Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

566. CÁI NẮNG QUÊ NHÀ

vàng nắng
Mặc dầu đang chuẩn bị lập đông vậy mà cái nắng vẫn tung hoành, không khí vẫn hầm hập, nắng vẫn rát bỏng da người. Bốn ngày ở quê là bốn ngày sống chung với cái nắng ẩm rít ráp, nhưng xem chừng không có nó như thiếu một người thân. Bởi đó là cái nắng của thuở thiếu thời, cái nắng của rong chơi thời gian giữa chốn quê nhà, cái nắng tạo nên nét riêng của địa văn hóa vùng miền.
      Thực ra, cái nắng hôm nay khác nắng hôm qua, cái nắng thực tại không giống cái nắng ngày xưa. Nhưng trong lòng người xa xứ về lại nơi chôn nhau cắt rốn, cái ngày xưa vẫn vẹn nguyên trong cái hôm nay. Nhất là ngồi bên bạn cũ, cùng những người thân trong dòng tộc đi chạp mộ, thì cái nắng ấy như là một điểm nhấn mới để thêm yêu nét đẹp của văn hóa quê nhà. Đó là tâm lí của tôi trong những ngày về quê chạp mộ.
NKM, Dương, Điệp và Dũng
      Lần về quê này, tôi lại gặp bạn một thời Trung học Hương Điền. Tôi cùng Cao Hữu Điệp, Nguyễn Dương - những bạn chung bàn những năm đệ thất, đệ lục ở trường quận - quây quần với nhau ở quán Phố Cát, Điền Hải. Cho dù, quán vẫn còn hơi hướm cái nắng khô khốc của cát biển bị mặt trời rang lên đang nguội dần, chúng tôi vẫn không rời ngày xưa. Những kí ức vui buồn ngày ấy cứ nung nóng lên như những trảng cát vàng cháy nhoài người ra tận biển ngoài kia. Những trò hoang nghịch của tuổi nhỏ tưởng chừng bao năm giấu kín nay “bạch hóa” tất cả. Cười tưởng vỡ quán. Cũng may quán vắng, nếu không sẽ bị đánh giá, các bác này chẳng ra thể thống gì. Không sao. Sao có thể đằm đằm lặng lặng khi gặp bạn xưa. Gặp bạn xưa  là gặp lại cái nắng ngày cũ sau thời gian dài mưa dầm. Gặp lại bạn xưa trên chính quê hương mình là để giữ mãi cái nắng tình yêu quê nhà.
      Những năm trước tôi cũng về quê chạp mộ nhưng nắng rất thưa. Trời râm mát, nước đã ngập đồng. Năm nay, đồng khô cỏ cháy. Bà con quê tôi chép miệng, hơn mấy tháng rồi trời chẳng thương người cho lấy một giọt mưa! Cũng may đang vào thời điểm chuyển mùa, nếu không thì thất bát. Nhưng dù có nắng khô, nắng hanh, nắng lửa vẫn đi chạp mộ. Chạp mộ đâu còn là một tập tục mà là truyền thống, là tư tưởng cội nguồn, nét đẹp tình nghĩa của con người Việt, nét đẹp của văn hóa làng.
      Nhiều lúc tự hỏi, tại sao quê tôi lại chạp mộ vào mùa mưa bão. Để rồi được trải nghiệm, mới thấy tổ tiên sáng suốt khi chọn thời điểm tháng 9, tháng 10  của năm. Đây là thời điểm nông nhàn, sau một mùa đông rồi mùa xuân, mùa hạ, cây cối trở nên um tùm, rậm rạp hơn; và quan trọng nhất là đất cát không chảy, không bay phù hợp với việc làm đẹp mồ mả. Không chỉ một nhánh, một họ mà tất cả chạp mà trong vòng thời gian ấy nên con cháu nội ngoại đều có thể tham gia, nhất là thuận lợi với con cháu ở xa về. 
     Vậy mà năm nay trời không mưa. Trời cứ chang chang nắng. Trong cái nắng ấy, tôi đi chạp mộ của nhánh mình. Một buổi mả trội, một buổi mả chính  thấm mồ hôi. Tôi nhìn những thân tộc của tôi, người vun mộ, người cào lá, người dẫy cỏ, người trang, người thắp hương mà thấy lòng ấm áp quá. Tôi cảm giác những giọt mồ hôi chảy dài trên mặt, trên cổ, thấm ướt lưng áo của họ long lanh nét đẹp họ hàng; tư tưởng người chết sống cùng người sống của người Việt; sống bình yên trong mái ấm gia đình, chết sống với mồ yên mả đẹp. Nhìn cái cách cẩn trọng kéo cát lên, chật vật trang láng nấm mồ trong tình trạng cát khô ran của họ; cát kéo lên lại sụt xuống, trang đi trang lại cát vẫn nhôm nhoam, lỗ chỗ, tôi cảm giác cái nắng chơi khăm chúng tôi. Nhưng biết làm sao được, bởi đó là cái nắng quê tôi, cái nắng giúp tôi hiểu thêm tình thân tộc, thấm thía hơn đạo lí “uống nước nhớ nguồn”.
     Để rồi… cũng từ đó, nhận ra rằng, yêu quê đâu chỉ yêu cái thời đã gắn bó mà yêu cái thời đang sống; yêu quê đâu chỉ yêu cái đẹp mà yêu cả cái chưa đẹp, yêu những cái riêng độc đáo làm nên văn hóa làng, làm nên tiếng nói, tính cách của con người có gốc gác từ làng quê ấy.

     Hoàng Dục
     4-10-2014
     ______________
 
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét