Vu Lan không có hoa hồng
Từ ý tưởng của người Nhật, thiền sư Thích Nhất Hạnh mang về Việt
Nam một tập tục dịu dàng cho các đứa con vào mùa Vu Lan: một bông hồng
đỏ cho mẹ còn trên cõi đời, một bông hồng trắng cho mẹ đã thành mây bay
khắp cõi. Ngẫm nghĩ về những điều này, có lúc, tôi tự hỏi, với những
người mẹ vẫn còn sống nhưng con thì đã mất, mùa Vu Lan sẽ phải biểu hiện
ra sao?
Những nghịch cảnh như vậy, có không ít trên đất nước này. Hàng triệu
bà mẹ Việt Nam có con chết trong hai cuộc chiến tranh, đã lặng lẽ đi qua
từng mùa Vu Lan cô độc ra sao? Những người đã chết đó, có thể là vì
thảm nạn, có thể là người cầm súng ngã xuống nơi chiến trường. Vậy, có
bao nhiêu người mẹ già từng năm, từng tháng, đã im lặng nhìn vào khoảng
không để nhớ các đứa con của mình trong mùa Vu Lan. Những đứa thì vô
danh, những đứa thì mang tên là liệt sĩ.
Nhiều năm trước, tôi có một anh bạn nhà nghèo nhưng đầy lòng hiếu
thảo. Mẹ già của anh bị bệnh tiểu đường, nhưng rất thích bánh Trung Thu.
Năm nào đến mùa, anh cũng đi tìm chỗ làm bánh dùng đường thuốc cho
người già để mua về cho mẹ. Ngày anh bệnh nặng vì lao lực, có lần anh
nói rằng, nếu được, sau khi anh mất đi, xin tôi nhớ thỉnh thoảng mua
giúp cho mẹ anh loại bánh trung thu đó. Nhiều năm sau khi anh mất, mỗi
lần tôi thay anh, mua tặng bà mẹ ấy hộp bánh Trung Thu, bà run run nhận
và luôn luôn im lặng bùi ngùi. Bà mẹ ấy nhìn ra khoảng rất xa, vô định.
Chẳng bao giờ có ai trên thế gian này có thể đi hết chiều dài trong
khoảng tối im lặng tíc-tắc, sát-na đó, của ánh mắt người mẹ nhớ về con
mình như vậy.
Tôi tin là từ ở một nơi rất xa nào đó, anh bạn tôi hay bất kỳ đứa con
nào nuối tiếc vì đành phải ra đi trước mẹ mình, cũng đều mong hạnh phúc
và bình yên cho đấng sinh thành. Họ không thể cài hoa trên ngực áo
mình, nhưng linh hồn họ luôn đâu đó, để chờ một nụ cười, chờ một nét
thanh thản đọng lại trên mặt mẹ.
Đối với kẻ vô danh hay liệt sĩ, mẹ luôn là tất cả. Mọi danh phận đều
hư ảo, chỉ còn lại phận làm con. Mới đây, bản tin mới đây, về chuyện Bộ
Thương binh Lao động Xã hội áp dụng nghị định 56 để từ chối phong tặng
chức danh cho các bà mẹ có con là liệt sĩ, chỉ vì bà mẹ đó đã tái giá,
làm biết bao người im lặng nhìn về hệ thống vô nhân đó.
Gậm nhấm những số phận mẹ già Việt Nam, tôi lại tự hỏi, nếu như mẹ đi
bước nữa, liệu những đứa con đã chết có còn nhìn mẹ không? Có rất nhiều
lời bàn tán về chuyện này, nhưng trồi lên giữa biển dư luận, là hình
ảnh người mẹ được ghi tên, bị sử dụng và xếp hạng chất lượng như một sản
phẩm quốc doanh.
Chắc chắn không có người mẹ nào muốn đeo huy chương từ cái chết con
mình. Và tất cả những người đã chết cũng chẳng có ai muốn từ mẹ, để được
làm liệt sĩ. Và tôi chắc là những vị quan chức ở Bộ Lao động Thương
binh Xã hội Việt Nam thời Cộng sản đã dành rất ít thời gian, để dám bước
ra khỏi các danh phận, để dám dành đôi chút thời gian nghĩ đến mẹ mình,
để hiểu và thương những người mẹ cô độc khác trên đất nước này, như giá
trị một con người.
Mới đây, có thêm câu chuyện nghe mà ấm lòng trong mùa Vu Lan: Một vị
bác sĩ ở Bình Thuận bị kỷ luật vì không chịu nhận nhiệm sở, khi được
thăng chức Phó giám đốc Sở Y tế, vì ông không muốn chuyển đi xa, để còn ở
gần săn sóc mẹ già đang bệnh. Có thể rất nhiều uẩn khúc trong câu
chuyện này, nhưng nếu vì sức khoẻ mẹ già mà ông L, vị bác sĩ ấy từ chối,
thì giữa một thế gian đầy những kẻ quên mẹ mình, xếp hạng mẹ mình, thậm
chí coi mẹ như một tấm huy chương, sự kiện này có thể là một bông hoa
ấm áp nở giữa Tháng bảy đầy u uẩn.
Trở lại suy nghĩ ban đầu của mình, tôi không biết những đứa con phải
ra đi trước mẹ mình sẽ cài hoa gì lên ngực trong mùa Vu Lan này? Chắc là
không thể nữa, nhưng trái tim và linh hồn của những con người biết
nghĩa đã là một đoá hoa vô thường, mãi mãi nằm trên ngực, trên trán họ.
Còn với những quan chức khác loài người vẫn đang xét duyệt các mẹ già
như một sản phẩm của công việc? – họ cũng sẽ chẳng cần một bông hoa nào.
Cái họ thích và mong mỏi trong trái tim, có lẽ chỉ là những huy chương
và danh hiệu. Mùa Vu Lan với họ sẽ chẳng bao giờ có hoa hồng, mà chỉ có
sự giả dối toả bừng trên mặt.
______________________________________
Ảnh minh hoạ:
“Tranh đen số 44” (2008) của Nguyễn Thái Tuấn. Sơn dầu, 130 x 100cm.
Ảnh minh hoạ:
“Tranh đen số 44” (2008) của Nguyễn Thái Tuấn. Sơn dầu, 130 x 100cm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét