Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

727. BẠT PHƯƠNG NGƯỜI LÊNH ĐÊNH

 


BẠT PHƯƠNG NGƯỜI LÊNH ĐÊNH

 

                                Hoàng Dục

Cảm thơ Nguyễn Đức Bạtngàn, lắm lúc cứ loay hoay giữa: Lấy người mà hiểu thơ hay Lấy thơ mà hiểu thơ (Lê Quý Đôn). Bởi Bạtngàn mãi thuộc thân của một thời Như giọt mưa xuân, Hương đất, Giã từ ân phúc[1], một thời giảng đường đại học, một thời vẫy vùng trong dòng Ô Lâu, một thời lang thang trên những nẻo đường quê. Dẫu biết thơ là sự thăng hoa cảm xúc của thi sĩ, nhưng ngày xưa không thôi gây nhiễu. Kỉ niệm choáng tâm trí như lớp váng che chắn câu chữ trữ tình, nên trang giấy cứ bâng khuâng trước đèn.

Cũng may, trong hồ đồ tâm thức đã lóe màu tảng rạng. Những tập thơ: Bình minh câm (1985), Giữa triền hạn reo (1988), Từ giã ngày (1989), Thơ Nguyễn Đức Bạtngàn (1999) lần lượt mở trang. Từng trang mở ra, mở ra càng sáng dần. Hình ảnh cái tôi trữ tình càng hiện hình rõ nét, cảm xúc như mưa hạ mát ngọt ùa về. Vì vậy, thả lỏng tâm lí để câu chữ thơ cuốn theo điệu chảy, điệu ngân của chính nó. Thế là cứ trôi theo mạch nguồn thi ca, từ đó, bỗng dậy bừng hình tượng cái tôi bạt phương người lênh đênh.

Thơ là khúc nôi tự bạch của cái tôi trữ tình. Mỗi bài thơ vì thế là một giai điệu tâm hồn, một nỗi linh cảm đời của thi nhân. Mỗi bài thơ đều tỏ lộ và khẳng định thiên tính của người hát thơ. Đến với thơ của Bạtngàn, dễ nhận ra linh cảm và thiên tính ấy. Cái tôi trữ tình trong thơ như chưa bao giờ định vị được đời mình. Cái tôi ấy là cái tôi lãng tử, bước chân cứ lang bạt giữa mịt mù không gian, nên chỉ cần một thoảng gió cũng động lòng du tử:

gió động cành thanh tịnh

kiếp giang hồ lãng du

ta một đời vô định

ơi phương xa mịt mù

(Dưới rừng dừa Bồng Sơn)


            Bồng Sơn, cái tên gợi nhắc quê mẹ của một người bạn mà Bạtngàn đã về thăm vào năm 1971. Không rõ bài thơ này đích xác ra đời đúng thời điểm đó hay không? Nhưng chắc chắn, Bồng Sơn không còn là không gian cụ thể mà đã thành biểu tượng nghệ thuật. Bồng Sơn là niềm khát khao xê dịch, là ám tượng lữ thứ về một phương trời viễn mộng. Thơ như ẩn dấu một dự cảm thân phận, một linh cảm đời. Nhân vật trữ tình trong thơ hình như có sự ứng nghiệm với cái tên Bạtngàn nên đã trở thành lời cảm gọi thiên thu ơi phương xa mịt mù của nghiệp dĩ. Từ đấy, người đọc sẽ gặp trong thơ Bạtngàn, một cái tôi với nhiều hóa thân: cái tôi hải hồ, cái tôi lang bạt, cái tôi lưu lạc, cái tôi lãng du, cái tôi giang hồ, cái tôi lữ thứ,… Hải hồ đã trở thành định mệnh, đã an bài mộng triệu nên từng chi tiết của thân xác cũng khát thèm đến chảy bỏng phía chân trời.

 

như một lần an nghỉ

con mắt đó nhìn đời

hoe tàn mùa rêu sắc

tóc động tình xa khơi

(Vuốt tóc)


            “Ra biển”. Đứng trước trùng dương, người ta nghĩ rất nhiều điều, riêng Bạtngàn lại động lòng bốn phương: hồn xanh còn nhớ mãi/ tự buổi thủy triều lên/ tóc rừng đêm biến chải/ rượu hải hồ chưa quên. Những câu thơ trở thành nỗi ám gọi lữ thứ, lời nhắc nhở đinh ninh của cái hồn xanh. Và thế là bàn chân của cái tôi hồn xanh kia cứ bám sát mặt đường chạy về vô hướng. Thôi thì cứ cho là người thơ đi để tìm cảm hứng, để thấu cảm cái đẹp của thiên nhiên, của cuộc đời mà kết dệt nên trang. Nhưng càng đi thì càng cô đơn. Bởi thi sĩ là người cô đơn nhất trên hành trình sáng tạo. Và với Bạtngàn, cái tôi lang bạt đã trở thành ma chong đời mình, một ma chong đơn độc và nổi nênh:


nửa đời ta lang bạt

làm ma chong đời mình

chiều cuối năm nặng hạt

rụng phương này lênh đênh

(Tự thân)


            Rụng phương này lênh đênh là phương nào? Qua bài thơ “Đã hết”, Bạtngàn hé lộ: đêm bên này nghe buốt nghẹn em ơi. Giọng thơ ngùi ngùi khiến người đọc nhoi nhói cảm thương hồn cố lí của cái tôi tự nghìn trùng lưu lạc ấy. Càng xúc động hơn khi người đọc bắt gặp ở thơ Bạtngàn đang trôi hình ảnh Củi một cành khô như trong “Tràng giang” của Huy Cận.

        xuống sông vớt củi

một chiều phương tây

trong lòng gió nổi

phương trời chim bay

(Phương Tây)


   Cùng một hình ảnh ẩn dụ nhưng biểu nghĩa khác nhau, trường liên tưởng khác nhau nên có nét riêng. Huy Cận trôi theo lạc loài, còn Bạtngàn nương vào gió nổi trong lòng mà bay lên cùng ước mơ, bay lên với niềm phóng lãng thơ ca. Nếu trong thơ Huy Cận, cành củi khô trôi giữa thời gian vô lượng thì trong thơ Bạtngàn, cái tôi lưu lạc luôn lệch nẻo giữa không gian mù biệt. Vì vậy, không gian cuộc lữ “phương” giăng mắc trùng điệp đầy ám ảnh: phương này lênh đênh (Tự thân), vời phương hướng nọ (Cùng chút bụi bên đường), rồi ta lên đường/ tiễn/ mình/ qua sông/ dù bến bờ xa hút mờ đại giác (Sơn ca), với phương mù và phương gió lênh đênh (Hội ngộ), phương người mù biệt (Hạ tưởng), phương xa người là ánh mắt rưng rưng (Tàn xuân), phương trời chim bay (Phương Tây), phương xa mịt mù (Dưới rừng dừa Bồng Sơn),… Và nếu Bạtngàn có cố định đời mình thì cũng chỉ neo chặt vào ghềnh hoang trong chiều thu se sắt để đợi chờ cho đến tàn hơi: bên gềnh hoang bướm dại/ đập cánh ngời hơi thu/ ta ngồi đây-vạn đại/ mai người về trăng lu (Hơi thu). Hóa ra neo lại vẫn một mình, neo lại để cảm nghe nỗi sầu cô lữ giữa phương người quá rộng. Cứ thế, lưu lạc và lưu lạc đến mòn hao kiếp giang hồ. Để rồi trong khoảnh khắc, cái tôi ấy thảng thốt cảm hiểu đời mình đã đứng bóng, đời mình đã quá ngọ, quá một đời ảo mộng tiêu sơ.


đã lưu lạc mòn gót giày bồng đão

thì lênh đênh đành trọn kiếp giang hồ

khi đứng lại quá một đời mộng ảo

bóng hạc vàng an giấc giữa tiêu sơ

(Đứng bóng)


            “Bóng hạc vàng an giấc giữa tiêu sơ” phảng phất giấc mơ mông lung của Thôi Hiệu: Hạc vàng ai cưỡi đi đâu/ Mà nay Hoàng hạc riêng lầu còn trơ (Hoàng hạc lâu). Thôi Hiệu nuối dĩ vãng, nuối hoàng hạc còn Bạtngàn ngậm ngùi bởi bóng hạc vàng đang an giấc giữa tiêu sơ trong hiện tiền. Phải chẳng câu thơ khóc cho nỗi chết của cái đẹp? Vì vậy, câu thơ đẹp nhưng tịch tàn quá đỗi! Và Thôi Hiệu từng dõi theo đám mây trắng mà mơ hồ thời gian, còn cái tôi của Bạtngàn đã thức nhận được sự hóa thân:


nghìn năm ta mây trắng

nở ngát trời thiên thu

(Pháp thân)


Con người giữa trùng vây lưu xứ, gởi tình vào giấc mơ mây trắng, một giấc mơ không có biên giới thời gian và không gian. Ở đấy, chẳng ai bàn đến tự do mà tự do hiển hiện. Ở đấy, sự rao giảng yêu thương trở nên vô nghĩa bởi yêu thương vốn đã đong đầy. Ở đấy, người cô đơn không còn đi về phía cô độc mà đã hóa thân phiêu bồng giữa trời thu bất tận. Pháp thân là một giấc mơ thơ ca ngọt ngào. Đó là giấc mơ phá chấp hiếm hoi của cái tôi kiêu bạt. Nhưng giấc mơ thơ đâu chỉ có ngọt ngào, lắm lúc cũng nhiều đắng cay. Đó là những khi cái tôi lữ thứ nhìn lại, thấy bóng mình chới với giữa không gian: ta chim trời lẻ bạn/ giữa đường bay điên mê (Mười năm) hay tự bóng mình heo hút giữa thinh không (Tự bóng mây chìm), và cảm giác lạc loài vì vẻ đẹp lãng mạn của tạo vật đã bị đánh tráo bởi sự tàn lạnh nên đành phải phiêu du trong vô hạn thời gian: mùa đông mặc áo mùa thu/ nên ta còn vẫn phiêu du miệt mài (Giữa triền hạn reo). Cho nên, cái tôi cô lữ đớn đau cho đến mút cuối đời người, ở vào sác-na hóa kiếp:

khi hóa kiếp anh hoa này đã lạnh

giờ chung thân phản bội thịt da mình

em ngồi lại nghe đất trời thịnh nộ

ta trần truồng về hát giữa u minh

                        (Kinh ngục)

 Cái tôi cô đơn giữa trùng vây không - thời gian mênh mông nên tâm thức thơ tìm về với bếp lửa tình yêu mong sưởi ấm cõi lòng. Tình yêu là chất dẫn truyền cảm hứng, là ngọn lửa Prometé xuyên suốt hành trình sáng tạo thi ca. Tình yêu thăng hoa và ảo diệu thi tứ. Thơ do đó mà ắp đầy rượu ngọt ái tình:

 

buổi sáng theo nhánh cây vươn từ đôi tay em

       quấn ôm châu thân anh mềm mại

       ân sủng dấy từ đất từ trời

       từ bụng từ ngực em

lên tóc lên lông anh

chan hòa mưa nắng mới

ướp hồn anh tinh sương

phủ dấu yêu em

ngào ngạt

                        (Ngàn em 4)

Niềm hân thưởng tình ái đã ướp hồn người lữ hành cô đơn bằng những dấu yêu. Tình yêu mật ngọt làm bừng lên ước mơ hạnh phúc trong miền hôn phối ngợp ngời: ngày xưa đã là hôm nay/ làm giàu thêm cho nỗi nhớ thương nhau/ trong thần hồn ta/ bất hoại/ em hãy treo xinh tươi/ lên môi miệng/ ngời ngời/ như hôm nay đã là ngày sau/ hôn phối (Ngàn em 11). Cái tôi phiêu lãng hoan ca và tin chắc vào một tình yêu bất hoại, thứ tình yêu không bao giờ làm quắn héo đời nhau.

Thơ Bạtngàn luôn phập phồng hơi thở tình yêu, một tình yêu tròn đầy và viên mãn. Nhưng tình lứa đôi lại ẩn chứa những rạn vỡ nên giọng thơ ngùi xót vì tình vỡ hay tình lỡ. Bởi thế, thơ tình của Bạtngàn luôn có cấu trúc đối lập, phân li đầy ám ảnh da diết. Đó là đối lập giữa động và tĩnh: em ngồi lại nghe đất trời thịnh nộ/ ta trần truồng về hát giữa vô minh (Kinh ngục). Đó là sự đối nghịch của hai mút không gian: đầu non ta ngã bóng/ cuối rừng em còn vọng (Lần sau). Đó là tương phản giữa hiện tại và quá khứ, sự thực và hư tưởng:


riêng em dạt cõi tình mù

nửa đêm tôi gọi ân thù huyệt quan

bóng xiêu hồn ngợp cung vàng

trong cơn mê tỉnh em hoàng hôn xưa

(Ngồi bên mộ T.A.T.)

 

Có khi là sự đối lập giữa thời gian và không gian, thậm chí trong nội hàm thời gian cũng có các hiện tượng không thuận chiều:

 

bây giờ hoa vẫn nở

hồng theo bờ đại dương

ta bây giờ vẫn thở

em theo người mù phương

 

            Nhân vật trữ tình “ta” rung động trước ngàn hoa đang bình thường khoe một sắc hồng rộng rãi để rồi cảm nhận điều bất thường trong tình yêu giữa ta và em. Đó là sự không cùng hướng của cái bình thường và điều không bình thường. Ta đang-là còn em đã-là! Ta cụ thể còn em trừu tượng! Ta bình thường giữa thời gian còn em bất thường trong không gian! Cái diệu của bài thơ nằm ở hai chữ “bây giờ”. Từ “bây giờ” làm lạc hướng cảm thụ khiến người đọc hồ nghi. Nếu bây giờ là thực tại thì ta và hoa giống nhau, nhưng nếu bây giờ là tâm trạng thì ta khác hoa. Hoa vẫn hồn nhiên mà sống, còn ta đang hụt hẫng vì em theo người mù phương. Hẳn là thế. Nếu không, bài thơ chẳng có nhan đề như là lời tự an ủi, như là ủ kín niềm hi vọng mong manh: Lần sau.

Không chỉ cấu trúc thơ tương phản mà ngay cả câu kết mỗi khổ hay kết bài đều dựng lên hình ảnh không gian cách ngăn, không gian mù khơi hay không gian lưu đày. Những câu kết trong thơ tình của Bạtngàn tưởng chừng như những đê bao ngăn không cho sóng tình lan tỏa. Tình yêu vì vậy tưởng hòa hợp bỗng thành lìa tan, tưởng tròn đầy hóa ra hao hụt.

           

            không có bụi mù sao ta thấy cay trong mắt

            ngày tháng năm còn thấy nhau không

            nằm xuống

            hẹn hò

            từ giã ra đi

            nghĩa là không còn gì

            không còn gì để treo lên ngọn cây trước sân

            không còn gì như những lần nhìn em đi ngang

            ngoài ngõ

                                    (Từ giã ngày)

 

            “Không còn gì” lặp trùng là điểm nhấn về một tình yêu tan vỡ. “Không còn gì” thanh điệu biểu lộ tâm trạng rã rời trước một tình yêu đã mất. Mới hay câu kết là vách ngăn tình yêu đầy uy lực. Ở bài thơ Giọt lệ mừng, giọng điệu thơ khẩn cầu, hình ảnh reo vui hạnh phúc, tưởng tình mãi sâu bền nhưng khép lại bằng nỗi buồn chia li:

 

            xin em quên

            buổi sáng ngái ngủ của chúng mình ở căn nhà

            ngoại ô

            buổi sáng có bầy chim ca hót ngoài vườn

            buổi sáng có li cà phê đặc đen đậm cho tình

            cho nụ hôn thay tiếng em yêu

rồi từ giã

                       

Tình yêu đẹp như cổ tích. Dù có li tán, tình ái trong thơ Bạtngàn vẫn thao thiết. Hình bóng người xa vẫn đậm nồng trong trái tim người chờ đợi. Dẫu có trăm năm, dẫu mòn khung cửa, trái tim yêu vẫn chong đèn ngóng về phương người xưa. Để rồi cảm nghe hạnh phúc-đau thương của niềm cô lẻ sau không gian vuông cửa cũ.  

 

còn đó là buồng tim em trăm năm

bùng lên ngọn đèn

chong mòn

vuông cửa đợi

(Cổ tích)

 

Vuông cửa, một vật tĩnh có linh hồn vừa đồng cảm với cô phụ vừa là trở lực ngáng bước tình yêu. Không gian vách ngăn tình yêu có khi mở rộng, dìm những người yêu nhau chìm theo dưới hơi hướng âm u, xô họ vào tâm bão động trần gian. Để rồi khi lai tỉnh đành thở dài: nuối mà chi/ mai bể cạn sông mù (Vườn khuya). Bởi giữa Vườn khuya ấy, từ sự say nồng của chiếc hôn đã vạch ra ranh giới chia lìa hai người yêu nhau:

 

            từ giấc ngủ vẫn dậy đầy

sáng tạo

nghe giữa môi hôn này nồng thắm

một

biên cương

 

Hay với “Cổ thụ trong vườn trí nhớ”, khi một cành cổ thụ xuyên qua hồn, ta trở thành vườn trí nhớ cứ lặng im và bất động. Nỗi nhớ về em trong ta xôn xao như lá, còn em:


em còn ngậm nụ buồn

trên lưu đày cách trở

 

            Ngậm nụ buồn là thầm lặng nhớ, thầm lặng đau. Ngậm nụ buồn, cũng là “Tĩnh biệt”: thềm lá động theo triền sương đẫm ướt/ vườn khuya xanh từng dấu mộng thầm thì/ lần họp mặt cũng là lần tử diệt/ em qua đời trồng vạn nụ hồng nghi. Tâm trạng đó càng nén chặt hơn khi em thân đơn giữa lưu đày cách trở. Những câu thơ có sự sẻ chia của một tấm lòng dành cho một tấm lòng. Mới hay, tình yêu trong thơ Bạtngàn là … một tình yêu rất sâu/ Rất dữ dội nhưng chẳng bao giờ yêu được hết (Xuân Quỳnh). Cũng với mạch tư tưởng cảm xúc ấy, Bạtngàn viết:


ngủ trong vườn cây đó

ngủ trong hồn nghìn sau

em bao giờ thức dậy

giữa tim mình nhói đau

           (Hương)


            “Hương”, cái tên nghe thật thanh tao, nhưng lại chứa đựng một hồn yêu đầy trăn trở. Bởi em bao giờ thức dậy/ giữa tim mình nhói đau. Cái tôi lữ thứ hỏi một mùi hương hay một người tình? Có lẽ là người tình, một người tình với một tình lạnh như “Biên ải”: từ ta hồn lạnh trải dàn/ môi em, nghìn sợi cơ hàn bủa giăng. Hình tượng hai nhân vật trữ tình “anh” và “em” trong thơ Bạtngàn bao giờ cũng hiện ra lạnh lẽo, có khi nhạt nhòa chìm khuất sau sự mông lung của không - thời gian: bóng anh mù/ theo với tháng năm  (Cổ tích) và: em hoàng hôn xưa (Ngồi bên mộ T.A.T.) hay: tiếng em huyễn vọng xa mờ đâu đây (Trong hương). Cái nhìn đó, khiến thơ yêu của Bạtngàn có giọng điệu lạnh buồn, nhưng tình lại rất nồng, rất sâu và trải dài. Bài thơ “Đông Hà” càng khẳng định thêm điều đó. Đông Hà có lẽ là tên một người con gái đẹp. Sắc đẹp ma mị của em tỏa rạng trong hình ảnh thơ đẹp: có em đứng/ bóng nội thành ngu ngơ. Em nhan sắc khiến bóng nội thành choáng váng và đã làm lòng anh hanh nắng dại khờ. Em đã phóng về anh một tia chớp tình nồng mà hai mươi năm rụng bất ngờ còn nguyên. Nhưng em lại tàn nhẫn ném tình yêu anh vào quá khứ. Để anh ngã ngược trên tim mình; để sợi tóc còn vương nỗi nhớ, vướng nỗi đau tình hoài:

 

em có còn là tiếng chuông

trên đỉnh trán mòn theo ngón tay khô

làm hình tượng tặng nhau vùng trời quá khứ

trên sợi tóc còn vương se một ý tình hoài

anh sẽ còn gì không sau cuộc đời

lở dở

            (Từ những tấc lòng cũ)

 

Người theo thời gian đã trôi xa, nhưng tình vẫn da diết trong từng hơi thở của người trong vườn yêu cũ. Đặc biệt, khi tình yêu đã thành hôn nhân, thơ Bạtngàn cũng rất nồng nàn mà cũng rất bất an. Thơ có âm điệu reo vui hạnh phúc:


từ hôm nay là đời ta hiển hiện

sống trong nhau thơm hạnh phúc vợ chồng

từ hôm nay là đời ta vĩnh viễn

cùng băng rừng vượt núi qua sông

(Muội Tiên)


nhưng vẫn có giọng âu lo: ngồi với sóng thấy hình em hiển hiện/ đính hôn này làm quạnh cả đời nhau (Hạnh phúc). Xét cho cùng, thơ reo vui hay thơ âu lo thì vẫn đậm nồng bởi đó là hai mặt của một tình yêu chân thành chung thủy.

            Tình yêu không chỉ là nơi náu mình của hồn lữ thứ mà còn là khát vọng sự sống đến cháy bỏng. Cái tôi cô lữ trong thơ Bạtngàn không chỉ đắm mình vào đó mà còn thèm khát bình yên trong tình mẹ nữa. Đời lang bạt, sống mù như ngọn khói (Ngọn nến), nhưng vọng âm mẹ vẫn dập dồi trong kí ức. Làm sao quên được hình ảnh mẹ khi con tuổi nhỏ, lúc gia đình dạt xiêu về đất lạ trong bão loạn đời:  

 

con tuổi nhỏ bên sóng gầm tai họa

mẹ ngồi thương sông bên lở bên bồi

trắng cơ nghiệp là lưu đầy xa lạ

bóng cò chiều bảng lảng bóng sông trôi

(Mẹ đã về)

                                               

            Rồi khi con dung thân ở xứ người, mẹ ngong ngóng về phương con. Mẹ xót lòng bởi con như chim lẻ bạn đơn độc nơi đất khách:

           

    mười năm con xa xứ

            mẹ còn chong đèn khuya

            tìm con, chim lẻ bạn

            giữa đường bay phân chia

(Mười năm)


Để rồi “Khi con về”, thấm thía một nghịch lí. Cảnh quê vẫn đẹp như trong kí ức của con:


khi con về quê nhà xưa vẫn thế

vẫn cánh chuồn ôm mấy đọt bông lau

 

còn mẹ lại tóc trắng xuôi dòng sông đổ lệ. Cho nên, con nhìn đâu cũng thấy xót xa, thấy nghẹn tiếng gà quanh ngọn chuối làn rau. Giọng điệu thơ trầm và nhẹ nhưng ấn dấu nỗi ăn năn của đứa con lãng tử. Hình ảnh mẹ trong thơ đẹp, giàu cảm xúc và có nét riêng độc đáo: mẹ ngồi thương sông bên lở bên bồi; mẹ ngồi thân đẫm hoàng hôn/ hai vai quằn quại linh hồn con đau (Tà huy); mẹ tóc trắng xuôi dòng sông đổ lệ,… Cũng may, người con như trở về tuổi nhỏ được sống bình an trong sự yêu thương che chở của mẹ. Để từ đó cảm nhận tình mẹ như ngọn lửa thắp sáng đời con, sưởi ấm lòng con trên bước đời lưu lạc:


đêm nằm trong vườn mẹ

đất trời sao lặng im

lá trôi từng bước nhẹ

ngọn lửa hồng trong tim

(Ngọn lửa)

           


            Và cũng từ đó khẳng định một chân lí giản dị: Mẹ là mãi là chốn dung thân của người con - kẻ lữ hành cô đơn. Mẹ đồng nhất với cố hương: quê người/ thần trí anh bắt theo quê nhà/ lồng/ trong hình bóng/ Mẹ/ nối trăm bờ xa xăm/ bước đi chưa dừng dù đời anh đâu muốn thế/ vì tự trong trái tim anh/ nghìn cuộc lữ/ đang nằm (Quê hương). Bởi mẹ và quê nhà biểu trưng cho văn hóa Việt bao đời mà sâu thẳm, là văn hóa dân gian đã thấm tận hồn con thuở bé thơ: từ giọng nói quê hương vút cao đêm đêm/ như lúa đang thì/ xanh đòng/ mập mạp/ dù đường bay rất xa nhưng mình đã chung lòng/ bằng vốn liếng câu hò/ đưa theo/ bóng cò bóng vạc/ cùng triệu nụ bông hiền đang nở/ giữa chông gai (Ruột đất). Cái tôi lữ thứ mãi nhớ về mẹ và nơi nhau rốn: sống lang bạt nhưng lòng anh vẫn Huế/ dù hiên nhà tàn lạnh hạt sương con (Huế). Tâm hồn người du tử xa xứ luôn có sự giao tranh, sự ba động của nỗi nhớ:

           

            cơn mưa chiều vồ vập ta đau

đêm gió dậy bao vòng lửa rối

một phương trời

hai phương đất trông nhau

(Một phương trời)

           

            Bởi quê người cảnh lạ tình xa. Làm sao có được những dấu yêu xưa, những thân thuộc cũ. Nhìn đâu cũng thấy chẳng thân quen, thấy trống vắng, thấy dửng dưng. Lòng rưng rưng nghĩ cuối đời tóc trắng, quê nhà cũng chỉ là nuối mộng muôn trùng:

 

ta làm sao có được giọt nắng vàng quê hương

khi chung quanh mình toàn là

tuyết trắng

đâu nhìn thấy dáng thân yêu xưa

dù ta ngẩng cao đầu

là cách biệt đến cuối đời tóc trắng

nuối muôn trùng quê mẹ nắng mưa mau

(Mưa bay) 

 

            Cái tôi cô lữ vin vào tình yêu, tình yêu tan vỡ; tựa vào bóng mẹ, mẹ đã đi xa; dựa vào quê nhà, quê nhà nghìn trùng xa với. Trong tình cảnh ấy, thi sĩ buốt lòng nên những từ “nghẹn” cứ dàn ra trong những trang thơ: thân gió bụi đã xoáy mòn đất trích/ người qua đây sao nghẹn tiếng con đường (Mỗi bước), còn chi em, buốt nghẹn đáy tim người (Cổ tích), ngày trở lại nghẹn chìm trong một thuở (Ngày ngó xuống),  nghẹn tiếng gà quanh ngọn chuối làn rau (Khi con về), đêm bên này nghe buốt nghẹn ơi em (Đã hết), nghẹn chìm tiếng nói (Ngọn nến), nghẹn tiếng hò trong đêm vắng ai nghe (Huế), hoàng liên nghẹn giữa sơn hà (Giữa triền hạn reo),… Thậm chí, hồn cô lữ tưởng chừng tê dại đến “rũ liệt”: ru con rũ liệt hình hài/ quê xa vời vợi nghe dài nỗi đau (Ru con), hồn rũ liệt đui mù se thắt (Ta đội nón quay lưng tình trở lại), có phải em/ quay chùng giữa anh bây giờ mòn liệt (Hạ tưởng), mai cũng xa mai ngày rũ liệt (Giao thừa),… Như thế, cái tôi hải hồ, cái tôi phiêu du, cái tôi lữ thứ trong thơ chẳng được phóng túng giang hồ. Ngược lại, tâm tư đựng đầy tình đau, tình nhớ, tình nuối giữa phương người lênh đênh.

Thế nhưng, bạt phương người lênh đênh, chỉ là hồn lênh đênh còn chữ nghĩa chẳng bao giờ chìm nổi! Dọc theo những vần thơ Bạtngàn, có thể cảm hiểu điều đó. Bạtngàn gởi hứng bút và cảm xúc của mình vào nhiều thể thơ, nhiều đề tài khác nhau. Và cũng gởi tình vào ngôn ngữ thơ được chưng cất mang màu sáng tạo riêng. Thi ảnh vì vậy gợi nhiều liên tưởng. Trường thơ nhờ thế mà sâu thẳm, chạm vào niềm xúc cảm, niềm rung động trước cái đẹp của người đọc. Riêng ngôn từ thi ca, với Bạtngàn, chân có thể liêu xiêu phương người nhưng hồn chữ Việt vẫn thẳng dáng, vẫn được cọ mài sáng láng. Cho nên, đến với thơ Bạtngàn, người đọc có khi hoang mang trước câu chữ tạo ra hình ảnh lạ. Người đọc bị dẫn dụ vào những lối rẽ ngữ ngôn, những ngã ba, ngã bảy ngữ nghĩa khiến lạc trôi giữa cõi mơ hồ thi tứ. Phải chăng đó là nét đẹp riêng của ngôn từ thơ Bạtngàn. Có lẽ là vậy. Làm sao không hoảng hồn khi: Trời mới sáng đã nghe chừng quá ngọ/ thịt da ngần cũng trắng những chiêm bao (Tiêu dao). Có thể nào không nổi da gà khi Thề bồi hãy hết cơn đau chưa dứt độ ngân, vậy mà ngày mai tóc rạng lên màu máu khô (Đêm bạc). Và không bâng khuâng trước phấn hạnh: này phấn hạnh còn về chăng mỗi bữa/ từ quê hương đêm xót dạ chong đèn (Vĩ Dạ). Hay cụm từ “trầm mê dung hoát” ngân vang/ nghìn sau thoáng động xa gần căm căm trong “Khỏa thân”. Hay phiêu bồng giữa cơn mưa lạ, mưa thôi xao: mưa lên trời mưa thôi xao/ mưa em ướt mộng mưa trào thơ anh (Ngàn em). Làm sao có thể không thôi nhớ tưởng xa xôi một câu hò giữa mưa chiều hoen ố nắng (Không hết). Và làm sao có thể không thắt lòng khi bóng mẹ chìm trong bóng Tà huy đến lụn đời: Mẹ ngồi thân đẫm hoàng hôn/ hai vai quằn quại linh hồn con đau (…) à ơi một kiếp mong chờ/ lụn đời sao vẫn nghe mờ bóng con. Có thể nào không xúc động, không trân quý tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn âm tiết nhưng giàu phẩm chất biểu nghĩa, biểu thái đến vậy.

 

            từ cõi hẹn đã lập lòe xa ngái

            tình phôi thai bát ngát ý dung từ

            uống thật cạn giữa tâm sầu ngần ngại

            mỗi hồ trường là máu rủ chân như

                                    (Chiêu niệm)

           

Có thể nói không ngoa rằng, Bạtngàn trên hành trình sáng tạo đã tinh luyện chữ nghĩa, làm giàu kho từ vựng thi ca tiếng Việt của mình. Và cũng từ đó giúp người đọc nhận ra yếu tính của ngôn ngữ thơ. Tình thơ có thể úa nhưng ngôn ngữ thơ phải tươi, phải mới, phải giàu sức gợi. phải đầy tràn sinh lực qua sự sáng tạo của nhà thơ. Hãy chạm thật khẽ, thật tinh tế vào từ, từ sẽ ngân vang. Được vậy, thơ sẽ mãi xanh tươi cùng năm tháng.

            Trong “Tựa” tập: “Thơ nguyễn đức bạtngàn”, Văn Tuyển ấn hành, năm 1999, tác giả viết:  Thơ là thần hồn, thơ là lênh đênh,/ là ung dung sinh diệt, là nôn nóng tình tự ai hoài,/ là môi trong môi răng trong răng tác thành/ châu báu cho trời cao đất sâu. Âu cũng là một cách diễn đạt khác, thể hiện quan niệm riêng của nhà thơ. Thế nhưng, người đọc, qua đó, cũng thấy rõ tính thẩm mĩ tự thân của thơ ca; thấy rõ phẩm chất, vẻ đẹp, vai trò,… của thể loại trữ tình này trong đời sống. Điều cốt tủy là thi nhân đã hắt bóng mình lên trang thơ, in đậm cá tính của mình vào câu chữ trữ tình và nhờ câu chữ ấy tự bạch lòng mình. Và nhà thơ, qua trang viết mà mở ra muôn tờ mộng cho những người thẩm thức cái đẹp của văn chương nghệ thuật mọi thời.

            Như vậy, có thể gòn gọn rằng, sao cứ loay hoay trước câu nói của Lê Quý Đôn? Sao không lấy cái nhìn chiết trung khi cảm thụ thơ ca nói riêng và văn học nói chung. Bởi văn bản là trung tâm, nhưng những yếu tố ngoại vi cũng cần thiết vì đó là những tham số nghệ thuật. Nên chăng, cần có cái nhìn khách quan mang tính thẩm mĩ về thơ Bạtngàn, về cái tôi trữ tình trong thơ, về phong cách sáng tạo của nhà thơ. Cái tôi cô lữ trong thơ anh dẫu thế nào chăng nữa vẫn là cái tôi chân thành, cái tôi mong cầu giao cảm bằng tính thẩm mĩ của thi ca. Và hơn nữa, vượt ra ngoài biên độ đó, thơ biểu lộ khát vọng, giúp con người thấu hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn, để cuộc đời này ngập tràn yêu thương. Bởi tấm lòng thơ luôn rộng mở. Bởi mãi mãi thơ là tiếng nói yêu thương của muôn đời.

 

                                                                                    Mùa thu 2011

 



[1] Như giọt mưa xuân, Hương đất là hai tờ báo xuân năm 1970 và 1971 của Hiệu đoàn học sinh Trung học Phan Châu Đà Nẵng. Giã từ ân phúc là tập thơ của 3 người bạn: Miên Hành, Trần Huyền Thoại và Nguyễn Đức Bạtngàn ấn hành năm 1970 khi các bạn ấy đang học lớp mười một.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét