Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

3. NGƯỜI ĐÀN BÀ CÓ SỐ SÁT PHU

Truyện ngắn

NGƯỜI ĐÀN BÀ CÓ SỐ SÁT PHU

Dương Uyển Châu

Đó là câu nói cửa miệng của người làng Môn dành cho chị Hạnh, con của bác ruột tôi. Thú thật, tôi cũng chẳng hiểu thế nào! Chỉ nhớ từ thời nhỏ dại, tôi cũng sờ sợ chị sao ấy. Chị trông có vẻ khác với các cô gái đã qua cái tuổi trăng tròn trong làng. Chị choắt và khô người y như mụ phù thủy trong truyện cổ tích. Lại thêm cái bớt đồng tiền màu lông chuột trên má phải vun cao, khiến mặt chị đanh lại, âm âm tối tối, cứ lành lạnh thế nào ấy.
Nhưng rồi cái cảm giác kia cũng qua đi, khi tôi được sống dưới sự chăm chút của chị. Chả là, năm tôi mười tuổi, mẹ tôi bị bệnh nặng rồi qua đời. (Chị Hạnh lại nói khác, mẹ tôi nhớ thương ba tôi đến nỗi lâm bệnh không thể chạy chữa được). Tôi nghĩ cũng có thể. Mẹ tôi mất, nhưng ba tôi thì xuôi ngược đâu đó và chưa một lần về thăm. Mỗi khi ôm tôi vào lòng, mẹ tôi rầu giọng bảo, ba tôi hiền như ông phật sống và hay lam hay làm. Mẹ phải lòng và về với ba cũng bởi tính nết đó. Nếu không có cái năm mất mùa đói kém, người quê tôi ai cũng mỏng và xanh như lá lúa bị bệnh, ba tôi cũng chẳng bước chân ra khỏi làng. Ba tôi đi, rồi về mấy bận và tôi chào đời lúc tiếng súng kháng Pháp đã dòn dã quanh đồn lũy của chúng ở cứ điểm Điện Biên. Nhưng cũng từ đó, lũy tre làng Môn có dướn cao cổ lên ngóng đợi như mẹ con tôi, ba vẫn biệt mù tăm tích. Thế là tôi về ở với bác, với chị Hạnh của tôi.
Những ngày mới về nhà bác, bên chị, tôi vẫn cảm giác sờ sợ. Dần dà nỗi sợ như sợi khói mỏng manh tan loãng theo tháng ngày. Tôi nghĩ, có lẽ sự thiếu thốn tình cảm đã đẩy tôi nép vào đời chị mặc kệ cái cảm giác kia. Cũng có thể sự chăm chút tròn thương của chị Hạnh làm tôi quên lời bình phẩm như một lời nguyền về chị của người dân quê tôi. Tôi cảm thấy chị như bà tiên nhân từ phạm một tội nào đó, nên bị trời đày xuống trần gian trong một lốt người không hòan thiện. Mẹ tôi thật có lí khi nằm trên giường bệnh gọi tôi đến và bảo: "Nếu mẹ chết, con về ở với bác, với chị Hạnh nghe con!". Nghe những lời ấy, tôi tái nhợt người đi và khóc òa. Tôi sợ mẹ bỏ tôi mà đi vào cõi hết... và tôi sợ... Mẹ tôi khẽ đưa bàn tay yếu ớt, run rẫy chùi nước mắt cho tôi. Mẹ dịu dàng: "Đừng khóc! ... Bác và chị Hạnh là ruột rà của con mà!". Tôi cố cầm nước mắt mà không nén nổi. Tôi nghẹn ngào nói với mẹ sẽ về ở, nhưng sợ... Mẹ hỏi tôi sợ gì. Tôi thưa, sợ không có mẹ và sợ phải gần chị Hạnh. Tôi ngập ngừng nói về lời bàn tán của người làng, nói về cái cảm giác của tôi về chị cho mẹ nghe. Mẹ tôi cầm tay tôi, mắng khẽ: "Tào lao nà! Gì đi nữa, chị Hạnh vẫn là con của bác, chị của con. Chị trông vậy mà hiền thục nết na lắm, con không biết đó thôi. Con có thấy ngày nào chị cũng ngồi không nóng chỗ, tay lam tay làm để nuôi dưỡng bác con đó à?". Mà đúng thế thật. Chỉ có ruột rà, Bác tôi mới kêu tôi và chị Hạnh vào dặn dò: "Tao già rồi! Chị em mày phải đùm bọc nhau. Hạnh, dù khó khăn đến mấy con cũng ráng nuôi em ăn học cho tử tế nghe con. Em con còn nhỏ, lại một thân một mình, đừng để em phải tủi thân. Còn cháu cố mà học cho bằng chúng bằng bạn, đừng phụ lòng mong mỏi của mẹ và bác nghe cháu!". Và cũng chỉ có máu mủ, chị Hạnh mới sáng chợ chiều đồng chắt chiu từng xu cho tôi ngày ngày đến lớp.
Trong sự yêu thương của bác và chị Hạnh, tôi thấy cuộc đời tôi đang ấm dần lên, mặc dầu trong tâm trí tôi hình ảnh mẹ vẫn không thôi lay động, bóng cha mù mịt cũng mãi hiện về ám ảnh. Nhiều đêm tôi thổn thức trong giấc mơ, bên quan tài mẹ, để sáng tỉnh dậy mắt còn ươn ướt nước. Như hiểu thấu tâm trạng tôi, bác và chị càng thương yêu tôi hơn. Hai người bọc tôi trong sự âu yếm dịu dàng. Tôi như chú chim non ướt sủng nước mưa được ủ ấm bằng ngọn lửa trái tim nhân hậu của bác và chị. Tôi hiểu hai người che chở tôi không đơn giản vì cùng một ruột máu mà còn là sự đồng cảm sớt chia. Chị Hạnh cũng mồ côi mẹ khi đã gần tròn một năm tuổi. Bác gái tôi mất vào cái năm cả dân tộc sống trong cảnh bụng lép, người chết khô quắc như những xác ve. Từ đó, bác trai tôi ở vậy nuôi con. Tôi không hiểu phép mầu nào đã giúp cha con bác vượt qua nạn đói. Tôi cũng không hiểu tại sao bác không đi bước nữa. Chỉ nghe người ta nói, bác bảo vì thương chị Hạnh và còn thương bác gái. Tôi nghĩ có lẽ đó là sự thật! Riêng với chị Hạnh, tôi thường trò chuyện với chị. Khi thì chị em ngồi ở giữa sân, nói chuyện dưới trăng, lúc thì cùng chị cắt rạ trên thửa ruộng vừa gặt xong. Chị em tôi nói rất nhiều chuyện, tôi không thể nhớ hết. Chỉ nhớ, chị thường hỏi tôi về chuyện học hành, nhắc nhở thắp hương cho mẹ vào những ngày rằm, mồng một và nhớ khấn mẹ phù hộ để ba tôi sức khỏe, nhớ đường về nhà. Còn tôi thì hỏi chị đủ chuyện. Có lần tôi buột miệng hỏi chị sao chưa lấy chồng. Chị thả một cái nhìn sâu thẳm vào khoảng không, mặt thoảng bần thần. Rồi chị cốc nhẹ vào đầu tôi, mắng khẽ: "Không phải chuyện của em. Lo mà học đi. Năm nay lớp đệ Tứ (1) rồi, càng học lên cao càng khó đó nghe". Và hình như chị bảo tôi ráng học thành tài sau này dựng cho mẹ tôi một tấm bia. Quê tôi cát trắng, chỉ một mùa gió nắng là đất khô như rang, mồ mả sẽ bị dát mỏng như một tờ giấy quyến ngang bằng với mặt đất, không có bia làm sao nhận ra mộ. Và hình như chị lấp lửng... để nuôi chị nữa... Tôi nghe mà giật mình băn khoăn. Chẳng lẽ chị Hạnh ở vậy đến hết đời? Chẳng lẽ chị mãi biến mình thành cây đu đủ đực? Chẳng lẽ lời đồn đại của người quê tôi đã bẻ gãy ước mơ, làm sụp đổ khát vọng hạnh phúc lứa đôi của chị?... Nhìn chị mà đầu óc tôi lùng bùng. Có thể tôi còn nhỏ nên chưa hiểu hết được tâm trạng của chị, nhưng trong tôi như có một nỗi buồn đang len lách đến xốn xang!
Tựa kẻ đi thuyền trên biển đêm, tôi lên mộ mẹ thắp hương như dõi tìm ngọn hải đăng. Tôi khấn nguyện mẹ tôi, sống khôn thác thiêng, phù hộ cho con học hành tấn tới, phù hộ cho chị Hạnh có một tấm chồng. Chị giờ đây cũng gần sang cái tuổi băm rồi. Với lại, sang năm con phải lên Huế học lớp đệ Tam (2), con sẽ không còn gần bác gần chị được nữa. Mà bác thì ốm đau quặt quẹo chẳng biết về đất lúc nào! Chị Hạnh lẽ nào cứ như cây xương rồng lẻ loi trên cát, chẳng bao giờ nở hoa sao mẹ? Mẹ ơi, mẹ nghe rồi đó, quê mình cũng đang có khuôn mặt của chiến tranh thập thò. Giữa bom đạn, chị Hạnh sẽ sống ra sao?... Mẹ nhớ giúp chị nghe mẹ. Tôi lặng chìm vào cõi thinh không. Quanh tôi, những cây trâm bầu, những bụi sim như đang bất động, không còn đung đưa theo bài ca rờn rợn của buổi chiều rú cát thâm u.
Và có lẽ lời khấn của tôi đã được mẹ tôi thấu hiểu và thực hiện. Cuối cùng người ta cũng đến thăm nhà. Đó là một buổi chiều mùa thu có nắng lụa vàng xôn xao. Sự yên bình theo làn gió nhẹ, mát rượi tràn khắp chốn quê. Lòng tôi như cũng nao nao theo cái man mác của chiều, bâng khuâng cùng bước chân của người ta vào ngõ. Bác tôi tiếp người ta ở nhà trên. Tôi với chị Hạnh không hiểu sao chạy ào xuống bếp. Chị lăng xăng bắc ấm nước đốt rơm. Ngọn lửa bùng lên reo múa. Tôi không hiểu chị nghĩ gì, chỉ thấy chị chăm chăm nhìn ngọn lửa. Không biết ánh lửa có phản chiếu hay không, nhưng tôi thấy trong mắt chị cơ man nào là những ngôi sao xa nhấp nhánh. Và cái bớt đồng tiền hình như cũng hồng hồng không còn màu xám nữa. Tôi hết nhìn chị, lại dỏng tai nghe tiếng nói chuyện ở nhà trên. Người ta thưa, tôi nghe tiếng được tiếng mất, bây giờ thăm nhà,... tuần sau... ngày tốt... sẽ ăn lễ dạm hỏi... Tự nhiên tôi nắm lấy tay chị Hạnh và thầm thì: "Chị vui rồi đó nghe..". Chị ngớ ra, củng nhẹ vào trán tôi, ngượng ngập: "Cái thằng ni...", rồi cúi mặt vội vàng quơ một nắm rơm khô đun nhanh vào bếp. Chập chọang hôm đó, tôi lại lên mộ mẹ tôi thắp hương như một lời cám ơn.

* * *

Ngày tôi đi học xa, chị Hạnh vừa thu xếp áo xống cho tôi vừa trìu mến: "Chị may thêm cho em mấy bộ đồ đây. Gì thì em cũng đã là học sinh cấp III rồi". Hôm tôi đi, chị tiễn đến tận bến đò. Chị nắm chặt tay tôi ngậm ngùi: "Ráng giữ gìn sức khỏe và chăm học nghe em. Đừng lo gì cả... đừng lo...". Tôi rưng rưng chia tay chị. Còn đò đã rời bờ, nhưng lòng tôi như còn buộc chặt ở bến quê.
Tôi lên Huế loay hoay mãi mà vẫn chưa nộp được đơn vào trường công. Bỗng nghe bác tôi qua đời! Tôi về chịu tang rồi lại đi. Chị Hạnh bây giờ trơ trọi. Tôi cũng chẳng biết làm gì để chia sẻ với chị, đành câm nín như một kẻ vong tình. Rồi quê tôi bắt đầu đì đùng tiếng súng. Nhiều người làng lên Huế. Tôi hỏi họ về chị Hạnh. Người thì bảo, nó chẳng chịu đi vì mồ cha còn xanh cỏ. Người thì cà rỡn, nó đợi cưới chồng. Người thì ân cần, con Hạnh dặn mi đừng về, bom đạn không có mắt đâu, lỡ mi có bề gì nó sống làm sao! Ngày tôi đi chị dặn yên lòng, hôm nay làng ngập tràn khói lửa chị bảo đừng về. Làm sao tôi có thể yên lòng mà không về.
Sáng hôm ấy, khi khí trời còn ẩm sương, tôi đạp xe về Sịa, qua đò Ca Cút. Thuyền vừa cập bến, tôi vội vã dắt xe lên bờ. Vừa ngồi lên yên, bỗng có tiếng quen thuộc gọi tôi. Tôi ngoái lại hóa ra Dì Út của tôi. Dì cháu ôm chầm lấy nhau mừng tủi. Tôi hỏi tình cảnh gia đình Dì, hỏi thăm chị Hạnh. Dì nói người làng mình tản cư xuống đây đông lắm. Con Hạnh cũng ở đây. Nhưng hôm qua nghe chồng chưa cưới đang ở Quảng Trị nó khăn gói đi rồi. Tôi hẫng hụt vì sự muộn màng. Nhưng lòng như có niềm vui. Tôi thầm mong chị gặp anh và họ mãi bên nhau.
Tôi lại lên Huế và "hành phương Nam" vào Đà Nẵng. May mắn nhờ một người quen, tôi được nhận vào trường Phan Châu Trinh và có một chỗ dạy kèm tử tế. Cuộc sống của tôi tưởng cứ trôi xuôi cùng ngày tháng... Nhưng quê tôi bom đạn ngày càng ác liệt, dữ dội hơn. Tâm hồn tôi bây giờ càng bất an hơn trước. Tôi thường chìm vào ý nghĩ không sáng sủa về mộ mẹ và của bác tôi, về cuộc sống của chị Hạnh. Giấc ngủ tôi thường có những cơn mộng mị nhập vào quấy đảo. Những giấc mơ tồi tệ như bóng tối và ánh chớp đêm giông, gào thét và lặng im lẫn lộn, khiến lòng tôi không thể phẳng lặng. Có giấc mơ gió thoảng, nhưng cũng có giấc mơ bão tố vần vụ trong hồn tôi.
Một buổi sáng nắng ấm, tôi và chị Hạnh chân trần bước đi trên con đường làng cát mịn ra đồng. Cánh đồng quê tôi mênh mông trải rộng, xanh rờn những ruộng lúa đang ngậm đòng. Chị tát nước, còn tôi loanh quanh nhổ cỏ. Gàu sòng của chị vục miệng xuống nước rồi ngẩng lên, chồm tới nhả ra một làn nước trắng ngần vào thửa ruộng, tạo ra âm thanh ì ào đều đặn nghe thật lạ tai. Cái tiếng nước đổ ào vào ruộng ấy cứ theo động tác mềm mại, nhịp nhàng của chị mà ngân vang. Tự nhiên, tôi nghe chị cất giọng hò, một giọng hò xa xôi:
Ai về quê mẹ làng Môn,
Có thương xin cởi lời nguyền cho nhau
Thuyền ai ngược nước Ô Lâu
Chở giùm em một gánh sầu lên non.
Giọng hò của chị như rủ tôi về con hói nhỏ có dòng nước xanh êm, rồi như xui tôi nhảy chân sáo lên phía cồn đất cao gần triền sông. Trong trí tưởng tôi bỗng hiện về hình bóng của lũ bạn chăn trâu. Lũ bạn nhỏ đã cho tôi ngồi trên lưng trâu, ôm chặt chúng mà nghễu nghện ra mảnh đất cồn này. Rồi cá nướng, khoai luộc, cứ thế vui vầy bên nhau. Rồi những ổ rơm, cứ thế gác chân lên nhau mà ngủ. Cái tuổi nhỏ sao mà hồn nhiên đến tự nhiên quá đỗi?... Bây giờ tôi đang một mình đứng trên cồn đất sét pha cát đã ngã sang vàng bợt. Trời xanh rộng rãi nhưng thinh lặng. Chỉ có tiếng hò của chị Hạnh đang rập rờn, xôn xao trong đầu tôi. Tôi cúi xuống ngắt một nắm cỏ thơm. Lũ bạn chăn trâu gọi tên cỏ như thế và tôi cũng chỉ biết vậy. Thứ cỏ này phơi khô, mùi hương ngan ngát, dìu dịu của nó cứ phảng phất dễ đến mấy tháng mới hết. Tôi ngoái nhìn về phía chị Hạnh, bóng chị bé nhỏ, vẫn nhịp gàu đưa. Tôi đưa nắm cỏ lên mũi. Phải rồi, ngày cưới chị, mình sẽ tặng nắm cỏ thơm này. Tôi mỉm cười và chuồi theo điều mơ tưởng...
Bỗng dưng, những tiếng rít xé trời, những tiếng nổ, những cột nước, đất và bụi khói bùng lên cao nghệu. Cánh đồng chao mình, rung lên liên hồi. Còn tôi, bay lên, bay lên... và rơi ùm xuống vùng nước tối. Không biết tôi chìm nghỉm hay ngất đi bao lâu. Ôi chao, vùng sông nước này sao mà mờ mịt sương khói đến thế. Hình như đây là quãng bến đò Ca Cút. Có lẽ nào? Bình thường quãng này, tiếng gọi đò mới sang nửa sông đã hụt hơi rơi tỏm xuống nước. Nhưng cũng không mênh mênh mang mang như vậy. Tôi loi ngoi bơi vào bờ theo ý nghĩ của mình định hướng, nhưng chẳng tiến được một mi-li-mét nào. Thân xác tôi mỏi nhừ rời rã. Cố quẫy đạp, cố mở mắt thật to... Tôi không thể... Và hình như trong âm u khói, lờ mờ hình bóng mẹ tôi đang chỉ tay về hướng trước mặt tôi. Đúng đấy, phía đấy là bờ, con ráng bơi vào đi... Mẹ đi đây, mẹ đẩy quan tài của mẹ về phía không có tiếng súng đây. Nhưng không phải... hình như là bóng nhòa nhợt của chị Hạnh. Em bơi đi, đúng hướng rồi đó. Chị phải đi... phải đi... Chị đưa xác anh về cõi góa bụa cuối chân trời... Tôi gào lên, mẹ ơi!... chị ơi!... và cố sức bơi, nhưng chìm... chìm... chìm dần...
Tôi bừng tỉnh, khắp người toát mồ hôi lạnh. Vẫn yên tịnh bốn bề. Ngọn đèn khuya vẫn sáng. Trên bàn cuốn " Bài giải Toán hình học không gian, lớp đệ Nhị" của Nguyễn Xuân Vinh đang mở ra, nằm yên và hững hờ...

* * *

Đất nước vừa lặng tiếng súng. Tôi vội vàng thăm quê. Bao năm xa trở về, lòng tôi bỗng ngổn ngang. Tôi cảm giác mình như người xưa:
Trẻ con nắm áo hỏi,
Sao lâu về thăm nhà.
Tranh chi cùng ngày tháng,
Giờ tóc ngã màu tơ. 
(Hòang Dục tạm dịch) (1)
Khuôn mặt quê tôi bây giờ đổi khác, màu xuân pha lẫn sắc thu. Tôi tần ngần hỏi lũ trẻ chăn trâu nhà Dì Út. Dì cháu gặp nhau tủi mừng. "Cha mi... Tưởng mất xác mô rồi!..." Những ngón tay gầy guộc của Dì, sờ từng nét mặt, vuốt từng sợi tóc của tôi. Tôi hỏi thăm hoàn cảnh, sức khỏe của Dì. Hỏi thăm chị Hạnh. Dì móm mém: "Con Hạnh... Hắn ra Quảng Trị, hơn tháng thằng chồng chết. Hắn mò về làng. Rồi ma xui quỷ khiến thế nào, hắn ăn ở với thằng vô công rỗi nghề trên Phong Hòa xuống mấy bận. Có thai rồi sinh nở. Nghe đâu thằng kia cũng chết. Hắn bồng con biền biệt đến nay...".
Thẩn thờ tôi nghe lòng quặn se. Bao nhiêu mong muốn chỉ được một phần nhỏ nhoi. Chị Hạnh đã không còn ở làng, đang lẻ bóng ở đâu đó. Những thằng bạn chăn trâu tuổi nhỏ, bây giờ có đứa ở xa, có đứa lặng im dưới mộ lạnh. Không biết chúng còn nhớ đến cỏ thơm trên cồn đất cánh đồng quê không? Tôi loanh quanh khắp làng và gặp toàn những chuyện những điều không lành lặn. Suốt mấy ngày, lòng tôi bảng lảng một chút băn khoăn.
Ngày mai, tôi rời quê. Tôi lên mộ thắp hương cho mẹ và bác tôi. Tôi hứa sẽ dựng bia và sẽ về quê trong những ngày tảo mộ. Và tôi không quên, xin mẹ và bác, hóa giải lời nguyền cho chị Hạnh, để chị được sống hạnh phúc, nếu chị còn trên cõi đời này hoặc sẽ tái sinh vào kiếp sau.
Kế Môn, 12-11-1985

(1) Lớp 9 THCS.

(2) Lớp 10, THPT.

(1) Trĩ tử khiên y vấn,

Qui gia hà thái trì.

Cộng thùy tranh tuế nguỵệt,

Dinh đắc mấn như ti.

(Đỗ Mục)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét