Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

572. LAN MAN TRƯỚC MÀN HÌNH TV

    
Yểu điệu thục nữ (Kỷ niệm PHCT)

Kể từ ngày bỏ lại đằng sau phấn trắng bảng xanh, bỏ lại những nụ cười của tuổi trẻ, mình đâm ra nghiện TV vào khoảng 20 đến 22 giờ. Mà đã nghiện TV thì nghiện luôn cả phim truyền hình Hàn Quốc, Nhật Bản chiếu chật cả thời gian, nêm cứng cả khoảng trống giải trí của mình. Không những thế, mình cũng được no mắt đầy tai tiếng nhạc, tiếng hát, điệu nhảy của những “Việt Nam Idol”, “Thử thách bước nhảy”, “Hành trình kết nối những trái tim”,… Nói chung, những gì thuộc về tài năng, về cái gọi là cá tính, về tình cảm yêu đương của tuổi trẻ Việt, mình được xem tất.
      Phải thật thà rằng, những gì được xem đã tạo nên dư chấn xúc cảm trong lòng mình. Mình thấy rất tự hào về tuổi trẻ Việt đương đại. Sao mà họ “hot”, họ “cháy”, họ “lửa”, họ “cực kì cá tính” và… họ “nóng bỏng”  thế. Chính họ chứ không phải ai khác làm cho ao làng giải trí của xứ sở nhiệt đới này không bao giờ hạ nhiệt, ngược lại cứ sôi sùng sục, cứ chảy cuồn cuộn như dung nham núi lửa, khiến người xem như rơi vào cảm giác bỏng rát đam mê, bổi hổi bồi hồi cả hồn vía.
      Không những nước mình tuổi trẻ tài cao, luôn khẳng định mình mà ở các nước khác cũng thế. Ở độ tuổi 15, 16, các cô các cậu ấy đã có nhận thức sâu sắc, có hành động mạnh mẽ, có bản lĩnh dám khẳng định chính kiến, giá trị của chính mình trong mọi lĩnh vực. Tuổi trẻ hiện đại sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc làm của họ, về cái tôi của họ. Đó là một phẩm chất đáng trân trọng.
      Vậy mà, hiện tại rất nhiều người lớn lại có cái nhìn lưu cữu không mấy thuận lợi cho những người tuổi nhỏ. Trong mắt người lớn, lứa tuổi thanh thiếu niên là tuổi ăn tuổi lớn, ăn chưa no lo chưa tới. Lứa tuổi ấy không thể tồn tại độc lập, tư duy độc lập được. Họ phải được chở che bởi bóng cây của người lớn nếu không chẳng thể nên người. Cái bóng nắng người lớn mãi định hướng  họ sẽ ngã về đâu trước những lối rẽ cuộc đời. Nhìn như thế, quan niệm như thế nên thấy môi trường sống thực tại có quá nhiều rủi ro đối với tuổi trẻ. Thế là người lớn có hành động bao cấp, có tư tưởng thị phạm, lấy sức mạnh của mình làm bệ phóng cho con cái. Người lớn không cho tuổi trẻ vượt ra khỏi cái bóng nhạt nhòa của họ, thoát ra khỏi hình mẫu cũ kĩ của họ để khẳng định mình.
       Phùng Quán từng viết câu thơ thú vị: Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy (Thơ đề trên thơ-1965). Ý thơ cái ông nghệ sĩ “Rượu chịu, văn chui, cá trộm” này, xem ra cũng có ý nghĩa cho người lớn trong việc giáo dục con cái đây. Chỉ chìa bàn tay ra khi các bạn trẻ vấp ngã, còn không hãy để cho chúng mạnh dạn bước đi bằng đôi chân của chính mình.
        Hãy tôn trọng người nhỏ tuổi bởi họ cũng là một con người với tất cả các quyền tự nhiên và xã hội vốn có của họ. Tôn trọng tuổi nhỏ chính là tôn trọng tương lai của họ mà tôn trọng tương lai là tôn trọng sự sống, đó là một sự thật.
       Hoàng Dục
       14-12-2014
       ____________
        

1 nhận xét: