ngày, ý thức và vô thức dường như đã thăng hoa,
thành một siêu thức. Ngôn ngữ do đó cũng siêu thoát, khó bề lý giải chân phưong
và đơn phương.
Trong nghệ thuật, dân tộc là một tạp
chất.
Tôi
nghĩ khi Tuệ Sĩ đặt tên Những điệp khúc cho dương cầm, và làm những bài thơ mô
tả tiếng dương cầm, là ông muốn cho tiếng thơ mình trong trẻo, thuần khiết «
trong như tiếng hạc bay qua ». Do đó, bình giải thơ Tuệ Sĩ là tạo cơ nguy gây
tạp âm không phải lẽ và không phải lúc.
Lấy
một ví dụ ngoài đề, cho thông thoáng. Nhà thơ Phạm công Thiện, thời trẻ, có lúc
tu tại một Phật Viện Nha Trang. Một hôm anh về chơi với nhà văn Võ Hồng, ở lại
mấy hôm, khi về Chùa, anh có thơ :
Mưa chiều thứ bảy, tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.
Anh
tâm đắc thường đọc cho chúng tôi nghe, và chúng tôi hiểu đại khái, nhưng chưng
hửng khi nghe Phạm Công Thiện, mười năm sau, tự dịch câu thơ ra tiếng Pháp:
Je suis le Retour
Il fait Tard sur le Chemin
Sept jours après la pluie tombe
En haut
du Temple
L’arbre est le
Défleuri
Chúng
tôi đã hiểu chung chung: thứ bảy là trước chủ nhật, cây khế là cây khế, ngọn
đồi là ngọn đồi, nhưng qua bản dịch tiếng Pháp, thì nội hàm câu thơ không phải
chỉ có vậy.
Nhưng nghĩ cho cùng, ai làm sao hiểu
hết một câu thơ, kể cả tác giả?
Và
cách tiếp cận thơ Tuệ Sĩ của bà De Miscault biết đâu là cách hay nhất, như câu
tiếng Pháp không biết của ai «la voix du cœur est la voie au cœur»: lời trái
tim là lối đến con tim.
Đọc
thơ Tuệ Sĩ. Bằng trái tim. Nỗi Nhớ
Màu tối mù lan vách đá
Nhớ mênh mông đôi mắt giã từ
Rồi đi biệt
Để hờn trên đỉnh gíó
Ta ở đâu?
Cánh mộng phù du
Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói,
Vẫn yêu người từ khoảnh khắc chiêm
bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Nhưng trùng dương ngưng đọng cánh
hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt trời sao.
Theo chân kiến
Luồn qua cụm cỏ
Bóng âm u
Thế giới chập chùng
Quãng im lặng
Nghe mùi đất thở
Thơ
Tuệ Sĩ cô đúc, hàm súc, uyên áo. Người đọc không quen cho là khó hiểu, vì tác
giả không đề cập đến một đề tài nào chính xác, không miêu tả, không tự sự. Ngôn
ngữ lấp lánh ánh sáng tâm cảm và ngoại gới, trầm tư và huyễn mộng. Hình ảnh
chập chờn, ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp
tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết.
Thỉnh
thoảng, người đọc cảm thấy an tâm trong đôi lời thơ mạch lạc:
Cửa kín
chòm mây cuốn nẻo xa
Ngu ngơ đếm chữ, mắt hoa nhòa
Tay buồn vuốt mãi tờ hương rã
Phảng phất mưa qua mấy cụm nhà
Người
Thơ hé mở một thoáng tâm linh, nhưng hình ảnh vẫn mang tính cách tượng trưng,
xa cách, xóa nhòa tâm sự cá nhân, pha loãng tình riêng vào làn mưa trên mái
ngói.
Đôi
khi người đọc gặp vài từ ngữ, ẩn dụ trở đi trở lại như những ám ảnh, tạo nên
dăm viên đá cuội trên lộ trình cậu bé tí hon, nhưng dễ gì tìm được heo hút
đường về.
Ngoại giới biết đâu là ảo giác:
Bóng sao đêm dài vời vợi
Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền
Và
thơ, tập thơ mình cầm trong tay, những nốt nhạc, những hàng chữ «đen trắng đuổi
nhau thảnh ảo tượng». Thơ, tất cả thi ca trên cõi trần này biết đâu chẳng là ảo
giác của ảo giác?
Cần
gì để nói thêm về Những điệp khúc cho Dương cầm của Tuệ Sĩ?.
Phải chăng là tiếng ve sầu chung thủy, ưu hoài những mùa hạ
đã ra đi?.
Tiếng ve trở về,
Khóc
mùa hè mà khô cả đại dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét