Một trăm ngày mất của ông anh con
bác, lại về quê. Được về quê là cái thú, nhưng ở lâu lại không mấy vui, bởi bà
con đi làm đồng, còn mình thì quanh quẩn mãi trong nhà, nếu có tản bộ cũng chỉ xuôi
ngược đường ngang hay lên xuống xóm. Kể ra, được hít thở không khí trong lành
cũng thú, được ngắm ruộng vườn xanh tươi cũng thích, nhưng chỉ một mình nên có
phần trống trải quá! Cũng may, lần này về đúng dịp Tết Đoan Ngọ. Bà chị níu
kéo, ăn mồng 5 đã rồi vào! Nghĩ cũng hay nên
nán lại vài ngày.
Đã lâu lắm rồi, dễ chừng gần 50 năm, mình
mới gặp lại cái Tết bắt sâu bọ này ở quê. Cái cảm giác ăn mồng 5 ở quê tưởng
chừng phôi phai nay hiện về lung linh. Nhớ ngày thơ bé, hễ đến mồng 5 lại thèm
chè kê. Cái thời ấy, chỉ mồng 5 mới có thức chè này. Chẳng hiểu tại sao? Có lẽ
do chế biến tốn công quá chăng? Kê, đậu xanh nấu với đường bát xanh đen có bông
trắng, thêm một ít va-ni thì tuyệt. Cái dẽo, vị ngọt thanh tao, mùi thơm rất
nhẹ cứ quyện vào nhau tạo ra sức quyến rũ đứa trẻ “hảo ngọt” như mình. Rồi… cắp
thúng lên rú hái lá về nấu nước uống. Mẹ đã chỉ cho nên cũng phân biệt được lá
nào nên hái lá nào không. Mình cứ lá nổ, lá tràm, lá chổi, lá vằng, lá chìu… mà
hái. Hái xong đem về phơi khô vừa rồi nấu. Thức uống này vừa đắng vừa ngọt vừa
thơm đặc trưng, có khả năng làm dịu cái nóng tháng năm ở đất miền Trung gió Lào
hun hút.
Bây giờ được quây quần bên những người
thân ăn mồng 5, cảm giác thật vui. Thức ăn cũng chẳng có gì khác. Vẫn thịt vịt
chấm nước mắm gừng. Vẫn thịt vịt xáo măng. Vẫn xôi đậu xanh, đậu đỏ. Vẫn chè
kê. Và vẫn lá mồng 5.
Thế nhưng, mình cảm giác đậm đà hương vị
quê hương. Phải chăng có cảm giác đó là do mình đang thưởng thức những món đặc
trưng của mồng 5 tháng năm trên đất nhà xưa của mình. Phải chăng tất cả do bà
chị con bác nấu nướng nên có chất dân dã vốn có của làng quê mình. Nhất là món
vịt xáo măng ăn với xôi. Chao ôi, nước mới ngọt thanh làm sao. Đó là cái vị
ngọt của ruốc không chê vào đâu được mà lâu nay mình thi thoảng mới được thưởng
thức. Rồi nước mắm gừng. Thịt vịt chấm với cái thứ nước mắm dân quê mình vẫn
gọi nước mắm làng ngon đến nhức răng thì chỉ có ngậm mà nghe. Khoái khẩu vô
cùng!
Và phải chăng, mình ăn mồng 5 trong cái
nóng hầm hầm, rát bỏng da thịt của ngọn gió Nam. Vừa ăn vừa loay hoay cho bớt
nóng… và vừa đợi trời trở nồm. Ngọn gió Đông, từ biển thổi vào, sẽ làm dịu không khí, dấu hiệu của một buổi
chiều mát mẻ sẽ đến để được lang thang xóm ngược xóm xuôi, để ngắm cánh đồng
quê lúa đang xanh rờn.
Ăn mồng 5 ở quê, có gì đâu, sao mà thích
đến thế!
Hoàng Dục
3-6-20124
__________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét