Trái qua: Chị Ngọc, bà xã và anh Hô |
Cũng đã bảy năm mới trở lại Buôn Hồ, nơi tôi ướm nét phấn đầu tiên lên bảng đen, nơi tôi chính thức tạo nghiệp “trồng người” lắm gian nan mà thích thản, cái nghề đã hình thành số phận của mình. Trở lại lần này, tôi không một mình như năm 2007, “Kỉ niệm 30 năm thành lập trường”. Bên tôi có bà xã, người khởi sự gieo hạt giống tâm hồn cũng tại nơi này, dưới mái trường THPT Krông Buk nên mang màu sắc khác, không ồn ào, trầm lắng hơn nhưng ý nghĩa hơn.
Sau khi hoàn tất đám cưới của một đứa cháu, cái mục đích thứ nhất để trở lại xứ núi, hai vợ chồng thăm lại trường xưa và những thầy cô giáo của một thời đáng nhớ ấy. Buôn Hồ bây giờ đã là Thị xã, cơ sở hạ tầng phát triển nhiều. Nhìn đâu cũng lạ, khó tìm thấy dấu xưa, có chăng chỉ màu đất ba-dan bám vào trên tường nhà, trên những lối đi là không đổi. Màu đất cứ thủy chung, cứ bám lấy tạo vật chẳng rời xa. Màu đất đầy níu kéo, khiến lòng ai bồn chồn.
Lên Thị xã nên Buôn Hồ nhà cửa bệ vệ hơn, sáng loáng hơn. Đường sá sinh sôi nhiều. Không còn những con đường ốm o, khép nép, tiu nghỉu nữa. Con đường nào cũng nở nang da thịt, mặt mày vênh váo thách thức khách qua đường có giỏi thì lên cao xuống thấp cùng chúng. Chao ơi, nếu ngày xưa nào ai ngán sợ gì ai, nay chỉ nghĩ thôi cũng cảm giác chân mỏi, gối chùng; chưa nói con đường nào cũng lạ hoắc lạ huơ. Cũng may có đứa cháu sắm vai hướng dẫn viên du lịch tận tình nên bớt đi cái lớ ngớ lơ ngơ, tránh khỏi cảnh trạng về mái nhà xưa mà cứ như khách lạ.Thành ra, lòng chẳng vướng bận gì, cứ hồn nhiên mà bâng khuâng trong không gian một thuở thanh xuân đi về.
Buổi sáng, ngồi ở quán bún Huế của O Thủy ở đường Quang Trung. Quán gồm hai gian, vậy mà chật nêm khách ăn. Đứa cháu bảo, O Thủy là người Kế Môn mình. Gia đình O mới vào lập nghiệp 5, 7 năm gì đó, nhưng quán bún này tưởng chừng nổi tiếng đã trăm năm. Ngon đáo để đó cậu. Người ta ăn thế nào không biết, nhưng cháu thì cứ mê cái vị mặn mòi của làng mình. Cái vị đó cụ thể thế nào, cháu khó diễn tả được, chỉ biết nó bắt mình nhớ làng chi lạ! Cười bảo cháu: chắc là vị nhớ! Cậu cũng đang cảm nhận cái hương vị làng từ tô bún bốc lên đây. Đùa một chút cho vui. Nghiêm chỉnh mà nói, quán sạch sẽ, bún ngon, rau phong phú, ăn sáng ở đây xứng đồng tiền, thỏa lòng khách sành ăn bún Huế lắm lắm!
Nhìn khách vào ra, nhìn những người phục vụ, rồi nghĩ đến người Kế Môn ở Buôn Hồ. Năm 1976, tôi đến đây chỉ có gia đình Thuân-Nguyệt, vừa bạn vừa bà con. Anh em đùm bọc nhau. Thế mà, bây giờ rảo bước trên các ngã đường Thị xã có thể gặp người quê tôi. Nhớ tối hôm qua, ăn tối với gia đình Cư - một người em - bao nhiêu chuyện về người làng mình đã nghe được. Rồi buổi tối nói chuyện cùng bà chị được biết thêm: cộng đồng làng Kế Môn ở Buôn Hồ có hơn 40 hộ. Hội đồng hương hình thành và phát triển lâu rồi. Ở đây, hễ vui buồn đều có mặt người quê mình. Xa xứ bà con mang theo cả văn hóa làng, tình làng nghĩa xóm vào vùng đất mới. Thành ra, ở đây chẳng ai “một mình” cả, ai cũng cảm giác như đang sống trên đất quê mình, giữa xóm giềng mình.
Nghĩ về người cùng quê, hương vị bún hình như ngon hơn. Đã xong một tô rồi mà vẫn thòm thèm. Cái ngon bao giờ cũng thế, luôn bắt người ta thèm dù đã căng cứng dạ dày. Định thêm một tô nữa, nhưng thôi. Cứ để cái ngon bắt mình nhớ mới hay. Chẳng riêng gì chuyện ăn, chuyện gì cũng vậy, lắm lúc tròn trịa quá đâm ra cứ nhàn nhạt sao ấy. Cho nên thấy ông nhà thơ cũng có lí: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Đôi khi dở dở dang dang mới không dang dở. Đôi khi không gắn bó dài lâu mới gắn bó lâu dài. Chẳng hạn, cái ngôi trường THPT Buôn Hồ, chéo bên kia đường ấy. Tôi chỉ sống với nó chưa đầy ba năm rồi chuyển đi trường khác, vậy mà tưởng chừng “nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”.
Không quên nên có dịp phải tìm về. Chuyến đi này có mục đích thứ hai là tìm lại hình bóng xưa. Vì vậy, ăn xong là nhờ đứa cháu đưa đến nhà của vợ chồng Phạm Ngọc Mậu - dạy môn Sinh. Đến nhà, cặp đôi ấy đi vắng. Nghe chàng rể bảo, mẹ ra cửa hàng, ba chở cháu ngoại đi ăn sáng. Xem ra cũng bận bịu hết con rồi cháu. Cái kiếp người làm sao hết được dây dưa! Định quay về, may hai ông cháu Mậu kịp trờ tới. Hẹn ra cà phê Xưa và Nay nghe. Thế là đi. Chưa kịp kêu thức uống hai vợ chồng Mậu đã đến. Mậu vẫn phong độ. Nga vẫn xinh như ngày nào. Bên li cà phê, bằng hữu thầy trò hỏi thăm chuyện nay, nhắc lại chuyện xưa, gần 40 năm trước. Rưng rưng nhớ những người đã khuất. Hẹn nhau “Kỉ niệm 40 năm thành lập trường”.
Chia tay vợ chồng Mậu, tôi và bà xã đến nhà chị Lê Thị Ngọc. Chị dạy Hóa, là ngưởi cùng tôi có mặt vào cái thuở ban đầu của trường THPT Buôn Hồ. Tôi đã gặp chị vào 7 năm trước, còn bà xã thì chưa hề, kể từ dạo từ giã mái trường đầu đời dạy học. Vì vậy, gặp nhau lần này rất đặc biệt, đặc biệt hơn là ở nhà của anh chị ấy số 23 Phạm Văn Đồng, phường An Lạc, TX Buôn Hồ. Căn nhà đơn sơ với một vườn sau vừa chăn nuôi, vừa trồng cây ăn trái vừa “chơi” hoa đủ loại. Vợ chồng tôi ngồi cùng anh chị ôn lại chuyện xưa. Bao nhiêu kỉ niệm lũ lượt kéo về. Kỉ niệm về căn nhà tranh của anh chị, căn nhà lá của tôi ở cùng Mật và Đẳng. Hai căn nhà tranh trên đồi, xa hẳn khu dân cư, bên nhau đón một cơn gió lộng, một cột bụi đỏ,… và san sớt cả nỗi cô liêu.
Chúng tôi lại ra vườn sau. Ai lại “nhốt” mình trong phòng thế. Ra sân sau đi. Đất trời, cây trái Buôn Hồ mãi thông thoáng đón người xa trở lại. Chúng tôi lại ra vườn. Những vồng sắn, những luống khoai lang, rau cải xưa lại nối tiếp câu chuyện còn dang dở trong phòng khách. Đang rôm rả chuyện, chị bảo anh xem có trái cây nào chín hái làm quà cho hai em. Chị chưa dứt lời, anh đã xông xông về phía những cây hồng. Còn nhiều trái chín nhưng chót vót ngọn cây. Anh gọi đứa con trai ra giúp. Chị bảo nhà có vườn không. Cười: Chị cho một ít mang về thì có. Có chậu không. Có. Vậy chị cắt mấy nhánh tiểu quỳnh về trồng để nhớ nghe.
Nếu không có cuộc gọi của người chị, vợ chồng tôi cũng chưa tạm biệt anh chị. Bên anh chị, chúng tôi cảm giác thân thuộc, ấm áp như ruột rà. Nhưng biết làm sao được. Phải từ giã thôi. Anh chị tiễn vợ chồng tôi ra cổng. Tôi lại bắt tay anh chị. Bỗng nhiên, trong tôi vang lên lời ca dao Bình Định, Phú Yên (quê anh) - câu ca có hương vị đậm đà:
Tiếng đồn con gái Phú Yên,
Đồng Nai đi hỏi một thiên cá mòi.
Chẳng tin giở quả ra coi,
Rau răm ở dưới cá mòi ở trên.
Hoàng Dục
12-11-2014
__________
xúc động quá
Trả lờiXóahạt hạnh nhân vietnuts