Mỗi lần trò chuyện với bạn bè thì
y như rằng cố hương vẫn là một đề tài muôn thở. Cố hương luôn hiện rõ mồn một
như chẳng có sự khuất che của lớp sương khói thời gian. Mới hay, nỗi nhớ quê
xưa âm thầm mà mãnh liệt, mãi luân lưu trong lòng những ai xa quê. Tôi không
hiểu tại sao, nhưng có lẽ quê cũ là nơi ta sống trong những ngày thơ bé. Quê
hương và tuổi nhỏ, làm sao mà quên được.
Riêng với tôi, quê hương còn là những gì
của hôm qna và hôm nay bắt tôi nhớ về. Quê hương của Lễ Thu tế, của Lễ Mừng thọ
và trao học bổng Khuyến học cho các em học sinh, sinh viên đạt thành tích trong
năm học 2012-2013. Quê hương là những ấn tượng đẹp ấy đã chuyển hóa thành nỗi
nhớ là như thế.
Nhớ lại ngày nào. Như là cái duyên, lần
về quê ấy, tôi được dự Lễ Mừng thọ và trao học bổng Khuyến học cho các em học
sinh các cấp do Ban Điều hành làng chịu trách nhiệm tổ chức hàng năm. Cũng như
mọi lần, năm nay học bổng được trao vào dịp lễ Thu tế, tại nhà tăng của đình
làng.
Buổi lễ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng trong
một không gian giản dị mà thắm đậm nghĩa tình. Chẳng có nhiều băng rôn, biểu
ngữ; cũng không lắm bông hoa khoe sắc ở những bình nọ lẳng kia. Ngoài các viên
chức xã Điền Môn, cô Nuyễn Thị Hồng, Hiệu trường trường Tiểu học Điền Môn, thầy
Đặng Văn Ngô, Phó Hiệu trưởng trường THCS Phú Thạnh; tất cả đều là những con
người quê tôi đang hội tụ nơi đây. Đó là các bác của các tộc họ với áo gấm xanh
hoa văn vàng, đầu đội khăn đóng chỉnh tề. Đó là các anh chị ở xa về trong Âu
phục trẻ trung. Đó là các cháu học sinh, sinh viên, những thành viên nhỏ tuổi
của cộng đồng làng Kế Môn, đạt thành tích cao trong năm học 2013. Tôi chẳng tìm
thấy một chút trịnh trọng, hình thức nào trong dáng vẻ, trên nét mặt của những
con người ấy. Ở họ vẫn đậm chất dân dã, khuôn mặt toát ra vẻ đẹp chất phác và
hiền hòa.
Sau tuyên bố lí do, giới thiệu thành phần
tham dự là Lễ Mừng thọ các cụ:
- Hồ Thược;
- Trần Truy;
- Lê Thị Cúc;
- Nguyễn Thị Dị;
- Hoàng Thị Mau;
- Võ Thị Xa.
Khi các cụ được mời lên nhận quà, tôi
chỉ thấy bốn cụ (có 2 thanh niên, có lẽ nhận thế cho ông bà của họ vì yếu không
đến được). Trong bốn cụ, có cụ tôi biết, có cụ không. Trông cụ nào cũng khỏe và
tươi tỉnh. Dù khuôn mặt đã bớt đi nét biểu cảm, nhưng vẫn thấy các cụ vui khi
được chúc thọ và được nhận quà mừng. Mỗi phần quà là một bộ áo gấm. Cụ ông được
nhận một bộ áo gấm màu đỏ, cụ bà màu
vàng. Lời chúc rất kiệm và mộc; quà quá khiêm tốn nhưng đó là nghĩa tình của
người dân quê tôi, đó là tính nhân văn và cũng là “trọng già già để tuổi”, một
bài học đạo lí của người Việt bao đời.
Tiếp theo là trao học bổng cho các em
học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong năm học 2013. Học bổng được trao
nhiều đợt, từ cấp tiểu học đến đại học. Cấp THPT có 13 em học sinh trường THPT
Tam Giang; cấp THCS có 15 em học sinh của trường THCS Phú Thạnh; cấp Tiểu học
có 33 em học sinh trường Tiểu học Điền Môn. Riêng học sinh đỗ đại học năm 2013
có 7 em:
- Đặng Thị Tuyết, con ông Đặng Hữu
Khản, Đại học Du lịch Huế;
- Phạm Đăng Lộc, con bà Đặng Thị Hảo,
Đại học Mĩ thuật Huế;
- Trần Minh Hoàng, con ông Trần Nghỉ,
Đại học Du lịch Huế;
- Hoàng Thị Thảo, con ông Hoàng Ngọc
Sơn, Đại học Sư phạm Huế;
- Hồ Minh Quỳnh Nhi, con ông Hồ Thuận,
Đại học Kinh tế Huế;
- Hoàng Thị Trang, con ông Hoàng Công
Minh, Đại học Kinh tế Huế;
- Hồ Tá Quý, con ông Hồ Tá Khanh, Đại
học Bách khoa Đà Nẵng.
Trên 68 khuôn mặt của các em, tôi vẫn dễ
dàng nhận ra nét “chân quê” vừa mộc mạc vừa rụt rè nhưng rất tự nhiên, không
giả tạo. Chỉ có các em sinh viên năm thứ nhất, do độ tuổi và ít nhiều đã “kinh
lịch” phố thị nên dáng dấp, phong thái có vẻ “thị dân” nhưng không đến nỗi Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội
bay đi ít nhiều (Nguyễn Bính- Chân quê).
Tôi cảm giác như các em hôm nay là tôi
hôm qua. Ngày ấy, cái tôi “nhà quê” của tôi ngơ ngác chốn thị thành nhưng lòng
rộn vui vì được học. Được học mãi là một niềm vui lớn. Nhìn các em mà lòng bâng
khuâng đến nỗi buổi lễ kết thúc rồi mà tôi con mơ tưởng.
Buổi lễ không dài, không ồn ào, không
náo nhiệt nhưng đọng mãi trong tâm trí tôi. Lòng cứ bâng khuâng, tôi ngồi trò
chuyện với anh Bùi Giây-Trưởng ban Điều hành làng, anh Lê Quang-Thư kí làng.
Hóa ra, học bổng Khuyến học của quê tôi đã hình thành được 13 năm, kể từ khi Kế
Môn được công nhận là Làng Văn hóa vào năm 2002. Mới hiểu tại sao ông Phạm Do,
Chủ tịch xã trong lời phát biểu đã ca ngợi và mong dân làng gìn giữ và phát huy
truyền thống khuyến học này. Hóa ra,… tôi như một kẻ lặng lẽ ôm nỗi nhớ quê của
mình mà mơ tưởng, còn hiện thực quê hương thế nào cứ mặc như gió thoảng ngoài!
Tôi giật mình và tôi đã vui trước lời lẽ
của ông Phạm Do. Tôi vui vì quê tôi đã hình thành và phát triển thêm một nét
truyền thống đẹp. Nhưng tôi cũng thấy lòng chùng xuống khi nghe giọng không vui
của anh Bùi Giây. Anh bảo, Ban điều hành và dân làng rất ý thức động viên cho
con em học tập nên mới lập ra quỹ khuyến học, nhưng cũng eo hẹp lắm. Cho nên,
năm 2012, không thể trao học bổng được vì cạn quỹ. Năm nay, cũng may có sự hỗ
trợ 5 triệu đồng của Hội đồng hương Kế Môn tại Thành phố Sài Gòn, 3,5 triệu của
Câu lạc bộ Trẻ Kế Môn-Đà Nẵng. Thế mà vẫn thiếu, phải vận động anh Trần Duy
Mong hỗ trợ thêm 1 triệu. Tiền của Hội đồng hương tại Sài Gòn nhập chung với
tiền mà dân làng đóng góp đem chia đều cho các suất học bổng dành cho các cháu
tiểu học và trung học. Còn các cháu đỗ đại học năm 2013 thì do Câu lạc bộ Trẻ
Kế Môn-Đà Nẵng trực tiếp trao. Anh Trần Văn Đức, Trưởng ban Khuyến học của Câu
lạc bộ, đại diện trao cho các cháu trong buổi lễ như đã thấy.
Nghe anh mà tôi cứ nghĩ bâng quơ. Đúng là
quỹ học bổng do dân đóng góp hàng năm chẳng đủ thiếu vào đâu. Hôm qua ngồi cà
phê với một số anh em trong làng. Các anh ấy bảo, dân mình nghèo, mỗi người cố
gắng đóng một năm 100 ngàn đồng-số tiền lớn đối với nông dân- một phần chi cho
lễ Thu tế, một phần làm quỹ học bổng nên hạn hẹp lắm! Tôi bảo, thế là rất quý
rồi. Nhưng…nghe nói, năm nào cũng có nhà hảo tâm tặng học bổng kia mà. Hình như
có quỹ học bổng Hồ Tá Khanh. Ông Hồ Huệ cũng nhiều năm về trao học bổng cho các
cháu đỗ đại học… Ừ,… thì có nhưng ai cũng muốn trao riêng, trao trực tiếp, trao
vào dịp… của họ. Tôi đâm ra mong ước như anh Bùi Giây. Học bổng thì có nhiều
người trao nhưng không tập trung. Thành ra, hoạt động Khuyến học của làng cứ
thất thường đầy vơi. Mong sao tất cả quy về một mối như cách làm của Hội đồng
Hương ở Sài Gòn, của Câu lạc bộ Trẻ tại Đà Nẵng… thì đẹp biết mấy.
Thực ra, tôi không chỉ mong ước mà tôi
tin, truyền thống Khuyến học của làng Kế Môn sẽ mãi phát triển và ngày càng lớn
mạnh hơn. Truyền thống ấy sẽ không còn có hiện tượng đứt quãng như năm 2012,
nếu tất cả người làng tôi ở khắp nơi tìm được tiếng nói chung, khi Ban điều
hành vận động. Có ai yêu quê mà không muốn làm một việc gì đó có ích cho nơi
chôn nhau cắt rốn của mình!
Quê hương trong tôi là thế. Như mọi
người, những gì thuộc về quê hương đều đáng yêu đáng nhớ. Tôi làm sao không ghi
nhớ mãi ngày 9 tháng 8 năm 2014, tức là ngày 14 tháng Bảy Âm lịch, ngày tôi
được dự lễ Mừng thọ và trao học bổng khuyến học tại quê nhà.
Hoàng Dục
9-9-1014
_________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét