Trong khi khát vọng dân chủ có thể biểu hiện qua nhiều cách, một số nguyên tắc
phổ quát sau vốn là cốt lõi của bất cứ xã hội dân chủ nào: chính quyền đại diện
(được hình thành qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng), pháp trị và trách
nhiệm (được thi hành bởi một ngành tư pháp độc lập), và tự do ngôn luận (điển
hình như báo chí không bị kiểm duyệt). Tuy nhiên, dân chủ còn có ý nghĩa vượt
lên trên các định chế chính thức này; nó còn là tự do đích thực và sức mạnh cho
mỗi cá nhân. Tôi không là một chuyên gia về chính trị học cũng chẳng phải là
một người có thẩm quyền về dân chủ và pháp trị. Đúng hơn, tôi chỉ đơn thuần là
một tu sĩ Phật giáo, được tu học theo phương cách cổ truyền của chúng tôi. Tuy
vậy, một đời tu học Phật pháp và việc tham gia vào cuộc đấu tranh bất bạo động
cho tự do của nhân dân Tây Tạng đã cho tôi một số tri kiến mà tôi muốn được bàn
luận nơi đây.
Là
một nhà sư, tôi không thấy khái niệm và việc thực hành dân chủ là xa lạ. Trong
cốt lõi, Phật giáo quan niệm mọi người đều có tiềm năng giác ngộ và toàn mãn,
và thành tựu điều này thì tùy theo hạnh tinh tấn của mỗi người. Đức Phật đã chỉ
ra rằng mỗi người là chủ nhân của số phận mình; điều này nhấn mạnh việc mỗi
người đều có khả năng đạt đến giác ngộ. Trong ý nghĩa này, thế giới quan của
Phật giáo công nhận mọi người về cơ bản là tương đồng. Cũng như Phật giáo, nền
dân chủ hiện đại đặt cơ sở trên nguyên tắc mọi người cơ bản là bình đẳng, và
mỗi chúng ta đều có quyền sống, tự do, và hạnh phúc như nhau. Cho dẫu giàu hay
nghèo, có học hành hay không, theo tôn giáo này hay tôn giáo kia, mỗi chúng ta
là một con người. Chúng ta không chỉ mong cầu hạnh phúc và tìm cách trốn lánh
khổ đau, mà mỗi người chúng ta còn có quyền theo đuổi các mục đích này như
nhau. Như vậy không chỉ Phật giáo và dân chủ tương hợp nhau, chúng cùng bắt rễ
từ sự hiểu biết chung về sự bình đẳng và tiềm năng của mỗi con người.
Xét
dân chủ như một quy trình để quyết định một vấn đề, một lần nữa chúng ta cũng
tìm thấy trong truyền thống Phật giáo một sự công nhận phần nào về nhu cầu đồng
thuận. Thí dụ, tu viện Phật giáo có một lịch sử lâu đời về việc quyết định
những chuyện quan trọng có ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của tu sĩ bằng cách
thảo luận tập thể. Quả thực, nói cho đúng, mỗi nghi thức liên quan đến việc duy
trì nếp tu tập của tu viện phải được thực hiện bởi một cuộc họp của ít nhất bốn
vị sư. Do đó có thể nói các giới luật quản trị đời sống và hành vi của tăng
đòan đã được thực hiện theo truyền thống dân chủ. Ít ra trên lý thuyết, ngay cả
những giáo pháp của Đức Phật trong một số hoàn cảnh cũng có thể sửa đổi bằng
một cuộc kiết tập bởi một số tu sĩ đã thọ giới.
Vì
là con người, tất cả chúng ta đều muốn sống trong một xã hội mà chúng ta có thể
tự do phát biểu và nỗ lực để thành đạt tốt nhất. Cùng lúc đó, việc theo đuổi
những dục vọng thoả mãn riêng cho bản thân mà làm thiệt hại đến người khác có
thể dẫn đến sự hỗn loạn và vô chính phủ. Vì thế, cần có một hệ thống để các
quyền lợi cá nhân được cân bằng với hạnh phúc rộng lớn của toàn thể cộng đồng.
Vì lý do này, tôi cảm thấy cần phải phát triển ý thức trách nhiệm chung, sự
quan tâm sâu sắc về nhân loại, không phân biệt tôn giáo, màu da, phái tính, hay
quốc tịch. Nếu chúng ta chọn sống theo lối chỉ nghĩ đến bản thân và luôn lợi
dụng người khác để thăng tiến lợi ích riêng, chúng ta có thể được lợi lộc nhất
thời, nhưng về lâu dài hạnh phúc sẽ tránh né chúng ta. Thay vì thế, chúng ta
phải học cách hành động không chỉ riêng cho bản ngã, mà còn vì lợi lạc cho toàn
thể nhân quần.
Trong
khi thật sự không có hệ thống chính quyền nào là toàn mỹ, chế độ dân chủ gần
gũi nhất với bản chất cốt lõi của con người và nó cho chúng ta cơ hội lớn nhất
để xây dựng tinh thần trách nhiệm chung. Là một Phật tử, tôi có tín tâm mạnh mẽ
vào cách tiếp cận nhân bản hướng đến dân chủ, một cách tiếp cận nhận chân được
sự quan trọng của cá nhân nhưng không quên trách nhiệm đối với toàn thể nhân
lọai. Phật giáo nhấn mạnh khả năng tiềm tàng của cá nhân, nhưng chúng ta cũng
tin tưởng rằng mục đích của một cuộc sống có ý nghĩa là phụng sự mọi
người.
Nhiều
quốc gia xem việc tôn trọng các quyền công dân và chính trị của mỗi cá nhân là
khía cạnh quan trọng nhất của dân chủ. Các nước khác, nhất là tại các nước đang
phát triển, xem các quyền của xã hội – đặc biệt quyền phát triển kinh tế --
vượt lên trên các quyền cá nhân. Tôi tin rằng sự phát triển kinh tế và sự quan
tâm đến các quyền cá nhân có liên quan mật thiết. Một xã hội không thể phát huy
tối đa những thuận lợi về kinh tế mà không thừa nhận quyền công dân và chính
trị của nhân dân. Đồng thời, những quyền tự do này cũng bị giảm thiểu đi nếu
các nhu cầu cơ bản của đời sống không được đáp ứng.
Một
số nhà lãnh đạo Châu Á cho rằng dân chủ và các tự do đi cùng với nó là những
sản phẩm của riêng nền văn minh Tây Phương. Họ khẳng định các giá trị Á Đông
khác biệt đáng kể, nếu không nói là hoàn toàn, với dân chủ. Họ tranh cãi là nền
văn hoá Á Đông nhấn mạnh đến trật tự, bổn phận, và ổn định, trong khi trọng tâm
của nền dân chủ Tây Phương vào các quyền cá nhân và tự do lại làm suy yếu các
giá trị đó. Họ cho rằng người Châu Á có những nhu cầu cơ bản về sự thoả mãn cá
nhân và xã hội khác. Tôi không chia sẻ quan điểm này.
Tin
tuởng nền tảng của tôi là mọi người đều có cùng một ước vọng cơ bản: tất cả chúng
ta đều mong cầu hạnh phúc và tất cả chúng ta đều trải nghiệm khổ đau. Cũng như
dân châu Mỹ, châu Âu, và các nước khác trên thế giới, người châu Á ước mong
sống một cuộc sống trọn vẹn, cải thiện chính mình và đời sống của người thân
yêu. Ấn Độ, nơi sinh của Thánh Gandhi và khái niệm ahimsa, hay bất bạo động, là
thí dụ tuyệt vời về một quốc gia châu Á nhiệt tình với thể chế dân chủ. Ấn Độ
chứng minh cho thấy dân chủ có thể bắt rễ ăn sâu ở ngoài thế giới phương Tây.
Tương tự, các anh chị em của chúng ta ở Miến Điện, Indonesia, và Trung hoa cũng
đang dũng cảm cùng cất cao giọng kêu gọi bình đẳng, tự do, và dân chủ.
Thực
tế các cải cách dân chủ đang là trào lưu trên toàn thế giới, từ Cộng Hoà Czech
đến Mông Cổ, và từ Nam Phi đến Đài Loan, là chứng nhận cho sức mạnh của các lý
tưởng mà dân chủ thể hiện. Càng có nhiều người ý thức được tiềm năng của mình
thì số người muốn phát biểu những suy nghĩ của chính mình qua hệ thống dân chủ
càng tăng. Các khuynh hướng toàn cầu này đã minh họa cho tính phổ quát của khát
vọng về một hình thái chính quyền tôn trọng pháp trị và nhân quyền.
Trường
hợp Tây Tạng
Tôi
hết sức kiên quyết với việc hiện đại hoá chính trị và dân chủ hoá quê hương Tây
Tạng của tôi và đã nỗ lực để phát triển một hệ thống dân chủ cho người dân Tây
Tạng sống lưu vong. Năm 1963, tôi công bố bản hiến pháp dân chủ của Tây Tạng,
và cộng đồng lưu vong chúng tôi đã đáp ứng tốt với thách thức của cuộc thí
nghiệm dân chủ này trong nhiều hoàn cảnh khó khăn. Năm 1969, tôi đã tuyên bố
thể chế Dalai Lama có tiếp tục tồn tại hay không là tùy thuộc vào nguyện vọng
của nhân dân Tây Tạng. Năm 1991, cơ quan lập pháp của chúng tôi, Hội đồng Đại
biểu Nhân dân Tây Tạng, đã thông qua Hiến Chương của Người Tây Tạng Lưu Vong,
mở rộng thành phần của Hội đồng và chuyển giao quyền lực từ tôi sang cơ quan
này quyền tuyển chọn thành viên Nội Các. Mặc dầu Hiến chương này được mô phỏng
dựa theo hiến pháp của các nền dân chủ chính thức, nó cũng phản ánh bản chất
độc đáo của văn hoá và hệ thống giá trị của Tây Tạng: bảo vệ tự do tôn giáo,
duy trì nguyên tắc bất bạo động, và chú trọng việc vận động cho phúc lợi vật
chất và tinh thần của nhân dân Tây Tạng.
Năm
1992, để hướng các nỗ lực đến việc tác động thực sự lên đời sống của người Tây
Tạng đang sống tại quê nhà, tôi công bố Chỉ đạo về Thể chế Tương lai của Tây
Tạng. Văn kiện này đặt cơ sở trên niềm hy vọng rằng chúng tôi sẽ đạt được một
thỏa thuận trong thương thảo với chính quyền Trung Quốc về quyền tự trị của
nhân dân Tây Tạng. Tôi tin rẳng, một khi đạt được một hiệp định như thế, chính
nhân dân Tây Tạng bên trong Tây Tạng sẽ nhận trách nhiệm chính trong việc quyết
định về nền cai trị tương lai, và các viên chức đang phục vụ trong vị trí lãnh
đạo ở Tây Tạng sẽ chịu trách nhiệm lớn hơn trong tương lai.
Không
may, dân Tây Tạng sống trong Tây Tạng chưa được chia sẻ những tự do của dân chủ
mà chúng tôi đã áp dụng trong khi sống lưu vong. Thật tế, nhiều thập niên qua,
anh chị em chúng tôi ở Tây Tạng đã phải chịu đựng khôn cùng. Người Tây Tạng bị
tấn công trực diện trên mọi mặt, chính nền văn hoá của Tây Tạng bị đe dọa. Tôi
tin nhân dân Tây Tạng có quyền bảo tồn di sản văn hoá riêng và độc đáo của họ.
Tôi cũng tin họ phải được quyết định tương lai, hình thức chính quyền, và hệ
thống xã hội của họ. Không người dân Tây Tạng nào thích lập lại các định chế
chính trị và xã hội lỗi thời, nhưng chúng tôi là một đất nước sáu triệu dân có
quyền sống như con người.
Vì
dân Tây Tạng chúng tôi bắt đầu chuyển hướng về dân chủ, chúng tôi biết là để
tạo sức mạnh cho dân thì chúng tôi phải cho họ hiểu biết đầy đủ về các quyền và
trách nhiệm của công dân trong một xã hội dân chủ. Vì vậy, tôi dồn sự chú ý
nhiều vào giáo dục. Nhân dân Tây Tạng càng học hỏi nhiều về tiềm năng cá nhân
và khả năng đóng một vai trong việc cai quản đất nước thì xã hội chúng tôi càng
hùng mạnh.
Về
một số mặt, tôi là một Dalai Lama kém may mắn nhất, vì thời gian tôi sống tỵ
nạn bên ngoài đất nước nhiều hơn sống trong nước. Mặt khác, nó cũng bổ ích khi
tôi được sống trong một nền dân chủ và học hỏi thế giới những điều mà dân Tây
Tạng chúng tôi trước đây chưa từng làm. Nếu tôi còn sống trong nước và lãnh đạo
Tây Tạng, chắc chắn tôi đã nỗ lực để thực hiện đổi mới hệ thống chính trị,
nhưng ngay cả khi đó, vẫn có khả năng tôi sẽ còn chịu ảnh hưởng bởi môi trường chính
trị thủ cựu tồn tại ở quê nhà. Sống bên ngoài Tây Tạng đã cho tôi những tầm
nhìn vô giá. Tôi biết hệ thống chính trị trước đây của chúng tôi đã lỗi thời và
không trang bị đủ để đối mặt với những thách thức của thế giới đương đại.
Ngày
nay, thế giới ngày càng trở nên tưong lập. Trong thời buổi của hợp tác và trao
đổi xuyên biên giới, điều quan trọng là Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác nên
giúp gìn giữ và đẩy mạnh các khuynh hướng dân chủ trên thế giới. Thí dụ, sự
phân rã của Liên Bang Sô Viết có thể được xem là chiến thắng đáng kể về dân chủ
và nhân quyền. Thực tế, nhiều nhà lãnh đạo Phương Tây, kể cả những vị ở Hoa Kỳ,
đã nhận công từ việc kết thúc Liên Bang Sô Viết. Tuy nhiên, hiện nay, các điều
kiện ở Nga là kinh khủng và nhiều nước cộng hoà Sô Viết trước đây đang đối mặt
với viễn cảnh hỗn loạn về chính trị và kinh tế. Sự thất bại trong thí nghiệm
dân chủ ở Nga có thể tạo nên một tác động xấu trên thế giới và giúp cho những
người nói xấu dân chủ thêm năng lực và sức mạnh. Vì thế tôi tin đây là trách
nhiệm của thế giới tự do dân chủ phải giúp đỡ các quốc gia đang dũng cảm tiến
bước hướng đến dân chủ và hiện đang gắng sức để nó hoạt động hữu hiệu.
Tôi
cũng hiểu mọi người có quyền quan tâm đến sự an nguy của đất nước họ. Nhưng
chắc chắn điều quan trọng hơn là hỗ trợ việc xây dựng sự bình ổn ở những vùng
bất an như Liên Bang Sô Viết cũ, bằng kinh tế và các phương tiện trợ giúp khác,
thay vì đầu tư vào việc gia tăng kho vũ khí tinh vi và ngân sách quốc phòng cao
vọt. Hơn nữa, mặc dầu mỗi quốc gia có quyền quyết định nhu cầu an ninh riêng
của họ, tôi tin rằng phương pháp bất bạo động là con đường mang tính xây dựng
nhất để bảo vệ hoà bình lâu dài.
Kết
luận, tôi muốn nhấn mạnh lần nữa chúng ta phải có một tín tâm kiên cố trong
việc công nhận tính chất phổ quát của các giá trị đạo đức và chính trị cơ bản
vốn là nền tảng của dân chủ. Công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản, quyền tự
do ngôn luận, tính bình đẳng của nhân lọai, và pháp trị phải được nhìn không
chỉ như một khát vọng mà là như những điều kiện cần thiết của một xã hội văn
minh.
Nguồn:
Dalai Lama XIV (1999). Buddhism, Asian Values, and Democracy. Journal of
Democracy, 10(1), 3-7
Phan Quốc Tâm dịch
Phan Quốc Tâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét