Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

569. HỌC VĂN GÌ?


    Ở đời, con người ta nhiều khi rơi vào tình trạng bé cái nhầm đến khóc hổ ngươi cười ra nước mắt. Có những điều tưởng đã thấu tỏ ngọn nguồn hóa ra u u minh minh. Có những việc nghĩ dễ như bỡn, chỉ là chuyện vặt hóa ra quá to tát, càng cố gỡ càng rối như canh hẹ. Có những khái niệm ngỡ đã thuộc nằm lòng, có thể trả lời vanh vách nhưng rồi lại ngắc ngứ à uôm…
      Chẳng hạn, trả lời câu hỏi, học văn để làm gì, xưa nay tưởng đã ổn thỏa rồi, nay giải đáp lại càng phức tạp. Nhất là mới đây, khi tiếp cận với hai bài viết: Học văn để làm chi hè? của Bọ Lập đăng trên Quê Choa, ngày 17-10-2014 và Học văn để làm gì? của Nguyễn Vạn Phú, cũng ở trang blog này, ngày 19-10-2014, thì mới thấm thía cái tâm lí “tưởng”, “ngỡ” của con người trước bộ môn văn trong nhà trường.
  Cả hai bài viết đều lấy cảm hứng từ phát ngôn cực kì đỉnh cao trí tuệ của bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Tôi phải nói thật là môn văn rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được (...). Môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp”. Mỗi tác giả có hệ thống lập luận riêng, có văn phong riêng nhưng đã chỉ rõ thực trạng môn văn trong nhà trường hiện nay.
   Trong bài viết Học văn để làm chi hè?, Bọ Lập viết: “Ở một xã hội lấy đạo đức giả làm căn bản thì văn chương (thứ thiệt) là thứ nguy hiểm càng tránh xa càng tốt. Ở một xã hội mà bọn đạo đức giả luôn lấy món nhân văn ( giả cầy) làm ngọn cờ  gương mẫu uy tín thì càng học văn càng nguy hiểm, càng học văn càng giết chết văn, giết chết luôn tính người trong mỗi chúng ta”. Còn Nguyễn Vạn Phú, qua Học văn để làm gì? bày tỏ: “Điều đáng buồn, môn Văn ở nhà trường hiện nay chưa làm được ngay cả mức độ thấp là trao cho người học kỹ năng ngôn ngữ để đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ. Ở mức độ rung lên từng sợi dây cảm xúc của học trò để những cái như lòng can đảm, đam mê, hoài bão, nói chung là mọi xúc cảm cần thiết để làm người trọn vẹn thì môn Văn đang bế tắc, đang giết lần giết mòn những rung cảm còn sót lại ở học sinh vì sự khô cứng, khuôn mẫu và gò ép”.
     Đọc xong hai bài viết mới ngộ ra cái bi kịch của sự “tưởng”, sự “ngỡ” trong việc nhận thức về môn văn trong nhà trường; về việc dạy và học văn hiện nay. Môn văn không là cái bóng của hiện thực mà là “kẻ sinh đôi thất lạc từ lâu của cuộc đời” như quan niệm của nhà phê bình Dana Stevens viết trên tờ New York Times mà Nguyễn Vạn Phú dẫn trong bài viết nêu trên. “Văn chương là kẻ sinh đôi thất lạc từ lâu của cuộc đời, là kẻ đóng thế xấu xa, là tấm lót mượt như nhung, là hồn ma than khóc của cuộc đời”. Đúng là cái gì có trong văn chương cũng có trong cuộc đời. Nhưng cái gì cuộc đời chưa có lại có trong văn chương. Đó là hiện thực và ước mơ. Đó là hiện thực và lãng mạn. Đó là cái thẩm mĩ, giá trị đích thực của văn chương chứ không phải thứ nào khác.
     Và đó là điều không thể khác được, không thể “tưởng” và “ngỡ” về môn văn trong nhà trường nói riêng, về văn chương nói chung. Và như thế, những câu hỏi “Học văn đề làm chi hè?”, “Học văn để làm gì? hay “Học văn như thế nào” là cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là Học văn gì? 
Hoàng Dục
20-10-2014
__________



 


1 nhận xét: