Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

581. KĨ NĂNG LÀM VĂN NLXH

I. Vấn đề khái niệm:
      1. Nghị luận xã hội là dạng bài văn bàn luận về một vấn đề thuộc về xã hội như chính trị, đạo đức, đạo lí, lối sống, tư tưởng, quan niệm,…
      2. Các vấn đề đặt ra trong bài nghị luận xã hội thường rất rộng có thể là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế, những quan niệm về cách sống, cách xử lí việc đời. Nói khái quát, nghị luận xã hội bàn đến mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên theo nghĩa rộng của từ văn hóa.

II. Các dạng đề văn nghị luận xã hội:
      1. Theo sách giáo khoa hiện hành, nghị luận xã hội trong chương trình phổ thông gồm ba dạng:
         a. Nghị luận về vấn đề tư tưởng, đạo lí.
            - Dạng đề này thường mượn một danh ngôn, một nhận định, một câu tục ngữ, ca dao để yêu cầu người viết bàn luận và thể hiện tư tưởng quan điểm, thái độ của mình về nội dung tư tưởng và đạo lí chứa trong câu.
             Ví dụ:
                      Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống” (Lép Tôn-xtôi).
            Anh (chị) hãy nêu suy nghĩ về vai trò của lí tưởng nói chung và trình bày lí tưởng riêng của mình.
            - Yêu cầu về nội dung của bài nghị luận này là phải làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh đối chiếu, phân tích,… để chỉ ra chỗ đúng hay chỗ sai của một tư tưởng, một quan niệm nào đó, nhằm khẳng định tư tưởng, quan điểm của người viết. Về hình thức, bài viết phải có bố cục ba phần; có luận điểm đúng đắn, sáng tỏ; lời văn chính xác sinh động.
         b. Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống.
              - Dạng đề này thường nêu lên một hiện tượng, một vấn đề có tính thời sự, được dư luận trong nước cũng như cộng đồng quốc tế quan tâm; từ đó yêu cầu người viết bàn luận.
              Ví dụ:
                        Quan niệm của anh (chị) về lối sống giản dị của một con người.
              - Yêu cầu về nội dung của bài nghị luận này là phải nêu rõ được sự việc, hiện tượng có vấn đề; phân tích mặt sai, mặt đúng, mặt lợi, mặt hại của nó; chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ, ý kiến nhận định của người viết. Về hình thức, bài viết phải có bố cục mạch lạc; có luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực, phép lập luận phù hợp; lời văn chính xác, sống động.
         c. Nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.
              - Tác phẩm văn học có nội hàm mang ý nghĩa xã hội qua hệ chủ đề của nó. Người ra đề có thể từ một đoạn văn, một câu văn trong tác phẩm dài hay từ một tác phẩm ngắn, yêu cầu người viết bàn luận về vấn đề xã hội  mà nhà văn đặt ra trong đó.
              - Dạng đề này nhằm đồng thời rèn luyện năng lực đọc - hiểu văn bản văn học và năng lực làm văn nghị luận. Đây là dạng tích hợp giữa đọc văn và làm văn. Đặc điểm của dạng đề này là dựa vào một vấn đề xã hội có ý nghĩa sâu sắc nào đó đặt ra trong tác phẩm văn học, yêu cầu người viết phát biểu, bàn bạc về ý nghĩa vấn đề đó. Vấn đề xã hội có ý nghĩa có thể lấy từ hai nguồn: Tác phẩm văn học đã học trong chương trình. Một câu chuyện nhỏ, một văn bản văn học ngắn gọn mà học sinh chưa được học. Với dạng đề từ nguồn thứ hai này, người viết phải đọc - hiểu văn bản văn học cho trong đề, rút ra ý nghĩa của truyện rồi sau đó mới nghị luận về vấn đề đó.
              - Dạng đề này không phải là nghị luận văn học. Tác phẩm văn học chỉ là cái cớ, mục đích chính của đề bài này vẫn là yêu cầu người viết bàn bạc, nghị luận về một vấn đề xã hội, đạo lí, tư tưởng, nhân sinh,… Từ vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học đó mà luận bàn và kiến giải. Trong trường hợp này, tác phẩm văn học chỉ được khai thác về giá trị nội dung tư tưởng, rút ra ý nghĩa xã hội khái quát của tác phẩm ấy. Tác phẩm văn học nào cũng có ý nghĩa xã hội nhất định. Điều quan trọng là vấn đề xã hội đó có mang tính thời sự, tính giáo dục sâu sắc, có phù hợp với tâm lí tuổi trẻ học đường hay không ?
               Ví dụ:
                        Từ bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến, anh (chị) hãy viết bài văn bàn về danh và thực trong cuộc sống hiện nay.
               - Bài viết cho dạng đề này, ở phần thân bài thường gồm hai nội dung lớn:
                - Phần một: phân tích, giới thiệu và nêu vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học. Nếu đề văn nêu sẵn vấn đề rút ra từ tác phẩm văn học đã học, thì phân tích qua vấn đề ấy đã được thể hiện như thế nào trong tác phẩm. Nếu đề nêu một một văn bản chưa học, không cho sẵn vấn đề thì cần đọc - hiểu, phân tích để rút ra vấn đề xã hội và ý nghĩa của vấn đề trước khi đi vào phần hai.
               - Phần hai (trọng tâm): nghị luận về vấn đề xã hội rút ra từ tác phẩm văn học. Khi đã có vấn đề (đề tài, chủ đề) cần bàn bạc rồi, thì mới bắt đầu làm bài nghị luận xã hội, nêu lên suy nghĩ của bản thân về vấn đề ấy.       

         ◊ Bảng đối chiếu ba dạng đề:

Dạng đề/ So sánh
          Giống nhau
               Khác nhau
NL một vấn đề tư tưởng, đạo lí
- Bàn luận và thê hiện tư tưởng, quan điểm, thái độ của mình.
- Sử dụng tổng hợp các thao tác nghị luận, phương thức biểu đạt trong đó phương thức lập luận là chính.
Vấn đề tư tưởng, đạo lí qua một danh ngôn, một nhận định, đánh giá, một câu tục ngữ.
NL một sự việc, hiện tượng đời sống
- Bàn luận và thê hiện tư tưởng, quan điểm, thái độ của mình.
- Sử dụng tổng hợp các thao tác nghị luận, phương thức biểu đạt trong đó phương thức lập luận là chính.
- Vấn đề có tính thời sự;
- Vốn hiểu biết về thực tại đời sống;
- Sự quan tâm đến đời sống ở mức độ nào đó.
NL một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học
- Bàn luận và thê hiện tư tưởng, quan điểm, thái độ của mình.
- Sử dụng tổng hợp các thao tác nghị luận, phương thức biểu đạt trong đó phương thức lập luận là chính.
- Năng lực đọc- hiểu TPVH;
- Kiến thức lịch sử văn học.
    
    2. Vấn đề cần rút ra:
         Căn cứ vào khái niệm và các dạng đề đã nêu trên, có thể khẳng định rằng: Phân chia NLXH thành ba dạng đề chỉ có ý nghĩa tương đối, còn thực chất, các dạng đề đó dều có một mục đích chung là bàn bạc, đánh giá về những vấn đề chính trị xã hội, quan niệm, tư tưởng, đạo lí, lối sống,… cúng chỉ khác nhau về nguồn tư liệu đề hình thành luận đề mà thôi.
         Vì vậy, có thể gọi tên ba dạng đề trên như sau:
            - Nghị luận một vấn đề xã hội qua một ý kiến, nhận định, tục ngữ,…         
            - Nghị luận một vấn đề xã hội qua một hiện tượng đời sống.        
            - Nghị luận một vấn đề xã hội qua một tác phẩm văn học.         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét