Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

723. NGUYỄN LỘ TRẠCH, KẺ SĨ ĐAU ĐÁU KHÁT VỌNG DUY TÂN

 

NGUYỄN LỘ TRẠCH,
KẺ SĨ ĐAU ĐÁU KHÁT VỌNG DUY TÂN
 
Trong lời tựa “Quỳ ưu lục”, Nguyễn Lộ Trạch đã mượn thơ của Trương Quảng Khê vịnh Giả Nghị để bày tỏ hoài bão và lí tưởng của mình:
             Ngã diệc vị quân trường thái tức
            “Trị an” đồ tác hán văn chương
            (Ta cũng vì ông than thở mãi
            “Trị an” chỉ một áng văn chương)
            Mượn thơ người để kí thác lòng mình, đó là một cách ứng xử thanh cao của người xưa. Đọc thơ để hiểu lòng người và nhờ thơ nói hộ lòng mình, cũng là quy luật tiếp nhận văn chương. Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch cũng vậy. Ông mượn thơ Trương Quảng Khê, đúng hơn là mượn từ “trị an” để biểu lộ  lối sống và tư tưởng của mình. Vì hai chữ ấy, ông một đời thể hiện bằng hành trạng và gởi gắm trong những áng văn chương. Bởi với ông, văn chương chở niềm thao thức nước non; là nhịp cầu giao cảm kết nối những người cùng chí hướng; là sứ điệp “dâng lên nhà vua rõ” về cuộc thế đổi thay, mong triều đình mạnh dạn cải cách về giáo dục, chính trị, ngoại giao, quân sự,… để đất nước phát triển theo xu thế hiện đại, quan hệ đa phương với các nước tiên tiến hầu có thể  đương đầu với thực dân Pháp, giành lại quyền tự do, độc lập dân tộc.
            Như vậy, với Nguyễn Lộ Trạch, “trị an” không còn là khái niệm cũ của Nho gia mà có nội hàm mới mẻ, hiện đại và có tính thời sự. Đặt trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, dân tộc ta đối đầu một mất một còn với thực dân Pháp, nền văn minh phương Đông đang cố thủ yếu ớt trước sự xâm lăng của văn minh phương Tây, thì “trị an’ có nghĩa là làm cho đất nước sạch bóng quân thù, dân tộc tự do, dân chủ, quốc gia hưng thịnh trong xu thế hiện đại hóa, có thể ngẩng đầu đi tới mà không hổ thẹn với tiền nhân và với con người năm châu bốn biển. Nói cách khác, với Nguyễn Lộ Trạch, “trị an” có nghĩa là an quốc, an dân theo hướng duy tân như khẩu hiệu mà chí sĩ Phan Châu Trinh đề ra sau này: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
          1. Kẻ sĩ dấn thân cho khát vọng duy tân.
          Chính tư tưởng “trị an” theo ánh sáng duy tân đó đã chi phối hành trạng của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch. Ông thông minh, ham học hỏi. Ông lại là con của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai (Khoa Quý Mão, 1843, Thiệu Trị năm thứ 3), Tổng đốc Ninh - Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên), kiêm chức Thị sư đổng suất Ninh - Thái - Lạng - Bằng quân vụ (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng), đồng thời là rể của quan Thượng thư Bộ Binh Tiến sĩ Trần Tiễn Thành (tức Trần Thì Mẫn, Khoa Mậu Tuất, 1838, Minh Mạng năm thứ 19). Con đường hoạn lộ của ông rộng mở và bằng phẳng. Thế nhưng, ông không chọn con đường khoa cử để làm quan. Ông không lập danh bằng học vấn mà lập danh bằng tư tưởng và hành động duy tân đất nước. Có lẽ đối với Nguyễn Lộ Trạch, con đường cử nghiệp đã thành lối mòn không còn hợp thời nữa. Ông không muốn dẫm chân lên đường cũ “tấn vi quan, thối vi sư” mà kẻ sĩ nho học trước đó và cùng thời với ông đã và đang đi. Trên báo “Tiếng Dân”, 1932, kí giả Bồ Cảng[1] đã nhận xét: Con một ông quan lớn mà ở hạt Thừa Thiên lại có tư chất thông minh ham học như Nguyễn Lộ Trạch, nếu theo đường giàu có quan sang thì có thua gì ai? Thế mà tiên sinh không thèm màng đến khoa cử, sĩ hoạn, lại lưu tâm về thực học và ham nhất là sách nói về thế giới. Còn tác giả “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Bá Thế thì đánh giá: Ông học rộng biết nhiều, nhưng không thi cử, chỉ lưu tâm về đường thực dụng (NXB Tổng Hợp Hồ Chí Minh, 2006, tr. 818). Có thể chúng ta chưa vừa lòng với từ “thực dụng” của hai tác giả trên, nhưng cũng thấy rõ thái độ trân trọng của họ đối với Nguyễn Lộ Trạch, một kẻ sĩ yêu nước, khao khát canh tân đất nước với ý thức mới: Cái học cũ chỉ có thể giữ cho kẻ sĩ không sa chân xuống bờ vực phi đạo lí, chứ không thể giúp kẻ sĩ thấy được cơ hội lớn của dân tộc trước họa nô lệ ngoại bang, không hiểu được “vận hội mới” trong việc duy tân đất nước.
             Cũng theo Bồ Cảng trên báo Tiếng Dân, số 453 và 454, năm 1932, Nguyễn Lộ Trạch là đồng hương Kế Môn và cũng là bạn học rất thân thiết với Trần Dĩnh Sĩ. Trần Dĩnh Sĩ học rất giỏi, đỗ Hoàng Giáp khoa Ất Tị[2]. Sau khi đỗ, Trần Dĩnh Sĩ tỏ vẻ đắc ý, Nguyễn Lộ Trạch tặng câu đối cho bạn. Kí giả Bồ Cảng quên vế đầu chỉ còn nhớ vế sau:
 
             Phú quý cạnh lương bức hỉ, khán thử độ kị mã khán ba, anh phong lạc lạc, quân ưng bất phụ nhãn trung nhân.
            Nghĩa là: Giàu sang khéo quấy người thiệt, xem lúc này cưỡi ngựa ngắm hoa, anh phong ít có, người chắc không thẹn người trong con mắt ta.
 
             Vế đối trên khẳng định trong con mắt Kỳ Am, khoa giáp không là tất cả. Có lẽ, cũng nên hiểu, Nguyễn Lộ Trạch không xem thường khoa bảng, phủ nhận giá trị của bằng cấp. Ông chỉ muốn nhận thức lại giá trị thực của cái học từ chương. Với ông, cái học “nhai văn nhá chữ” (Cao Bá Quát), cái học đóng khung trong “Tứ thư”, “Ngũ Kinh”[3]; chế độ thi cử lấy văn sách, thơ phú để chọn người tài giúp nước không còn phù hợp trước sự đổi thay của thế cuộc. Bên cạnh những kiến thức về khoa học nhân văn được xây dựng trên cơ sở mĩ học cũ cần phải được bổ sung những hiểu biết về khoa học nhân văn được nẩy nở trên nền tảng mĩ học mới. Đặc biệt, nên nhận thức rõ khoa học thực nghiệm của phương Tây rất cần thiết cho việc phát triển nền văn minh cơ giới của dân tộc. Với ông, “trị an” chỉ có thể kết quả một khi mở mang dân trí, canh tân nước nhà theo hướng khoa học kĩ thuật tiên tiến. Ông ý thức không thể giữ nước và phát triển đất nước khi não trạng toàn dân và trí thức bị ám bởi “Tử viết”[4], mang màu sắc bảo thủ và lạc hậu; khi nền kinh tế tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp “con trâu đi trước cái cày theo sau” là chủ đạo. Dân tộc độc lập, đất nước hưng thịnh phải nắm lấy khoa học kĩ thuật, tư tưởng dân chủ của Thái Tây. Hơn nữa, ông thấy Thiên hạ quả thực đang chịu tai họa mà ta lại hưởng cái danh hão thì bậc nhân nhân quân tử nào lại chẳng thấy đau lòng sao (Nguyễn Lộ Trạch điều trần và thơ văn, Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang, NXB KHXH, 1995, tr. 83). Chính vì vậy, ông đã tìm tòi, khảo sát và nghiên cứu những sách viết về học thuật chính trị Âu Mỹ trong khi sách Tây học chưa du nhập xứ ta bao nhiêu… và thấy rõ đại thế trong hoàn cầu. Con mắt và cái não sáng suốt như thế thật hiếm có lắm! (Bồ Cảng, báo Tiếng Dân, số 453 và 454, năm 1932). So với Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch chưa có điều kiện tai nghe mắt thấy nền văn minh Âu Mĩ. Ông chỉ tiếp xúc với tư tưởng, khoa học kĩ thuật phương Tây qua sách vở, nhưng kiến văn của ông đã đạt đến chỗ sâu sắc, thấu lí đạt tình hiếm thấy. Trong “Nguyễn Lộ Trạch - điều trần và thơ văn” trang 84, Mai Cao Chương và Đoàn Lê Giang đã đánh giá rất cao trí tuệ, hành trạng và văn chương của “Cậu ấm tàng tàng” người Kế Môn này: Ông học rộng, sách báo Trung Hoa, Âu Tây không có gì là không xem tới. Đối với tình hình thế giới, ông hiểu biết sáng rõ, lại rất lưu tâm đến việc nước. Nếu không yêu nước thiết tha, không có trí tuệ sáng suốt, không có ý thức phản tỉnh, không có tinh thần cầu tiến bộ sẽ không có tư tưởng “trị an” mới mẻ như vậy.
           Không chỉ đến với văn chương để biết về nền văn minh Âu Mĩ, để tìm một tư tưởng “trị an” mới cho dân tộc, Nguyễn Lộ Trạch còn lấy văn chương để giao du với người cùng chí hướng mong cầu sự đồng điệu và tha thiết được học thêm nhiều cái mới, bổ khuyết, làm đầy đặn tư tưởng “trị an” của ông. Ông đi đây đi đó tìm bạn cùng lí tưởng. Ở trong nước, ông lấy văn chương để kết bạn “duy tân” cùng với Tiến sĩ Nguyễn Thượng Hiền, Phạm Phú Đường, Trương Gia Mô, Nguyễn Trọng Lội[5]. Nguyễn Lộ Trạch còn thư từ qua lại với các nhà văn Trung Hoa sang chơi nước Việt Nam, một người tên đầy đủ là Châu Bính Lân, một người chỉ ghi là họ Trình. Riêng với Phạm Phú Đường (con của Phạm Phú Thứ), năm 1884, Nguyễn Lộ Trạch đã thay bạn viết thư gởi quan Phụ Chính đại thần Nguyễn Văn Tường: “Dữ Phạm Phú Đường thướng phụ chính đại thần thư” (Thư cùng với Phạm Phú Đường dâng lên quan Phụ Chính đại thần) khẳng định lại sách lược chống Pháp, đó là “Đại thế ngày nay chỉ có hai cách tự trị và cầu viện mà thôi”.
          Trong một bài viết tặng hai Tiến sĩ Vũ Phạm Hàm và Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Lộ Trạch đã phân tích sự khác nhau giữa kẻ sĩ ngày xưa và ngày nay, từ đó chỉ ra con đường mà kẻ sĩ trong thực tại phải chọn lựa để dấn thân. Ông viết: Làm kẻ sĩ ngày xưa dễ vì chỉ cần hiểu được những việc cần làm đương thời, còn làm kẻ sĩ ngày nay khó vì phải thấu suốt hết những biến đổi trong thiên hạ. Thuyền xe đi được khắp muôn dặm chín châu ở ngay trước thềm, không còn bó hẹp trong cương vực ngày xưa; còn cái học khí hóa thì kì ảo khôn lường, không thể chỉ mô phỏng bề ngoài mà chế tạo ra máy móc khí cụ được (Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang, Sđd, tr. 197). Đoạn văn cho thấy, Nguyễn Lộ Trạch muốn đề cao cái học thực nghiệm, cái học dựa trên cơ sở tư duy phân tích của phương Tây để chiếm lĩnh khoa học kĩ thuật hiện đại mà Âu Mĩ phát minh và áp dụng vào thực tiễn đời sống. Chính vì vậy, khép lại bài viết, Nguyễn Lộ Trạch đề cao vai trò của những trí thức: Việc ngày nay biến đổi khác ngày xưa, hai ông có trách nhiệm với đời này thì không thể coi đó là chuyện vu vơ mà xao nhãng được (Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang, Sđd, tr. 198). Đấy là cái kết thể hiện niềm tin và khát khao: Đất nước chỉ đổi thay khi những trí thức có sự nhận thức lại về bản thân, về thực trạng đất nước và về thế giới đương đại; đồng thời, chỉ khi những trí thức ấy thực sự dấn thân.   
         Trong thư gửi nhà văn Trung Hoa Châu Bính Lân, Nguyễn Lộ Trạch tha thiết được gặp người quang đại ấy để trao đổi, học hỏi nhiều điều mới lạ về con người và về đất nước trên thế giới. Ông viết: Tuy không dám coi là người tri kỉ nơi đất lạ, nhưng được gặp người quang đại như ông, tôi thật học hỏi được nhiều lắm (Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang, Sđd, tr. 182). Trong thư gửi văn sĩ họ Trình, Nguyễn Lộ Trạch chân thành thổ lộ nỗi niềm cô đơn của mình trước con mắt bảo thủ, tưởng ao nhà là biển cả mênh mông của làng nho. Không lạ gì: làng nho chê tôi là cuồng. Tôi vốn cuồng vậy! Ông lại có thể giao du với người cuồng chăng? Hay muốn giao du với người không cuồng chăng? Những câu văn ấy thấm đẫm niềm xót xa của con người đi trước ánh ngày, nhìn lại phía sau mình, chung quanh mình, những kẻ sĩ dấn thân, nhập cuộc còn ít ỏi quá! Vì vậy, ông chân thành và khao khát được kết bạn với họ Trình, một văn sĩ nước ngoài cùng chí hướng với ông: Xuân này được gặp ông, ông nói tôi là người có lòng hào hiệp, có thể kết bạn cùng chí hướng (Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang, Sđd, tr. 186 - 187). Đây không đơn thuần là lấy văn chương để kết bạn “dĩ văn hội hữu” hay “dĩ hữu hội đức” (lấy bạn lập đức) mà lấy tư tưởng “trị an”, tư tưởng duy tân để tìm người cùng hội cùng thuyền trong thiên hạ. Chỉ ở phương diện này cũng thấy rõ Nguyễn Lộ Trạch đã vượt lên khuôn phép lệ thường rồi. Ở thời đại ông mà xây dựng mối quan hệ bằng hữu vượt ra khỏi biên giới của đất nước không phải là nhiều, không phải ai cũng có tư tưởng ấy. Chỉ có những ai yêu nước thiết tha, khao khát học hỏi để mở mang đất nước mới có tinh thần bứt phá ấy trong tình bạn. Và chỉ ở những ai lấy việc “trị an” cho dân tộc mới đi tìm tri kỉ trên phương diện văn hóa như thế, đúng như sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” nhận định: ông ngao du khắp nơi để trao đổi quan điểm lập trường với các chí sĩ  (NXB Tổng Hợp Hồ Chí Minh, 2006, tr. 818).
            2. Kẻ sĩ ươm gieo tư tưởng duy tân
          “Trị an” đất nước theo hướng duy tân còn thể hiện qua những trước tác chính luận của Nguyễn Lộ Trạch. Tác phẩm chính luận của ông gồm: Thời vụ sách thượng (1877), Thời vụ sách hạ (1882), Thiên hạ đại thế luận (1892). Qua những tác phẩm này, Nguyễn Lộ Trạch đã thể hiện sâu sắc, cụ thể, khoa học và mới mẻ tư tưởng “trị an” dân tộc bằng con đường duy tân đúng như sách “Từ điển Bách khoa Việt Nam”, tập III, đã đánh giá: “Thời vụ sách” dâng lên vua Tự Đức đề nghị cải cách nhằm “chấn dân khí, khai thông dân trí” (Hà Nội, 2003, tr. 178). Hai tập Thời vụ sách thượngThời vụ sách hạ được Nguyễn Lộ Trạch gộp lại thành Quỳ ưu lục. Qua Quỳ ưu lục[6], Nguyễn Lộ Trạch ví mình với người liệt nữ nước Lỗ, lo vận nước mà không ai đoái hoài, nhưng lòng vẫn hướng về cửu trùng như hoa hướng dương hướng về mặt trời (“Từ điển Bách khoa Việt Nam”, tập III, Hà Nội, 2003, tr. 178). Theo Nguyễn Lộ Trạch, Thời vụ sách thượng viết khi triều đình có tâm lí thỏa mãn vì Pháp trả lại bốn tỉnh Nam Bộ và nối lại hòa hiếu. Triều đình cho đó là thực tâm của Pháp. Trước sự cấp bách của tình thế đất nước, ông dâng Thời vụ sách thượng lên vua Tự Đức, nêu rõ quan điểm chiến lược: hòa với mục đích tự cường tự trị để đánh Pháp theo tinh thần Hòa - Thủ - Chiến liên hoàn, nhưng bị phê là “Nói sao cao quá!”. Ông đau buồn ghi thêm sau “Thời vụ sách thượng”: Năm Đinh sửu (Tự Đức thứ 30 - 1877) người Pháp trả bốn tỉnh, nối lại hòa hiếu, triều đình mừng cho là đã vô sự, nên có lấy việc “Sứ Pháp vào chầu, hòa hiếu hợp lễ” làm đề thi hội. Ôi, đang lúc con hổ đang rình chưa thôi mà đã vội vàng tự mãn, thì cái chí hướng thế nào cũng đủ biết rồi. Tôi trông thấy, đau lòng, ở nhà mà viết nên bài này. KỲ AM tự viết (Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang, Sđd, tr. 100). 
           Năm 1882, Pháp đánh Bắc Kì, Nguyễn Lộ Trạch viết Thời vụ sách hạ. Qua tác phẩm này, ông lên án lòng tham không đáy, thói ngang ngược, tâm địa giảo hoạt của thực dân Pháp. Đồng thời ông cũng mạnh dạn chỉ trích vua quan triều đình nhà Nguyễn cầu an, bất lực trước giặc Pháp, trước thực trạng nguy cấp của đất nước. Lúc bấy giờ, quan lại triều đình chia làm hai phe. Phe chủ trương cầu hòa mà đại diện là Nguyễn Văn Tường đã hoàn toàn lòa mắt trước dã tâm hòa nghị của thực dân nên chỉ biết buông xuôi, thụ động, mặc cho thế cuộc xoay vần. Phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết thống lĩnh lại nóng vội, cảm tính, hữu dõng vô mưu, chủ trương đem sức tàn liều lĩnh, quyết sống mái với thực dân Pháp hùng mạnh. Nguyễn Lộ Trạch phủ nhận hoàn toàn chủ trương của hai phe ấy. Ông nêu lên 5 biện pháp cứu nước khã dĩ hữu hiệu, phù hợp với tình thế nguy cấp hiện thời. Có thể khái quát 5 biện pháp như sau:
 
      1) Dựa vào địa thế hiểm yếu để giữ vững gốc nước.
      2) Tích lũy tiền gạo để có đủ lương thực.
      3) Huấn luyện binh lính để có đủ binh lực.
      4) Học kĩ thuật để chống giặc.
      5) Ngoại giao rộng rãi để nhờ ủng hộ[7].
       
Những biện pháp cụ thể trên đã thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trong việc cứu nước và duy tân mở mang đất nước của chí sĩ Nguyễn Lộ Trạch.
            Thế nhưng, tấc lòng yêu nước của ông đã bị chối bỏ, tư tưởng “trị an” dân tộc theo hướng duy tân của ông đã không được vận dụng. Trong tựa “Quỳ ưu lục”, Nguyễn Lộ Trạch ví mình như Giả Nghị đời Hán, Trương Cửu Linh đời Đường và Văn Thiên Tường đời Tống, thấy trước tai họa mà không cứu được nước, không giúp được dân. (Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang, Sđd, tr. 72). Và ông đau lòng viết trong lời bạt cuối tập sách “Quỳ ưu lục”: Ta sao nhọc nhiều lời, không được dùng đến, mắt thấy buổi khó, kế chẳng ai làm, mà sự đời lại thay đổi như lời ta tiên đoán. Thế thì đời ta, không mảy may bổ ích, có tội với đời,… (Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang, Sđd, tr. 71).
Riêng với Thiên hạ đại thế luận, Nguyễn Lộ Trạch thể hiện cái nhìn toàn diện, toàn cục diễn biến của đất nước và thế giới. Ông không chỉ khẩn thiết mong cầu nhà vua thấu hiểu để có đường lối “trị an” đúng đắn, tiến bộ và khoa học mà còn có mục đích tranh thủ sự đồng tình của các sĩ phu nhiệt tâm nhiệt tình với dân với nước nữa. Quan điểm mới mẻ và tiến bộ của ông là: Sự còn mất của một quốc gia là do chính trị - giáo dục chứ không phải do mạnh - yếu, lớn - nhỏ, chính trị - giáo dục được sửa sang cất cử thì dầu nhỏ yếu cũng chưa thể mất được. (Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang, Sđd, tr. 73). Đây là một quan niệm có tầm chiến lược trong việc chống ngoại xâm và duy tân đất nước. Theo Nguyễn Lộ Trạch, triều đình phải có đường lối chính trị đúng đắn và sáng suốt hợp với lòng dân như các nước văn minh trên thế giới, phải thay đổi chủ trương và đường lối giáo dục, xây dựng một nền giáo dục hiện đại ngang tầm với phương Tây.
Do chủ trương này mà các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đã đánh gía rất cao bản điều trần của Nguyễn Lộ Trạch. Phan Bội Châu đã chân thành thổ lộ: Cụ (Nguyễn Thượng Hiền) đưa tôi xem tập văn của Nguyễn Lộ Trạch. Tôi được đọc tập “Thiên hạ đại thế luận” và bắt đầu hiểu biết ít nhiều mầm mống tư tưởng hiện đại (Thơ văn Phan Bội Châu, Chương Thâu giới thiệu, biên soạn, NXB Văn học, Hà Nội, 1985, tr. 254). Còn nhà  nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân thì khẳng định: Bài luận rất ngắn mà thật ra rất dài và ta có thể gọi đây là Tuyên ngôn đầu tiên của Phong trào Duy tân Việt Nam[8] (Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng, 2002, tr. 676). Đồng thời, nhà nghiên cứu này còn phóng bút tụng ca: Giữa đêm tối mù mịt, không lối thoát, bài đại luận ấy há không phải là một ánh sáng nhiệm mầu mở đường cho sĩ phu và nhân dân hay sao? Giá trị của nó lớn lao đến bực nào, hẳn nhiên các bậc tiên thời đã nhận thấy một cách sâu xa, tha thiết (Sđd, NXB Đà Nẵng, 2002, tr. 680).
Ngoài những tác phẩm trên, Nguyễn Lộ Trạch còn sáng tác những tác phẩm khác, một trong những tác phẩm đó là tạp thuyết “Khỉ nhân ưu thiên”[[9]]. Bài văn này được Bồ Cảng tóm tắt nội dung trên báo Tiếng Dân, số 453 - 454, năm 1932 như sau: Việc đời nhiều điều đáng lo mà người thường không để ý đến, nếu điều lo kia như khát mà cần uống, đói mà cần ăn thì ai cũng biết được, duy có điều đáng lo đó hơi kín nhiệm, nên kẻ thức giả mới trông thấy mà người thường lại khinh suất. Như chuyện Khỉ nhân lo trời sập, thuở nay ai nghe cũng cười anh Khỉ nhân kia là lo thàm, song có hình thể thì phải suy diệt, biết đâu sau trăm ngàn ức triệu năm trời không có một ngày sụp như Khỉ nhân đã lo kia (Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang, Sđd, tr. 224).
            Đọc tạp thuyết “Khỉ nhân ưu thiên” của Nguyễn Lộ Trạch, Bồ Cảng đã không do dự khẳng định: văn nghị luận của tiên sinh sâu sắc cảm khái. Sâu sắc là vẻ đẹp của trí tuệ sáng suốt, tư duy sắc sảo thông minh; cảm khái là nỗi niềm lo dân lo nước của kẻ sĩ, là sự chọn lựa tư tưởng tiến bộ và hành động như thế nào của trí thức trước sự sống còn của dân tộc. Kẻ sĩ cứ một đời cung cúc “vạn tuế” nhà vua, một đời trói buộc tư tưởng của mình bằng sợi dây đã lỗi thời “tam cương”, để đất nước mãi chạy theo quán tính xưa cũ lạc hậu hay mạnh dạn bứt phá đổi mới theo hướng hiện đại để vừa tránh được họa xâm lược vừa có khả năng phát triển dân chủ, văn minh. Kẻ sĩ không thể như người khát uống đói ăn, chỉ lo cái lo trước mắt, lo cho sự sống còn của một cá thể người. Kẻ sĩ phải biết lo “trời sập”, lo xa, lo cho an nguy của dân tộc, của đất nước. Muốn được như vậy, kẻ sĩ cần có kế sách “trị an” theo hướng duy tân.
            3. Kẻ sĩ lo đời trong áng thơ trữ tình
            Không chỉ hành trạng và những tác phẩm chính luận đã hội tụ niềm khao khát mãnh liệt đổi mới Giáo dục - chính trị để dành độc lập dân tộc và phát triển nền văn minh đất nước theo hướng hiện đại hóa, Nguyễn Lộ Trạch còn gởi gắm nỗi đau dân nước trước thực trạng lạc hậu, bị xâm lược và khát vọng duy tân qua những áng thơ ca của ông.
Là một nhà tư tưởng, một con người năng nổ trên con đường vận động duy tân đất nước, Nguyễn Lộ Trạch thi thoảng mới ngâm ngợi những vần thơ mang nặng nỗi ưu tư của một cây qùy cô đơn giữa thời đại mình. Tâm trạng ấy được nén vào trong 14 bài thơ vừa thất ngôn bát cú vừa tuyệt cú của ông. Di sản thơ của ông gồm: Thu hoài-bát thủ (8 bài), Tặng Quảng Nam Phạm Lệ Hương Phú Đường (1 bài), Truy vãn tráng liệt bá Nguyễn tướng quốc (2 bài), Thơ tặng người bạn văn sĩ Trung Hoa họ Trình (3 bài).
Khi nhận xét về thơ của Nguyễn Lộ Trạch, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi khái quát: Phần lớn là thơ cảm tác về thời cuộc thông qua những bài tiễn tặng, truy điệu liệt sỹ, hoặc tức cảnh mùa thu. Âm hưởng thơ trầm buồn, cách vận dụng điển cố chưa có gì thay đổi so với thơ yêu nước cuối thế kỉ XIX (Nguyễn Huệ Chi, Từ điển văn học, bộ mới, Nxb Thế giới, 2004, tr. 1162). Khái quát ấy hoàn toàn hợp lí. Tuy vậy, đi sâu vào di sản văn chương của Kỳ Am, người đọc có thể cảm nhận: tiếng thơ ông ủ kín nỗi niềm thương lo cho vận mệnh dân tộc và là tiếng kêu khẩn thiết duy tân đất nước để giành độc lập và phát triển đất nước theo xu hướng văn minh phương Tây.
Thơ của Nguyễn Lộ Trạch không đơn thuần là thơ nói chí, đóng khung trong cái khuôn thi pháp thơ trung đại. Thơ của ông vẫn có một mạch ngầm xúc cảm của một tấc lòng canh cánh trước vận mệnh đất nước. Mạch ngầm ấy thấm đẫm nhất, lan tỏa mạnh mẽ nhất trong chùm thơ “Thu hoài-bát thủ” (Nỗi nhớ mùa thu), mượn vần tám bài “Thu hứng” (cảm xúc mùa thu) của Đỗ Phủ để buông bắt nên. “Thu hoài-bát thủ” có thể xem là cuốn phim tư liệu ngắn nhưng thấm đượm chất trữ tình, có sức khái quát cao độ về hiện thực đất nước và tâm sự của ông trước thời đại bấy giờ.
Cảm hứng chủ đạo, xuyên suốt tám bài “Nỗi nhớ mùa thu” là đất nước chiến tranh  và ý chí giữ nước, canh tân đất nước của của nhà nho trẻ, thể hiện bằng hai hình ảnh có sức khái quát: “chinh chiến muôn nhà” và “Xuôi ngược lo đời, tình hủ nho” trong bài thơ thứ nhất. Bức tranh đất nước tang thương bởi chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp được tái hiện sinh động và chân thực qua sự dịch chuyển không gian nghệ thuật từ cụ thể đến khái quát.
Mở ra là không gian biên thùy: Khắp rừng lá đỏ vẻ tiêu sơ/ Đứng lặng ngàn non bóng sẫm mờ/ Trên tháp tiếng tù kêu giá lạnh/ Dưới hào ma lửa khóc ngày lu (Nỗi nhớ mùa thu số 1). Cái nhìn của nhà thơ như trải mở đến vô cùng, ngút mắt vẫn không vượt ra khỏi vẻ tiêu sơ của màu rừng phong đỏ lá của không gian quan san. Không gian biên tái càng cụ thể và thực hơn qua vẻ “tiêu sơ” hòa với “bóng âm u” của ngàn núi lặng câm. Trên nền quan tái sầu buồn ấy, vọng lên tiếng tù và ở một đồn xa nào đó. Chìm khuất trong sương lạnh, chập chờn, ẩn hiện những đốm lửa ma trơi nơi chiến lũy khóc ngày âm u. Đất nước đang bị thực dân Pháp xâm lược nên trong thơ trùng trùng từ ngữ gợi hình ảnh chiến chinh: Rừng lá đỏ tiêu sơ, ngàn núi đứng yên, bóng núi âm u, tháp canh, tù và thổi, chiến lũy, chiến tranh.
Từ không gian biên cương, thơ quay về với không gian nghệ thuật kinh thành Huế. Đây là không gian có tính biểu trưng cho văn hóa và văn minh của dân tộc và cũng là không gian tuổi trẻ của Nguyễn Lộ Trạch. Một chiều tà, nhà thơ dừng ngựa dưới chân núi Ngự Bình. Trước thời khắc hoàng hôn của trời đất, của đất nước và của xã hội, Nguyễn Lộ Trạch nhớ về thuở ông còn ở độ tuổi hoa. Tuổi trẻ không bình an, không vô tư, không hồn nhiên mà thắt lòng trước vận nước bị thực dân Pháp xâm lược.
 
Đại địa tiêu trầm hoàn hạo kiếp,
Cửu châu li hợp tận phù tra.
            Đất nước đắm chìm tai họa lớn,
            Núi sông trôi nổi mảng bè xa.
                           (Nỗi nhớ mùa thu số 2 - Hoàng Dục dịch)
 
Nhà thơ không tả cụ thể, nhưng trước mắt người đọc, bức tranh đất nước như ngày càng loang lổ bóng thù, loang lổ những dấu tích thương đau. Qua thơ của Nguyễn Lộ Trạch, tưởng nghe được tiếng súng xâm lược của thực dân đang xé rách bầu trời, làm dậy sóng cửa biển Đà Nẵng năm 1858. Rồi rền vang khắp ba tỉnh miền Đông Nam kỳ năm 1862, ba tỉnh miền Tây năm 1867. Thành Hà Nội, năm 1873, chìm trong khói thuốc súng, năm 1882 tan hoang… Năm 1884, hòa ước Patenôtre ra đời… 
Nhà thơ nghĩ về giặc Pháp mà lòng đau gởi ở kinh đô Huế.
 
Thanh phần Hán khuyết hà nhân kiếm,
Minh nguyệt Hồ thiên kỉ xứ già.
Gươm tuôn khí độc nơi song Hán,
            Kèn vọng trăng soi giữa đất Hồ.
                        (Nỗi nhớ mùa thu số 2)
 
Đêm trăng sáng, tiếng kèn vọng ngơ ngác những nơi nào ở trời Hồ. Trời Hồ là rợ Hồ, một ẩn dụ nghệ thuật trong thơ cổ điển. Ở kinh thành Huế (cửa Hán), khí độc bốc lên là do kiếm của ai? Phải chăng đó là do dã tâm xâm lược của thực dân Pháp (rợ Hồ), đó là do sự nhu nhược và sách lược giữ nước sai lầm của triều Nguyễn! Cho nên, ở “Nỗi nhớ mùa thu số 3), nhà thơ cảm khái: Bác xem thành quách cỏ xanh rì. Trong nguyên văn, Nguyễn Lộ Trạch viết: “quân khan” nghĩa là “anh xem kìa” nên người cảm thơ tưởng chừng nghe được giọng điệu tâm tình của nhà thơ. Câu thơ không khép lại mà mở ra, hướng về người đọc mong cầu sự sẻ chia hiện thực đau thương của đất nước.
 
Bạch thảo tà dương đồi điệp ngoại,
Na kham trùng thuyết đế vương châu.
Tường đổ nắng tà rầu cỏ trắng,
Đế vương thành ấy phải chăng là?
            (Nỗi nhớ mùa thu số 6 - Hoàng Dục dịch)
 
Đọc thơ Nguyễn Lộ Trạch mà ngỡ như bên tai xa vọng niềm hoài nhớ thành Thăng Long của Bà Huyện Thanh Quan thuở nào: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương  (Thăng Long thành hoài cổ). Có điều vẫn “cỏ mùa thu”, “bóng chiều tà”, nhưng trong “Nỗi nhớ mùa thu” số sáu có sức biểu tả, biểu cảm riêng. Bởi Bà Huyện Thanh Quan nhìn thành Thăng Long từ bên ngoài bằng con mắt hoài niệm, còn Nguyễn Lộ Trạch từ bên trong kinh thành Huế mà nhìn ra bên ngoài bằng con mắt hiện tại. Tường thành đổ nát, ánh nắng tà làm cho màu trắng của cỏ thành màu vàng úa, màu của cái chết, màu của phôi phai. Kinh thành đổ nát nhuộm màu tịch liêu làm sao có thể gọi là đất đế vương. Hai câu thơ đâu chỉ thở than về chốn đế đô mà còn đồng vọng bao nỗi niềm về đất nước và nhân dân trước chiến tranh xâm lược.
Bức tranh quê hương chiến tranh còn được tái hiện một cách chân thực hơn khi nhà thơ gợi ra không gian nghệ thuật sông biển không lắng sóng bình yên:
 
Kiêu thu kình ngạc táp giang gian.
Tấn lôi phí hải tường như trất,
Kình sấu sông thu đàn nối đàn.
Tàu giặc giăng giăng biển dậy sóng,
            (Nỗi nhớ mùa thu số 5 - Hoàng Dục dịch)
 
Trong cái nhìn tha thiết với núi sông của nhà thơ, thực dân Pháp được vẽ ra bằng hai nét bút: ước lệ và tả thực. Với bút pháp ước lệ, chúng như cá kình cá sấu tung hoành khắp sông thu. Với bút pháp tả thực, tàu giặc mà cột buồm san sát như răng lược, chạy nhanh như chớp khiến nước biển sôi sùng sục. Đất nước chiến tranh khác nào như bầy rồng đánh nhau say máu. Vẩy bạc, máu xanh của chúng rơi xuống hòa vào ngọn thủy triều khiến biển như bức tranh loang lỗ nhiều sắc màu thảm đạm. Chiến tranh đem đến cái chết bi tráng nới trận mạc của binh lính. Trước sức mạnh “tàu thiếc tàu đồng súng nổ” (Nguyễn Đình Chiểu), trước âm mưu thâm hiểm của thực dân Pháp, triều đại nhà Nguyễn đang trên đà sụp đổ.
 
Ngân lân bích huyết lạc trào đầu,
Đại hác quần long hàm đấu thâu.
Hạp dã hắc vân viên hạc kiếp,
Hoang thiên hồng lệ thử li sầu.
Máu xanh vẩy bạc thủy triều pha,
Xung trận đàn rồng dậy sóng xa.
Đồng ruộng xám mây quân tướng chết,
Trời hoang đỏ lệ  nước non mờ.
            (Nỗi nhớ mùa thu số 6 - Hoàng Dục dịch)
 
Để vẽ ra không gian nghệ thật bầu trời và mặt đất đau thương ấy, nhà thơ đã sử dụng điển tích Chu Mục Vương đánh phương Nam, vào một buổi sáng quân lính bỗng nhiên hóa thành con vượn, con hạc, con sâu để chỉ sự chết trận. Mượn ý thơ Thử ly trong Vương Phong, Kinh Thi kể chuyện nhà Chu dời đô về phía đông, các quan đại phu khi ngang qua tông miếu cũ, cung điện xưa thấy tất cả đã hóa thành ruộng lúa nếp, họ ngậm ngùi thương xót nhà Chu nghiêng đổ mà bàng hoàng không nỡ bước đi. Câu thơ “Hoang thiên hồng lệ Thử ly sầu” gợi nỗi buồn nước mất, tiếc nuối thời thịnh trị của triều Nguyễn của nhà thơ. Bên cạnh đó nhà thơ dùng từ ngữ giàu sức biểu cảm, giàu sức gợi lột tả cảnh đau thương của đất nước. Đó là “hạp dã hắc vân” (mây đen đây đồng), “hoang thiên hồng lệ” (lệ đỏ trời hoang). Tang tóc như trải ra trên mặt đất mênh mang. Nước mắt đỏ như màu máu loang thấm cả bầu trời hoang. Bầu trời tự do không còn xanh màu xanh bất tận mà thay màu nước mắt đỏ. Mặt đất sự sống không còn bóng dáng vạn vật chỉ còn màu đen lan tỏa đến vô cùng. Thơ như thế đã chạm đến tận cùng của nỗi đau nước mất.
Đất nước bị ngoại xâm, nhân dân rơi vào trạng huống: Chinh chiến muôn nhà không áo ấm/ Phòng khuê sầu não bởi chày thu (Nỗi nhớ mùa thu số 1), khiến nhà thơ luống nghĩ đến công lao khó nhọc của tổ tiên trong quá trình dựng nước, rồi nghĩ đến mình:
 
Thảo muội kinh dinh tiên thế nghiệp,
Giang hồ ưu ái hủ nho tâm.
Gian lao dựng nước công tiền bối
Xuôi ngược lo đời tình hủ nho
            (Nỗi nhớ mùa thu số 1 - Hoàng Dục dịch)
 
Hai câu thơ đọng chứa tấc lòng yêu nước thương dân, suy nghĩ sâu sắc về vai trò của trí thức của nhà thơ. Các bậc tiền bối từ thế hệ này đến thế khác đã đem sức lực trí tuệ của mình mà vun đắp nên hình hài Tổ quốc, nên văn hiến của đất nước. Nhà nho đời sau phải kế thừa và phát triển đất nước. Nhất là lúc này, đất nước bị xâm lược, kẻ hậu sinh phải ra sức giữ nước, đánh đuổi quân thù không để một tấc đất của cha ông rơi vào tay giặc, phải đem tài năng và tâm huyết của mình ra để canh tân đất nước.
Chính vì thế, khi dạo trong vườn thượng uyển ở kinh đô Huế, nhìn hoa hải đường rực đỏ trong những ngày thu, Nguyễn Lộ Trạch liên tưởng đau thương.
 
Thượng uyển thu đường hồng lịch lịch,
Nhất thời hóa tác đỗ quyên hoa.
            Đỏ rực hải đường thu thượng uyển,
            Nhác trông cứ ngỡ đỗ quyên hoa.
                        (Nỗi nhớ mùa thu số 2 - Hoàng Dục dịch)
 
Trong con mắt đau đời của nhà thơ, hải đường không phải lãng mạn thi vị như “Hải đường lả ngọn đông lân/ Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà” (Truyện Kiều-Nguyễn Du). Hoa hải đường nở vào mùa thu. Sắc hồng của hoa gợi nhà nhớ màu đỏ tươi của hoa đỗ quyên nở vào mùa hè. Một điển cố gợi liên tưởng tiếng kêu mất nước của chim đỗ quyên, hóa thân của hồn Thục đế ngày xưa. Quả là một liên tưởng độc đáo. Mùa gợi nhớ mùa. Màu sắc gợi nhớ âm thanh. Đứng trong mùa thu mà hoài nhớ ngày hè. Nhìn màu sắc mà ngỡ tiếng chim đau thương, nhớ nước kêu đến nhỏ máu như thơ Nguyễn Khuyến: Năm canh máu chảy đêm hè vắng/ Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ (Quốc kêu cảm hứng). Những câu thơ là một giấc mơ hư ảo, đúng hơn là cơn mê mất nước đầy nước mắt của nhà thơ. Thơ tuôn tràn từ cơn mê mất nước, nên mỗi bài thơ như một đợt bão lòng. Bài thơ “Nỗi nhớ mùa thu số 3” là cơn bão có một sắc độ, một cấp độ  khác trong nỗi đau dân nước của Kỳ Am.
 
            Thương tâm vô kế vãn tà huy,
            Nhẫn hướng song tiền phú Thức vi.
            Cấn Nhạc tân dư hoa thặng lệ,
            Ô Y trần hậu yến cô phi.        
            Lòng đau không thể níu tà huy,
            Song vắng một mình đọc Thức vi.
            Cấn Nhạc lửa tàn hoa đẫm lệ,
            Ô, Y gió bụi én sầu bi.
                        (Hoàng Dục dịch)
 
            Nếu ở những bài thơ khác, sự hoạt động của nội tâm hướng về ngoại cảnh thì ở bài này, cảm xúc thơ có sự quay vòng nội tâm. Nỗi đau mất nước trong thơ dập dồn như những vòng sóng tâm hồn. Sóng chở theo muối mặn của thời cuộc xát vào tâm can nhà thơ đến rát bỏng. Đất nước đang như là ánh mặt trời le lói của ngày tàn. Cứu nước là một việc lớn khác nào như kéo ánh chiều tà về lại ánh ngày rực rỡ. Nguyễn Lộ Trạch đã dâng lên triều đình 3 bản điều trần, nhưng với vua quan triều Nguyễn, tất cả đều  như những cơn gió thoảng. Nhà thơ đành ngậm ngùi đọc Thức vi: Suy vi rày đã lắm rồi,/ Sao mà chẳng chịu về thôi thế này?/ Thân vua nếu chẳng ở đây,/ Sao đành chìm hãm bùn lầy nhuốc nhơ?[10] (Kinh Thi I, Khổng Tử san định, Tạ Quang Phát dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2004, tr. 161.)
            “Thức vi” là bài thơ thuộc thể phú trong thiên Bội Phong, Kinh Thi. Bài phú kể chuyện Lê Hầu mất nước phải sống nhờ nước Vệ. Bề tôi khuyến khích trở về cứu nước, nhưng Lê Hầu không nghe. Lê Hầu cứ thụ hưởng ơn mưa móc của vua nước Vệ mà đâu biết rằng “móc sương” ấy làm vẩn đục tâm hồn và vấy bẩn nhân cách của chính mình. Bài thơ là lời trách của bề tôi trước tình cảnh vua cam chịu hèn hạ nương tựa ở nước người. Phải chăng, Nguyễn Lộ Trạch mượn điển này kín đáo trách vua tôi triều Nguyễn đương thời bám víu vào tư tưởng cũ, chỉ lo an thân; qua đó ông cũng thể hiện sự thất vọng của mình! Ai không xa xót khi:
 
            Cấn Nhạc lửa tàn hoa đẫm lệ,
            Ô Y gió bụi én sầu bi.
 
Mượn tích xưa, nhà thơ miêu tả hiện thực của kinh thành Huế lúc bấy giờ. Núi Cấn nhạc, ngọn núi được vua Tống Huy Tông (đời Tống) cho đắp lên ở phía bắc hoàng thành đã bị giặc đốt cháy gợi hình ảnh kinh thành Huế tan hoang khi Pháp đánh trả quân triều đình đã tấn công Tòa Khâm sứ vào năm Ất Dậu, 1885. Ngõ Ô, Y bên bờ nam sông Tần Hoài, huyện Giang Ninh (nay là Nam Kinh) là nơi ở của danh gia vọng tộc đời Tấn, tiêu biểu là hai nhà Vương Đạo và Tạ An. Con cháu các nhà quý tộc này thường mặc áo đen nên gọi ngõ Ô Y. Nhà thơ Lưu Vũ Tích đã tái hiện ngõ ấy trong “Ô Y hạng”: Chu Tước bên cầu cỏ nở hoa,/ Ô Y ngõ ấy bóng chiều tà./ Nhà xưa Vương, Tạ vờn chim én,/ Trăm họ nhà nay cũng lượn qua). (Hoàng Dục dịch)[11]
Tuy mượn hai hình ảnh ước lệ cổ điển, nhưng Nguyễn Lộ Trạch đã gởi lòng mình qua cái nhìn hiện thực đầy biểu cảm của tạo vật thiên nhiên. Hoa chứa chan nước mắt khi núi Cấn Nhạc bị đốt. Chim én đơn lẻ bay khi ngõ Ô Y trơ lại sau cơn gió bụi. Hai câu thơ nhờ đấy mà đong đầy cảm xúc. Nhà thơ như cánh hoa kia đầm đìa nước mắt trước kinh thành Huế trong cơn binh lửa. Nhà thơ như con chim én đơn độc bay trong gió bụi của mấy nẻo đường thành, ngậm ngùi nhìn những lâu đài quý tộc Huế trống vắng. Từ nỗi đau đó, nhà thơ trách cứ, đúng hơn là thất vọng khi:
 
            Long xà dược thạch biên trù thiết,
            Đàn điếm binh xa quốc kế vi.
            Biên phòng mưu kế tâu trình rõ,
            Giữ nước hội hòa sách lược nguy.
                        (Nỗi nhớ mùa thu số 3 - Hoàng Dục dịch)
 
Trước hiện trạng đất nước, người tài đã tấu lời khuyên can đúng đắn, dâng bản điều trần có sách lược rõ ràng cụ thể để giữ nước, nhưng triều đình bỏ ngoài tai, yếu hèn kí hòa ước với thực dân. Triều đình lấy hòa ước với giặc, điển hình là các hòa ước 1874 và 1884, làm kế sách giữ nước, đó là sai lầm lớn đã dẫn đến thảm trạng nước mất dân nô lệ. Từ đó, nhà thơ nghĩ đến nhà vua, nghĩ về nền văn hiến của dân tộc:
 
Ưu cần nẫm tải dư thường ngạc,
Văn hiến thiên niên cánh thực âu.
Lo dân ba kỉ còn canh sấu,
Văn hiến ngàn năm chỉ thịt cò.
            (Nỗi nhớ mùa thu số 6 - Hoàng Dục dịch)
 
“Còn canh sấu” là “Thưởng ngạc” có nghĩa nếm thịt cá sấu. Đây là sự kiện, năm 1876, vua Tự Đức đi chơi ở Thuận An, người dân dâng mấy con cá sấu. Vua nếm canh cá sấu, cảm động làm thơ ghi lại chuyện này. “Thịt cò” tích “Thực âu” nghĩa là ăn thịt chim hải âu. Theo sách Sơn hải kinh: Có một nước ở ngoài biển, người dân mặc áo da cá, ăn thịt chim hải âu (chim nhạn) thay cơm. Câu thơ lập luận nhân quả hình như kín đáo phê phán vua. Vua Tự Đức lên ngôi năm 1847, tính đến năm 1876 là 29 năm (cũng gần 30 năm). Trong ba mươi năm ấy, vị “thuyền trưởng” lèo lái con tàu quốc gia ấy không để lại gì ngoài bài thơ nếm canh cá sấu. Con tàu đất nước chạy vô hướng vô định, không biết đâu là chân trời mới. Thậm chí con tàu còn quay về với thuở hồng hoang “ăn lông ở lỗ” như người dân ngoài biển xa xưa chỉ biết thịt chim hải âu mà không biết hạt cơm dẻo thơm là gì. Một người chấp chính như thế, thử hỏi làm sao triều đại không sụp đổ, đất nước không điêu linh.
 
Tường đổ nắng tà rầu cỏ trắng,
Đế vương thành ấy phải chăng là?
 
Thu hoài bát thủ là bức tranh muôn màu về thực trạng đất nước trước sự xâm lăng của thực dân Pháp, là những trang sử chân thực vừa khái quát vừa cụ thể về vua quan triều Nguyễn, là chân dung tâm hồn khi ấm nóng lúc lạnh lẽo vì đất nước của nhà thơ.
Nỗi lo và khát vọng canh tân đất nước còn được Nguyễn Lộ Trạch thác gởi trong những áng thơ ca ngợi danh tướng Nguyễn Tri Phương. Nhà thơ cảm phục người anh hùng  đánh giặc Pháp từ miền Trung vào miền Nam, từ miền Nam ra miền Bắc suốt 15 năm. Dù đảm lược, tâm huyết, sẵn sàng xả thân vì đất nước nhưng người anh hùng ấy đành thất bại. Nguyễn Lộ Trạch ngậm ngùi:
 
Khả liên cừu quốc không hoàng khâu,
Di thốc tiêu trầm Lãng bạc lô.
Trả thù đất nước bằng cung nỏ,
            Lãng Bạc lách lau tên nỏ rơi.
                        (Truy vãn tráng liệt bá Nguyễn tướng quốc, bài 1- Hoàng Dục dịch)
 
            Hai câu thơ ẩn chứa hai cái nhìn: Cái nhìn của nhà thơ và cái nhìn của nhà tư tưởng duy tân. Là nhà thơ, Nguyễn Lộ Trạch nghe lòng nhói đau trước sự ra đi của bậc anh hùng. Là nhà duy tân, ông nhận thức rõ sự lạc hậu của binh lính triều định, nhất là về vũ khí. Đem cung nỏ, gươm dáo đối chọi với súng trường, sơn pháo, đại bác làm sao trả thù đất nước được. Những mũi tên bắn về phía địch, tất cả đều rơi xuống bãi lau sậy quanh hồ Lãng Bạc tức Hồ Tây. Hai câu thơ đan xen nhiều giọng điệu vừa vừa tiếc thương, vừa than thở, vừa trách móc; vừa khóc cho người anh hùng, vừa trách triều đình vẫn còn mê ngủ chưa tỉnh thức để kịp thời có quốc sách canh tân đất nước.
            Trước thực trạng đó, ông càng ước mơ, đúng hơn là tin tưởng vào con đường duy tân đất nước qua những câu thơ trong “Tặng Quảng Nam Phạm Lệ Hương Phú Đường”:
           
            Thặng hữu bạch y tham mật nghị,
            Thần long kiểu thủ ngọa thương minh.
Áo trắng giá như bàn việc mật,
Rồng thần sẽ dậy giữa trùng dương.
                        (Vũ Xuân Hương dịch)
 
            Qua những gì đã trình bày trên, có thể khẳng định rằng, cuộc đời Nguyễn Lộ Trạch có sự thống nhất giữa hành trạng, tư tưởng chính trị và văn chương. Sự thống nhất ấy được nén vào hình ảnh thơ Xuôi ngược lo đời tình hủ nho, làm nổi bật tư tưởng “trị an” theo ánh sáng duy tân của ông. Kỳ Am xứng đáng với sự tôn vinh của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng: Văn hào của nền văn hóa Việt Nam, được các sĩ phu đương thời kính trọng… (Nguyễn Quyết Thắng - Nguyễn Bá Thế, Sđd, tr. 818). Hay xứng đáng với sự vinh danh của Nguyễn Văn Xuân, ông là người viết Tuyên ngôn đầu tiên của Phong trào Duy tân Việt Nam. Như thế, Nguyễn Lộ Trạch đâu phải là một “hủ nho”. Ngược lại, ông là kẻ sĩ dấn thân và kiến tạo một nền tảng tư tưởng cứu nước mới không chỉ ứng với đương thời mà còn hợp với hiện tại và tương lai. Bởi duy tân đâu chỉ là lịch sử mà là khát vọng muôn đời.
 
                                                                                    Hoàng Dục
 
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Huệ Chi, Từ điển văn học, bộ mới, Nxb Thế giới, 2004.
2. Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang, Nguyễn Lộ Trạch điều trần và thơ văn, NXB KHXH, 1995, tr. 83.
3. Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Tổng Hợp Hồ Chí Minh, 2006.
4. Chương Thâu, Thơ văn Phan Bội Châu, NXB Văn học, Hà Nội, 1985.
5. Tạ Quang Phát, Kinh Thi I, Khổng Tử san định, NXB Văn học, Hà Nội, 2004.
6. Nguyễn Văn Xuân, Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng, 2002.
7. “Từ điển Bách khoa Việt Nam”, tập III, Hà Nội, 2003.

[1] Bút danh của Huỳnh Thúc Kháng.
[2] Theo Cao Xuân Dục trong “Quốc triều khoa bảng lục” là khoa Ất Mùi, 1895, Thành Thái năm thứ 7. Trần Dĩnh sĩ đỗ đầu, vì khoa này không có Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, tức là Bảng nhãn và Thám hoa. Cho nên, làng Kế Môn có câu: Kế Môn nghinh Hoàng giáp/ Trần tộc chiếm Đình nguyên.
[3] Những bộ sách kinh điển trong học tập, thi cử và quan niệm đạo đức của người xưa.
[4] Khổng Tử nói, Khổng Tử dạy.
[5] Trương Gia Mô và Nguyễn Trọng Lội. Nguyễn Trọng Lội (con của Nguyễn Thông) là 1 trong 6 người thành lập công ti Liên Thành và trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Sáu thành viên sáng lập này gồm: Trần Lệ Chất, Nguyễn Hiệt Chi, Ngô Văn Nhượng, Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh và Hồ Tá Bang. Hồ Tá Bang là người làng Kế Môn, chịu ảnh hưởng tư tưởng duy tân của Nguyễn Lộ Trạch. Ông là một người điều hành trường Dục Thanh và làm “tổng lí” công ti Liên Thành gần 30 năm.
[6] Trong truyện “Liệt nữ” chép: Ở ấp Tất Thất nước Lỗ, có người con gái chưa chồng, dựa cột than thở, lo cho vua nước Lỗ đã già mà thái tử còn nhỏ. Người đàn bà hàng xóm bảo: “Đó là việc của tôi quan, can gì đến mình”. Người con gái trả lời: “Không phải là không can đến. Năm trước có con ngựa của người khách chạy vào vườn ta, đạp dày cả rau quỳ, khiến cả năm không có rau quỳ mà ăn. Vậy như vua tôi nước Lỗ bị nhục, bọn phụ nữ ta tránh đâu khỏi điều ấy” (Theo lời giải thích nhan đề “Quỳ ưu lục” của Huỳnh Thúc Kháng, Tiếng Dân số 491-492, 1932). 
[7] Dẫn theo Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang, Sđd, tr. 52.
[8] Do người viết bài này tô đậm.
[9] Theo Mai Cao Chương và Đoàn Lê Giang là “Kỉ nhân ưu thiên”, nghĩa là người nước Kỉ lo trời.
[10] Nguyên tác: Thức vi! Thức vi!/ Hồ bất quy?/ Vy quân chi cung,/ Hồ vi hồ nê trung?
[11] Nguyên tác: Chu Tước kiều biên dã thảo hoa,/ Ô Y hạng khẩu tịch dương tà./ Cựu thời Vương, Tạ đường tiền yến,/ Phi nhập tầm thường bách tính gia.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét