Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

582. KĨ NĂNG LÀM VĂN NLXH (TT)

III. Kĩ năng làm bài:

       1. Các thao tác nghị luận trong phần thân bài.

            Ngoài bố cục của một bài làm văn thông thường, ở đây chỉ giới thiệu các thao tác nghị luận cần làm trong phần thân bài. Dù mỗi dạng đề bài có thao tác riêng như đã nêu trên, nhưng vẫn thực hiện các thao tác chung như sau:
          a. Ý nghĩa của vấn đề (Giải thích)
              Giải thích gồm hai bước:

               - Giải thích khái niệm (thường đặt câu hỏi Là gì?)

               - Giải thích ý nghĩa (thường đặt câu hỏi  Thế nào? Tại sao?)

          b. Biểu hiện trong đời sống (Chứng minh)

               Dùng lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ vấn đề, khiến người đọc hiểu và tin vấn đề mà người viết đang bàn luận là xác thực. Dẫn chứng có thể lấy từ ba nguồn:

               - Thực tế (chủ yếu);

               - Giả thiết;

               - Văn học.

          c. Quan điểm của người viết (Bình luận)

               - Vấn đề cần nghị luận đúng hay sai,… thế nào cần được khẳng định dứt khoát.

               - Phê phán những mặt sai, măt chưa tốt còn tồn tại trong suy nghĩ, lối sống của con người trong xã hội theo quan điểm của vấn đề nghị luận và của bản thân.

               - Bản thân học tập được gì?

       2. Các bài làm tham khảo (*)



           a. Dạng đề nghị luận vấn đề xã hội qua một ý kiến, nhận định, tục ngữ,…    

            Đề:

                  Là thanh niên, anh (chị) nghĩ gì hai câu thơ sau của Cao Bá Quát:

                      Không đi khắp bốn phương trời

                      Vùi đầu áng sách uổng đời làm trai.



                                   Bài làm tham khảo:



            Đối với thanh niên ngày nay, chúng ta đang tuổi học hành và thi cử. Chúng ta ngày tháng miệt mài sách vở, những mong nhờ đó mà lập thân ở đời, khẳng định giá trị của mình trong cuộc sống. Nhưng có nhà thơ lại khuyên:

                             Không đi khắp bốn phương trời

                             Vùi đầu áng sách uổng đời làm trai.

Phải chăng việc vùi đầu áng sách sẽ uổng một đời thanh xuân, lãng phí tháng ngày  tuổi trẻ ? Và phải chăng đi đó đi đây mới xứng đáng với hai chữ “thanh niên”, mới không đánh mất ý nghĩa đời người ?

            Bình tĩnh mà xét, việc học vốn không dễ dãi chút nào. Cổ nhân có câu: “Song tiền cần khổ học”. Tục ngữ phương Tây nói: “Sự học là một thứ cây mà trái thì ngọt nhưng rễ thì đắng”. Chúng ta học tập, là thời kì trồng cây học vấn ấy, trái ngọt chưa đến, nhưng rễ đắng thì thường nếm phải. Đời học sinh là sự khổ luyện, khi thì giam mình trong bốn bức tường dưới kỉ luật của thầy; khi lại quanh quẩn bên bàn học, lúc nào cũng lúi cúi trên trang sách, bận bịu suy nghĩ. Phải chăng đó là khép kín sự sống, tự giới hạn tầm nhìn, sự hiểu biết của ta. Nói đúng ra, có lúc ta  vui vẻ hả hê như khi làm bài được điểm cao, cuối năm xếp thứ hạng cao, cuối cấp thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt. Hay có lúc mình vui với mình, ấy là khi ta hiểu thấu đáo một bài học, cảm nhận được cái hay cái đẹp của văn chương, giải được một bài toán khó. Nhưng đấy chỉ là những niềm vui ít ỏi, niềm vui nhọc nhằn, không khỏi làm cho ta nhiều lúc thấy thiếu thốn và buồn tẻ của chuỗi ngày “nhai văn nhá chữ” (chữ của Cao Bá Quát).

            Nhất là tuổi thanh niên chúng ta lại là tuổi đang phát triển từ cơ thể đến hệ thống cảm giác, đời sống tinh thần, chúng ta lại giam mình trong phòng học, “vùi đầu  áng sách”, một thế giới trừu tượng và lí thuyết; làm sao ta không mong ước được hướng đến với thế giới bên ngoài, những phương trời xa lạ  đầy cụ thể, sinh động đang mời gọi.

            Cuộc sống ở bốn phương trời ! Cuộc sống bên áng sách ! Cuộc sống nào hấp dẫn hơn, thú vị hơn ?  Có gì thú vị hơn khi rong ruổi trên đất liền, khi lênh đênh trên biển cả; nơi núi ngàn thẳm thẳm, nơi sa mạc mênh mông, giữa thành phố tưng bừng ánh sáng,… lúc ấy cảm giác ta giàu có biết bao:

                         Vào tai ta  là thanh

                         Vào mắt ta là sắc

                         Lấy nào sợ ai ngăn

                         Dùng có bao giờ hết…

            Ta mở tâm hồn cho cái kho vô tận của trời đất ùa vào. Đi xa, còn phương tiện nào hơn để góp nhặt cảm giác, kích thích bản ngã, làm giàu có cuộc đời. Cho nên là tuổi thanh niên ham sống, sống say sưa, sống rộng rãi, chúng ta làm sao ngăn nổi sự xúc động trước những viễn tượng của những chân trời mới lạ; làm sao nín lặng bởi tiếng gọi xa xăm; làm sao có thể ẩn mình vào áng sách được.

            Sự đi xa càng đáng mong mỏi hơn nữa bởi không những nó là một nguồn vui thú cho cảm giác, nó còn là một phương tiện hữu ích để tự trau dồi, để học hỏi những kiến thức mới mẻ của nhân loại. Trước hết, “đi khắp bốn phương trời” là để làm rộng thêm, mới thêm cho những gì  học ở nhà trường. Bao nhiêu môn ta nghiên cứu ở nhà trường cũng chỉ là lí thuyết. “Đi khắp bốn phương trời” là biến lí thuyết đó thành hành động. thành thực tiễn. Học trong áng sách, ta có thể biết hết các danh nhân thế giới, sông núi năm châu; nhưng tất cả chỉ sống trong tưởng tượng và bằng tưởng tượng. Biết dòng sông Cửu Long không thể xúc cảm như khi đứng trước dòng sông này. Biết vua Quang Trung xuất quân từ đèo Tam Điệp chiến đấu ròng rã mười lăm ngày để vào Thăng Long khi áo bào đã xạm đen thuốc súng, nhưng  khó có thể tự hào hơn khi thăm Tam Điệp, khi ngắm áo giáp của Quang Trung trong viện bảo tàng. Như vậy đi là để mà học, học trong sách vở, học ở cuộc đời, học dân tộc và học nhân loại. Đi là làm sống lại, cụ thể hoá, sinh động hoá những gì ta đã học trong sách vở.

            “Đi khắp bốn phương trời” như thế chẳng những thú vị mà còn hữu ích cho học vấn của ta. Sự bổ ích ấy không đơn giản là bổ khuyết học thức mà còn ở trau dồi tính tình. Tục ngữ có câu:

                       Ở nhà nhất mẹ nhì con,

                       Ra ngoài lắm kẻ còn dòn hơn ta.

            Có  vượt ra ngoài phạm vi chật hẹp của sách vở, của không gian sinh tồn, chúng ta mới thấy những cái “dòn” của người, mới nhận ra cái không “dòn” của mình. Ta mới dẹp bớt được tự ái và kiêu căng, trở nên khiêm tốn hoà nhã hơn. Dù ra ngoài, ta không thấy những điều người ta hơn mình, chỉ thấy những cái người ta khác mình cũng đủ có ảnh hưởng tốt cho tính tình của ta. Thường tình con người nếu chỉ sống một chỗ, chỉ theo truyền thống và tập quán của một địa phương thì sự phán đoán về phải trái, hay dở có phần lệch lạc, dễ rơi vào cực đoan. Có đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều tộc người, với những tập quán và tư tưởng riêng biệt của họ ta mới sinh ra tưởng khoan thứ, lòng độ lượng, bao dung và có cái nhìn toàn diện về những giá trị của xã hội. Bỏ thành kiến chúng ta mới bỏ được tinh thần địa phương hẹp hòi, bỏ được thứ chủ nghĩa ái quốc cực đoan để lòng mình thấm nhuần tình nhân loại.

            Mà dù chúng ta có tha thiết với địa phương, với Tổ quốc, dù ta ấp ủ tình yêu nước chân chính thì việc đi “khắp bốn phương trời” vẫn chẳng phương hại gì đến tình cảm thiêng liêng ấy. Yêu nước không phải đóng chặt cửa để thắp hương lên bàn thờ Tổ quốc. Yêu nước chính là tha thiết mong muốn làm sao đất nước mạnh giàu, thêm giỏi thêm hay. Muốn vậy phải học tập cái hay cái giỏi của người. Chúng ta học sử đều biết chính sách “bế quan toả cảng” của triều Nguyễn đã đưa đất nước đến chỗ bại vong như thế nào. Một Nguyễn Trường Tộ mong cầu canh tân đất nước, một Nguyễn Lộ Trạch muốn đổi mới đất nước, nhưng tiếng nói của họ không lan thấm, không vang xa được. Giá như, tất cả các tri thức phong kiến ngoài Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch đều được ra nước ngoài, mở rộng tầm nhìn chắc đất nước sẽ không rơi vào tay thực dân Pháp. Ngày nay, đất nước ta độc lập, thống nhất; nhưng chúng ta vẫn còn nghèo, chưa phát triển như các nước trong khu vực và thế giới, vậy thì việc tạo điều kiện ra nước ngoài học tập những gì tiên tiến của họ là cần thiết và quan trọng. Như thế, “đi khắp bốn phương trời” đâu chỉ thú vị và hữu ích cho cá nhân mà đứng trên quan điểm quốc gia, xã hội vẫn có nhiều cái hay cái lợi.

            Tuy nhiên, ở đây cũng như nhiều vấn đề khác là không được thái quá. Việc đi ra nước ngoài học tập phải lấy nền tảng dân tộc, lợi ích quốc gia làm đầu; từ đó phải biết gạn đục khơi trong để đất nước giàu mạnh, văn minh nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Đấy là điều cốt lõi mà thanh niên ngày nay cần suy ngẫm.

            Muốn như vậy, thanh niên chúng ta trước khi ra nước ngoài học tập cần có sự chuẩn bị. Chuẩn bị về thời gian và tinh thần: phải đến tuổi biết suy nghĩ, trí óc khá mở mang, đã thực sự hình thành tình yêu với đất nước nhân dân, có nghĩa vụ với Tổ quốc. Chuẩn bị về học thức: đến nước nào phải thông thạo ngôn ngữ nước ấy, phải hiểu biết khá cao về chuyên môn mà mình nghiên cứu và phải hiểu biết văn hóa của đất nước ấy. Có chuẩn bị như vậy, thanh niên chúng ta khi ra nước ngoài học tập mới có thể tiếp thu được cái hay, cái đúng của họ.

            Như vậy “vùi đầu vào áng sách” là cần thiết như ra nước ngoài học hỏi. Ra nước ngoài là chúng ta bổ khuyết những gì học trong nhà trường. Sự vùi đầu vào áng sách chính là sửa soạn cho chúng ta cái vốn học thức để đi xa học hỏi thêm. Cái học trong sách như vậy, chúng ta không nên vì hai câu thơ trên mà khinh rẻ ghét bỏ nó. Sống trong thế giới văn minh ngày nay, thanh niên ở nước nào cũng vậy phải trải qua một thời dùi mài kiến thức, giành giựt văn bằng. Và cái học ở sách vở đôi khi nhọc nhằn buồn tẻ đã trở thành một bổn phận đối với bản thân, đất nước, với một xã hội văn minh. Chính học ở sách vở đem đến cho chúng ta học thức tối thiểu để hiểu mình, hiểu người, hiểu thế giới, hiểu xã hội để đi lại đó đây khắp bốn phương trời, cùng làm việc và sống chung với nhân loại.

            Những gì đã trình bày ở trên đã đối thoại được trong chừng mực nào đó đối với nhà thơ. Vùi đầu áng ách cũng chưa hẳn uổng đời làm trai. Uổng phí khi nào ta chỉ biết sách mà không biết đi khắp bốn phương để tìm tòi học hỏi cái hay cái mới của người. Nói chung, học phải đi đôi với hành, lí thuyết phải kết hợp với thực tiễn, cá nhân phải hoà nhập với cộng đồng,… như thế mới là học tập tốt. Riêng với thanh niên ngày nay, nước nhà đang thời kì phát triển cần phải đóng góp công sức, trí tuệ của mình. Muốn như vậy, thanh niên phải biết kết hợp học ở sách, học ở các phương trời, học ở dân tộc, học ở nhân loại để trở thành người công dân có ích cho dân tộc, cho đất nước.



            b. Nghị luận một vấn đề xã hội qua một hiện tượng đười sống.   

            Đề:

                  Hiện nay, nhiều người lo ngại sự bùng nổ công nghệ thông tin khiến người ta đâm ra biếng đọc sách. Mối lo ấy, theo anh, chị có chính đáng không ?



                           Bài làm tham khảo:



            Những ngày cuối của năm 2000, con người nhìn lại chặng đường một thế kỉ mà nhân loại đã bước qua và khẳng định: công nghệ thông tin là một trong những phát mình vĩ đại nhất của thế kỉ XX và của lịch sử loài người. Internet - “người đại diện” tiêu biểu nhất của công nghệ thông tin - đã làm nên những điều kì diệu. Ai cũng hân hoan trước thành tựu ấy, nhưng cũng có không ít người bắt đầu lo lắng: công nghệ thông tin với khả năng mang lượng thông tin khổng lồ, phải chăng sẽ khiến con người không còn thiết tha với sách, với việc đọc sách - một công cụ khác của thông tin. Liệu sự lo lắng ấy của một số người có chính đáng không ?

            Sự lo lắng này không phải vô cớ. Mỗi năm, có hàng triệu triệu trang thông tin điện tử mới ra đời với mọi loại tri thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thay vì tìm đến với thư viện để tìm kiếm, tra cứu, con người chỉ cần một từ khoá và một cú nhắp chuột thì hàng nghìn trang tư liệu sẽ xuất hiện, cung cấp những gì con người cần một cách nhanh chóng. Cần một cuốn sách Đông Tây xưa và nay, chỉ cần vào thư viện điện tử, e-book, những cuốn sách được số hoá sẽ hiện ra, với những trang sách ảo chẳng khác gì trang sách thực. Bên cạnh đó, với mục đích giải trí, công nghệ thông tin dường như vượt xa các trang giấy in bởi lẽ đi kèm theo nó là những hình ảnh, âm thanh, màu sắc, đường nét,… sống động muôn màu muôn vẻ. Công nghệ thông tin sẽ đem đến cho con người nào nhạc số, phim số, sách số, games và những trang sách ảnh và viết không lành mạnh nữa. Điều đó hoàn toàn khác với những cuốn sách. Dù in ấn trình bày đẹp đến đâu, sách cũng chỉ mở ra có một hình thức, một khuôn cửa sổ giấy trắng mực đen giống nhau. Dẫu đấy là sách viết về các các ngành khoa học, các lĩnh vực chuyên môn như: toán học, địa lí, sinh học,… hay những tác phẩm văn chương đều thế. Trong khi đó, những gì con người thấy qua khung cửa sổ của công nghệ thông tin không bao giờ lặp lại. Khuôn cửa sổ hình thức của công nghệ thông tin rất đa dạng, sống động và luôn nhanh chóng mở ra, mời gọi đầy hấp dẫn. Hiểu về sách và công nghệ thông tin như thế, mới thấy người ta e ngại bầu trời của sách sẽ không còn thu hút những “cánh diều” người đọc cũng là điều dễ hiểu.

            Tuy vậy, sự việc đọc sách khi có công nghệ thông tin có cần thiết và có thực sự phải lo lắng đến thế không ? Lo sách rồi sẽ bị lãng quên trước sự biếng đọc của con người là chính đáng hay không chính đáng ?  Có lẽ nỗi lo đó không thật sự chính đáng, nếu không muốn nói là quá bao đồng. Bởi vấn đề ở đây là đọc sách và sự biếng lười đọc sách chức không phải công nghệ thông tin với việc đọc sách. Nếu như lên mạng, người ta chỉ lang thang tìm những địa chỉ để thoả mãn nhu cầu giải trí đơn thuần như chơi game, xem phim, hay tồi tệ hơn là vào những địa chỉ đen thì đó là một nỗi lo khác chứ không phải lo biếng đọc sách. Còn nếu vào mạng để đọc sách với mục đích trau dồi kiến thức, nâng cao tầm hiểu biết của mình thì có gì đáng lo.

            Nhớ lại câu chuyện ngày xưa, khi sách in ra đời và trở nên phổ biến, có một vị linh mục đã chỉ vào cuốn sách, rồi chỉ vào những đường nét, hoạ tiết kiến trúc truyệt vời trong nhà thờ của mình, và nói: “Cái này sẽ giết cái kia”. Với linh mục ấy và những người thời đó, sách sẽ “giết” những cảm nhận trực tiếp, mắt thấy tai nghe; sách sẽ “giết” những vở kịch, những bức tranh vì lẽ họ đã biết tất cả qua sách rồi. Vậy nhưng, thời gian đã chứng minh điều ngược lại. Những danh lam thắng cảnh, những kiệt tác nghệ thuật như tranh tượng, điêu khắc vì sách mà trở nên nổi tiếng hơn, được quan sát, được nghiên cứu một cách có hệ thống hơn. Những vẻ đẹp, những ghi nhận từ cuộc sống vốn dĩ đã là những chân giá trị thì sẽ không vì sách mà mất đi. Ngược lại, sách với những gì đã nghiên cứu về các ngành nghệ thuật khác ngoài văn chương càng làm sâu sắc hơn, càng khẳng định chắc chắn giá trị của các ngành nghệ thuật ấy. Ngày này với sách cũng vậy. Sách cũng là một chân giá trị. Những trang thông tin trên mạng mỗi năm giới thiệu hàng triệu cuốn sách đến với người đọc, và qua mạng những người bạn giới thiệu sách cho nhau, cùng nhau đọc sách để nâng cao kiến thức, để rèn năng lực cảm thụ văn học, hiểu sâu sắc hơn về con người và cuộc sống, điều đó không có ích hay sao.

            Hiểu như thế mới thấy, người ta chỉ thấy sự lấn át của công nghệ thông tin mà không thấy sự tương tác, sự bổ sung của công nghệ thông tin với việc quảng bá sách, đọc sách. Chưa bao giờ những bạn đọc yêu sách dễ dàng sở hữu cuốn sách mình mong muốn như lúc này, khi chỉ cần vài thủ tục đơn giản, những trang giao dịch sẽ gửi quyển sách đến tận nhà. Không biết những ai lo lắng thái quá về công nghệ thông tin sẽ làm người ta biếng đọc sách có giống như vị linh mục này xưa không ?

            Bên cạnh đó, chúng ta cần xem lại hai chữ “đọc sách”. Khi người ta cầm cuốn tiểu thuyết được in ấn, xuất bản, lật từng trang và đọc, đó là đọc sách. Nhưng khi cuốn tiểu thuyết được đăng toàn văn trên mạng Internet, và người đọc thay vì lật từng trang sách, lại chỉ cần nhấp chuột để đọc, phải chăng như vậy không phải là “đọc sách” ? Trong xu hướng hiện nay, e-book - sách trên mạng càng trở nên phổ biến và rất thuận lợi cho những ai thích đọc sách, tìm hiểu những vấn đề khoa học và thưởng thức cái hay cái đẹp của văn chương. Chỉ cần tìm vào địa chỉ sách, mở trang sách, load xuống và in hay lưu lại trên máy tính… và thế là có sách để đọc rẻ tiền biết bao ! Còn sách in,  không phải ai cũng đủ khả năng mua sách và mua thật nhiều sách. Ngay cả khi sở hữu được những cuốn sách, làm sao người ta lúc nào cũng mang theo bên mình. Trang tìm kiếm lớn nhất thế giới trên mạng - Google - hiện đang nuôi tham vọng đăng tải nội dung hàng triệu đầu sách cũng vì mục đích cung cấp cho những người đam mê đọc sách trên thế giới những cuốn sách dưới hình thức nhanh nhất và gọn nhất. Vậy nên, thấy một người nào đó dành nhiều thời gian cho công nghệ thông tin, ít chăm chú vào cuốn sách in, dù anh ta đang đọc e-book, chúng ta sẽ rất phiến diện cực đoan khi phán xét anh ta không yêu sách, lười biếng đọc sách !

            Sự thật, tình yêu con người dành cho sách khó mà bị thay đổi bởi công nghệ thông tin. Có những người sáng tác và đăng tải trên Internet. Khi những dòng văn của họ được nhiều người đọc hưởng ứng, lập tức những cuốn sách giấy trắng mực đen in tác phẩm của họ và phát hành ra thị trường. Điều kì lạ là, nhiều độc giả vẫn mua những cuốn sách đó, dù họ đã đọc và lưu trữ nội dung tác phẩm vào máy tính. Họ mua vì chính họ yêu sách và đó là bằng chứng không chối cãi cho quan điểm: công nghệ thông tin không thể giết được sách. Còn những kẻ lười đọc vốn dĩ họ đã thế. Công nghệ thông tin với những trò chơi, những phim ảnh, những trang nhảm nhí chỉ giúp họ “thoát” khỏi việc đọc sách mà thôi. Còn những ai “yêu” sách, biết được giá trị và ý nghĩa to lớn của việc đọc sách; có động cơ, mục đích đúng đắn về việc đọc sách; công nghệ thông tin là một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp người đọc bình đẳng trong việc tiếp cận với sách, bất kể giàu nghèo, trí thức hay bình dân.

Điều gì đến tất yếu nó phải đến. Không ai có thể ngăn bước tiến của công nghệ thông tin hoặc bắt người ta phải rời bỏ trang sách trên màn hình để cầm quyển sách mà đọc. Vả lại, nếu người ta cứ ôm mãi một sự lo lắng mà không có biện pháp tích cực thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Tại sao người ta không chỉ cho nhau tầm quan trọng của việc đọc sách ? Tại sao không nói với nhau một cách chân tình, lên mạng giải trí là cần thiết, nhưng đọc sách để làm giàu tri thức là quan trọng hơn. Bởi có tri thức, con người mới biết để sống, để làm việc và để hội nhập thì đọc sách trên mạng và đọc sách in có gì khác nhau. Phải chăng đó mới là cái lo chính đáng ?

            Từ đó, chúng ta mới nghiệm ra một điều lí thú. Con người trong tương lai có thể in những quyển sách đẹp hơn, công phu hơn. Con người có thể tổ chức nhiều cuộc thi về ấn phẩm sách, hoặc hội chợ sách. Con người cũng cần biến công nghệ thông tin thành sự hỗ trợ đắc lực cho sách hơn nữa thay vì kì thị nó. Sách và công nghệ thông tin đều là con đẻ tinh thần của nhân loại. Trên hết, con người cần giữ tinh thần lạc quan và niềm tin vào tình yêu dành cho sách, người bạn đã trải qua bao vui buồn cùng loài người. Và hôm nay, công nghệ thông tin là một người bạn khác sẽ cùng sách in đồng hành, làm bạn với con người trong hàng thế kỉ sau. Vậy thi, tại sao phải lo công nghệ thông tin bùng nổ, người ta sẽ biếng đọc sách nhỉ?   

 

      c. Nghị luận một vấn đề xã hội qua một tác phẩm văn học.         

             Đề:

                  Đọc kĩ truyện ngắn sau:

                      “Thấy cô con gái của mình đi học về muộn, bà mẹ hỏi: “Sao con về muộn thế?”. Cô con gái nhỏ trả lời: “Vì bạn Julie làm vỡ con búp bê của bạn”. Bà mẹ chia sẻ: “À, con ở lại gắn những mãnh vỡ của của con búp bê bị bể chứ gì ?”. Cô bé đáp: “Không, con chỉ giúp bạn Julie khóc thôi.”

                 Từ câu chuyện trên, anh (chị)  nghĩ thế nào về tình bạn?



                                   Bài làm tham khảo: 



            Cuộc đời như một tấm kính ẩn chứa nhiều rạn nứt. Vết nứt ấy lớn dần nhưng không vỡ vụn ra bởi còn chất keo dính giữ lại. Tình bạn là một trong những chất keo ấy. Nó hàn gắn vết nứt cuộc đời và vết nứt trong tâm hồn con người. Câu trả lời hồn nhiên của cô bé nhỏ với mẹ trong câu chuyện “Con búp bê bị bể” gợi ra tình bạn chân thành, cảm động. Khóc cùng bạn đã làm vơi bớt nỗi đau trong bạn, đã chữa đỡ vết thương của bạn. Tình bạn ở câu chuyện có lẽ là chất keo đẹp như vậy.

            Bạn là người không thể thiếu trong cuộc đời ta. Cô con gái nhỏ trong câu chuyện “Con búp bê bị bể” cũng có một người bạn Julie yêu thương của mình. Chỉ với chi tiết con búp bê bị bể, tình bạn trẻ thơ trong sáng, hồn nhiên ấy đã hiện lên đầy cảm động. Người mẹ tưởng con mình “giúp bạn gắn lại những mãnh vỡ” thì nhận được lời cải chính của cô bé: “Con chỉ biết ở lại giúp bạn Julie khóc thôi”. Câu trả lời đầy bất ngờ, tưởng rất ngây thơ nhưng lại rất giàu ý nghĩa. Với tâm hồn trẻ thơ, tình cảm của chúng cũng tươi non như vậy. Việc gắn lại các mãnh vỡ cho con búp bê lành lặn là một việc quá sức với cô bé nên cô chỉ biết giúp bạn khóc. Giúp bạn khóc hay lắng nghe tiếng khóc của bạn là một thái độ, một hành động và cũng là một tình cảm đẹp. “Giúp bạn khóc” là sự thấu hiểu, sẻ chia, làm vơi đi nỗi buồn, nỗi đau, sự trằn trọc suy tư đang vướng mắc trong tâm hồn bạn. “Giúp bạn khóc” nói lên một điều giản dị mà thắm thiết tình bạn, đó là sự yêu thương chân thành. Thì ra tình bạn đích thực bắt nguồn từ chính hành động đơn giản như vậy.

            Ai đó từng nói: “Mọi phẩm chất con người đều bắt nguồn từ hành động” Hành động ứng xử giữa người và người sẽ cho ta hiểu được con người ấy thế nào. Sống giữa cuộc đời, con người là mối tổng hoà các quan hệ xã hội như Tố Hữu từng khẳng định “một người đâu phải nhân gian”. Người ta vì thế mà cần có bạn để được sống trong tình bạn. Bạn là người cùng ta chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống. Người bạn đích thực, tình bạn chân chính là biết tìm đến với nhau khi khó khăn, hoạn nạn, lúc buồn khi vui. Việc cô bé nhỏ trong câu chuyện trên giúp bạn khóc đâu phải hành động bình thường ? Nó xuất phát từ trái tim chân thành, từ tình cảm trong sáng của cô dành cho bạn mình. Đó là tình bạn đúng nghĩa là tình bạn: chân thành, san sẻ, cảm thông và không vụ lợi. Chi tiết con búp bê bị bể đã gắn kết hai người bạn lại với nhau, kéo họ về bên nhau. Chỉ khi khó khăn nhất ta mới đánh giá  đúng giá trị đích thực của tình bạn. Những hành động, cử chỉ ngỡ như nhỏ nhặt hằng ngày sẽ làm bừng sáng tình bạn. Tình bạn chỉ thật sự bền vững khi có những phút giây “giúp bạn khóc” như cô bé trong truyện. Tiếng khóc là thứ duy nhất lúc đó  cô có thể làm được cho bạn. Những giọt nước mắt lúc đó là hạt châu của tình bạn mãi lung linh sáng hơn lên theo thời gian. Đúng như Trần Lê Văn đã gửi gắm vào thơ lời ngợi ca tình bạn:

                   Có bạn thêm nhiều con mắt

                   Có bạn thêm nhiều cảm rung.

                                                     (Bạn)

            Người bạn tốt luôn hiện diện trong cuộc sống này. Chỉ cần ta để ý quan sát, quan tâm đến bạn như cô bé trong truyện thì chẳng bao giờ ta cô đơn, trống vắng tình bạn trong cả cuộc đời này.

            Tình bạn thật cao đẹp. Câu chuyện tình bạn của Nguyễn Khuyến trong Khóc Dương Khuê mãi khắc sâu vào tâm khảm ta:

                 Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

                 Viết đưa ai ai thiết mà đưa,

                 Giường kia treo những hững hờ,

                 Đàn kia gãy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.

Người bạn tri kỉ đâu dễ kiếm được giữa đời ! Thế mà bạn lại bỏ nhà thơ mà về với hư vô ! Bạn mất rồi tưởng chừng mọi thứ đều sụp đổ trước mắt nhà thơ. Nhà thơ khóc bạn mà cũng là khóc cho chính mình, khóc cho sự thiếu vắng tình bạn chân chính. Tình bạn ấy keo sơn, thắm thiết biết bao. Yêu bạn tận sâu thẳm đáy lòng, Tam Nguyên Yên Đỗ mới thật sự có tiếng nấc nghẹn ngào đến vậy. “Bác Dương thôi đã thôi rồi”. Bởi họ đã gắn bó với nhau ở chốn trường thi, rồi trong cuộc đời nên tiếng khóc bạn càng thêm đau đớn. Nhà thơ khóc bạn nhưng cũng chính là khóc mình đang đắm chìm trong nỗi cô đơn lẻ bạn.

            Bạn ở bên ta trong mọi hoàn cảnh. Bạn văn chương và bạn giữa đời thường. Trong cuộc sống chúng ta cũng có biết bao tấm gương về tình bạn cao đẹp. Đó là câu chuyện một cậu bé hằng ngày cõng người bạn tật nguyền của mình đến trường suốt mấy năm liền đã đánh thức trong ta điều sâu kín về tình bạn, tình người. Không có tiền giúp bạn, cậu bé chỉ có tấm lòng thơm thảo. Tấm lòng ấy bừng sáng ở hành động đầy tình đầy nghĩa bằng hữu tương tri đích thực.  Giúp bạn lúc hoạn nạn như vậy là tình bạn cao đẹp và chân chính. Tình bạn đó sẽ sống mãi với muôn đời. Và biết đâu đó, trong quá trình học tập của ta, có lúc ta bị điểm kém hay một lần mắc lỗi, nếu không có bạn…ta hụt hẫng cô đơn biết mấy ! Nhưng nếu ta có bạn, lúc ấy bạn lại đến bên ta nhẹ nhàng chia sẻ, nỗi buồn trong ta như tan biến đi. Hoặc có thể có lần ta thi hỏng, khoảnh khắc ấy bạn không đến bên ta, bạn không nói gì; nhưng với lời nhắn qua đĩa nhạc “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” cũng làm ta nguôi ngoai nỗi buồn. Tình bạn cao cả là ở đấy.

            Cạnh những tình bạn tốt kia, ta cũng không quên người bạn đã bỏ bạn của mình khi một con gấu đến trong câu chuyện của Lep Tôn-tôi. Nếu cô bé trong câu chuyện “Con búp bê bị bể” bằng trái tim chân thành giúp bạn khóc thì cậu bé kia lại bỏ bạn lúc bạn cần đến cậu. Hai hành động trái ngược nhau để lại cho ta nhiều suy ngẫm về tình bạn về con người.

            Câu chuyện “Con búp bê bị bể” cho ta bài học về tình bạn đích thực trong cuộc sống. Tình bạn chân chính bắt nguồn từ chính trái tim chân thành, từ chính những cử chỉ tưởng giản đơn trong đời. Hành động của cô bé trong câu chuyện giúp ta nhận ra tình bạn đích thực của chính ta. Câu trả lời hồn nhiên của cô bé đánh thức trong ta vai trò của một người bạn thật sự. Liệu đã ta đã hết lòng giúp bạn mình như vậy chưa ? Câu chuyện ngắn nhưng ý nghĩa của nó thấm thía và sâu sắc biết mấy. Tâm hồn trẻ thơ trong sáng của cô bé đã thức dậy trong ta những cảm xúc mới mẻ mà lâu nay mình bỏ quên. Hoá ra tình bạn đẹp là tình bạn thể hiện qua những điều bình dị. Đâu phải mua tặng bạn con búp bể khi sinh nhật, giúp bạn gắn mảnh vỡ con búp bê bị bể là tốt ? Tình bạn là tình yêu từ chính tâm hồn, từ tấm lòng chân thật mà mọi giá trị vật chất khó có thể mua được. Và phải chăng, con búp bê bị bể là đáng tiếc ? Bởi như một nhà thơ đã viết:

                  Cuộc đời cần lắm những mảnh vỡ

                  Để người khác làm nhiệm vụ gắn vào

                  Phần còn lại

                  Biết đâu hoàn chỉnh hơn.

            Tình bạn trong câu chuyện “con búp bê bị bể” giúp ta nhận ra giá trị đích thực của tình bạn, tình người và giá trị của chính ta trong cuộc sống. Giữa nhịp đời hối hả, xô bồ và bon chen vật chất hôm nay, ta cần lắm những phút giây lắng lại để cảm nhận mọi giá trị ở đời. Tình bạn là một trong những giá trị vĩnh cữu ấy, bởi nó giúp ta vượt qua, hàn gắn bao vết thương lòng mà sống trong đời làm sao ta không thể có.



 IV Kết luận:

        1. Nghị luận xã hội là một kiểu bài làm văn rèn luyện tư duy, quan điểm độc lập qua đó bước đầu hình thành kĩ năng sống cho học sinh.

        2. Đối với kiểu bài này, muốn làm tốt, học sinh ngoài kĩ năng viết, lập luận, cần phải trang bị vốn sống, nguồn tri thức dồi dào từ trong sách vở và trong cuộc đời.        



                                                            Hoàng Dục biên soạn
_______
(*) Các bài làm tham khảo, người biên soạn sử dụng nguồn từ sách "Bài nghị luận" của Phạm Thế Ngũ và của học sinh chuyên văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét