Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

544. HÀ GIANG GHI CHÉP


1. Nghĩ dọc miền Trung
Nghe hỏi, đi Hà Giang không? Có chút ngẩn người rồi gật đầu, sao lại không. Một năm vài ba chuyến ngang dọc đất nước, khi nơi này lúc chỗ khác, để hiểu thêm văn hóa vùng miền là sở nguyện của mình. Đã từng với một bạn thân mong mỏi làm một chuyến đi xuyên Việt dài ngày nhưng chưa thực hiện được. Cho nên, hễ có dịp là  làm thân du tử.

       Tất nhiên không phải “Xách ba lô lên vai và đi” như Huyền Chíp mà kéo va li và đi của những người đã hơn sáu bó. Thú tang bồng cũng không hề hao hụt, không hề vơi dần theo cái dày lên của tuổi. Trí tưởng vẫn hừng hừng cái vẫy gọi của phương xa. Vì vậy, chỉ nghe cái tên Hà Giang thôi cũng đã thấy bồn chồn. Phải chăng do cái tên Hà Giang rất gọi mời. Hay Hà Giang nghe như dòng sông biên giới trên bàn cờ tướng. Nó rạch đôi chiến tuyến nên kích thích lòng khao khát “ngó” về bên kia, đất của ông hàng xóm con buôn to xác, lọc lõi và nham hiểm. Chỉ nghĩ thế thôi đã thấy sướng rồi. Bỗng thấy quanh đây vọng vang những câu thơ Quang Dũng: Mũ hãy ngã cho nắng vàng mái tóc/ Túi lên vai trời hửng núi xa rồi/ Cột dây thép gió lùa qua rào rạo/ Hát lên đường muôn dặm đường xa khơi.
      Phải nói rằng, chuyến ngược Hà Giang là cuộc lữ đầy ngẫu hứng lí lên đàng! Không ngẫu hứng sao được khi không một ai trong nhóm biết rõ về Hà Giang. Trưởng nhóm chỉ tham khảo bài viết của các tour. Cậu lái xe thì mới mua bản đồ du lịch Hà Giang. Còn mình thì mô mô tê tê, chỉ biết đợi đúng ngày giờ là lên xe khởi hành. Những chuyến lữ hành trước đây, một là đã biết về vùng đất sẽ đến, hai là chưa biết. Nếu chưa, mình tìm hiểu cặn kẽ qua các bài viết giới thiệu về con người và cảnh quan của nơi ấy. Còn lần này thì chỉ biết có mỗi danh từ riêng Hà Giang. Mình muốn sống trọn vẹn với cảm giác đi rồi biết, đến sẽ hay! Mình muốn để cho tâm lí tò mò đẩy đưa mình đi, cho mình cái nhìn ngơ ngác, cái giọng trầm trồ trước cái lạ của xứ sở, để từ đó thêm yêu đất nước mình.
      Như những cuộc lữ trước, đúng 6 giờ 30 sáng, xe đón ở Ngã Năm rồi lên đường. Xe lăn bánh, trưởng nhóm thông báo lịch trình chuyến đi. Ghé Quán Bà Sửu ăn sáng; trưa ăn cơm ở Lệ Thủy, Quảng Bình; tối ngủ ở Vinh; sáng hôm sau tiếp tục hành trình… Giọng thông báo rõ ràng, tự tin, nhưng khi có người muốn nắm chi tiết hơn thì được trả lời: Khách sạn, có số điện thoại đây. Lịch trình đại thể là thế nhưng tùy cơ ứng biến. Nghe mà ngẩn ngơ! Có ai đó buộc miệng, đoàn ta phần lớn là giáo viên dạy môn văn. Một phát hiện lí thú. Chả trách cùng nhau tung hứng rất nhịp nhàng. hèn chi mà ngẫu hứng, lãng mạn, bốc rời… Và nói cũng nhiều, cười cũng không ít, Tiếng cười tiếng nói chật cả xe. Không sao! Đi xa nói cười cho đường ngắn lại. Cười nói cho tình lên men. Nói cười trong một chuyến lãng du là bình thường. Không bình thường là những trước những chuyện xã hội, chuyện dân tộc, làm được điều này, điều kia mà nói nhiều quá, vui nhiều quá là không ổn. Nói không phải, ồn ào như thế khác nào đang phát huy tận độ cái chủ nghĩa A Q?
       Sau khi, mỗi người một tô cháo bò, một li cà phê ở quán Bà Sửu xứ Truồi, Thừa Thiên-Huế, cuộc hành trình tiếp tục. Mặt trời đã lên cao. Bên ngoài cửa xe, nắng chói chang. Nhà cửa, cây cối, ruộng đồng nhìn xa xa chấp chới, sáng lóa như ngọn lửa hàn. Nhất là khi xe chạy ngang qua trảng cát Hải Lăng (Quảng Trị), chạy song song với những độn cát ở Lệ Thủy (Quảng Bình), cái nắng vàng sáng đến nhức mắt. Nhìn nắng hạ đang lộng hành ở mảnh đất miền Trung giàu gió nam này, bỗng nghĩ đến những từ tả nắng trong thơ nhạc Việt Nam. Nắng trong liên tưởng của các nghệ sĩ xứ nhiệt đới rất phong phú: nắng thủy tinh, nắng long lanh, nắng thưa, nắng rất la đà, nắng vàng, nắng vàng phai, nắng mới, tình reo như nắng, nắng chói, nắng chang chang, nắng quái, nắng xiên khoai, nắng giòn tan, nắng lửa, nắng reo,…Trong những từ tả nắng đó, ngờ rằng những nắng thủy tinh, nắng long lanh hẳn có gốc gác ở miền Trung. Những cụm từ đó không thể sinh thành ở một vùng đất nào khác. Nắng đẹp đấy, nhưng chẳng thương người dân quê tí nào! Hèn gì người nông dân Hà Tĩnh, Nghệ An mưa nắng gì cũng áo tơi ra đồng. Áo tơi che mưa lạnh giá. Áo tơi ngăn nắng lửa. Chiếc áo tơi đã đi vào văn học nghệ thuật vừa gợi cái đặc trưng vùng miền vừa tả được cái gian khổ của người dân Nghệ Tĩnh. Đã gặp: Áo tơi mưa cha đội bão đi cày/ Mẹ gánh gạo gánh con nhà quan cao cửa đóng (Vũ Quần Phương-Dân ca). Đã nghe: Cùng em khoác áo tơi ra đồng. Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng (An Thuyên-Ca dao em và tôi). Ơi Hà Tĩnh, đường về có nhớ/ Trời chang chang nắng, ai quàng áo tơi (An Thuyên-Hà Tĩnh mình thương). Cho dù trong những lời thơ, ca từ ấy, chiếc áo tơi có phần nhuốm màu tình tứ thi giữa cuộc sống đời thường, hình ảnh người nông dân trong chiếc áo tơi đùm đụp hiện lên thật nhọc nhằn. Không hiểu sao, trong trí tưởng của mình, chiếc áo tơi hiện hình thành chiếc mu rùa gợi ra thân phận con người ở chốn quê!
      Mãi lan man, xe đã đến địa phận Hà Tĩnh. Cậu lái xe chỉ về phía biển: Vũng Áng đây. Mọi người ồ lên. Thế là chuyển đề tài. Người ta quên chuyện Vũng Chùa-Đảo Yến, khu du lịch sinh thái, nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Người ta không cần  nữa câu trả lời, tại sao không an táng ông ấy ở quê nhà, làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Người ta quên việc kinh doanh hình ảnh của Đại tướng ở các nhà hai bên quốc lộ 1, đoạn rẽ vào nơi an nghỉ cuối cùng của ông. Bây giờ, ai cũng bị hút về chuyện Trung Quốc thuê Vũng Áng. Không khí trầm hẳn xuống. Bằng giọng âu lo, mỗi người góp một chuyện, một lời bàn khiến vấn đề trở nên lòng thòng, rối hơn dây leo tơ hồng. Nghe nẫu quá!
      Câu chuyện của mọi người bắt mắt mình không rời phía biển. Nhìn dọc bờ biển huyện Kì Anh, đâu đâu cũng đang xây dựng. Mình có cảm giác các công trình này chiếm hết bờ biển huyện này. Nhìn hai bên quốc lộ 1, những bảng hiệu chữ Tàu chật nêm. Tự dưng cái cảm giác chen chân ở phố Tàu trên tuyến đường Sơn Trà-Điện Ngọc ở Đà Nẵng hiện về. Bảng hiệu chữ Tàu, bảng chỉ đường chữ Tàu, bảng ghi thực đơn hàng quán dọc con đường ven biển này cũng chữ Tàu, thực khách xi xô tiếng Tàu… Mà có riêng gì chữ Tàu, ở Đà Nẵng (những thành phố khác nữa?), chữ Tây cũng ưỡn ngực phô trương trên tầng cao của các nhà hàng sang trọng, các nhà cao tầng, các khách sạn gắn sao… Cho nên, có một lần tản bộ dưới cơn mưa lay bay, mình bỗng xúc phạm thi sĩ Trần Dần một cách ngẫu hứng: Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà/ Chỉ thấy chữ Tây Tàu nghênh ngang giữa bao la trời Việt (Nhất định thắng).
     Có ai đó cất giọng ong chích. Hà Tĩnh bây giờ đã khác. Đất khác, người cũng khác. Chỉ riêng con gái ở huyện, ở tỉnh này cũng nói lên điều đó. Trước đây, các cô đi xa làm đủ nghề để kiếm sống. Cuộc mưu sinh ở xứ người xem ra nhọc nhằn nhưng chẳng khấm khá gì. Bây giờ phần lớn các cô quay về bản quán. Không phải vì tình quê sâu nặng mà vì sự an thân. Về quê lấy chồng Tàu có khi ổn hơn, vừa gần gũi, giúp đỡ được người thân, vừa đỡ nhọc xác, vừa có cái gọi là một mái ấm gia đình. Nhất là ít ra cũng chọn được người chồng như ý, chứ như các cô gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc,… có biết ông chồng đui què mẻ sứt ra sao đâu. Làm dâu xứ người khổ lắm. Bao nhiêu cô bị đánh đập, bị chết trên đất quê chồng!
       Nghe có vẻ thuyết phục lắm! Nhưng cay mắt làm sao ấy. Nếu thực như vậy, tủi phận cho thân gái xứ mình quá! Những cô gái da vàng sao mà truân chuyên đến vậy! Tự dưng nhớ đến ca khúc Người con gái Việt Nam da vàng của Trịnh Công Sơn: Người con gái Việt Nam da vàng/ Yêu quê hương nay đã không còn/ Ôi! cái chết đau thương vô tình/ Ôi! đất nước u mê ngàn năm/ Em đã đến quê hương một mình/ Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm! Rồi nghĩ về cuộc bạo động của công nhân Hà Tĩnh chiều hôm qua, 14-5-2014. Một cách hành xử đầy cảm tính và cực đoan không nên có một chút nào.  Xưa nay, càng cảm tính chừng nào càng dễ bị lợi dụng chừng nấy. Có người cho rằng, đó là sự bùng vỡ của tâm thức bị dồn nén. Cũng có thể. Đó chính là hệ quả vốn có của một chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nói nôm na là cái máu địa phương vốn có trong tâm lí của người Việt. Chính cái tính địa phương này mà con người thiếu tĩnh táo nên bị sai khiến. Cũng có thể. Không thể có tình cảm yêu nước đúng khi nhận thức và hành động sai trái!
      Đã hoàng hôn. Thành phố Vinh đây rồi. Chẳng còn nghĩ ngợi gì. Cả đoàn tìm đến với khách sạn Hoa Phượng Đỏ. Đêm ở Vinh nóng hầm hập. Một ngày đi đường mệt mỏi, trong  căn phòng bức bối vì máy điều hòa không muốn điều hòa nhiệt độ, mình cứ thao thức. Một sự thao thức trống không. Giường bên cạnh cậu lái xe đã chìm vào giấc ngủ. Ngủ thôi, mình tự nhủ, ngày mai còn cả một chặng đường dài lên Tam Đảo.
     (Còn nữa)
     Hoàng Dục
     14-6-2014
     ________

1 nhận xét: