Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

554. CÁI NẾT KHÔNG CHỪA!



      Người ta thường nói “bệnh nghề nghiệp”, “thói quen nghề nghiệp”, “méo mó nghề nghiệp”, “táy máy nghề nghiệp”… để chỉ một ai đó thường can dự vào việc làm của người khác nếu người đó bàn bạc hay làm đúng nghề của mình. Xưa nay, tôi cho rằng những cụm từ ấy cũng chỉ là lời nói bình thường, nếu có phê phán cũng nhẹ nhàng thôi. Tôi không nghĩ đó là một căn bệnh tự phụ, tâm lí đề cao cái tôi của con người. Mà đã đề cao cái tôi thì thường kéo theo những trạng thái tâm lí (tư tưởng) như cố chấp, bảo thủ, cảm cựu,… Bây giờ, ngồi ngẫm lại, tôi thấy đúng, đó là bệnh. Và tôi là một người đang mắc phải căn bệnh đó.
       Chả là… Dù đã từ giã sân khấu giáo dục, nhưng mỗi lần nghe những từ hay cụm từ đại để như dạy học, thầy cô giáo, thi tốt nghiệp THPT, thay sách giáo khoa, cải cách giáo dục,… thì y như rằng tôi không kìm nén nổi mình. Tôi nói, thậm chí độc chiếm diễn đàn, cưỡng bức và tước đoạt hết nhu cầu đối thoại, giãi bày của những người trong cuộc thoại. Nhiều lắm, những lần ngồi một mình, tịnh tâm, tôi thấy mình không nên như thế, nhưng rồi tự xé bỏ “thân ước” do mình soạn ra… một cách dễ dàng.
        Chẳng hạn, nghe chuyện về các phương án thi THPT quốc gia, chuyện hội thảo cải cách giáo dục đại học do Trung tâm Hoa Kỳ tại Sài Gòn tổ chức ngày 31-7,… Tôi không thể ngồi yên và im lặng được. Tức tốc tôi giả vờ đi thăm bạn bè… để giãi bày. Và tôi nói về cái rối rắm của ba phương án ra đề thi (môn thi), Nào là thi theo môn, thi theo bài. Thi theo môn thì rõ rồi, xưa nay đã làm. Thi theo bài mới đáng nói, có hai phương án: phương án thứ nhất tách toán, ngữ văn thành bài thi riêng, bên cạnh bài thi khoa học tự nhiên, bài thi khoa học xã hội và bài thi ngoại ngữ; phương án thứ hai gộp toán-tin thành bài, đưa ngữ văn vào bài thi khoa học xã hội. Môn hay bài gì mà chả được. Vấn đề là có khách quan, khoa học và chất lượng không. Với lại có nhất thiết tổ chức kì thi THPT quốc gia không. Tại sao không dành kì thi ấy cho tuyển sinh đại học.
         Chuyện THPT là thế. Còn chuyện hội thảo cải cách giáo dục đại học, tôi nói về cái sướng của mình khi đọc những bài tham luận, 6 yêu cầu cải cách bậc đại học. Nói chung, đại học phải tự trị, phi lợi nhuận, một trung tâm khoa học lí thuyết và ứng dụng tiên tiến,… Tôi nói về tự trị của Đại học miền Nam trước 1975. Nói về tuyển sinh, tuyển chọn giảng viên, nói về cách học tập của sinh viên thời tôi,… Tôi nói “không cho miệng kịp kéo da non” (mẹ tôi thường mắng tôi như thế mỗi khi tôi liếng thoắng nhiều lời). Bạn tôi có người góp chuyện, có người ậm ừ. Tôi tưởng họ “chịu đèn” nên nói tới liên hồi, và kết luận: cải cách giáo dục đại học ư?  Nó là chỉ dấu của tương lai (gần hay xa “nỏ biết”!). Nó làm lại cái người ta đã làm, chỉ khác ở sự thay đổi từ ngữ, từ “tự trị” thành “tự chủ” thôi.
      Nói đã rồi về với nét mặt giương giương. Tôi là thế. Bệnh có vẻ mạn tính cũng ở đó. Cũng may, khi về, một anh bạn nói nhỏ: “Ông mắc phải bệnh nghề nghiệp nặng quá. Đúng là “Đánh chết cái nết không chừa”! Nhưng không sao. Bọn tớ sẵn sàng nghe tất tật những gì ông nói. Bởi, nếu không ông lại mắc bệnh khác thì khổ”. Bệnh gì?, tôi hỏi gặn. Bệnh trầm cảm hay stress chớ gì!
      Tôi ờ ờ. Hóa ra, nói nhiều cũng là bệnh nhưng cũng là cách chữa bệnh. Đời này lạ thật!
      Hoàng Dục
      5-8-2014
      __________


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét