Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

556. GIỚI THIỆU SÁCH "GIÓ TỪ BÀN TAY MỞ"

HD: Đây là bài viết của Du Tử Lê, giới thiệu tác phẩm của Lê Đình Đại, một người em thân thương. 
 
Lê Đình Đại, “Gió Từ Bàn Tay Mở” Hay, Những Tình Khúc Từ Một Trái Tim Nhân Ái, Lớn

Và, Nguyễn Lương Việt.
Nếu không kể những tác phẩm văn xuôi nhàn nhạt thì, cõi giới văn xuôi của những người trẻ trong nước cũng như hải ngoại, gần đây, có xu hướng nghiêng nặng về những nỗ lực trưng diễn ám ảnh và, phản ứng hóc hiểm, rồ, dại về dục tính!

Đó là số tác giả chủ trương cường điệu hóa những tình huống hoang tưởng một cách suồng sã. Chẳng những nó trái chiều nhân bản mà, còn quá đặc thù - - Hiểu theo nghĩa chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, được đặt trên bục cao của cố gắng mê sảng, sơn phết những bức tranh nằm xa,  (quá xa) biên độ đời thường.
Phải chăng vì thế, khi nhận, đọc tập truyện “Gió từ bàn tay mở” của Lê Đình Đại (một bác sĩ có trên mười năm tình nguyện chăm sóc bệnh nhân tâm thần ở Bệnh viện Tâm thần Hòa Khánh, Đà Nẵng); tôi đã phải tự che, chắn trước những trận gió cảm xúc rưng rưng tình người, họa hiếm, tác phẩm đem lại? (*)
Đọc “Gió từ bàn tay mở” (GTBTM) nhiều lần, tôi cảm tưởng họ Lê không chủ tâm đi vào cõi giới văn chương, như một kiếm tìm xa xỉ, phù phiếm cho vắn vỏi kiếp người. Dù mỗi con chữ trong những truyện ngắn và, cực ngắn của ông, đều xao xuyến nhịp đập nhân ái.  
Lê Đình Đại viết dễ dàng, đơn giản mà cảm động. Tựa đó là những trang nhật ký, hay tự sự kể của một chứng nhân sống giữa những người điên. Thế giới khác. Một loại địa ngục có thực, trên mặt đất!
Từ đó, tôi nghĩ, họ Lê viết, như một nhu cầu tự cứu rỗi. Một lối thoát cho những cảnh đời đáy bùn, vực sâu ông chứng kiến hoặc, đã gia công cứu vãn!
Mỗi con chữ trên trang văn của Lê Đình Đại, không chỉ cho thấy nó được chắt ra từ lương tâm một thầy thuốc mà, còn từ trái tim từ bi, trong sáng. Dù không ít lần, hồi quang từ lòng nhân ái của họ Lê, lại làm thành những vết-thương-trầm-cảm! Khiến Lê Đình Đại phải đau lòng viết xuống:
…Bệnh tật như con tàu lao nhanh về phía trước, còn nền y học như kẻ bộ hành từng bước đuổi theo…” (GTBTM trang 41)
Và, Lê Đình Đại đã bậm môi thú nhận:
Đã bao năm trôi qua, đã bao lần tôi muốn bỏ nghề đi làm việc khác mà sao tôi vẫn ở đây?” (GTBTM, trang 26)
Tuy nhiên, không vì thế mà họ Lê có thể cởi áo. Quay lưng!
Tôi nghĩ, định mệnh Lê Đình Đại là định mệnh của ngọn nến (liu điu)! Định mệnh của kẻ đem ánh sáng (chấp chới) đến cuối đường hầm tuyệt vọng, cho những bệnh nhân tâm thần. Những con người dễ bị ghẻ lạnh, lãng quên!
Định mệnh đó, định mệnh Lê Đình Đại, kẻ mở rộng lòng tay (buông xả!) để nhận đón, chia sớt làn gió buồn / vui nhân thế:
Chao ôi! Khe khắt mà bao dung, cánh cửa sự sống từng khép chặt lại ngày nào giờ đây bỗng tung mở, chân trời mới ló dạng và hạnh phúc biết bao sự sống lại gọi về. Sự phục sinh đã về. Đôi mắt chị giờ đây lại được nhìn thấy con, thấy chồng và được khóc trong vòng tay của những người thân yêu nhất. Những ánh mắt lung linh, lung linh mãi.” (GTBTM, trang 44).
Hoặc ngắn gọn hơn:
Những bông hoa đẹp nở từ thẳm sâu cơ cực.” (GTBTM, trang 39).
Đó là lý do Lê Đình Đại không thể rời bỏ con đường “thương khó” đã chọn?
Dường như có một sợi dây vô hình, một tình yêu xanh thẳm níu giữ chân mình…và tại sao tôi lại yếu mềm đến thế! Hôm chia tay với Mừng, cái ngày xa xưa ấy trong mắt mình ngấn lệ…
“Giờ đây, tôi mới thực sự hiểu mình. Tôi biết tôi đang đi về phía ấy…Người đi về phía thâm trầm và thơ mộng…” (GTBTM, trang 26) 
Tôi không nghĩ tôi hiểu rốt ráo cụm từ “Người đi về phía thâm trầm và thơ mộng”! Nhưng tôi có thể quả quyết:
Đó là phía của những trái tim nhân ái lớn!.!
Những trái tim từ-ái lớn làm thành những lẵng-hoa-nhân-loại-thương-yêu. Quên mình, cho kẻ khác.   
Và, đó cũng là một trong những lý do khiến nhân gian còn tồn tại đến hôm nay?
Nếu đúng vậy, tôi nghĩ, Lê Đình Đại là nhà văn có chiều cao (rất cao), hơn những cây bút hớn hở tự móc, treo mình trên những hô hoán! Bỗ bã!   
Tôi muốn ví những trang văn của họ Lê, như những tình khúc đi ra từ một trái tim nhân ái, lớn. 
Du Tử Lê
(Garden Grove, tháng 6-2013)
………………………………………………………………………………
(*): “Gió Từ Bàn tay Mở”, Văn Học xuất bản, gồm 15 truyện ngắn cho phần thứ nhất. Trong số này, có 3 truyện của nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt, được Lê Đình Đại ghi lại, theo lời kể của Nguyễn.
(Tưởng cũng nên nói thêm, Nguyễn Lương Nhựt là bào đệ của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, bào huynh của b.s. Nguyễn Lương Việt (bạn học, đồng nghiệp của Lê Đình Đại). Là một trong những bệnh nhân quen thuộc của Bệnh viện Tâm thần Hòa Khánh. Nguyễn Lương Nhựt là tác giả của hai câu thơ đắng lòng, viết mừng một bạn điên khỏi bệnh, trở lại được đời thường: “Mừng ơi! Bạn được làm người / hồn cây lá cũng vui cười xôn xao…” Phần thứ nhì, gồm 5 bút ký. Và, phần thứ ba, có 4 bài thơ.        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét