Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

2. MỘT CHÚT TÔI

Tôi sinh ra một ở vùng quê người nhiều ruộng ít : làng Kế Môn, xã Phong Thạnh (nay là Điền Môn), huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mẹ tôi thường nói với tôi : con sinh ra vào cái đêm bão bùng dữ dội, lại cuối năm Canh Dần, nên khổ đó. Nhưng mà có mẹ con mình, con đừng lo chi cả nghe. Rồi mẹ khóc. Những lúc bên mẹ như thế tôi chỉ biết dạ thôi. Tôi nào biết những giọt nước mắt của mẹ đã tượng hình thành nỗi buồn tôi.
Khi tôi vừa sinh ra, mẹ tôi đã nựng nịu : thằng cu Trâu của mẹ, tôi không hiểu tại sao ? Rồi ngày tròn tháng, tôi được đặt tên. Ngày đặt tên, mẹ tôi muốn tôi là thằng cu Huệ - Hoàng Huệ - nhưng bác tôi không chìu theo ý muốn của mẹ tôi. Bác tôi bảo : Phải đặt tên Dục - Hoàng Dục. Bác tôi lệnh chắc hơn cua gạch, bởi bác là trưởng trong gia tộc kia mà. Và thế là tên khai sinh của tôi là Hoàng Dục, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1951.
Tôi đã có tên, tôi tồn tại và tôi sống.

Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy cái năm sinh Canh Dần, cái tên Hoàng Dục là số phận của tôi. Thì đây, vừa đầy tháng xong, mẹ tôi đã bồng tôi vào Cầu Hai (Xã Cao Đôi, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) ở với ba. Ba tôi lúc ấy đang đi lính. Gia đình đoàn tụ chưa đủ tạo được một chút ấm của hạnh phúc thì cuối năm 1952, ba tôi chết trận. Mẹ tôi lại lịu địu tôi về quê với giọt nước mắt khóc chồng, khóc phận mình. Thì đây, nếu tên tôi là Huệ chắc tôi cũng sẽ được ân sũng của đời, nhưng lại là Dục. Mà Dục lại là ham muốn, là sân si, là tắm gội, là dưỡng nuôi, chăm lo,... cho nên trong tôi trộn lẫn cái trắng cái đen, tâm hồn tôi cứ lốm đốm đến phát khiếp. Thì đây,...
Tôi về quê theo mẹ ra đồng, rồi đi học già tuổi hơn các bạn học khác. Năm 10 tuổi cùng mẹ tự nguyện làm đệ tử của Phật với Pháp danh : Nguyên Truyền. Và từ đó đạo và đời nhiều khi nhập nhằng trong ứng xử của tôi, dẫn đến những hệ quả cười ra nước mắt hay niềm vui thăng hoa muộn.
Rồi chiến tranh không còn là chiếc bóng mà đã hiện hình, thực sự đưa những móc vuốt của nó tận mọi ngóc ngách của làng tôi. Mẹ tôi bảo tôi tìm vào Đà Nẵng với chị tôi. Năm 1965 tôi một mình vào Đà Nẵng. Với học lực ghi trong Thành tích biểu đứng thứ ba, tôi được nhận vào trường Trung học phổ thông Phan Châu Trinh. Tôi học Phan Châu Trinh từ lớp đệ ngũ ba đến năm 1971 đỗ Tú tài 2, ban Toán. Rồi cùng bè bạn ngồi giảng đường Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Huế, Ban Việt - Hán. Tôi ngồi cũng rất vững và không hổ thẹn với bạn học cho đến năm 1975, đất nước thống nhất, tôi ở lại học thêm nhiều điều và 1976 ra trường và chờ đợi nhiệm sở.
May mắn thay với kết quả học tập cao, tôi được bổ nhiệm. Tôi khăn gói lên Đắc Lắc. Trường nào mới thành lập là tôi đến. Dạy văn, và Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hôi trường THPT Krông Buk, dạy Văn, Tổ trưởng Tổ cấp III, Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Công đoàn trường THPT Ama Trang Lơng, Quyền Hiệu trưởng trường THPT Đắc Nông, nhưng từ chối ; sau đó về làm chuyên viên phòng Đào tạo - Bồi dưỡng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắc Lắc. 1983 rất khó khăn mới xin chuyển về Đà Nẵng. Lại lên dạy văn, làm Tổ trưởng Tổ Văn trường THPT Ông Ích Khiêm; về Hoàng Hoa Thám, dạy chuyên văn, bồi dưỡng học sinh giỏi của trường ; sau đó qua THPT chuyên Lê Quý Đôn, làm Tổ trưởng từ năm 1989 đến 2001, dạy chuyên văn, bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh, thành phố. Năm 2001 đi học Cao học, chuyên ngành Lí luận văn học tại Đại học Sư phạm Huế. Năm 2003, Tốt nghiệp được cấp bằng Thạc sĩ văn chương (MASTER OF ARTS IN LITERATURE). Tôi không biết có ai nhảy ngang, nhảy xuống, nhảy qua trong công tác nhiều như tôi không. Còn tôi, đó là số phận.
Suốt một thời đi học cũng làm vè thơ, viết truyện ngắn tào lao. May mắn năm Đệ Nhị (lớp 11) gởi hai truyện ngắn Sa MùGiọt nắng cuối cùng, kí tên Dương Uyển Châu dự thi trong kì thi sáng tác của hai trường Trung học Phan Châu Trinh và Nữ Trung học Hồng Đức, đoạt giải Nhất. Từ đó thấy hướng đi của mình, thi vào sư phạm ban Việt - Hán. Và cũng từ đây, khi rãnh rỗi làm thơ, viết truyện ngắn, viết chuyên đề như là để lưu dấu cảm nghĩ của mình về nghề, về cuộc sống. Viết nhiều nhưng đứt quãng vì bận bịu dạy học, hơn nữa cái tên Huệ và Dục cứ ám khiến tôi lẫn lộn lung tung, thành ra có khi viết đến toè lưỡi bút có khi để nó rét rỉ trong một thời gian dài.
Một chút tôi như thế đấy. Chẳng có gì đáng nói hơn.
Hoàng Dục
Bút danh Dương Uyển Châu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét