Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

702. TÂM VƯƠNG

TÂM VƯƠNG

慧中上士

Tuệ Trung Thượng sĩ

Tâm vương là gì? Có người thích nghĩa tâm vương là tâm vua hay tâm chúa? Lại có người giảng đây không phải là “tâm vương” trong Duy thức học. Duy thức học chia “tâm” thành hai: Tâm vương và Tâm sở. Tâm vương là chủ, tâm sở là thuộc hạ bị sai khiến bởi chủ của chúng. Kẻ mê muội này không rõ rành nên cứ hoài nghi! Đọc bài thơ mà nghĩ đến bài kệ của Ngài Huệ Năng: Bồ đề vốn không cây,/ Gương sáng chẳng phải đài./ Xưa nay không một vật,/ Bụi bám chỗ nào đây? Và nghĩ đến trong kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục tổ Huệ Năng đã nói rõ vể bổn tánh của tâm:

Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh

Nào ngờ tự tánh vốn bất sinh diệt

Nào ngờ tự tánh vốn tự cụ túc

Nào ngờ tự tánh vốn vô diêu động

Nào ngờ tự tánh năng sinh vạn pháp.

Như vậy, Tâm vương là “tự tánh”, là “bản lai diện mục”, là “Phật tánh”. Nhưng làm thế nào để khai mở tâm ấy. Theo Tuệ Trung Thượng Sĩ, cứ mê ngộ theo cái nhìn hình tướng thì mãi u minh. Dù có con mặt sáng tợ ngọc cũng không thể vén bức màn mê lầm được. Sao không nhìn giữa Ngọ tức là mười hai giờ trưa bằng con mắt canh ba tức là mười hai giờ đêm. Lấy tối mà nhìn sáng, đem cái “vô” mà nhìn cái “hữu” thì tất sẽ thấy được tự tánh, bổn tánh của tâm, tức Phật tánh vậy.

Nguyên tác:

  




Phiên âm: 

TÂM VƯƠNG

Tâm vương vô tướng diệc vô hình,

Nhãn tự ly châu dã bất minh.

Dục thức giá ban chân diện mục,

Ha ha nhật ngọ đả tam canh.

Dịch nghĩa:

TÂM VƯƠNG

Vua tâm không tướng cũng không hình,

Dù mắt sáng như hạt châu dưới cằm con rồng cũng không thấy được.

Muốn biết được “khuôn mặt thực” của nó,

Ha ha! Giữa trưa mà đã điểm canh ba.

Dịch thơ:

TÂM VƯƠNG

Tâm vương hình tướng thảy đều không,

Mắt tựa minh châu chẳng thể trông.

Muốn biết đâu là khuôn mặt thực,

Canh ba giữa Ngọ hết mông lung.

Hoàng Dục tạm dịch

Đà Nẵng, 09-02-2022

Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét