Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

701. TÌM VỀ NGÔI MỘ THA HƯƠNG

TÌM VỀ NGÔI MỘ THA HƯƠNG

 Đúng hẹn, 9 giờ kém 15, ngày 16/01/2022, anh Đặng Hữu Hùng và cháu Nguyễn Thanh Trường đón tôi rồi cùng trực chỉ xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Buổi sáng trời nắng nhẹ, da trời trong xanh điểm vài gợn mây trắng mỏng, hứa hẹn một chuyến đi thuận lợi. Mọi người ai cũng cảm giác rộn vui và thanh thản.

Thế mà trong tôi như có điều gì bận bịu, đầu óc cứ loay hoay với những câu hỏi. Hết băn khoăn: Xã Duy Thành nằm ở hướng nào? Sao mộ cụ Nguyễn quý hầu lại nằm ở nơi ấy? Ngay ở quê, mộ Tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai ở đâu? Rồi lại thầm cám ơn em Chánh Huỳnh đã đưa thông tin cụ thể để chúng tôi và con dân Kế Môn tìm về. Mãi vẩn vơ, xe đến Thị trấn Nam Phước lúc nào chẳng biết. Xe giảm tốc độ. Chúng tôi bảo nhau, cùng dõi tìm cây xăng dầu Tuyết Mai nằm ở bên trái Quốc lộ I. Đây rồi. Ghé vào cây xăng, đợi cháu Lê Cảnh Mạnh như kế hoạch. Cháu ấy sẽ dẫn chúng tôi đến ngôi mộ của cụ Nguyễn. Lê Cảnh Mạnh là con dân làng Kế Môn, vì sinh kế đã đến lập nghiệp và định cư tại thôn Vân Quật, xã Duy Thành cũng đã hơn mười năm. Nghe có ngôi mộ người Kế Môn ở thôn mình sinh sống, mặc dầu còn trẻ nhưng cháu vội vã tìm kiếm. Khi tìm được cháu đã sốt sắng kết nối với chúng tôi.

Khoảng vài phút sau, Mạnh xuất hiện. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, chào hỏi nhau. Mặc cho niềm vui “tha hương ngộ cố tri” níu kéo, mọi người vẫn không quên mục đích chuyến đi. Ai cũng hối thúc nhanh nhanh đến mộ. Mạnh bảo: Ngôi mộ gần đây, nhà cháu cũng gần đây. Về nhà nghỉ một chút đã. Về để lấy dụng cụ như cuốc, rựa, liềm, không thì làm sao dọn mộ. Cháu chuẩn bị các thứ đầy đủ rồi. Thấy hợp lí, chúng tôi cùng về nhà Mạnh ở Tổ 3, thôn Vân Quật. Nghỉ ngơi một vài phút, lấy dụng cụ, hương và nước uống, chúng tôi theo Mạnh lên đường. Chẳng mấy chốc đã đến Quốc lộ I. Từ cầu Trị Yên đi về hướng bắc khoảng gần 500m, chúng tôi men theo triền phải Quốc lộ để xuống đám ruộng nhỏ nằm sát đường và cái bàu đầy lục bình. Đi theo hướng bắc một đoạn ngắn, trước mắt có một ngôi mộ xây theo kiểu hiện nay của họ Trần Công, tiếp đến là bốn cây bàng, rồi đến ngôi mộ của cụ Nguyễn quý hầu. Ngôi mộ và cả chung quanh um tùm cỏ dại, cỏ cao quá nửa người, khó nhận biết nếu không có tấm bia. Bia quay mặt về phương đông bắc, nằm sát mép nước bàu Vân Quật. Theo anh Lê Chỉ Ký, một người gốc gác ở đây, bàu này trước đây có tên là bàu Dựt đến mùa người ta trồng sen, nay hết mùa nên bèo um tùm như thế. Ngôi mộ cụ Nguyễn quý hầu xưa nay ai cũng gọi là mộ ông Trọng. Cả bàu và khu vực mộ, cũng theo anh, người dân quanh vùng thường gọi là khu vực vườn quan lớn. Hỏi tại sao gọi vậy, anh bảo cũng không rõ lắm, chắc tại có ngôi mộ này!? Qua cách gọi của người dân quanh vùng, qua sự xác minh từ gia phả của anh Nguyễn Thanh Hoài, cháu trực hệ, thì đây có thể là mộ của cụ Nguyễn Thanh Trọng.

Chúng tôi người cuốc, người liềm, người rựa phát quang, dọn dẹp; người lau chùi tấm bia. Cũng may, nhờ có sức trẻ của cháu Mạnh và cháu Trường nên công việc cũng thuận lợi. Dẫu vậy, mãi đến hơn 13 giờ cùng ngày mới vun thành nấm và thắp hương cho cụ Nguyễn quý hầu.      

Theo sự đo đạc của anh Đặng Hữu Hùng, tấm bia bằng đá trắng cao 85cm, rộng 57cm dày 15cm, đế rộng 68cm. Chung quanh mặt bia chạm nổi hoa văn, lòng bia lõm chìm rộng 40cm và cao 64cm. Nội dung bia bằng chữ Hán khắc chìm, chỉ vài chữ mờ còn phần nhiều sắc nét. Ba dòng chữ khắc trên bia hoàn toàn khớp với thông tin của em Chánh Huỳnh đã đưa. 

Lạc khoản (1) trên, bên phải:

.

(Tự Đức Canh Ngọ Thu)       

Nội Dung:

祿 .

(Hiển khảo gia tặng Trung nghị đại phu, Quang Lộc tự khanh, thụy Ôn Tĩnh, Nguyễn quý hầu chi mộ).

Dòng lạc khoản (2) trái, bên dưới:

.

(Tự tử, Quý Mão khoa Tiến sĩ, Thuận Khánh Tuần phủ Nguyễn Uy (Oai) cẩn cung).

Theo những dòng chữ trên bia, từ hai lạc khoản đến nội dung chính cho biết: Bia này dựng vào mùa thu năm Canh Ngọ đời Tự Đức thứ 23, tức năm 1870. Đây là mộ của người cha quá cố Nguyễn quý hầu, được gia tặng thụy hàm là Trung nghị đại phu, người đứng đầu Quang lộc tự, thụy hiệu là Ôn Tĩnh. Văn bia do người con nối dõi là Tiến sĩ Nguyễn Uy (Oai) đỗ khoa Quý Mão, giữ chức Tuần phủ hai tỉnh Thuận - Khánh kính cẩn ghi.

Qua nội dung trên có thể phỏng định cụ Nguyễn quý hầu, húy là Nguyễn Thanh Trọng mất năm 1870. Cũng cần nói thêm, từ thời Minh Mạng trở đi khi một vị quan qua đời vua thường ban tên đẹp gọi là “thụy”. Thụy “Ôn Tĩnh” có lẽ là do vua ban. Toàn văn nội dung chính là lời của nhà vua, nên “quý hầu” không phải là tên mà chi là cách gọi của nhà vua đối với bề tôi. Bởi cụ Nguyễn Thanh Trọng là một vị quan Tòng tứ phẩm của triều Nguyễn khi mất được gia tặng Tòng tam phẩm. Cụ là quan văn giai điều hành Quang lộc tự thuộc bộ Lễ. Dựa vào quan chế triều triều Nguyễn thời Minh Mạng, Quang Lộc tự (光祿寺) là một trong sáu tự: Đại lý tự, Thái thường tự, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tựThượng bảo tự. Sáu tự này trực thuộc các bộ trong lục Bộ. Quang lộc tự là cơ quan phụ trách việc cung cấp và nấu rượu lễ, đồ lễ, đồ ăn trong các bữa tế tự, triều hội, yến tiệc cung đình, yến tiệc ân vinh Tiến sĩ. Các chức sắc trong Quang lộc tự gồm: Đứng đầu là Tự Khanh, thứ nhì là Tự Thiếu khanh, tiếp theo sau là các thuộc cấp như Chủ sự, tư vụThư lại. Điều này khớp với chữ “đại phu” gắn liền với tên cụ Nguyễn Thanh Trọng ghi trong gia phả mà anh Nguyễn Thanh Hoài cho biết. 

Người dựng bia và cung kính ghi văn bia là con trai Tiến sĩ Nguyễn Uy, Tuần phủ hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa. Nguyễn Uy (chữ Hán cũng đọc là Oai) chính là Nguyễn Thanh Oai người làng Kế Môn đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mão, Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) đúng như “Quốc triều khoa bảng lục” của Cao Xuân Dục ghi:

1. Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ: Thám hoa Mai Anh Tuấn.

2. Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân: Hoàng giáp Nguyễn Bá Nhạ.

3. Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân: Phạm Phú Thứ, Nguyễn Phiên, Vũ Anh Tuấn, Đỗ Phát và Nguyễn Thanh Oai.

4. Phó bảng: Đặng Văn Thái và Phạm Thế Húc.

            Tiến sĩ Nguyễn Uy tức là Nguyễn Thanh Oai, tháng 9 năm 1866 được vua Tự Đức bổ làm Tuần phủ Thuận Khánh như “Đại Nam Thực Lục” do Viện sử học dịch thuật, NXB Giáo Dục 2007, Tập 7, Đệ tứ kỷ, Quyển XXXV (35), Thực lục về Dực Tông Anh Hoàng Đế, Tự Đức năm thứ 19, Bính Dần-1866 ghi: Lấy thự Tuần phủ Thuận Khánh là Hoàng Văn Tuyển điệu bổ làm thự Tuần phủ Nam Ngãi (Lê Đình Đức ốm khuyết nghỉ), Thự Tham tri Bộ Hình Nguyễn Uy điệu bổ thự Tuần phủ Thuận Khánh. Và cũng theo “Đại Nam thực lục” nêu trên, Tự Đức năm thứ 21, Mậu Thìn-1868, chép việc vua chuẩn cho Nguyễn Uy làm Tuần phủ Thuận Khánh thực thụ.

Như vậy, dựa vào những cứ liệu trên, có thể khẳng định rằng: Ngôi mộ ở bàu Vân Quật, thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là của vị quan Tòng tam phẩm Nguyễn Thanh Trọng người làng Kế Môn. Cụ là cha của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai, là ông nội của nhà tư tưởng tiền Duy tân Nguyễn Lộ Trạch và Cử nhân Nguyễn Hà Hiệp (Cử nhân Nguyễn Hà Hiệp là em ruột của Nguyễn Lộ Trạch).

Vị trí ngôi mộ: Đi từ Quốc lộ I, nếu tính từ thị trấn Nam Phước vào khoảng hơn 4km, cách cây xăng dầu Tuyết Mai khoảng hơn 500m ở bên trái; tính từ cầu Trị Yên ra khoảng gần 400m ở bên phải. Mộ cách Ql I khoảng hơn 15m, sát mép nước bàu Vân Quật.

Trên đây là những gì còn ít ỏi mà chúng tôi đã làm và thu thập được góp phần cung cấp thêm thông tin để con dân làng Kế Môn và con cháu trực hệ của cụ Nguyễn quý hầu được biết. Mong con cháu trực hệ của cụ sớm trùng tu hay đưa cụ về bản quán. Nếu muốn tìm mộ nhanh chóng có thể liên hệ với cháu Lê Cảnh Mạnh ở Tổ 3, thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Số điện thoại: 0359630254.

Hoàng Dục

Đà Nẵng, 18-01-2022 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét